Một dấu ấn kỳ lạ trên thai nhi, 250 triệu năm tiến hóa được tua nhanh trong bụng mẹ
Hình ảnh rõ nét cho thấy các sợi cơ tách biệt nhau, tương tự như cơ chân của những con thằn lằn hoặc kỳ nhông.
Quá trình phát triển của một thai nhi trong bụng mẹ dường như là cuộn băng tua nhanh qua hàng trăm triệu năm tiến hóa.
Chúng ta từng biết những thai nhi từ năm đến tám tuần tuổi vẫn có đuôi như loài khỉ. Nhưng khi lớn lên, cái đuôi đó dần bị tiêu biến và cuối cùng chỉ còn lại một mỏm xương cụt khi đứa trẻ được sinh ra.
Mới đây, một nghiên cứu trên tạp chí Development tiếp tục quan sát thấy một số cơ bắp đặc biệt ở chân và cánh tay của thai nhi.
Những cơ bắp này từng xuất hiện trên cơ thể tổ tiên trưởng thành của chúng ta ở khoảng 250 triệu năm trước. Nhưng bây giờ, chúng chỉ còn tồn tại trong những thai nhi 7 tuần tuổi.
Lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát thấy những cơ bắp kỳ lạ này. Và họ tự hỏi tại sao chúng lại biến mất?
Một dấu vết của quá trình tiến hóa trên thai nhi: 250 triệu năm tiến hóa được tua nhanh trong bụng mẹ.
Hành trình tiến hóa của bất kể một loài sinh vật nào cũng được xen kẽ giữa những đoạn đường vòng và ngõ cụt. Con người chúng ta cũng không hề ngoại lệ. Cơ thể chúng ta vẫn còn vết tích của những bộ phận – trước đây từng phục vụ rất nhiều chức năng, nhưng đến nay đã trở thành vô dụng.
Có thể kể đến như: ruột thừa, răng khôn, cơ gân tay palmaris longus, cơ arrector pili (những sợi cơ co lại bít lấy lỗ chân lông khi bạn nổi da gà)…
Nghiên cứu trên tạp chí Development bây giờ tiếp tục tìm thấy những sợi cơ kỳ lạ, chỉ xuất hiện tạm thời trong thai kỳ của con người rồi biến mất. Các nhà khoa học đã phải sử dụng những kỹ thuật hình ảnh 3D tiên tiến nhất hiện nay mới có thể quan sát được hiện tượng chưa từng được ghi nhận này.
Theo dõi sự phát triển của một thai nhi đến tuần tuổi thứ bảy, họ tìm thấy 30 cơ bắp xuất hiện trong tay và chân thai nhi.
Hình ảnh rõ nét cho thấy chúng tách biệt và rời rạc với nhau, tương tự như cơ chân của những con thằn lằn hoặc kỳ nhông. Tổ tiên trưởng thành của chúng ta 250 triệu năm trước cũng từng sở hữu những cơ bắp này.
Nhưng đến tuần tuổi thứ 13 của thai kỳ hiện tại, tới một phần ba số cơ bắp đã bị tiêu biến hoặc hợp nhất lại với nhau. Hiện tượng này lần đầu tiên được phát hiện khiến các nhà khoa học cảm thấy khá kỳ lạ.
‘Điều thú vị trong nghiên cứu này là chúng tôi đã quan sát thấy các cơ bắp chưa từng được mô tả trong quá trình phát triển trước khi sinh của con người. Và một số trong số các cơ bắp này đã được nhìn thấy ngay cả ở những thai nhi 11,5 tuần tuổi, rất muộn cho sự phát triển hồi tổ (hiện tượng thai nhi xuất hiện các đặc điểm của tổ tiên)’, nhà sinh học tiến hóa Rui Diogo tại Đại học Howard ở Washington DC cho biết.
Những sợi cơ bí ẩn xuất hiện ở tuần thai thứ bảy rồi biến mất khi đứa trẻ được sinh ra.
Từ trước đến nay, chúng ta biết các cơ quan và bộ phận còn sót lại trên cơ thể là một bằng chứng cũng như minh họa không thể tuyệt vời hơn cho hoạt động tiến hóa diễn ra trong hàng triệu năm.
Mặc dù chúng ta có thể không cần đuôi, không cần răng khôn hay những cơ bắp bí ẩn này nữa, bộ gen của chúng ta vẫn chứa trong đó bản thiết kế vẽ ra sự tồn tại của những bộ phận đó.
Và thậm chí, chúng còn có thể xuất hiện trở lại nếu ai đó được sinh ra với một đột biến hiếm gặp, hoặc tiếp xúc với thứ gì đó trong bụng mẹ khiến quá trình phát triển thai kỳ bị sai hỏng.
Rui Diogo cho biết nếu một đứa trẻ sinh ra với những cơ bắp kỳ lạ như kỳ nhông hoặc tổ tiên chúng ta, điều đó chưa chắc đã gây tác hại. Nhưng biến thể dị thường đó có thể là bằng chứng cho sự phát triển gián đoạn của thai kỳ – đôi khi còn ẩn chứa những sai hỏng nguy hiểm hơn chưa được tìm thấy.
(Tham khảo Gizmodo)
Theo Trí thức trẻ
8 bộ phận vô dụng trên cơ thể người
Ruột thừa, răng khôn, xương cụt, cơ tai, mí mắt thứ 3... là những bộ phận không có mục đích hay chức năng gì cho cơ thể.
Ruột thừa
Trong thời tiền sử, ruột thừa giúp con người tiêu hóa các loại thức ăn giàu cellulose có trong thức ăn thực vật. Khi bắt đầu chuyển sang chế độ ăn đa dạng chủ yếu là thịt, chúng ta không cần đến một hệ thống đường ruột dài và phức tạp. Trong một số trường hợp, viêm ruột thừa gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không cắt bỏ kịp thời.
Mí mắt thứ ba
Đây là một nếp gấp của mô được tìm thấy ở rìa bên trong mắt. Chim, bò sát và một số động vật có vú có thể kéo các màng này qua mắt để giữ ẩm và che chắn bảo vệ. Ở con người, mí mắt thứ ba là tàn dư của màng sinh học này và chúng ta đã không còn khả năng kiểm soát được nó.
Sợi cơ arrector pili
Tổ tiên của con người có nhiều lông đã sử dụng sợi cơ này hạn chế sự thất thoát nhiệt của cơ thể. Bây giờ khi có quần áo để giữ ấm, cơ thể chúng ta cũng không còn nhiều lông nữa và tiêu biến tạo ra hiệu ứng nổi da gà.
Răng khôn
Con người không còn cần một hàm răng mạnh vì chế độ ăn uống đã chuyển sang thực phẩm mềm và ngũ cốc nấu chín. Hàm của chúng ta cũng đã nhỏ hơn nên không cần đến răng khôn.
Xương cụt
Con người vẫn có đuôi khi còn là một thai nhi từ 5 đến 8 tuần tuổi. Theo thời gian, cái đuôi đó sẽ bắt đầu tiêu biến và các đốt sống còn lại của nó hợp nhất để tạo thành xương cụt.
Đuôi giúp tổ tiên của chúng ta di chuyển và giữ thăng bằng. Nó đã rút ngắn lại khi con người học cách đứng và đi thẳng. Khi cái đuôi biến thành một nhúm xương cụt sẽ không còn phục vụ mục đích gì cho con người.
Cơ tai
Cơ tai giúp các loài động vật có vú định hướng âm thanh và thể hiện cảm xúc. Vì đã có một cái cổ linh hoạt, con người không cần cơ tai để hướng vành tai về nơi có âm thanh. Hiện vẫn có một số ít người có thể nhúc nhích tai nhưng đó là tất cả những gì họ có thể làm.
Cơ gân tay palmaris longus
Dải cơ hiện lên trên cổ tay có tên palmaris longus là một cơ hiếm còn sót lại từ thời tiền sử của con người. Cơ gân tay từng giúp cho tổ tiên con người trèo cây. Khi chúng ta bắt đầu đứng thẳng trên mặt đất và đi bằng hai chân, cơ gân tay trở nên vô dụng suốt khoảng 3,2 triệu năm trở lại đây.
Núm vú đàn ông
Núm vú của đàn ông dường như là vô dụng vì nó không có chức năng sản xuất sữa. Tuy nhiên, một số người đàn ông có nồng độ hormone prolactin cao (hormone giúp phụ nữ sản xuất sữa) cũng có thể tiết sữa nhưng không nhiều.
Cẩm Anh
Theo Business Insider/VNE
Khi nào nên nhổ răng khôn? Tôi rất sợ đau nên cứ chần chừ. Vì sao phải nhổ răng khôn? Có cách nào khắc phục để không phải nhổ răng không? Thực chất răng khôn là tên gọi được dùng để chỉ những chiếc răng hàm mọc cuối cùng của mỗi bên hàm, hay gọi là răng số 8. Chiếc răng này thường mọc ở người trưởng thành 16-30...