Một đêm lạc vào thế giới đồng tính
Tạo hóa ban cho họ hình hài của một người đàn ông, nhưng tâm hồn lại là người phụ nữ. Vì gia đình cô lập, bị xã hội kỳ thị, xa lánh, họ tự biến mình thành diễn viên, phải cầm tù bản thân trong chính con người mình.
Đó là những người mà khoa học gọi là người đồng tính, nhưng xã hội thì vẫn luôn dành cho họ những từ miệt thị như: Đồng tính luyến ái, đồng cô, đồng cậu, pê đê…
“Dì” Dũng là người có biệt tài cắm hoa
“Nhập môn trai giả gái”
“Nếu cháu muốn đi cùng nhóm đồng đẳng của người đồng tính thì cháu cũng phải hóa thân giống như họ. Nếu không thì cháu không thể làm được việc đâu”, cô Lan, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày Tây Hồ vừa dứt lời thì đằng sau tôi bỗng vang lên tiếng thẽn thọn: “Eo ơi, công an D.V dã man thật. Ai đời bắt hết những người đồng tính ở vườn ổi về trụ sở. Có nhà báo đây rồi, đi cùng với chúng tôi nhé”.
Quay sang phía tôi, cô Lan bảo: “Đây là anh Dũng, nhưng cháu có thể gọi là Mỹ Dung, Trưởng nhóm MSM (người đồng tính) ở Trung tâm, tí nữa cháu đi cùng với “dì” ấy. “Nhưng nhà báo đi cùng nhóm cháu có được không?. Nếu công an nghi ngờ thì cháu lôi nhà báo ra gốc cây hôn nhau, làm sao mà biết được” vừa đưa tay lên vuốt lại mái tó Mỹ Dung vừa nói. Tôi thấy choáng váng, cảm giác như có luồng điện chạy dọc sống lưng.
Video đang HOT
Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng chúng tôi cũng được chấp nhận đi theo nhóm đồng đẳng MSM của Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày Tây Hồ. Đúng hẹn, hơn 7h tối, chúng tôi đến Trung tâm có rất nhiều người ở các nhóm ma túy, mại dâm, MSM đã có mặt. Sau hồi họp giao ban và phân công nhiệm vụ, cô bác sĩ Lan giới thiệu nhóm MSM cho chúng tôi: Đây là “bà ngoại” Thanh, “dì” Mỹ Dung, em Hồng Điệp, em Mỹ Linh. Tuy được sự giới thiệu của Trung tâm, nhưng tôi thấy ai cũng có vẻ dè dặt, không muốn tiếp xúc. Chỉ đến khi tôi khẩn khoản rằng muốn chia sẻ những thiệt thòi với mọi người, để cho xã hội hiểu thêm về người đồng tính để có những cái nhìn đúng đắn hơn, đồng cảm hơn thì mọi người mới bắt đầu chia sẻ.
Trước khi đi, chúng tôi được phát một túi lớn gồm bao cao su và thuốc bôi trơn, cùng một khóa tập huấn của nhóm đồng đẳng: Muốn tiếp cận được với người đồng tính, em phải uốn éo, giả giọng con gái, không được nhìn chằm chằm vào khách hàng, không được hỏi quá nhiều, nếu bị công an bắt không được đưa thẻ ra mà phải đi cùng với họ. Nhóm được tách ra làm hai hướng khác nhau, nhóm tôi đi có 5 người gồm tôi, Hồng Điệp, “bà ngoại” Thanh, “dì” Dung, Mỹ Linh với địa điểm là vườn ổi Dịch Vọng, hồ Thuyền Quang, hồ Hoàn Kiếm.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là vườn ổi thuộc khu vực Dịch Vọng. Theo dì Dũng thì những người đến đây đa phần là dân lao động nghèo, dân ít tiền, nghiện ngập. Bởi nếu có tiền thì họ chẳng đến đây làm gì cho lạnh lẽo, bẩn thỉu. Vừa vào đến cổng, chúng tôi đã bắt gặp ngay chiếc xe ô tô công an chạy ngược chiều, bụi bay mù mịt, Mỹ Dung bảo: “Dạo này công an làm ngặt, mấy hôm nay cứ đi bắt liên tục, cứ thấy đối tượng nào khả nghi là bắt hết lên xe đưa về trụ sở. Tối qua bé cũng bị kiểm tra hành chính đấy cưng ạ”.
Đi sâu vào trong, chúng tôi chỉ bắt gặp những người đàn ông đi đơn lẻ, mỗi lần nhóm định tiếp cận để tư vấn và phát bao cao su, thuốc bôi trơn thì họ lại vụt xe bỏ chạy. Hồng Điệp phỏng đoán: Mấy bà này tưởng mình là cớm (công an – PV) đây mà. Hơn tiếng đồng hồ chờ đợi mà chỉ thấy một vài người đi đơn lẻ, mặt khác chẳng thấy khách quen, Mỹ Linh vội rút điện thoại ra gọi: “ừ! Tôi đang ở vườn ổi nè. Các bà đang tụ tập đâu vậy?”. Dứt điện thoại, Mỹ Linh bảo: “Dạo này công an làm ngặt, các bà ấy dạt ra Hồ Thuyền Quang rồi”.
Quay ra hồ Thuyền Quang, chúng tôi được bà bán nước cho biết: “Một hội gần chục đứa (chỉ người đồng tính) lúc sớm ngồi đây nhưng đi đâu hết rồi. Mới lại hôm nay bọn nó cũng về nhà thằng Tương ăn cưới chờ thêm chút”. Đúng lúc ấy có mấy gã đàn ông luống tuổi, lượn xe đến. “Dì” Dung vội vàng hỏi han vài câu rồi nhét vào tay họ những chiếc túi đựng bao cao su và thuốc bôi trơn. “Dì” Dung nói: “Đây chỉ là những thằng trai bao thôi, còn bọn kia thì hôm nay không thấy, bình thường ở đây tập trung vài chục đứa”.
Hơn 12h đêm, nhóm tôi quay ra hồ Hoàn Kiếm đã thấy một nhóm hơn chục người ngồi uống nước. Thấy chúng tôi đến, mọi người ngồi giãn ra nhường chỗ. “Nhân viên mới à? Nhìn ngon kem đấy nha. Bóng kín à?”, một người có dáng người bệ vệ, mặc quần áo bó sát, trên người đeo đầy trang sức nhìn tôi hỏi. “Nhân viên mới đấy, mấy dì đừng trêu nó, nó ngại đấy”, “bà ngoại” Thành trả lời rồi quay sang tôi nói nhỏ: “Đây toàn là khách hàng của mình đấy. Cháu cứ ngồi nghe thôi nhé kẻo họ phát hiện là hỏng hết việc nhé”.
Những diễn viên giữa đời thường
Thấy “bà ngoại” nói vậy, tôi chỉ biết ngồi im nghe mọi người nói chuyện. Trong câu chuyện của họ không mấy khi ngớt tiếng cười, nhưng không hiểu sao tôi lại thấy ẩn sau đó là những nỗi niềm, là những nỗi đau mà họ cố chôn kín. Ngồi cạnh tôi là Phong, quê Ninh Bình.
Phong là một trai bao, trước kia Phong từng là một học sinh giỏi, đang học trường Đại học Kinh tế quốc dân thì anh trai bị tai nạn. Gia đình khó khăn nên Phong đành phải nghỉ học đi làm thêm, chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, Phong tìm đến hồ Thuyền Quang và làm trai gọi từ đó. Được một thời gian thì Phong cặp với người đồng tính, nhưng người mà Phong cặp lại nghiện nặng, trong lúc yếu lòng, Phong cũng bập vào và nghiện cho đến nay.
Người Phong cặp tên Ti, vì kiếm tiền nuôi bồ, giải quyết cơn nghiện nên Ti đã đi trộm cắp tài sản. Bị bắt, đưa vào trại giam, các cán bộ không biết giam Ti vào phòng nam hay nữ nên họ nhốt riêng Ti vào một phòng. Chán nản, tủi nhục, Ti đã thắt cổ tự tử trong trại giam. Ti chết, Phong lại phải đi đứng đường kiếm tiền. Nhưng chẳng mấy khi Phong tiếp khách Việt, đối tượng mà Phong nhắm tới đó là những vị khách Tây. Phong chia sẻ: “Khách Tây mới được nhiều tiền. Không những thế, mình chỉ dụ họ vào khách sạn, sau đó thì trấn lột tiền của họ. Chỉ lấy tiền thôi còn những đồ vật thì không bao giờ em động đến”.
“Trong số kia, rất nhiều người là trí thức, nắm những chức vụ nhất định và có vợ con đàng hoàng. Họ đến đây để được chia sẻ và tìm bạn tình, khi về thì họ vẫn làm tròn trách nhiệm của một người chồng, một người cha, một người con. Nhìn họ vậy thôi nhưng họ đang rất khổ tâm, họ cứ phải gồng mình lên để che giấu con người thật của mình. Nếu có giải thưởng cho những diễn viên xuất sắc, diễn lâu nhất thì phải giành cho họ”, “dì” Dung tâm sự.
Cũng theo “dì” Dung thì: Đó là những người lưỡng tính và bóng kín, còn đối với những người bóng lộ và không có khoái lạc với phụ nữ thì sẽ không thể che giấu được bản thân. Do bị gia đình cô lập, xã hội kỳ thị nên nhiều người đã tìm đến cái chết, bỏ nhà ra đi, sống khép kín.
Đa phần những mối quan hệ đồng tính thường lén lút và những mối nguy hiểm đang rình rập. “Chắc hẳn mọi người vẫn không quên rất nhiều vụ án mạng mà nạn nhân là những người đồng tính. Người đồng tính cũng là người, chúng tôi cũng có nhu cầu tình dục, mà đối tượng chúng tôi cần lại là những người đàn ông đích thực. Họ đến với chúng tôi chỉ vì tiền, nhiều người khi quan hệ với người đồng tính thấy ghê tởm bản thân đã ra tay giết chết người đồng tính. Không nói chắc mọi người cũng biết, rất nhiều vụ án như vậy xẩy ra rồi”, Hồng Điệp chia sẻ. “Chúng tôi đâu muốn mình như vậy. Tạo hóa ban cho tôi làm trai hay gái thì đó đã là ân huệ lớn nhất đời tôi”, “dì” Dung đưa tay lên gạt nước mắt, giọng nghẹn đắng.
Theo Người Đưa Tin
Nỗi khổ khi là người của "thế giới thứ 3"
Những người có xu hướng đồng tính luyến ái (đồng tính) được xếp vào "thế giới thứ 3" bởi xã hội nhìn nhận họ... chẳng giống ai. Họ có xu hướng yêu thích bị cho là "quái gở", "ngược đời".
Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết: Người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới không chỉ bị kỳ thị của xã hội mà còn gặp phải các hình thức bạo lực về thể xác, tinh thần, kinh tế và tình dục bởi nhiều người, nhóm người. Nhưng đau xót hơn cả khi nhóm gây bạo lực phổ biến nhất cho người đồng tính lại chính là... các thành viên trong gia đình.
"Người ta nghĩ em điên"
Nhiều người do quan niệm cách sống đồng tính là "biến thái", "hư hỏng" nên khi nhận biết con có dấu hiệu đó thì có những phản ứng khác nhau: Người kiên nhẫn thì khuyên nhủ nhẹ nhàng, người khuyên không được thì chửi mắng, lăng mạ, phá hủy đồ dùng cá nhân; lục nhật ký, thông báo với nhà trường và cơ quan; đánh, trói, xích, bỏ đói, bắt làm công việc nặng nhọc; kiểm soát, cô lập; đưa đi điều trị cưỡng bức tại viện tâm thân; bố mẹ dọa tự tử; ép kết hôn, quan hệ tình dục..., bà Tú Anh chia sẻ.
Tâm sự với chuyên gia tư vấn của CCIHP, một chàng trai 19 tuổi, ở Hà Nội thể hiện sự đau đớn và ám ảnh, tuyệt vọng đến cùng cực khi bị đưa vào trại tâm thần điều trị, sinh hoạt cùng với những người tâm thần thực thụ khác: "Nửa đêm, khi thuốc ngủ nhạt đi em mới lơ mơ mở mắt ra được. Phòng sau có một ông già đã nhờn thuốc ngủ, ông đang hành quân. Mốt hai mốt. Dừng! Giơ tay, chào! Rồi hát quốc ca. Hôm nào ông ấy cũng hành quân lúc mờ mờ sáng. Em sợ ông già ấy. Em sợ tiếng hô hành quân. Em sợ cả cái dãy nhà u ám toàn người tỉnh táo thì khuôn mặt âu sầu, và những người điên thì cười nói, la hét cả ngày. Nước mắt em chảy trong câm lặng. Em không điên, nhưng người ta nghĩ em điên".
Một đồng tính nam, 21 tuổi, tại Hà Nội giãi bày: "Điều làm em đau nhất là khi bố bảo biết em thế này thì hồi mẹ mang thai đã phá thai rồi". Hoặc trường hợp khác bị bố đánh, mắng thậm tệ: "Đồ biến thái, vừa dứt lời bố dang cánh tay ra và chát - lại tiếng bạt tai nữa vang lên. Toàn thân nó co rúm lại, hứng chịu... Mày có phải là thằng bệnh hoạn không mà làm như thế hả? Đáng nhẽ, bố mẹ mới là người đáng trách vì đã sinh ra chúng em ở "thế giới thứ ba". Nhiều lúc em đã tìm đến cái chết. Nhưng cũng chỉ vì thương bố, mẹ... mà em phải sống. Sống trong đau khổ, giấu giếm thân phận". (Nam 16 tuổi, Hà Nội).
Thậm chí, hình thức đánh đập, tra tấn được cho là để "hết cái thói ẻo lả đi" còn khủng khiếp hơn. "Mắng chửi một cách thậm tệ và sai người lôi lên căn phòng trên tầng 4 nhốt lại cùng chiếc xích sắt vào chân. Sáng nào em cũng bị chửi mắng, đánh đập. Mỗi ngày được 1 bát cơm cùng với nước mắm và 1 can nước lọc... Tất cả việc ăn ở và vệ sinh đều ở trong căn phòng nhỏ chỉ có nến, không điện nước, ngoài cái bô, ít giấy vệ sinh và đĩa cơm thỉnh thoảng bác mang vào cùng tiếng xích cọ sát dưới chân", có phải bố mẹ chỉ nghĩ đến họ mà không nghĩ đến chúng em. Những đứa trẻ sinh ra bị tật nguyền còn được chăm sóc. Nếu thay đổi được, ngàn lần chúng em mong muốn được trở về thế giới bình thường. Điều chúng em muốn là nếu bố mẹ đã không bỏ rơi, thì hãy chia sẻ với chúng em, khi sinh ra, chúng em đâu có quyền được lựa chọn thế giới thứ nhất, thứ hai". Một nam thanh niên, 24 tuổi ở Hải Phòng giãi bày.
Người đồng tính không được nhắc đến trong Luật
Tất cả những phản ứng, cách hành xử kiểu này thường không mang lại kết quả như mong muốn mà ngược lại khiến cuộc sống của người đồng tính vốn đã không "xuôi chèo mát mái" như mọi người càng trở nên bế tắc. Nhiều người rơi vào trầm cảm, tự hành xác, học hành sa sút, bỏ nhà đi lang thang, tự tử. Trong khi đó, hiện tượng ngược đãi người đồng tính vẫn bị coi là chuyện riêng của gia đình hơn là sự vi phạm quyền của những người đồng tính và chuyển giới.
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường (iSEE) cho biết, Việt Nam đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), tuy nhiên người đồng tính, lưỡng tính và người chuyển giới hiện không được nhắc đến trong Luật như một nhóm cụ thể. Bản chất của nhiều loại hình bạo lực với những người này chính là bạo lực trên cơ sở giới và BLGĐ. Các truyền thông và hướng dẫn hiện nay về triển khai Luật PCBLGĐ vẫn chưa nhắc đến nhóm những người tình dục đồng giới và chuyển giới.
Ông Bình cho rằng, cần tăng cường nhận thức của gia đình, nhà trường và xã hội về vấn đề này. Bản thân người đồng tính, lưỡng tính... cũng phải ý thức được quyền của mình được bảo vệ khỏi BLGĐ. Các chương trình PCBLGĐ và bảo vệ trẻ em cần đưa cộng đồng này vào một nhóm có biện pháp can thiệp...
Theo PLXH
Thâm nhập biệt điện của 'vua bói pê-đê' Ông Nghị nổi danh đất Kinh Bắc, có rất nhiều con nhang đệ tử ở Hà Nội cũng thờ cúng, cung tiến như Thánh. Ấy vậy mà, người dân quanh xóm Hà Liễu lại gọi ông bằng cái tên hết sức châm chọc: Nghị "pê-đê"! Có thể nói, Kinh Bắc là đất bói. Ở vùng đất giáp thủ đô này, thầy bói nhiều...