Một dòng họ có hơn 50 người tình nguyện hiến xác cho khoa học
Hiến xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp nhưng ít ai dám làm. Vậy mà ở Đồng Tháp, dòng họ của anh Dương Văn Tài (xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh) có hơn 50 người đăng ký hiến xác cho khoa học.
Kiên quyết hiến xác dù bị nghi… tâm thần
Cách đây hơn 2 năm, cụ Phan Thị Mận (mẹ anh Dương Văn Tài) mất. Gia đình anh đã thực hiện tâm nguyện hiến xác cho khoa học của cụ trước đó. Tang lễ của cụ được tổ chức đơn giản, sau đó thi hài cụ được gia đình chuyển giao cho Trường Đại học Y dược TPHCM để phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu. Tâm nguyện hiến xác của cụ Mận cũng xuất phát từ tấm gương của cụ ông là Dương Tự Tín (đã qua đời trước đó), cụ cũng đã nguyện hiến xác cho khoa học.
Trong căn nhà giản dị của gia đình tại ấp Hòa Lợi, anh Dương Văn Tài kể: “Không biết cụ Dương Tự Tín có ý định hiến xác cho khoa học từ lúc nào. Chỉ biết dù tuổi đã 80 nhưng cụ vẫn giữ được thói quen đọc sách, xem tin tức truyền hình và đạp xe đi khắp nơi để thăm bạn bè, người thân. Bất ngờ, một ngày nọ ông cụ bày tỏ với gia đình ý định hiến xác cho khoa học và nhờ các con tìm mẫu đơn cho cụ đăng ký hiến xác.
Lúc đó, tôi nghĩ là ba tôi nói cho vui, vì ở địa phương có ai nghe nói đến chuyện hiến xác bao giờ. Nhưng ông cụ cứ nhắc lại việc này nên anh em trong gia đình nói: “Quan niệm của con người sống thì có nhà, khi chết phải có mồ cho con cháu đến thăm viếng, chăm nom. Nếu hiến xác thì không có mồ. Ba nghĩ sao? Ông cụ trả lời gọn lơ: “Sống có ích cho xã hội nhưng khi chết mình vẫn còn có ích, giúp đỡ được cho xã hộ, sao mình không làm”. Qua câu nói đó của cụ, chúng tôi ai nấy đều nghe theo”.
Từ tấm gương của chồng mình, cụ Mận đã bỏ quan điểm “mồ yên, mả đẹp” để hiến xác cho khoa học
Khi có mẫu đơn, cụ Dương Tự Tín viết rồi ký tên và tự mình đạp xe đem xuống xã xác nhận. Tuy nhiên, chuyện hiến xác của cụ lúc bấy giờ ở địa phương là chuyện chưa có tiền lệ nên khi nhìn thấy mẫu đơn hiến xác, các cán bộ địa phương không chịu ký tên, họ ngỡ ngàng và bảo ông cụ về.
Anh Tài nói: “Ba tôi kiên quyết lắm, ông đạp xe đi lại nhiều lần đến xã nhờ ký tên, đóng dấu. Ông bảo mình sẵn sàng đi giám định tâm thần để người ta biết mình tỉnh táo. Việc làm của ông cụ hoàn toàn tự nguyện muốn cống hiến cho ngành y”. Cuối cùng ông cụ cũng thực hiện được ý định hiến xác của mình.
Ông cụ qua đời cuối tháng 12/2007, cụ Tín mất nhưng trước đó ít lâu cụ vẫn không quên căn dặn con cháu phải cho trường Đại học Y TPHCM xuống lấy thi hài cụ về để phục vụ nghiên cứu, học tập. Thực hiện theo ý nguyện của ông cụ, gia đình anh Tài đã gọi điện cho nhà trường để chuyển giao thi hài của cha.
Đám tang của cụ Tín được gia đình anh Tài thực hiện đơn sơ. Tuy nhiên người đến chia buồn với gia đình rất đông, ai cũng muốn nán lại xem các nhà khoa học lấy thi hài ra sao.
“Chuyển giao thi hài của ba cho trường đại học nghiên cứu, gia đình cũng xót xa lắm. Tuy nhiên, nghi thức lấy thi hài của ba diễn ra rất trang trọng chúng tôi cũng ấm lòng. Anh em trong gia đình đã thực hiện theo ý nguyện của ba”, anh Dương Văn Tài bồi hồi tâm sự.
Phong trào hiến xác lan tỏa
Video đang HOT
Đưa tiễn ông cụ đến trường Đại học Y dược TPHCM và chứng kiến nhà trường tiếp nhận bảo quản thi hài người cha thân yêu, lúc ra về, cảm giác bịn rịn lưu luyến của những người thân trong gia đình của anh Tài chưa hết, thì điều bất ngờ đã đến. Cụ Phan Thị Mận mẹ anh Tài lại cho biết bản thân mình cũng sẽ hiến xác cho khoa học và căn dặn các con làm đơn cho bà.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh Dương Văn Tài nhớ lại: “Mẹ tôi có tâm nguyện lúc mất sẽ được chôn cất trong khu vườn nhà, quanh mộ của bà trồng nhiều hoa và cây xanh để con cháu thăm viếng. Tuy nhiên, thông qua việc làm ý nghĩa của ba tôi đã khiến mẹ thay đổi ý định và thực hiện theo”.
Theo ý mẹ, anh Tài lấy mẫu đơn hiến xác đăng ký cho mẹ và photo thêm nhiều bản nữa để bản thân anh và nhiều người thân trong gia đình đăng ký hiến xác.
Vào cái ngày cụ Phan Thị Mận mất, gia đình anh Tài đã báo cho trường Đại học Y dược đến bàn giao thi hài của mẹ mà lòng không khỏi tiếc thương xen lẫn tự hào.
Noi gương theo cụ Tín và cụ Mận, bỏ qua quan niệm chết được “toàn thây”, mồ yên mả đẹp, gia đình và người thân anh Tài hầu hết đã đăng ký hiến xác; đồng thời vận động mọi người tham gia phong trào hiến xác cho khoa học.
Từ nghĩa cử cao đẹp của gia đình anh Tài, phong trào hiến xác cho khoa học đã lan toả ở địa phương
Anh Tài cho biết: “Trong gia đình mình hầu hết anh, chị em đều đã đăng ký hiến xác cho khoa học. Vợ anh, ba mẹ vợ, anh vợ, chú và những người thân khác… cũng đã đăng ký hiến xác”.
Để nhiều người đăng ký hiến xác cho khoa học, anh Tài còn photo thêm nhiều mẫu đơn để ở nhà và ở cơ quan cho mọi người biết tham gia. Đi đến đâu anh cũng mang theo thẻ hiến xác của bản thân để chứng tỏ cho mọi người thấy mình không phải là người ngoài cuộc. Tiếng lành đồn xa, khi nghe thông tin hiến xác của gia đình anh, nhiều người ở xa cũng không ngần ngại gọi điện tìm anh xin mẫu đơn hiến xác để đăng ký. Như trường hợp của một cô giáo sống ở thị xã Sa Đéc đã được anh chuyển mẫu đơn và đăng ký hiến xác.
Khi được anh tuyên truyền về việc đang ký hiến xác, có người e dè, cũng không ít người đặt câu hỏi việc anh làm có đem lại lợi lộc gì cho anh không? đăng ký hiến như thế có được hỗ trợ tiền không? Anh chỉ cười và giải thích cho mọi người biết việc làm trên chỉ là tự nguyện vì được sống – chết mà đem lại lợi ích cho nhiều người, cho xã hội. Đó là điều quý giá nhất.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Quốc Tiến – Chủ tịch UBND xã Hoà An, TP Cao Lãnh – cho biết: “Tuy tôi mới về đây nhận công tác nhưng đã nghe “tiếng lành” về gia đình và người thân anh Tài trong việc hiến xác cho khoa học. Từ việc làm ý nghĩa của gia đình anh Tài, phong trào thật sự lan rộng ở địa phương và tính đến nay, đã có trên 15 hộ đăng ký hiến xác cho khoa học”.
Chị Dương Thị Gián, chị gái của anh Dương Văn Tài, cho biết: “Bản thân chị em tôi rất hạnh phúc khi việc làm của ba mẹ có nhiều người thực hiện theo. Hiện tôi sống và làm việc tại Bạc Liêu, khi kể về việc hiến xác của ba mẹ và anh chị em trong gia đình, nhiều người cũng đã xin mẫu đơn đăng ký theo, đến nay đã có hơn 50 người đăng ký hiến xác”.
Trước khi chúng tôi ra về, anh Tài đọc cho chúng tôi nghe bài thơ cụ Tín để lại, trong đó có nhiều câu thơ giản dị mà chân thành, ý nghĩa: “Cao quý làm sao những xác thân/ Không màng bảo quản bách niên phần/ Tim gan phục vụ cho y học/ Xương thịt hiến dâng giúp thế nhân/ Góp mặt với đời khi tại thế/ Chen vai bằng hữu lúc ly trần/ Mai sau thành đạt ai nên nhớ/ Đem sức đem tài tế độ nhân”.
Hà Nguyễn – Nguyễn Hành
Theo Dantri
"Bộ"... đường sắt: Hình ảnh trì trệ trong mắt người dân!
Ra đời đã hơn 100 năm nhưng cho đến nay đường sắt vẫn thiếu đồng bộ và thiếu tiêu chuẩn. Đường sắt độc quyền, trì trệ và cứ như thể "ta chẳng cần ai". Ngành không thể hiện mình là một doanh nghiệp mà dường như nghĩ bản thân là "Bộ đường sắt"!?
Lãnh đạo chơi golf, kinh doanh thua lỗ, công nhân thất nghiệp
Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) có chiều dài gần 2.700km (chưa kể 461km đường ga và đường nhánh). Kết cấu hạ tầng đường sắt được Nhà nước đầu tư kinh phí để quản lý và bảo trì, còn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chi trả phí sử dụng kết cấu hạ tầng.
Xưa nay, ngành này vẫn được xem là có vai trò chủ đạo trong hoạt động giao thông vận tải (GTVT) quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh và năng lực vận tải của đường sắt lại kém nhất so với các loại hình vận tải khác và đang trong tình trạng "báo động đỏ". Mặc dù có rất nhiều ưu tiên và lợi thế dành cho ngành đường sắt nhưng ngành này lại không thể tận dụng và phát huy có hiệu quả.
Ngành đường sắt lâu nay vẫn tỏ thái độ độc quyền, bao cấp
Bằng chứng là thị phần đường sắt ngày càng có xu hướng bị thu hẹp do sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện cá nhân, các loại hình vận tải khác biết cách "đi trước đón đầu", đã bứt phá mạnh mẽ trong những năm qua như kinh doanh ô tô, máy bay giá rẻ, vận tải đường biển... Năm 2013, toàn ngành đường sắt đạt doanh thu hơn 11,3 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, ngành hàng không mang lại doanh thu tới hơn 70.000 tỷ đồng. Vậy nên lương trung bình hàng tháng của nhân viên hàng không cao gấp 2 - 3 lần so với thu nhập của nhân viên đường sắt.
Chính lãnh đạo ĐSVN cũng phải thừa nhận, ngành đường sắt đang trong thực trạng lạc hậu về công tác bán vé thủ công, dịch vụ trên tàu còn nghèo nàn, đắt đỏ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, yếu kém, tàu thường chậm giờ và đặc biệt, giá vé không hề rẻ so với các loại hình vận tải khách hiện nay. Vì thế, hành khách đi tàu đường dài giảm rất mạnh.Cuối năm 2013, do không kham nổi nên ngành đường sắt đã có kế hoạch cắt 5 đôi tàu chợ (tàu dành cho người nghèo) để tránh thua lỗ 900 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên kế hoạch này không được chấp thuận.
Ít ai biết rằng, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có hơn 500 lao động ngành đường sắt phải nghỉ việc, trong đó có nhiều người lao động tay nghề cao. Trong khi đó, đích thân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã phải lên tiếng cảnh cáo rằng "ngành đường sắt đang rất khó khăn, đang rất nhiều việc phải làm nhưng cán bộ lại dành thời gian đi chơi golf nhiều hơn cả ngành hàng không".
"Thiếu việc làm nên người lao động phải nghỉ, nhiều công nhân cố làm nhưng lương rất thấp, không đảm bảo đời sống. Vậy không hiểu trước khi vác gậy đi chơi môn thể thao của giới thượng lưu thì những người "đứng đầu đứng mỏ" của ngành đường sắt có nghĩ gì về sự khốn khó của người lao động!?" - người đứng đầu ngành GTVT từng đặt câu hỏi.
(ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
Trên thực tế, đường sắt yếu kém và độc quyền đến mức Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhiều lần phải nhắc nhở gay gắt: "Đừng để người dân nghĩ đến đường sắt là nghĩ đến một hình ảnh trì trệ! Muốn xây dựng một quy trình làm việc hiện đại nhất, khoa học nhất phải xuất phát từ trái tim, từ lương tâm và trách nhiệm".
"Tội"... độc quyền
Có lẽ không cần phải nói nhiều về những trì trệ, lạc hậu và yếu kém trong quản lý, kết quả thua lỗ bi bét trong kinh doanh của ngành đường sắt, bởi đó là những chuyện ai cũng thấy, ai cũng có thể hiểu. Và vấn đề của ngành đường sắt đến nay càng bức xúc hơn khi việc "chia lửa" với đường bộ đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Phụ trách quản lý lĩnh vực đường sắt từ năm 2012 đến nay, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông chỉ rõ, đường sắt cắt khúc quá nhiều, không chịu trách nhiệm đến cùng đối với hàng hóa nhận vận tải nên các chủ hàng thấy chán mà tìm cách chuyển sang đường bộ.
"Tôi đi kiểm tra ở ga Yên Viên - Hà Nội mà chỉ thấy có vài cái container lèo tèo, có mặt bằng, có chỗ để bốc xếp nhưng không chịu làm. Vấn đề ở đây là năng lực vận tải, chi phí bốc xếp và phương thức kết nối chứ không phải do hạ tầng như đường sắt. Chuyện hạ tầng sẽ không thể giải quyết ngay được trong một sớm một chiều, nhưng nếu tổ chức lại thì có thể làm được" - Thứ trưởng Đông nhận định.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, để thay đổi đường sắt, Nhà nước phải quản lý tốt hơn nữa hạ tầng và tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, để khi xã hội hóa thì tư nhân tham gia vào hoạt động vận tải đường sắt và cạnh tranh lành mạnh.
Mỗi năm có hơn 500 người lao động đường sắt mất việc (ảnh minh họa: Nguyễn Duy)
Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Đông, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, xã hội hóa đường sắt là một giải pháp tốt. Hiện các đường nhánh từ đường sắt quốc gia vào các cảng, các khu công nghiệp kết nối kém. Vì thế, ngành đường sắt phải đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ để nâng cao năng lực vận tải.
"Không có tiền thì đường sắt phải vay vốn mà đầu tư chứ không thể ngồi chờ vốn ODA hay tiền ngân sách Nhà nước rót xuống" - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
TPHCM: Chi hơn 220 tỷ đồng bảo vệ trẻ em Theo báo cáo của UBND TP, trong 3 năm (2011 - 2013), TPHCM đã chi hơn 220 tỷ đồng để thực hiện các mô hình bảo vệ trẻ em (BVTE) khỏi các nguy cơ bị ngược đãi, xâm hại, bóc lột, bạo lực... Kinh phí để thực hiện Chương trình BVTE của thành phố trong thời gian qua được chi chủ yếu từ...