Một đêm đi bắt gái mại dâm
Đêm đó tôi cùng một đồng nghiệp theo các anh công an phường X đi bắt gái mại dâm. Mặc đồ dân sự, đi xe máy, mang theo còng, thẻ ngành và súng, các anh chở chúng tôi ngồi sau, lượn ra các ngã tư nơi gái mại dâm thường đứng chờ khách.
Có em vừa cất tiếng hỏi “Đi hông anh” là bị vài cảnh sát chụp còng tay lôi lên xe liền, nhưng cũng có em vừa nhìn thấy mấy chiếc xe máy trờ tới đã vụt phóng chạy. Chạy sao nổi với đôi giày cao gót, các em té sấp ra đường, tấm thân mỏng mảnh bị mấy thanh niên lao tới đè dí, cảnh tượng thật thảm hại. Người đi đường thoạt nhìn chẳng thể biết vì sao các em lật đật phóng chạy, và cái đám thanh niên đang không phi xe máy xuống rượt người ta rồi đè sấp ra còng chặt tay lôi lên xe máy chở đi… là những ai, đang làm cái gì.
Gái mại dâm “di động” tại TP.HCM – Ảnh: Nghĩa Phạm
Về đồn. Hôm đó bắt được khá nhiều nhưng tôi nhớ nhất một em khai 16 tuổi, phổng phao, xinh đẹp, quê ở Đồng Nai, trốn nhà đi bụi và một thiếu phụ khoảng 45 tuổi, người đầy đặn, nét mặt hiền hậu. Đó cũng là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến một buổi lấy cung trong nhục hình của công an phường X.
Các công an lấy cung bắt em gái chụm tay đặt phần ngón lên bàn. Rút thắt lưng, chập đôi lại, vừa hỏi gằn từng câu vừa quật thẳng cánh xuống các đầu móng tay sơn đỏ. Chỉ chốc lát, nước mắt cô gái giàn giụa lem luốc hết khuôn mặt phấn son, tóc rũ ra, người giật lên sau mỗi lần chiếc thắt lưng quật xuống.
Còn thiếu phụ nọ không ngồi trên ghế mà ôm đầu ngồi dí xuống sàn. Người hỏi cung rất thành thạo túm từng nhúm tóc bên thái dương chị ta giật mạnh. Không khai. Anh ta thẳng chân đá mạnh vào hạ bộ chị nọ. Hết cú này đến cú khác. Mỗi cú đá, chị ta gập mình lại rên rỉ, nước mắt lấp lánh trên mặt.
Tôi run hết cả người, quên hết mình đang ở đâu, quên hết mình đang làm gì. Đang đứng trong một nhóm công an bên ngoài, tôi nhao lên. Thì người đồng nghiệp tôi giữ chặt lại và nói thầm: “Đừng”. Tôi cảm thấy ruột gan trào ra ngoài. Tôi cảm thấy muốn nôn ọe.
Lát sau, anh đội trưởng mời tôi ra uống trà. Anh xin lỗi tôi, hỏi tôi có làm sao không, rồi giải thích: “Không làm thế, những người này không khai ra bọn tú bà. Họ bị bắt rất nhiều lần rồi, đưa lên trại hết thời hạn lại quay về, ra đường đứng tiếp. Nhiều khi cứ vài tháng lại bắt lên trại một lần. Công an đi bắt quá nhiều lần, quen mặt hết trơn, biết cả gia cảnh. Nhưng nếu không khui ra được đường dây (đường dây tổ chức bán dâm – NV) thì dù biết rõ ràng (họ được chăn dắt) cũng không thể làm gì hơn. Bắt vô trung tâm một tuần, có người lên bảo lãnh là nó được ra. Như con nhỏ này. Đi đứng đường tiếp, có lúc thấy anh em còn cười. Anh em cảm thấy công việc của mình như bắt cóc bỏ dĩa, hết sức mệt mỏi. Nhưng không làm thì không được”.
Video đang HOT
Đêm đó anh chở tôi đi lòng vòng những con đường trên địa bàn quận 3 mà gái mại dâm hay đứng, chỉ từng người nói vanh vách họ tên gì, bao nhiêu tuổi, đã bị bắt bao nhiêu lần. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy những phụ nữ mặc áo bà ba, quần đen, tóc đen mượt búi một búi to sau gáy, xách cái giỏ nhựa đi chợ, nhìn đoan trang như bà nội trợ của một gia đình khá giả nền nếp, mà lại có tuổi nghề bán dâm dài thượt. Lại có cả bà cụ trên 70 tuổi bị bắt bao nhiêu lần vẫn quay lại “hành nghề”. Riết chán, công an làm lơ, không thèm bắt bà nữa.
Có một thứ cảm xúc có thật gọi là “chai lì” trong nghề nghiệp, mà nghề nghiệp nào hình như cũng vậy. Khi suốt nhiều năm phải đi bắt các phụ nữ bán dâm và phá các đường dây bán dâm, mà là bắt đi bắt lại, phá đi phá lại, thì trong con mắt các anh công an, những cô gái điếm thậm chí không được coi là những con người bình thường chứ đừng nói đến việc như những phụ nữ. Hoặc những phụ nữ trẻ. Hoặc những phụ nữ trẻ và đẹp.
Vì thế, mặc dù khêu gợi, mặc dù là phụ nữ, mặc dù trẻ và đẹp, nhưng các cô gái bán dâm lúc này tuyệt nhiên không gây được cảm xúc nhân tính nào với các anh công an, ngoài việc chỉ là những đối tượng của công việc. Mà hơn nữa, đó là những đối tượng ranh ma, lì lợm, khiến các anh tốn thời gian, tốn công sức nhưng vô vọng. Sự “cứng đầu” của những kẻ phạm tội cộng với sự rối rắm và thiếu hiệu quả của pháp luật khiến các anh công an trút nỗi tức giận, sự bất lực và mệt mỏi từ công việc vào những cú đấm đạp. Không còn người phạm tội mà chỉ là bằng chứng của sự khinh thị hiển nhiên. Không còn vị đại diện của pháp luật mà là một cỗ máy mù mắt đang gầm thét.
Tôi nghĩ nó như một sự “giận cá chém thớt”, xả stress một cách vô thức.
Khoảng 2 giờ đêm, cuối cùng, khi kết thúc màn nhục hình và lấy cung, hoàn tất biên bản, chúng tôi áp giải các cô gái bán dâm lên trung tâm (trung tâm giáo dục – dạy nghề phụ nữ, các cô gái mại dâm được đưa vào đây để học nghề) ở Thủ Đức. Trên xe, hầu hết thời gian chúng tôi im lặng. Ra khỏi nội thành, cả công an và các cô gái mại dâm hình như đều trở thành những người khác. Đôi mắt quắc lên hung hãn, đôi tay từng chập đôi chiếc thắt lưng quật không thương tiếc vào những ngón tay con gái để móng dài sơn đỏ… không còn.
Các anh công an tháo mũ, vuốt mái tóc đẫm mồ hôi ra dưới làn gió đêm, kéo chiếc áo sắc phục ra khỏi thắt lưng một chút, ngả người trên lưng ghế. Các cô gái nhạt hết son phấn và vẻ đong đưa bán chác, tóc xổ ra được quấn gọn sau gáy, ngồi kẹp hai tay vào đùi, bỗng chân chất như con Nụ cái Thắm dưới quê, thời chưa trôi sông lạc chợ. Và đó là lúc thỉnh thoảng vài câu hỏi phá tan bầu không khí im lặng.
Anh công an hỏi, bé X (con của cô gái điếm) giờ gởi ai (mẹ nó phải vào trại một thời gian). Cô gái điếm đáp chắc nhỏ bạn coi giùm. Anh công an nói gởi nó về ông bà ngoại đi, nó lớn rồi, phải lo đi học. Cô gái điếm im lặng. Lát sau cô chắc lưỡi nói, chắc kỳ này em cũng phải tính vậy.
Vài hơi thở dài.
Chỉ có vậy.
Không một câu nào khuyên nên hoàn lương, nên học lấy nghề nghiệp nào đó, cũng không hề có câu nào kiểu thôi cố gắng cải tạo tốt nhé, chóng trở thành công dân lương thiện…
Và tôi nghĩ những mẩu đối thoại đó mới chính là đối thoại giữa người với người.
Theo Thanh Niên
Phải hiểu thế nào về cảnh sát giao thông?
9h ngày 6.3.2014, báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn lời thượng tá Trần Thanh Trà - Phó Trưởng phòng PC67 Công an TPHCM - đề nghị báo chí: Khi viết về cảnh sát giao thông (CSGT), nên tránh cách viết gây hiểu lầm, định kiến trong nhân dân. Thông tin này được đưa ra song song với việc 4 CSGT ở ngã tư Hàng Xanh chỉ thừa nhận một số vi phạm về điều lệnh của lực lượng trong khi thi hành nhiệm vụ: Không chào người vi phạm, đeo bảng tên không đúng quy định, dừng lại 1 điểm vượt thời gian 15 phút như quy định, dừng kiểm soát nhiều phương tiện vi phạm cùng lúc, không lập biên bản đối với người vi phạm.
Tức là rất nhiều vi phạm, nhưng cả 4 người, không ai nhận có chuyện "lục ví người dân", như những hình ảnh tưởng đã "hai năm rõ mười" mà người dân cả nước đều đã nhìn thấy.
Vậy thì báo chí phải viết thế nào và người dân phải hiểu ra sao khi cảnh lục ví ở Hàng Xanh xảy ra giữa ban ngày ban mặt, có nhân chứng, vật chứng đàng hoàng?
Phải hiểu thế nào về cảnh sát giao thông?
Không chỉ ở Hàng Xanh (TPHCM), ngay ở Đông Anh (Hà Nội), hàng trăm người dân đã bao vây một tổ CSGT trước sự kiện một người dân phải "vào thẳng bệnh viện" sau khi nhận một nhát gậy ma trắc.
Ngay ngã tư Thái Hà - Hoàng Cầu (Hà Nội), một thanh niên giơ cao tấm biển "Chú ý! Đường cấm rẽ trái", cảnh báo người tham gia giao thông rằng sẽ bị một tổ CSGT đứng ngay sau tấm biển cấm rẽ nếu họ trót không nhìn thấy tấm biển bị che khuất bởi cây xanh và cột điện, rất khó nhìn vào giờ tan tầm.
Tấm biển báo mà người thanh niên cầm trên tay giữa buổi chiều mưa lạnh, hay việc hàng trăm người dân vây giữ tổ tuần tra khiến một người thanh niên khác "lao mặt vào gậy ma trắc của CSGT" đang chính là những "cái nhìn" của người dân đối với lực lượng, về lý thuyết, là hướng dẫn người dân đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Sẽ thật khôi hài nếu nói ở Hàng Xanh, CSGT nhét tiền vào ví người dân. Sẽ thật nhạo báng nếu bảo người chạy xe ở Đông Anh đã lao mặt vào gậy ma trắc của CSGT.
Bởi ngay cả khi báo chí viết như vậy, sự thật là sự thật và nó được tạo ra không bởi cách mà báo chí viết thế nào về lực lượng CSGT.
Cũng vào 6h30 sáng qua, hình ảnh những người CSGT CA TP.Hà Nội cầm xẻng dọn dẹp bùn đất rơi vãi đoạn đường chân cầu Thanh Trì, được một người dân nào đó đi ngang vô tình chụp được, đã tràn ngập trên mạng với vô số những lời tán dương của nhân dân. Và có lẽ, lời tán dương hay nhất chính là "Cảnh sát nhân dân".
Nhân dân luôn công bằng. Báo chí, có muốn, cũng không thể tạo ra định kiến, bởi cách nhìn nhận về lực lượng CSGT, không phải bởi các anh muốn thế nào, mà bởi các anh đã chứng tỏ ra sao, trước con mắt người dân.
Ít nhất, trước hết các anh hãy suy nghĩ khi đọc những dòng tít "tế nhị": "CSGT vô tình chọc gậy vào mặt dân" hay "Va chạm với CSGT, một thanh niên nhập viện". Ít nhất, các anh hãy xấu hổ khi nghe người dân bảo các anh là "Anh hùng núp" đi đã.
Theo LĐO
Tên các anh đã thành tên đất nước! Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công lao của các anh, những người anh hùng của dân tộc. Những người con đã hi sinh trọn vẹn cuộc đời mình cho độc lập tự do và sự vẹn toàn của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Tên các anh đã thành tên đất nước! "Đất của mình, chỗ đứng của mình, nhà của mình...