Một đêm lặn cùng ngư dân dũng cảm
Trong khi chờ xoay xở đủ chi phí ra lại Hoàng Sa, anh em tàu QNg 96382 (Lý Sơn, Quảng Ngãi) vừa bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin vẫn ra biển để lặn bắt hải sản.
Phí tổn cho một chuyến ra Hoàng Sa dài ngày mất trên dưới 300 triệu đồng. Chưa ra được Hoàng Sa, anh em trên tàu hành nghề lặn xung quanh vùng biển Lý Sơn.
Thức đêm dưới đáy biển
Chúng tôi lên tàu khi hoàng hôn buông xuống, bắt đầu chuyến lặn đêm cùng những ngư dân trẻ. Chín thuyền viên, trong đó có 6 thợ lặn tuổi mới 19, 20 nhưng đầy bản lĩnh. Nóc cabin tàu QNg 96382 cắm lá cờ Tổ quốc bay phần phật.
Gió biển thúc mạnh, khiến con tàu chao đảo lắc lư, đưa lên cao rồi ném xuống thấp. Chủ tàu Bùi Văn Phải và thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh thay nhau cầm lái con tàu tránh những cột sóng cao đầy khéo léo.
Rời Lý Sơn khoảng 10 hải lý, tàu bắt đầu thả neo. Đứng trên mũi tàu, Phải giơ cánh tay chỉ thẳng làm phi tiêu để Thạnh phía trong cabin định hướng giữ tay lái. Vùng biển sâu, tàu không thả neo, mà để trôi dập dềnh trên biển.
Hồng – thợ lặn trẻ nhất trên tàu QNg 96382.
Anh em thuyền viên trên tàu chuẩn bị đồ nghề để lặn. Sáu thợ lặn gồm Phải, Hồng, Long, Hùng, Sáu, Tùng nhanh chóng mặc đồ lặn. Dụng cụ lặn gồm những bộ áo lặn cũ nhèm, một vài bộ đã rách may vá chi chít cùng chiếc kính lặn trùm kín mắt. Một cuộn chì nặng 15 kg được các thợ lặn quấn ngang bụng. Hai cuộn dây khí nối từ bình khí trong cabin tàu được quấn vào người. Miệng các thợ lặn ngậm chặt đầu dây. Tiếng khí thoát ra nghe phì phì.
Chuẩn bị xong, Phải và Hùng cầm chiếc đèn pin được bọc kín nhảy xuống biển. Trong tích tắc, sức nặng của tấm chì kéo chìm 2 người. Ánh đèn pin mờ dần rồi mất tăm giữa biển đen ngòm. Sợi dây dẫn khí tuồn nhanh theo 2 thợ lặn. Đứng trên tàu, Hồng và Sáu cầm 2 đầu sợi dây để đảm bảo dây không gấp gãy và quấn vào nhau.
Trong vòng chưa đầy 3 phút, Phải và Hùng đã xuống đáy biển ở độ sâu 50m. Dụng cụ mà hai người mang theo chỉ là chiếc đèn pin, chiếc xiên sắt và vợt cá. Biển nổi sóng, tàu lắc lư chao đảo.
Trong cabin, Thạnh cầm chắc tay lái, điều khiển con tàu tránh cho chân vịt không quấn vào sợi dây khí. Chỉ cần một chút sơ suất, sợi dây khí bị đứt, mạng sống của thợ lặn sẽ gặp nguy hiểm.
Video đang HOT
Thợ lặn nhảy xuống biển với dụng cụ đơn sơ.
Hai mươi phút trôi qua nặng nề với những người lần đầu tiên chứng kiến thợ lặn tay không xuống biển. Bỗng Hồng hét lớn át tiếng gió và sóng biển: Kéo lên kéo lên. Từ sợi dây khí Hồng nhận được tín hiệu từ thợ lặn dưới đáy biển. Kéo được khoảng 20m dây thì mọi người dừng lại.
Hồng cho biết: “Phải kéo lên từ từ, cứ 20m đến 50m dây anh em lại nghỉ tay để các thợ lặn giảm áp suất nước trước khi lên bờ. Nếu đột ngột, thợ lặn sẽ không thích nghi kịp với áp lực không khí, có thể chết hoặc tê liệt suốt đời”. Ở Lý Sơn đã có nhiều trường hợp thợ lặn chết hoặc tàn phế vì giảm áp không đúng cách.
Thuyền trưởng Thạnh căng mắt dõi theo mũi tàu, các thông số độ sâu, hướng gió trên màn hình định vị nhỏ bằng cuốn sổ tay. Thạnh phải luôn điều khiển lượng khí thật đều để đảm bảo cung cấp ôxi cho thợ lặn phía dưới.
Phải qua 3 lần giảm áp, mỗi lần kéo dài hơn 20 phút, 2 thợ lặn mới nhô lên mặt nước kèm theo một ít sản vật. Phải lắc đầu ra hiệu tàu nổ máy di chuyển ra xa vì chỗ này ít hải sâm, ốc và cá. Hai thợ lặn lên tàu nghỉ ngơi, Sáu và Long chuẩn bị kế tiếp. Tàu hướng mũi ra khơi, tìm vị trí mới. Cứ thế, các thợ lặn thay phiên nhau lặn đến sáng.
Áp suất và cá nhám
Ngồi trong cabin, Hồng – thợ lặn trẻ tuổi nhất – kể về nghề lặn của mình. 23 tuổi, Hồng đã có 6 năm làm thợ lặn ở Hoàng Sa. Gia đình vốn có truyền thống bám biển nhiều đời. 15 tuổi Hồng biết lặn, 17 tuổi theo anh em trên đảo Lý Sơn lặn thuê ở Singapore. Khi hay tin Phải sắm được thuyền mới, Hồng, Long, Sáu nghỉ đi làm thuê về cùng chung vốn liếng ra Hoàng Sa hành nghề cùng bạn mình.
Từ đầu năm 2012 đến nay, 6 chuyến ra Hoàng Sa, Hồng và anh em đã mang về rất nhiều hải sâm, ốc biển. Vùng biển Hoàng Sa nổi tiếng nhiều hải sâm và dễ đánh bắt. Hải sâm chỉ nhiều ở vùng biển có độ sâu từ 50-70m. Tất thảy anh em đều nắm rõ vùng biển Hoàng Sa như lòng bàn tay.
Thuyền trưởng Thạnh căng thẳng điều khiển tàu khi các thợ lặn xuống biển.
“Hải sâm có giá trị nhưng để lặn được chúng gian nan lắm. Có khi anh em lặn mấy ngày liền mà không được con nào, chỉ toàn ốc và cá. Dưới đáy biển nguy hiểm khôn lường, chỉ cần mình sơ suất là chết như chơi”, Hồng nói.
Anh em thuyền viên kể lại rằng, trong chuyến ra Hoàng Sa vừa qua, khi phát hiện tàu Trung Quốc đang tăng tốc hướng về phía mình, anh em không chạy được vì dưới biển còn người đang lặn ở độ sâu 60m.
Khi tàu Trung Quốc áp sát, thuyền trưởng Thạnh khéo léo điều khiển tàu mình tránh đụng độ và để anh em thợ lặn lên từ từ đảm bảo giảm áp đúng cách. Mất gần 1 tiếng đồng hồ thợ lặn mới lên được tàu. Khi tàu Trung Quốc nổ súng, cũng là lúc anh em vừa từ dưới đáy biển lên chưa kịp nghỉ ngơi.
Chủ tàu Bùi Văn Phải, người dũng cảm cứu lá cờ Tổ quốc trong hỏa hoạn, là một thợ lặn có tiếng ở Lý Sơn. 13 tuổi mồ côi cha, Phải nghỉ học đi biển. Hai năm sau, Phải biết lặn và trở thành thợ lặn chuyên nghiệp. 9 thuyền viên thì đến 6 người là anh em, bạn bè của Phải ở thôn Đông, xã An Hải.
Bùi Văn Phải.
Phải kể rằng, có những lần lặn biển, không giảm áp đúng cách hay gặp sự cố, thợ lặn phải giảm áp lại bằng cách đeo chì, nhảy xuống biển. Để lấy lại trạng thái khi lên tàu và đẩy hết khí độc trong người ra có khi thợ lặn phải ngâm mình dưới nước cả tiếng đồng hồ.
Và nguy hiểm nhất khi lặn ở Hoàng Sa là gặp cá nhám, một loài cá dữ, rất dễ tấn công người. Thợ lặn khi gặp cá nhám thường tìm cách né, tránh đụng độ và tranh giành mồi với loại cá này. Chẳng may bị cá nhám tấn công thì chỉ còn cách nín thở, rút vòi khí khỏi miệng để đuổi cá đi.
Tàu QNg 96382 quay vào bờ khi bình minh bắt đầu hé, mang theo một ít hải sâm cùng ốc, cá. Sản phẩm sau một đêm lặn ở Lý Sơn tuy không nhiều nhưng cũng đủ để anh em thuyền viên góp thêm chi phí cho chuyến ra Hoàng Sa nay mai.
Tàu cập bến, hải sản đánh bắt được bán ngay tại cảng. Anh em hồ hởi khoe: “Trừ chi phí cũng được gần 2 triệu. Số tiền này sẽ để chung vào tiền mua dầu chuyến đi tới”. Phải cho biết, sau lễ khao lề thế lính, anh và các ngư dân Lý Sơn lại ra Hoàng Sa.
“Câu lạc bộ ngư dân trẻ Lý Sơn sẽ nhanh chóng thành lập tập hợp anh em trên đảo cùng sinh hoạt, để Đoàn kịp thời hỗ trợ, đồng hành ngư dân trẻ bám biển. Trên website của tỉnh Đoàn cũng có một trang riêng kịp thời thông tin cập nhật, cổ vũ tinh thần cho ngư dân”, anh Đặng Minh Thảo, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi, cho biết.
Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cũng tặng cho tàu QNg 96382 một ống nhòm tầm xa, một hệ thống điện đàm cho chuyến ra khơi sắp tới.
Câu lạc bộ ngư dân trẻ đang được huyện Đoàn Lý Sơn xúc tiến thành lập, trong đó ngư dân trẻ Bùi Văn Phải, Phạm Quang Thạnh và thuyền viên tàu QNg 96382 sẽ là nòng cốt.
Theo Dantri
Tàu cổ vật hơn 500 năm tuổi vẫn nằm im dưới đáy biển
Hơn 7 tháng sau khi được phát hiện dưới đáy biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), đến nay con tàu chứa cổ vật hơn 500 năm tuổi vẫn chưa được khai quật.
Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 9/4, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, theo dự kiến ngày 9/4 đơn vị khai quật tiến hành nhưng do điều kiện thời tiết nên việc khai quật bị lùi lại vài ngày.
Trong hàng loạt các văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh Quảng Ngãi luôn khẳng định việc khai quật tàu cổ vật ở thôn Châu Thuận Biển là "khẩn cấp". Tuy nhiên đến thời điểm này, số cổ vật ước lượng khoảng 40.000 món vẫn "án binh bất động" dưới lòng đại dương.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương tổ chức khai quật cổ vật trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày 25/2 đến 25/4. Vì lý do nào đó, Công ty Đoàn Ánh Dương vẫn chưa tiến hành khai quật theo kế hoạch.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi tổ chức họp với các đơn vị liên quan, lập biên bản cụ thể, xác định lý do của sự chậm trễ này; nếu có vi phạm sẽ xử lý.
Liên quan đến trở ngại trong quá trình khai quật cổ vật, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết thêm: "Ban đầu phương án khai quật là lặn và hút cát dưới nước để lấy cổ vật. Sau đó thay đổi phương án bằng cách dùng ngăn đê chắn sóng bao vây khu vực tàu đắm rồi hút nước ra ngoài và khai quật an toàn hơn cho cổ vật nên thời gian bị kéo dài".
Ngoài ra, thời tiết bất lợi cũng là nguyên nhân cản trở việc khai quật.
Trong hơn 7 tháng qua, tỉnh Quảng Ngãi đã điều động lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an canh giữ cả ngày lẫn đêm. Theo ước tính ban đầu, chi phí bảo vệ đã "ngốn" hàng tỷ đồng mà cổ vật 500 năm tuổi vẫn chưa được lên bờ an toàn.
Theo Dantri
Trung Quốc đừng dại thử lòng yêu nước của dân tộc Việt Lòng yêu nước của dân tộc Việt, về góc độ xã hội, lịch sử được gọi là Truyền thống, về góc độ khoa học được gọi là Gen di truyền. Cho nên, thế giới có đổi thay, vương triều có đổi thay nhưng truyền thống đó hay gen di truyền đó không bao giờ thay đổi. Không rõ tinh thần yêu nước của...