Một cuộc đời giữa hai cây cột điện
Ngay giữa lòng Hà Nội, cách Hồ Gươm chỉ vài chục bước chân, lẩn khuất phía sau những hàng xe hơi sang trọng đầu phố Bảo Khánh có một quán trà đá, đặc biệt đến nỗi bất kỳ ai nhìn thấy cũng không khỏi chạnh lòng.
Đó là quán trà đá của bà cụ Nguyễn Thị Yến (nay đã 86 tuổi) nằm lọt thỏm giữa hai cây cột điện cách nhau chưa đầy 60 cm. Quán trà đá đặc biệt ấy gần 40 năm qua là “ miếng cơm manh áo” của cả một gia đình toàn những người tàn tật, ốm đau, không nơi vá víu.
Quán trà đặc biệt của cụ Yến lọt thỏm giữa hai cây cột điện.
Tôi tìm đến quán trà đá đặc biệt này đúng vào thời điểm gió mùa Đông Bắc tràn về sau một vài ngày nắng ấm, những cơn gió lạnh rít lên liên hồi làm cho mặt nước Hồ Gươm cũng trở nên dậy sóng. Người đi đường cũng đã khoác trở lại những chiếc áo ấm dày cộm để chống chọi với một đợt rét mới. Ấy vậy mà đến đầu phố Bảo Khánh, một cảnh tượng khiến tôi không cầm thể cầm nổi lòng mình, đó là một bà cụ tóc bạc như cước, ngồi co ro dưới chân hai cây cột điện, mình mặc những tấm áo hết sức mỏng manh. Phía trên đầu được che chắn tạm bợ bởi một tấm ván cũ, phía trước là một giỏ xách nhỏ rách nát với đôi ba gói hướng dương, vài bao thuốc lá, mấy phong kẹo cao su và năm, sáu chai nước khoáng. Thấy tôi lại gần, bà cụ lên tiếng mời uống nước.
Tôi ngồi xuống bên cụ mua một phong kẹo cao su, một chai nước khoáng và bắt đầu chuyện. Cụ Yến kể, cuộc đời cụ cũng có thể ví như một cuốn “Truyện Kiều”, cũng đẫm nước mắt và chất chứa đau thương không khác gì nàng Kiều trước đây. Tuy không lận đận, truân chuyên như Kiều nhưng cụ lại có những nỗi khổ riêng không ai thấu tỏ.
Cụ là người gốc Phú Xuyên (Hà Tây) nhưng lên Hà Nội vào năm 1950. Mẹ bị mù chết sớm, bố vợ nọ con kia nên chẳng hề ngó ngàng gì tới cụ. Ở với ông bà ngoại được mấy năm thì ông bà ngoại chết. Các cậu, các dì thương tình đưa về nuôi nhưng do gia cảnh ai cũng khó khăn nên tuổi thơ của cụ là những tháng ngày đi ở đợ cho nhà người. Năm 20 tuổi cụ lấy chồng và sinh được ba trai một gái. Sống ở quê được một thời gian thì buộc phải dắt díu nhau lên Hà Nội để kiếm kế sinh nhai, vì hồi ấy cụ là con mồ côi nên ở quê không được phân ruộng.
Những ngày mới lên Hà Nội, cụ phải xoay đủ nghề để nuôi sống cả một gia đình tới sáu miệng ăn. Lúc đầu bán xôi, cháo dạo ở những con phố nhỏ quanh khu vực chợ Đồng Xuân. Bán được 4 năm thì cô con gái duy nhất đổ bệnh nặng, cụ phải nghỉ bán để ở nhà chăm sóc con.
“Thời gian ấy gia đình tôi vô cùng khốn khổ, đồng lương thợ may ít ỏi của ông nhà tôi không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày thì lấy đâu tiền mua thuốc cho con. Thương con quá nhưng không còn cách nào khác tôi đành bấm bụng gửi con nhờ hàng xóm trông hộ để ra chợ Đồng Xuân bán phở, rồi chuyển sang bán hoa quả để kiếm tiền nuôi cả gia đình và thuốc men cho các con”.
Video đang HOT
Vắt kiệt sức mình để lao vào mưu sinh, nuôi sống cả nhà khiến cho cụ Yến chả mấy chốc từ một phụ nữ được tiếng “lực điền” đã phải ngã quỵ trước những cơn đau ốm bất thường. Không còn sức khỏe để có thể rong ruổi khắp các phố phường bán dạo, nên quán trà đá trở thành chiếc “cần câu cơm” duy nhất lúc bấy giờ mà cụ có thể làm được để nuôi sống các con.
Nuôi được con các vừa lúc trưởng thành thì cũng là lúc người chồng, chỗ dựa tinh thần lớn lao nhất của cụ, bỏ cụ ra đi do một căn bệnh hiểm nghèo. Bố vừa mất chưa được bao lâu thì các con lao vào giằng xé, tranh giành sở hữu ngôi nhà tập thể khiến cho cụ hết sức đau lòng. Không còn cách nào khác, cụ đành phải bán căn nhà mà cả một đời hai vợ chồng tích góp, dành dụm để chia cho các con. Còn mình thì âm thầm đi thuê một căn chòi nhỏ ở ven sông Hồng để sống cùng cô con gái mắc bệnh teo cơ và tim bẩm sinh.
40 năm không bỏ một buổi chợ
Tôi hỏi cụ: “Cụ ngồi đây cả ngày mà không lạnh sao?” – cụ cúi đầu lẳng lặng, chậm rãi đưa miếng trầu vừa giã nhuyễn trong chiếc cối đồng vào miệng, bỏm bẻm nhai rồi đưa ánh mắt xa xăm nhìn về phía Hồ Gươm như đang hồi tưởng về quãng đời cơ cực của mình. Trên khóe mi, hai hàng nước mắt dâng lên ầng ậc. Lẳng lặng một lúc lâu, cụ mới lên tiếng: “Lạnh chứ, ngồi trong nhà còn lạnh huống hồ ngồi giữa trời nhưng có lẽ quen rồi nên lạnh thế này chứ lạnh nữa thì tôi vẫn chịu được. Những hôm lạnh quá thì mặc thêm nhiều áo để chống lạnh. Lạnh thế nhưng gần 40 năm qua tôi chưa hề bỏ buổi chợ nào trừ ngày giỗ ông nhà tôi và hai ngày Tết”.
Hàng ngày, cứ đều đặn 6h vào mùa đông và 5h30 vào mùa hè, cụ đã có mặt ở đây. Bán cho tới 11h đêm mới về nhà nghỉ. Vì không có vốn nên cũng không dám buôn bán gì nhiều. Trước đây, ngoài bán những thứ lặt vặt này cụ còn bán cả trà đá nhưng có một lần vì mắt mờ không nhìn thấy rõ, cụ vô tình rót nước vào chiếc chén còn đọng một ít cặn, vậy là bị người khách giơ thẳng chiếc chén vào mặt quát mắng khiến cụ thấy nhục nhã quá nên thôi.
Mặc dù khách hàng đến với cụ chủ yếu cũng là những người lao động, mỗi lần chỉ là vài điều thuốc, một gói hướng dương… nhưng vì thông cảm với hoàn cảnh của cụ nên dù ở xa họ vẫn tìm đến mua hàng. “Tôi nói thật, bán cái này thu nhập không đáng kể đâu mà chủ yếu là nhờ cơm rơi lộc vãi nhiều. Nghĩa là nhiều người mua người ta thấy thương cho hoàn cảnh của mình nên tiền thừa người ta biếu luôn không lấy. Số tiền đấy để dành, ăn tằn ăn tiện và thuốc men cho cô con gái” – cụ Yến thật lòng chia sẻ.
Cụ còn cho biết thêm: “Tôi đi thế này để khuây khỏa là chính chứ ở nhà nhìn bốn bức tường, nhìn các con tôi lại đau lòng thêm. Ba đứa con trai, một con gái nhưng đứa nào bây giờ cũng bệnh tật ốm đau. Thằng cả trước là bộ đội, ra quân được một thời gian thì bị ung thư rồi ra đi để lại cho vợ nó một nách hai đứa con mọn. Bản thân cô con dâu cả cũng bị bệnh tim nặng.
Thằng thứ hai vốn là công nhân nhà máy nước nhưng trong một lần đang làm thì không may bị ống nước đè gẫy chân. Bây giờ trở nên tàn phế, không làm được gì. Thằng út thì trước cũng đi làm linh tinh nhưng giờ lại bị thất nghiệp, ở nhà trông chờ vào đồng lương của vợ là công nhân vệ sinh nhà máy nước. Còn cô con gái duy nhất năm nay đã 36 tuổi nhưng bị teo cơ từ nhỏ nên phải nằm một chỗ, không chồng con.
Hàng tháng tôi vừa phải kiếm đủ tiền để nuôi sống mình vừa phải phụ giúp cho chúng nó và lo thuốc thang cho cô con gái. Nhiều lúc tính thôi không bán hàng nữa nhưng ở nhà thì lại chẳng biết bấu víu vào đâu”.
Thùy Duyên mang tặng cụ Yến chiếc radio.
Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì có một cô gái, ăn mặc khá sành điệu mang đến biếu cụ Yến một chiếc radio. Cô tên Nguyễn Thị Thùy Duyên – phiên dịch tiếng Trung cho một công ty. Một lần lên mạng, cô nhìn thấy hình ảnh của cụ Yến do một số bạn trẻ chụp rồi đưa lên trên một diễn đàn, vậy là mỗi lần có thời gian rỗi cô lại tìm đến trò chuyện với cụ. “Qua mấy lần trò chuyện, thấy bà ngồi một mình, không có ai trò chuyện cùng rất buồn nên em hỏi bà thích nghe đài không thì bà bảo là rất thích nhưng không có tiền mua đài, vậy là em mua biếu bà để bà nghe cho đỡ buồn…” -Thùy Duyên cho biết.
Hành động của Duyên khiến tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Thì ra bên cạnh những bạn trẻ chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình thì vẫn còn rất nhiều bạn trẻ biết quan tâm, sẻ chia với những mảnh đời, những số phận kém may mắn xung quanh mình.
Theo Hà Tùng Long
Gia đình & Xã hội
Bạc đầu bán rong nuôi vợ
Ông Mười Kinh bên người vợ bệnh. Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị.
"Mọi người có tin 30 năm bán dạo tôi chưa tốn đồng nào tiền cơm hay tiền cà phê không? Vì tôi nhịn một ly cà phê 5.000 đồng thì vợ tôi có thêm hai cái hột gà, còn nhịn một phần cơm 10.000 thì vợ có thêm mấy lạng thịt cho bữa ăn", ông già 80 tuổi nói.
Sài Gòn chiều cuối năm, những cơn mưa trái mùa kéo theo gió lạnh ùa về. Bên cây cầu Kinh bắc qua bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM), một lão ông vẫn ngồi đó, bên cạnh là chiếc xe đạp cà tàng, mớ hàng lèo tèo vài loại trái cây đã thâm đen.
Ông lão nói giọng run run: "Tôi tên Nguyễn Văn Mười, quê ở ấp Hoà Long, xã Vĩnh Phú (Lái Thiêu, Bình Dương) nhưng người ta hay gọi là Mười Kinh vì tôi "sống" ở đây đã nhiều năm. Vợ tôi đang bệnh, thằng con năm nay 40 tuổi nhưng thần kinh không tỉnh táo, bỏ nhà đi rồi. Năm nay tôi 80, bán dạo để nuôi vợ".
Mười Kinh có lẽ là người bán hàng rong "số một Việt Nam" bởi không cần thách giá, khách mua thậm chí còn cho ông thêm tiền. Sở dĩ như vậy bởi những người mua hàng hiểu được hoàn cảnh của lão ông bán dạo này. Mười Kinh kể: "Ngày trước tôi làm ruộng nhưng mất mùa liên miên phải xoay qua chăm sóc cây trái trong vườn. Rồi bờ bao sông bị vỡ, nước ngập lênh láng, cây cối chết hết. Tôi sắm chiếc xe đạp, mua trái cây ở Lái Thiêu chở đi bán. Cứ sáng đi chiều về, cũng đủ nuôi ba miệng ăn..."
Buôn bán ở quê khó khăn, ông lên Sài Gòn. Mỗi ngày hì hụi đạp xe cả trăm cây số, sáng tờ mờ bắt đầu đi đến tối mịt mới về nhà. Bán buôn cực khổ nhưng nhờ những đồng tiền thấm mồ hôi đó mà vợ con ông có cái ăn, cái mặc. Rồi tuổi cao, sức ngày càng yếu nên ông quyết định trụ lại Sài Gòn. Từ năm giờ sáng, ông đã lọ mọ qua chợ Thanh Đa mua hàng. Lấy hàng xong thì đạp xe tìm chỗ nào đó ngả lưng chờ đến chiều đi bán. Mỗi ngày bán buôn như vậy, nếu may mắn, ông kiếm được dăm ba chục ngàn.
Để tiết kiệm tiền trọ, đêm đến, Mười Kinh vô khu chợ Thanh Đa mắc võng ngủ. Chuyện vệ sinh, tắm rửa, ông được bảo vệ nhà máy nước gần chợ Tầm Bu (quận Bình Thạnh) thương tình cho sử dụng thoải mái mà không lấy tiền. Mười Kinh nói: "Mọi người có tin là ngần ấy năm tôi chưa tốn đồng nào tiền cơm hay tiền cà phê không? Vì tôi nhịn một ly cà phê 5.000 đồng thì vợ tôi có thêm hai cái hột gà, còn nhịn một phần cơm 10.000 thì vợ có thêm mấy lạng thịt cho bữa ăn".
Bữa trưa của ông Mười chỉ là một bắp ngô. Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị.
Buôn bán giữa cầu, có lần công an hốt cả người và xe hàng mang về đồn, nhưng rồi biết tình cảnh ông, họ tha về. Đôi lần muốn chuyển địa bàn, ông qua khu công nghiệp Sóng Thần bán, nhưng ngồi mấy hôm, bán ế, ông lại về cầu Kinh, ngồi xích lại phía chân cầu để không ảnh hưởng đến trật tự giao thông. Nhìn hình ảnh ông lão buôn bán ngoài trời mưa nắng, khách mua hàng không khỏi ái ngại. Có người gợi ý nhận ông Mười về nhà phụng dưỡng, nhưng ông lắc đầu. Tài sản của ông lão chẳng có gì quý giá ngoài chiếc xe đạp cà tàng. Thế mà một lần ngủ quên, bị trộm mất. Sáng ra, chỉ còn lại cái võng, ông lo đến phát ốm bởi mất cái "cần câu cơm", sẽ có hai người chết đói.
Hai vợ chồng già sống trong cảnh không con. Ông đi bán buôn kiếm cái ăn, bà ở nhà lo công việc lặt vặt và chăm sóc luống rau, mảnh vườn. Trong một lần ông Mười xa nhà, người ta báo tin vợ ông bị tai biến mạch máu não, đã chở đi bệnh viện. Từ Sài Gòn, ông tức tốc chạy về chăm vợ. Nằm một tháng ở bệnh viện tỉnh nhưng bệnh vợ không giảm, ông đưa vợ qua bệnh viện Y học dân tộc. Số tiền bán vườn, ngoài chi phí sửa lại căn nhà, biến hết thành tiền thuốc. Điều trị thêm một tháng thì vợ tỉnh, ông xin được đưa vợ về nhà điều trị.
Bốn năm nay, ông phải lo mọi bề. Nhưng cứ ở bên cạnh vợ như vậy thì không có cái ăn, ông nhờ mấy người cháu chăm sóc vợ rồi lên Sài Gòn bán hàng dạo. Cuối tuần, ông mang tiền về, mua thuốc men và gửi nhờ cháu ở nhà mua đồ ăn cho bà. Những lúc ở nhà, ông thường kể chuyện buôn bán cho bà đỡ buồn. Vợ ông tâm sự: "Ông ấy là động lực để tôi sống. Thấy ông quần quật suốt ngày như vậy, tôi thương lắm nhưng bệnh không thể làm được gì. Ông ấy toàn kể chuyện vui nghe được khi đi buôn bán, nhưng nhiều khi tôi linh tính ông giấu mấy chuyện buồn".
Hình như linh tính của bà đúng, bởi sức khoẻ yếu, ăn mặc phong phanh nên có bữa ông mắc mưa bị cảm, ốm thập tử nhất sinh. Người ta đưa ông vào bệnh viện, tỉnh lại ông khăng khăng trở về với công việc bán dạo. Nói về mơ ước khi năm mới đến, ông thổ lộ: "Mong là mắt tôi đừng mù để còn thấy đường đi bán buôn nuôi vợ. Có người khuyên tôi đi mổ mắt nhưng số tiền lớn quá. Còn làm việc được thì phải ráng chứ tôi nhất quyết không đi ăn mày".
Đêm cuối năm, không khí lạnh tràn về, ông lão ngồi co ro bên gian hàng. Ông bảo tuy khổ cực nhưng ông thấy thanh thản vì được hy sinh cho người vợ yêu thương. Mười một giờ đêm, ông dọn hàng ra về. Hình ảnh ông lão còng lưng đẩy chiếc xe đạp hắt xuống lòng đường tạo thành một dấu hỏi lớn: Có tình yêu nào đẹp hơn tình yêu ông lão bát thập này dành cho vợ?
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Chùm ảnh: Cuộc sống đời thường của chàng trai cao nhất thế giới Video: Sultan xuất hiện trên truyền hình Tháng 9 vừa qua, Sultan Kosen, anh chàng 27 tuổi sống tại thành phố Mardin, Thổ Nhĩ Kỳ, vừa được ghi danh trong sách Kỷ lục Guinness. Anh í chính thức trở thành người đàn ông cao nhất hành tinh (với chiều cao 2,47m). Người đàn ông cao nhất hành tinh (2,47m). Có bàn chân rất...