Một cuộc hôn nhân không lời
Một lần nữa chị lại im bặt. Hàng xóm chẳng còn nghe thấy gi nữa ngoài tiếng sa sả cua một ca sĩ opera không chuyên la chồng chị.
“Anh chồng opera” hồn nhiên coi vợ như vật sở hữu đang xướng một bài không thể không có mỗi ngày…
Chiều tối này cũng vậy, khi những người hàng xóm trở về sau một ngày lao động mệt mỏi, cái ngõ nhỏ lại rộn rã tiếng lũ trẻ nô đùa đuổi bắt. Lẫn trong tiếng nô đùa đó hiếm khi có tiếng của đứa con nhà anh “opera”.
Thằng bé và cô chị béo ú của nó lúc nào cũng bị nhốt trong một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ. Trong khi cô chị lầm lì vo gạo, lau bếp thì thằng em thơ thẩn hết ra sân lại vào nhà, ngóng mãi ra ngoài ngõ mà không dám ra. Nó chỉ sợ nếu lẻn ra ngoài chơi mà bố nó đột ngột về, thì những tiếng la lối om sòm lại bùng lên như dầu gặp lửa.
Nó không dám làm trái ý bố, dù nó thèm lắm được chạy ra ngoài kia, nhận siêu nhân vàng là mình, mấy đứa kia đã nhận đủ siêu nhân hồng, đen, xanh, đỏ… rồi, nó chỉ dám gọi vống ra là nó nhận siêu nhân vàng, nhưng mà siêu nhân bị nhốt như thế này thì làm sao mà đi cứu người gặp nạn được chứ! Thằng bé nhìn mẹ như cầu cứu, nó muốn mẹ gật đầu để nó bung cánh cổng ra ngoài với chúng bạn. Nhưng mẹ nó chỉ ngó lơ, chị làm như đang làm mải miết cọ mấy cái nồi, miệng nhắc nhở cô con gái lớn nhặt rau cho cẩn thận.
Chị cũng chẳng khác gì thằng cu con. Chị cũng thèm bung ra ngoài, chạy qua chạy lại buôn chuyện với mấy cô hàng xóm về chuyện mớ rau cân gạo, chuyện đậu phụ hàng nào ngon, chuyện cái chợ gần nhà may quá lại mở, chuyện trường thằng cu bắt học đủ mọi thứ, chuyện cái hĩm nhà bà Hương sao mãi chưa biết nói…
Nhưng chị sợ, không hiểu năng lượng gì từ người đàn ông chồng chị lại ghê gớm đến thế. Ngay từ khi anh ta chưa về thì cả mẹ lẫn con đã rúm ró sợ sệt. Chị liếc lên dãy quần áo đang phơi ngoài sân. Những cái mắc áo không buộc sợi len đỏ là để phơi quần áo của chị và bọn trẻ, cái nào buộc sợi len đỏ mới được mắc quần áo của anh ta. Có lần chị lỡ quên, treo nhầm mấy cái tất sang cái mắc áo len đỏ, thế là cả tối hôm đó chị chịu một trận đòn mồm sa sả, đến ngày hôm sau cái đầu vẫn còn âm âm i i.
Chị cũng không hiểu vì sao cuộc đời mình lại đổi thay khác biệt đến vậy. Xưa kia, khi còn là một cô sinh viên sư phạm môn địa, chị đã được đi thực địa nhiều nơi và mơ ước sau này được đi đến thật nhiều những vùng miền trên đất nước, trên thế giới, tìm hiểu những loại địa hình địa chất vô cùng thú vị… Nhưng rồi cuối cùng thì chị lại phải chịu bó chân trong khoảng sân vài mét vuông này.
Không hiểu năng lượng gì từ người đàn ông chồng chị lại ghê gớm đến thế… (Ảnh minh họa)
Sẽ chẳng có hiện tại nếu không có quá khứ. Những gì hiện tại chị đang đón chịu cũng là hệ quả cũng những gì chị đã làm trong quá khứ mà thôi. Tâm tâm niệm niệm như thế, chị càng đau lòng mà cam chịu. Khi xưa, người chị yêu đâu phải là người chồng “opera” bây giờ. Chị đã yêu say đắm chàng sinh viên ôm đàn hát tình ca ở văn phòng dưới hầm cầu thang ký túc xa. Đáp lại, chàng cũng chẳng thể chối lời yêu đương với cô gái dịu dàng và có giọng nói êm ái nhỏ nhẹ nhất khu ký túc ấy.
Video đang HOT
Nhưng tiếc thay, người đàn ông mà chị yêu ấy, sau khi làm chị có thai, bỗng một ngày biến mất như chưa từng xuất hiện. Chị đau đớn đến tan nát cõi lòng, khi chuyện vỡ lở, mẹ chị biết được thì cái thai trong bụng của chị cũng theo đó thoát ra, cùng bao nhiêu máu, nước mắt, sức lực và tình yêu…
Sau cú sốc quá lớn đầu đời, mất một thời gian dài, chị trở nên ngơ ngẩn. Khi đó, người nhà đã tìm mọi cách để xoay trở tình trạng tồi tệ của chị. Một trong những cách mà họ nghĩ là tốt, ấy là tìm cho chị một người chồng.
Anh chồng “opera” đã xuất hiện vào thời điểm đó. Anh là con của gia đình người bạn bố mẹ chị. Anh khỏe mạnh, có duyên nói đùa, hát hò thì rõ hay, rõ khỏe. Bố mẹ chị mong cái duyên khôi hài ấy sẽ cứu vớt chị. Và quả thực, nụ cười dần trở lại trên môi cô gái đã một lần chịu bất hạnh tình yêu. Ai cũng mừng, ai cũng cho điều kỳ diệu đã đến. Đám cưới nhanh chóng được tổ chức, khép lại thời con gái sóng gió của chị.
Cuộc hôn nhân không lời
Anh không đồng ý cho chị đi dạy học, mà ép chị làm hành chính trong công ty riêng của bà dì anh. Một công việc được cố ý thu xếp để chị nhàn nhã chăm sóc gia đình, nhà cửa. Đứa con gái đầu lòng ra đời chỉ một năm sau đó, 3 năm sau, chị sinh thêm một cậu con trai, đứa nào cũng khỏe mạnh.
Về đường con cái, chị tưởng như thế là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng tưởng cuộc đời của chị êm đềm trôi đi và quen đi về những bộn bề con mọn. Nhưng sóng gầm hóa ra chưa hề biến mất.
Càng ngày, anh chồng “opera” của chị càng trở nên cáu bẳn. Thay vì kể chuyện cười hay hát opera, anh chuyển thành sa sả mắng và ngăn cấm vợ con đủ điều. Không biết ở ngoài đường kia có những hiểm nguy cạm bẫy gì, nhưng nếu không có anh đi kèm, thì vợ con nhất nhất phải ém quân tại nhà cấm di chuyển. Vợ chỉ được phép ra cái chợ nhỏ ở đầu ngõ mua thức ăn rồi về ngay, còn đi đâu xa hơn thế thì phải có chồng tháp tùng. Có lần, vợ xin về nhà mẹ đẻ chỉ cách nhà 2 km để thăm mẹ ốm lên muộn, anh ta ca cho một bài khiến cho hàng xóm chẳng phải cố vênh tai nghe cũng lộng cả óc.
Người vợ nhu mì ấy thật đáng thương và đáng nể vì độ chịu đựng. Chị không nói lại một lời, chồng đuổi cũng không đi. Cứ thui thủi dọn dẹp, nghe mắng và khi mọi thứ nguôi đi lại tiếp tục mỉm cười. Với hàng xóm láng giềng, chị lúc nào cũng lễ phép, dịu dàng và ân cần hết mức. Vì thế, mọi người chung quanh đều phẫn nộ thay cho chị mỗi khi thấy anh chồng “opera” ca bài mắng vợ chửi con. Mắng chửi vì những điều hết sức vụn vặt, thậm chí là vô lý.
Người vợ nhu mì ấy thật đáng thương và đáng nể vì độ chịu đựng… (Ảnh minh họa)
Chẳng hạn như: “Tại sao đã bảo 5 giờ cắm cơm mà 5h30 mới cắm? Tại sao quần áo chồng phơi dây ngoài, quần áo vợ phơi dây trong mà để lẫn một cái thế kia? Cơm nấu thừa ra rửa bát lắm như thế này cho chó nó ăn à? Tất cất vào trong tủ thì phải gấp, độn cho gọn gàng như đã hướng dẫn, sao lại dám buộc vào nhau thế này?… Thằng kia mày ăn cái gì mà ngu thế…???”
Trong nhà lặng tờ, chỉ có một giọng lĩnh xướng sang sảng của anh chồng “opera”. Chiều nào cũng như chiều nào, chẳng có gì mà anh không bới móc ra để “luyện giọng” được. Hai đứa trẻ nhà anh ra vào như hai cái bóng. Từ bé đã ít tiếng nói cười, đi nhẹ nói khẽ… Ra ngoài thì cả nhà anh chị đều được tiếng lễ phép, lịch sự từ bố mẹ đến các con, nhất nhất là phải chào hàng xóm lễ độ, không được phép sơ sẩy một tí nào. Nếu có sơ sẩy gì thì chiều tối hôm đó, thế nào hàng xóm cũng được nghe “bài ca không quên” ầm ĩ.
Có anh hàng xóm nọ, thấy anh “opera” bắt nạt vợ giỏi, lấy làm phục lắm, than rằng: “Đời mình chả được như nó, đàn ông thế mới là đàn ông chứ!” Chỉ chị vợ hàng xóm thì nghĩ trong bụng: “Con giun xéo lắm cũng quằn. Anh đừng cứ tưởng cứ giày vò mãi mà người ta chịu được! Cái ngày chị ấy vùng lên sẽ chẳng xa đâu!”.
Quả thực, trong cuộc hôn nhân ấy không hề có những tiếng kêu của người vợ, dù là ầm ĩ hay ai oán, không có những tiếng kêu lẽ ra phải có đối với người vợ bình thường. Nhưng không nghe thấy không phải là không có những tiếng kêu. Chỉ có chị mới biết, những tiếng kêu của mình nó chói ruột, nó tan nát như thế nào.
Những tiếng kêu của chị dội ngược vào trong lòng, chua xót. Chị thương hai đứa con và thương mình đến mất ngủ triền miên. Nhưng phẩm hạnh của chị, tính nết của chị, những gì chị được dạy dỗ nằm lòng không cho phép chị lớn tiếng. Và cuộc cam chịu của chị vẫn cứ thế nối dài…
Theo VNE
Nỗi đau của người mẹ có 3 đứa con đồng tính
Việc trong số 5 người con của mình có đến 3 người đồng tính đã từng lấy đi biết bao giọt nước mắt và gây ra bao đau đớn cho người mẹ. Nhiều lúc, bà đã có ý định tìm đến cái chết để giải thoát khỏi những khổ đau, dằn vặt nhưng rồi lại thôi.
Giờ đây, khi đã hiểu ra "đồng tính không hề có tội" và trông thấy 3 đứa con của mình sống vui vẻ, hòa đồng, biết làm ăn chân chính thì bà cũng đã nguôi ngoai. Đó là người phụ nữ có cái tên rất đẹp N.T.H, ngụ tại quận 3, TP.HCM.
Nỗi đau tột cùng của người mẹ...
Chúng tôi đến thăm người phụ nữ ấy vào một ngày cuối tuần. Bà mở một tiệm cơm bình dân trên đường Trần Văn Đang để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Trời đang trưa, quán ăn chưa mở cửa nên không có khách. Tiếp chúng tôi là một người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, nhưng đôi mắt lúc nào cũng như thẳm sâu một nỗi buồn. Năm nay, bà đã ngoài 60, nhưng nom vẫn còn rất tinh anh, khỏe mạnh.
Bà H. xởi lởi mời chúng tôi ngồi, rồi thở dài tâm sự. Nhà có 5 người con, 2 người con đầu đã có gia đình, nhưng oái oăm thay khi 3 người con sau lần lượt đều bị "ái nam ái nữ" - một hiện tượng mà xã hội ngày nay người ta vẫn còn nhìn nó với ánh mắt và thái độ khá "dè chừng". Bà H. kể, hồi Ng. (năm nay 36 tuổi) con thứ 3 của bà còn học tiểu học, đã thấy Ng. chỉ thích chơi đùa với bọn con gái. Nghĩ việc đó cũng là chuyện bình thường của trẻ thơ nên bà cũng không để ý gì nhiều.
Ng. mười mấy tuổi đầu nhưng lại thường xuyên theo các đoàn hát với các "đào chính" là những cô nàng "ái nam ái nữ" chuyên ca cải lương phục vụ ma chay, cưới hỏi. Mỗi lần ba ruột của Ng. nghe hàng xóm rêu rao Ng. đi theo đoàn, rồi hát với chất giọng đầy nữ tính, điệu bộ nhảy nhót ẻo lả, trang điểm phấn son giống con gái là ba Ng. lặn lội đi tìm về cho bằng được. Vừa tức giận, vừa chẳng biết khuyên lơn như thế nào nên ông "nện" Ng. một trận "nhừ tử", rồi buồn rầu ra sân đốt thuốc. Bà H. giọng vẫn cứ đều đều: "Vậy mà nó có chừa được đâu, đánh riết rồi thấy hết phương cứu chữa thì thôi. Giờ ổng không đánh nữa phần vì thương, phần vì tụi nó lớn khôn hết rồi".
Hết chứng kiến những trận đòn roi, những lời la mắng, miệt thị của chồng lên Ng., bà H. lại tiếp tục đón nhận nỗi đau tột cùng khi biết lần lượt 2 người con kế tiếp là T. (SN 1986) và T.N. (SN 1988) đều mang "thân xác đàn ông nhưng tâm hồn phụ nữ". Nước mắt như cạn khô, bà "sống dở chết dở" và không muốn tin vào sự thật. Đó quả là một mối oan nghiệt quá lớn, nỗi đau của bà cứ thế chồng chất lên cao. "Biến đau thương thành hành động", ngày bà mưu sinh một buổi, một buổi còn lại dành thời gian đến các trung tâm tâm lý, các bệnh viện để xin được tư vấn về trường hợp của 3 đứa con tội nghiệp.
Đến khi biết được, đó là một chứng bệnh bẩm sinh và những đứa con của bà không hề có tội, bà lại càng thương con hơn. Nhiều lần bà gọi các con lại tâm sự, nhưng biết không thể thay đổi được gì nên chỉ biết khuyên nhủ các con gắng học để sau này dễ kiếm việc làm và sống tốt với đời. Nhưng một lần nữa, sự thất bại của các con trên con đường học vấn và nỗi âu lo của người mẹ vẫn cứ bám víu lấy bà. Lần lượt T. và T.N. trượt đại học. Buồn nhất là TN. thi được 18,5 điểm nhưng vẫn thiếu nửa điểm để đậu vào ngành đã đăng ký, thế là T.N. buồn rầu thôi học. Nỗi đau cứ nối đuôi nhau dồn dập đến, nên nhiều lúc bà nghĩ không biết kiếp trước đã làm gì nên tội mà kiếp này hậu quả lại đổ lên đầu mình và các con như thế. Có lúc bà đã tìm đến cái chết, nhưng chết thì có giúp ích được gì, các con bà cũng không thể thay đổi được... nên lại thôi. Sự thể đã an bài, đành chấp nhận số phận, nhưng bà vẫn không thôi buồn lo cho các con về sự mặc cảm giới tính, sự ghẻ lạnh, lời đàm tiếu của người đời...
Ảnh minh họa
Nỗ lực giúp con hòa nhập cộng đồng...
Quả thật, với một người mẹ không còn nỗi đau nào hơn khi con mình sinh ra không hoàn thiện như những người khác. Niềm vui và hạnh phúc nhất đời của một người phụ nữ đã không được hưởng trọn vẹn. Mỗi ngày, bà đều sợ hãi khi nghĩ đến cảnh những đứa con của mình sẽ trôi dạt bên lề xã hội, bị khinh bỉ, rồi buồn chán mà sống không ra gì. Nhưng đúng là cuộc đời không "bức tuyệt" những ai có tâm hướng thiện bao giờ. Hằng ngày, nhìn thấy con cứ bị chồng mắng nhiếc, bà biết ông do buồn bã nên cũng không dám can ngăn. Nhưng cứ đến đêm, bà lại đem những kiến thức của mình đã tìm hiểu được về hiện tượng "xuyên giới tính" mà các con mắc phải để thủ thỉ với chồng. Và rồi ông dần hiểu ra và nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, ông không còn đánh đập la mắng 3 đứa con tội nghiệp nữa. Thay vào đó là yêu thương nhiều hơn.
Bà H. chia sẻ trong sự nhẹ nhàng, thanh thản: "Tôi cũng sợ mấy đứa nó buồn rồi tụ tập bạn bè, đàn đúm làm chuyện bậy bạ như người ta hay bảo là móc túi, lừa gạt... nhưng tuyệt nhiên con tôi không một ai làm vậy. Tụi nó vậy mà ngoan và biết thương mẹ lắm. Ít khi làm tôi phải buồn lòng và chịu tiếng xấu với hàng xóm". Chúng tôi mạo muội hỏi có biết vì sao con bà được như vậy? Bà tự hào: "Chắc tụi nó sợ ổng, với lại cứ ổng mà đánh xong, tôi ôm các con vào, xức dầu rồi khuyên bảo con nhẹ nhàng. Từ khi hiểu ra bệnh của con nên thương hơn giận, tôi đã hằng ngày tranh thủ trò chuyện nhiều hơn với các con. Tạo cho chúng ý thức về giá trị bản thân con người không nằm ở bề ngoài, mặt khác, tôi cũng nói chuyện nhẹ nhàng với ba của mấy đứa. Cứ thế, các con tôi lớn lên ngoan ngoãn, thấy bọn chúng đàng hoàng, hàng xóm cũng thương mà không buông lời gièm pha, trêu chọc nữa. Mà cũng do ý thức của mỗi người, có người như thế này nhưng cũng có người như thế nọ, quan trọng là bản thân nó biết phân biệt tốt xấu thôi. Thế là được".
Nhưng hạnh phúc con người luôn gắn liền với gia đình, với vợ con. Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, có như vậy mới có một cuộc sống trọn vẹn, ngược lại rất dễ bị cô đơn và buồn tẻ, có khi thành kẻ "bất lương". Thế nên, khi nói về chuyện lập gia đình cho các con, bà H. thoáng buồn: "Nhiều lần nói tụi nó có muốn lập gia đình không nhưng tụi nó bảo: ở vậy cho khỏe, lấy người ta thì được nhưng đôi khi bị thiên hạ dị nghị, có khi làm khổ cho người khác... Nghe thì buồn, tội nghiệp cho tui nó nhưng thấy mấy đứa sống an phận, được vui vẻ, thoải mái, có bạn có bè nên cũng nhẹ lo phần nào".
Chúng tôi lại hỏi về chuyện bây giờ có rất nhiều người đồng tính đứng đường làm "cave" bán dâm, lên mạng rao bán thân mình, rồi vào các Spa, tiệm Massage để kiếm tiền. Bà H tự tin: "Chuyện đó tôi có nghe, nhưng chắc chắn con tôi không bao giờ dính đến. Tôi biết tính ý con mình, giờ mấy đứa nó có công ăn chuyện làm, có tiệm buôn bán ổn định, tụi nó còn tạo điều kiện cho rất nhiều người cùng "cảnh ngộ" vào làm nữa đó chứ". Bà H. vừa nói vừa chỉ tay giới thiệu từng người một trong quán. Có đến 7 - 8 nhân viên phục vụ đều là người mang những nỗi đau về giới tính không được bình thường. Đa số đều ở dưới quê, ít học, nên phải lặn lội lên thành phố tìm việc. Ngọc, một nhân viên phục vụ quê Sóc Trăng cho chúng tôi biết: "Anh thấy đó, tụi em như vậy khó tìm việc lắm. Người ta nói Sài Gòn nhiều việc dễ kiếm sống nhưng em thấy có vậy đâu. May mà nhờ cô H. và mấy con cô đồng cảnh ngộ nên thương tình nhận vào làm, chứ thật tình tụi em cũng không biết đi đâu nữa".
Mai, quê Vĩnh Long, người có khuôn mặt khá xinh trong bộ váy điệu đà chia sẻ với giọng buồn buồn: "Ai mà không muốn có nhiều tiền, sống sung sướng hả anh? Nhưng nghe mấy anh nói về cái nghề mại dâm, đứng đường làm cave gì đó tụi em sợ thật. Nói thật, tụi em làm ở đây tháng cũng dư mấy trăm, thậm chí có tháng hơn triệu gửi về quê là tụi em thấy vui lắm rồi. Nói anh đừng cười, em ít học nhưng cần chi bán rẻ phẩm giá con người mình đến vậy", ánh mắt Mai và mọi người khi nói đến điều ấy đều ánh lên một sự tự hào rất lớn.
Chúng tôi cũng đã gặp các con cô H. chuyện trò. Ai cũng có công việc của mình và điều quan trọng là họ tự tin công khai giới tính vì họ nghĩ: "Giới tính không phải là bệnh, không có gì là xấu cả, quan trọng là mình làm gì và sống như thế nào. Bởi mình tôn trọng xã hội thì xã hội tôn trọng mình thôi..!".
Theo VNE
Nỗi giày vò của mẹ "hổ", ép con uống thuốc sâu Hàng đêm trong trại giam, tôi hết mê sảng lại khóc lóc, hết gọi tên con lại ôm cái gối và hát những bài ru con bằng tiếng Tày. Hết tự hành hạ, tự chửi bới rồi lại đập đầu vào tường tìm cách tự tử... LTS: Ngày ngày, nhìn những đứa trẻ con phạm nhân đang tíu tít vui đùa bên mẹ...