Một dịp ghé thăm Tuy Hòa
Có dịp, đại gia đình chúng tôi tề tựu, sum vầy và rất tình cờ, chúng tôi quyết định làm một chuyến ngao du sơn thủy Tuy Hòa, Phú Yên.
Trong chuyến lữ hành ngắn ấy, chúng tôi tranh thủ tham quan nhiều nơi được xem là tiêu biểu của Tuy Hòa.
Vượt qua đèo Cổ Mã (Vạn Ninh) và đèo Cả từ Khánh Hòa ra, đoàn có dịp tận mắt ngắm nhìn nét đẹp kỳ vỹ của thiên nhiên ngay trên đoạn đường đi. Lữ khách phóng tầm mắt qua khung cửa sổ xe nhỏ hẹp, ngắm nhìn đại dương bao la, xanh ngát ôm lấy chân đèo, thấp thoáng phía đằng xa là bãi cát trắng mịn màng phơi mình bên dòng nước xanh trong… Càng lên cao trên đỉnh đèo, khung cảnh càng rộng mở, bao quát hơn. Nước non, mây trời hữu tình, thơ mộng.
Cảnh đẹp kỳ thú của thiên nhiên bên chân đèo trôi nhanh khi đoàn dần tiếp cận hình ảnh tiêu biểu đầu tiên của Đông Hòa: núi Đá Bia sừng sững gắn liền với câu thơ nổi tiếng của người thầy, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Huyền Ân trong “Chuyến đi dài”: “Đá Bia còn nguyên nét triện người xưa…”.
Ảnh minh họa.
Video đang HOT
“Nét triện” ấy vẫn luôn mãi trường tồn theo năm tháng, gắn liền lịch sử hơn 500 năm nay. “Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Champa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này”.
Đá Bia, còn được biết với cái tên mỹ miều khác “Thạch Bi Sơn”, mà trong năm 2008 vừa qua, thắng cảnh độc nhất vô nhị này được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia.
Vượt qua ngọn núi Đá Bia cao ngất (706m) với nhiều giai thoại, truyền thuyết đó, chúng tôi thẳng tiến về Tuy An, tham quan gành Đá Đĩa – một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất” của Phú Yên. Các lớp đá đen loang lổ, hình trụ xếp chồng lên nhau, có trụ xiên xiên vẹo vẹo… tạo nên nét đẹp rất riêng và thú vị của gành Đá Đĩa.
Ứng khẩu đọc ngay khi ngắm cảnh đẹp này, Dì Tư đã cho chúng tôi một trận cười không ngớt. Có lẽ những âm thanh của sóng vỗ đầu gành, tiếng giầy của lữ khách cuốc trên đá, tiếng lách cách liên miên của các “phó nháy” đua nhau ghi lại hình ảnh đẹp của thiên nhiên kỳ vỹ đó đã lưu hết trong bài thơ tứ tuyệt của chị với giọng điệu hóm hỉnh, dí dỏm đã cho đoàn tham quan của chúng tôi một trận cười giòn tan, đã đời mà giờ nhớ lại… vẫn còn thấy vui làm sao. Bài thơ ứng khẩu đọc ngay, sau đó nó được bình và gắn với cái tên mỹ miều “Âm vang trong thi từ của Dì Tư”, được ghi lại như sau:
Đá đĩa một chiều ta ghé thăm
Xa xa tiếng sóng vỗ “rầm rầm”
Cuốc lên tiếng đá nghe “độp độp”
Phó nháy năng tay bấm “bằm bằm”…
Bài thơ chỉnh chu về luật và vần lắm nên anh/chị em trong đoàn mới thấy cái tài “ứng khẩu” hài hước độc đáo đó mà lấy làm vui vô cùng.
Rời gành Đá Đĩa, cùng huyện Tuy An, thuận đường chúng tôi ghé đến chân đèo Quán Cau quanh co để tận mắt chứng kiến cái độc đáo, ngắm nét “thản nhiên”, yên bình của mặt nước đầm Ô Loan mà ca dao ngàn đời còn ghi:
“Lẻ loi như cụm Núi Sầm
Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”
Ảnh minh họa.
Rời đèo Quán Cau, chúng tôi thẳng tiến về Tuy Hòa, ghé thăm Núi Nhạn (còn gọi là núi Bảo Tháp) nằm bên hữu ngạn sông Đà Rằng xanh biếc. Lên viếng tháp Chăm cổ trên đỉnh núi, phóng hết tầm mắt, ta có thể thấy bao quát một vùng non nước Phú Yên, nhìn về cửa biển của Tuy Hòa với ánh đèn xanh, vàng, đỏ… về đêm càng làm cho thành thêm lung linh, huyền ảo.
Thời gian ngắn ngủi nên chúng tôi đành chia tay Tuy Hòa vào sáng hôm sau mà cảnh đẹp non nước nơi nầy cứ thấp thoáng xa dần… Tuy nhiên, hình ảnh kỳ thú của gành Đá Đĩa đó đã được vội chép lại thành những câu thơ nhỏ ngay trong đêm (thể theo câu đầu của “Âm vang trong thi từ của Dì Tư”) như một kỷ niệm vui với Tuy Hòa.
Theo Zing