Một chuyện đáng suy ngẫm về ứng xử vợ chồng
Chuyện là tối qua, hai anh chị dắt nhau đi nghe nhạc Phú Quang. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chị không tính nhẩm nhầm ngày. Mua vé ngày mùng 10 thì đóng bộ đưa nhau đi xem ngày 11!
Anh ngơ ngác khi nhân viên soát vé nói vé này là của ngày hôm qua. Và đương nhiên phải vứt đi mua ngay cái mới.
Thế là đi tong một đôi vé không dùng mà nếu đổi thóc quy ra thì bằng 2 tháng lương cộng tác viên thử việc của đứa con gái lớn.
Tối qua nghe kể xong thì tôi ngỡ ngàng lắm, cảm giác đơ đơ luôn. Vừa buồn cười vừa tiếc tiền kinh khủng, dù chả phải tiền của mình nhưng vẫn tiếc ngẩn tiếc ngơ, lẩm nhẩm trong đầu quy ra thóc ra cám. Nhưng sau một đêm ngủ dậy, nghĩ lại, tự dưng những gì còn đọng lại trong đầu chỉ là trận cười tưng bừng của gia đình anh chị sau khi về nhà.
Chợt nhận ra rằng, ô kìa, phải vợ chồng nhà người khác thì đã cãi nhau to, mắng nhau gay gắt, rồi xót của tiếc tiền chì chiết nhau chẳng ra làm sao , đến vài hôm có khi chưa dứt. Thế mà, anh chị mình về thì lại cười như… Liên Xô, còn thi nhau kể chuyện trên xe chém gió như thế nào.
Anh và chị có tiếc không? Rõ ràng tiếc đứt ruột đi ấy chứ. Tiền mồ hôi nước mắt, nào có phải ăn cướp ra. Nhưng sao họ không cãi nhau? Sao anh không xót của mắng chị té tát, lèm bèm chì chiết tận mấy hôm sau như chồng nhà người ta?
Sao lại ấn ngay chị vào quầy rít lên bắt mua đôi vé mới không hết thế? Sao vẫn còn tâm trí dắt nhau vào nghe nhạc tao nhã thế kia? Ô kìa, tự dưng tôi thấy họ thật buồn cười quá.
Chuyện trong nhà, đem lên mạng vạch áo cho người xem lưng kể có hơi kì cục ghê. Nhưng mà cứ chuyện này đè lên chuyện kia, chuyện này thêm chuyện khác như giọt nước tràn ly ấy, nên hôm nay, Valentine qua rồi mà cảm thấy cần phải nói, họ thật lạ lùng.
Từ bé đến giờ, từ khi tôi bắt đầu nhớ được, đã hiếm lắm mới họ cãi nhau. Tất nhiên là không phải không có, nhưng mà ít. Đôi này lại càng già thì càng ít. Trong những lần ít ỏi tôi từng chứng kiến, có một điều kì lạ là dù cãi hăng đến thế nào họ cũng nhất quyết không đổi cách xưng hô.
Đời thuở nhà ai, vợ chồng cãi nhau mà cứ anh anh em em ngọt xớt. Anh thế này, em thế kia, tuyệt nhiên không thấy tôi – cô, tôi – anh gì hết, chứ đừng nói lại còn tao tao mày mày được như nhà người ta.
Thậm chí khoảng gần chục năm trở lại đây, tôi nhớ mãi không ra vụ cãi nhau nào nữa. Ngược lại họ còn như là quay về thời mới yêu.
Mỗi bận đi chơi gia đình là hình ảnh lúc nào cũng quen thuộc lắm: các cháu lút cút theo sau, bố mẹ khoác tay ôm eo nhau thả bộ đằng trước. Có lúc còn bị con trẻ ngồi bên phát hiện, đôi vợ chồng “sắp” già rủ nhau cùng chụp selfie.
Tôi là con gái út kém anh chị gần đôi chục tuổi, hồi bé không biết, cứ tưởng nhà nào cũng thế, vợ chồng nào cũng vậy thôi. Lớn lên một vài tí rồi mới hay, bản thân hơi ảo tưởng quá. Có mỗi anh chị tôi buồn cười tưng tửng vậy thôi. Có mà anh chị tôi mới là số ít.
Sao buồn cười thế, sao vợ chồng sắp già, ở với nhau cũng đã hai mươi lăm năm, mà vẫn chẳng ngại ngùng gì khi nói với 2 cô con gái là mình yêu người kia như thế?
Chị chẳng xấu hổ thẹn thùng gì khi bảo với các con là “vì mẹ yêu bố”? Sao anh không ngại ngần gì khi nói “Bố yêu mẹ con”? Buồn cười lắm nhé, phải nhà người ta thì sẽ nói &’bố yêu ba mẹ con’, nhưng anh thì không quen thế.
Video đang HOT
Nghĩ lại chuyện đôi vé. Gần đây chị thi thoảng có đi giảng bài kĩ năng sống cho học sinh phổ thông. Một trong những bài chị giảng, là về việc phải học cách chấp nhận những gì không thay đổi được trong cuộc sống. Trước tôi vẫn cứ nghĩ, lý thuyết là thế, nhưng thực hành được thì có mấy ai. Giờ thì đã nhìn thấy tấm gương rồi đấy.
Thay vì phàn nàn chì chiết cãi cọ nhau cho đã mất tiền còn thêm mệt người cáu kỉnh bực tức, chốt lại cũng ko thay đổi được gì, họ chọn cách bỏ qua nó để cùng nhau tận hưởng buổi tối. Tận hưởng âm nhạc, tận hưởng niềm vui, và cứ coi như là có thêm kỷ niệm, chuyện cười vui cho vài bữa tối.
Và họ – đôi vợ chồng đầu với hai mái đầu ngã bạc vẫn cứ yêu nhau thắm thiết lắm. Bữa cơm vừa xong, gia đình tôi lại vừa có một trận cười.
Theo Gia đình & xã hội
Một chuyện tình thấm đẫm nước mắt...
"Đây là câu chuyện về cuộc đời, về tình yêu của hai con người có thật. Họ mất nhau vì buông tay nhau quá sớm, tình yêu cuối cùng bị vùi dập bởi sự sắp đặt của số phận và những tham vọng của con người. Tình yêu không có lỗi..."
Cuốn nhật ký nhạt nhòa nước mắt. Tấm hình người thanh niên mặc cảnh phục ôm eo chị, như đang cười với chị.
Người yêu chị là công an.
Anh thích học cảnh sát nhưng thi năm thứ hai mới đi học được. Anh thi thiếu nửa điểm, đành phải học hệ trung cấp. Chị đi học trước anh một năm.
Ngày anh nhập trường, chị dẫn anh đi. Có người không biết còn hỏi " Chị gái dẫn em trai đi nhập trường à ?" làm chị tức nổ mắt, không làm gì được người ta, quay sang lườm anh...Anh cười hiền, luôn nhường nhịn chị. Vậy là trong hai năm tới, họ được ở gần nhau.
Chị san sẻ niềm vui với anh ngày đầu tiên bước chân vào trường, khi anh kêu khó chịu bởi lần đầu tiên khoác lên người bộ cảnh phục vừa lạ, lại vừa gần gũi thân quen. Chị lo lắng khi anh kêu ngứa ngáy vì tắm bể nước tập thể không quen, ăn cơm nhà ăn lạ miệng, chị lại phải mua thuốc, mua muối đến cho anh.
Học viên mới nhập trường bị cấm trại 1 tháng, chị cũng không được thoải mái vào thăm anh, nên ngày đầu tiên được "sổ lồng", anh tức tốc đến khu kí túc xá gặp chị. Bác anh gọi điện bảo đến chơi, anh nói dối "Cháu phải ở lại trường tập điều lệnh ạ". Anh gãi đầu gãi tai, lóng ngóng, vụng về, chị thấy vừa thương vừa buồn cười. Sau này, khi "ra mắt" bạn bè cùng phòng anh, các bạn trêu "Cuối tuần nào nó cũng đi tập điều lệnh bên trường báo chí thì phải..." làm chị thẹn đỏ mặt.
Chiều thứ 6 mỗi tuần là khoảng thời gian mong đợi nhất, đến lúc đó, họ mới có thể nắm tay đi bên nhau như những đôi tình nhân bình thường khác. Nhiều khi nhớ anh không chịu được, chị lại bắt xe bus sang trường anh, ngồi phòng chờ đủ nhìn mặt anh cho đỡ nhớ rồi lại phải đứng lên ra về vì hết giờ vào thăm.
Năm đầu tiên anh học ở Thanh Xuân, năm thứ 2 chuyển lên Sóc Sơn. Những tuần anh không được ra ngoài, chị vẫn đi đi về về giữa hai tuyến bus để thăm anh. Đến nỗi bác tài tuyến bus 56 nhìn thấy chị bước lên xe thì không hỏi vé.
Cứ như thế, họ chia sớt cho nhau cả tuổi thanh xuân...
***
Anh trở về Hà Nội sau ba tháng thực tập ở tỉnh. Chị rớt nước mắt nhìn anh gầy rộc đi, chân tay đầy sẹo vì ngã trong những lần cùng đồng đội truy quét tội phạm ma túy. Chị trằn trọc không ngủ được, thương anh ngày đầu tiên thực tập, một mình vứt cả xe máy lao vào ôm đối tượng buôn ma túy, cả người cả đối tượng lăn xuống hố, xây xước hết mặt mày mà anh vẫn cố giấu.
Yêu chị chân thành bao nhiêu thì anh cũng nhiệt thành với nghề bấy nhiêu. Nhớ những lúc ngồi trong lòng anh, anh chỉ bảo " Trái tim anh một nửa dành cho em, một nửa là của ngành". Chị nũng nịu, đòi anh chia cho chị bảy phần thì mới chịu...
Anh được nhận về công tác tại PC 47 của công an tỉnh. Anh muốn chị về thành phố cùng anh, nhưng những bài viết, những mảnh đời, những chuyến đi đã níu chân chị, muốn chị trụ lại đất Thủ đô này. Hai người họ vì thế mà bắt đầu cãi nhau. Tính chị ương bướng, yêu anh nhiều lắm nhưng lại không chịu nhường nhịn. Những trận cãi nhau xảy ra thường xuyên hơn. Chiều nay cũng vậy, họ mới cãi nhau.
Chị bắt đầu sợ những chiều thứ 6,chị phải đối diện với hai ngày cuối tuần không có anh. Những buổi chiều hò hẹn họ xuất hiện cùng nhau bắt đầu thưa dần rồi vắng bóng hẳn.
Tình yêu bắt đầu chơi vơi trước sự sắp đặt của số phận và những tham vọng của con người...
***
Ngày anh về quê, chị đã không đến tiễn. Chiếc ba- lô màu xanh chỉ có mấy bộ quần áo mà sao nặng trĩu trên tay. Xe lăn bánh, chị cùng Hà Nội phồn hoa ở lại sau lưng anh.
Anh nhận công tác, chị bước vào năm cuối. Bận rộn. Những cuộc trò chuyện giữa họ cứ thưa dần. Quan hệ giữa anh với một cô sinh viên học đại học ở tỉnh nhà đến tai chị. Nghe nói cô ta học sau anh chị 2 khóa ở trường phổ thông.
Tối. Chị nhận được một cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia cất giọng lanh lảnh " Chị có phải là Mai không ?" - "Vâng, xin hỏi...cô là ai" ? - "Tôi là người yêu mới của anh Thuận, anh ấy đang ở chỗ tôi, từ giờ chị đừng làm phiền nữa...". Cuộc trò chuyện hết sức ngắn gọn. Đêm đó mưa, chị đứng trên tầng 5 khu kí túc xá, nước mưa sao mà mặn chát...
Chị không hỏi han. Anh cũng không một lời giải thích...
Kỳ thực tập cuối cùng như cơn lốc cuốn phăng chị đi, không cho chị có cơ hội ngoi lên mà nhìn lại mình nữa. Trời không phụ lòng người, ngày ra trường, chị được một tòa soạn báo nhận về làm việc luôn. Vậy là ước mơ bám trụ lại đất Hà thành cuối cùng chị cũng thực hiện được.
Những chuyến đi, những đêm thức trắng viết bài, những mối quan hệ mới khiến chị không còn nghĩ nhiều đến người xưa. Nhưng 2 năm trôi qua, anh vẫn là phần quan trọng nhất nằm sâu trong tim chị. 25 tuổi, chị vẫn đi về một mình. Chị cười, nụ cười phảng phất nét buồn.
Trong chiếc ví nhỏ xinh, không ai biết ngoài tấm hình chị hồi lớp 12, áo trắng tinh khôi, tóc dài xõa ngang lưng, còn có một tấm hình nhỏ bị úp mặt vào trong, anh mặc cảnh phục đang ôm eo chị, cười rạng rỡ. Chị sợ nhìn thấy nó, anh đẹp nhất trong bộ cảnh phục.
***
Chị nhận được điện thoại của Minh - bạn cùng phòng anh ngày trước. Minh hỏi chị có về dự lễ truy điệu anh vào chiều ngày mai không ?
Lần này, chị không khóc. Đôi mắt u buồn ẩn dưới vành khăn tang nhìn di ảnh anh. Anh vẫn đẹp đẽ như ngày nào, vẫn đôi mắt mà chị không lẫn vào đâu được. Đôi mắt ấy ngày xưa vẫn âu yếm nhìn chị, hôm qua còn cười với đồng đội, giờ nó đã nằm sâu dưới lòng đất lạnh. Anh bị một chiếc xe khác đâm vào trong đêm truy bắt tội phạm ma túy...
Chị gặp cô gái ấy. Cô gái cách đây 2 năm gọi điện cho chị trong một tối trời mưa. Cô gái tên Ngọc đưa chị một cuốn nhật ký...
"Hôm nay thứ 6 ngày 13...
Chiếc ba lô trên tay anh sao mà nặng trĩu, vậy là em không ra tiễn anh. Hai năm như gió thoảng qua. Anh muốn em về thành phố,với khả năng của anh, anh có thể lo việc cho em, để chúng mình được ở cạnh nhau. Nhưng những cung đường của đất nước, những chuyến đi đã hút hồn người yêu của anh, khiến cho em yêu chúng hơn cả anh rồi.
Anh biết phải làm sao đây ? Khi bố mẹ chỉ có mình anh, anh cần phải ở gần nhà, em cũng biết điều đó mà, phải không ? Nhưng người yêu anh đúng là "con gái báo chí" chính gốc. Em mạnh mẽ, quyết liệt muốn ở lại thành phố tự thân vận động khiến anh không thể nào thuyết phục nổi.
Anh hình dung ra sau này, khi chúng mình về một nhà với nhau, nửa đêm có án, anh phải đi, bài viết mà em theo đuổi chỉ có thể thực hiện được vào ban đêm, nửa đêm em cũng đi. Vậy ai sẽ là người ôm con chúng ta ngủ, ai sẽ là người chờ anh về ?...Anh có ích kỷ quá không em ? Anh yêu em, nhưng anh yêu cả màu cảnh phục như yêu em vậy, anh không thể từ bỏ...
Thứ 6, ngày....
Từ khi nào, anh đã không mong chờ đến chiều ngày thứ 6, bởi đến thời điểm đó, ngày mai anh sẽ không còn được gặp em.
Anh đã nhờ Ngọc gọi điện cho em. Ngọc là cô gái rất tốt, anh biết tình cảm của cô ấy, nhưng anh làm sao có thể phản bội tình yêu 5 năm giữa anh và em? Thôi thì chỉ còn cách này. Anh không mong em tha thứ, nhưng anh thà mang tiếng phản bội người anh yêu còn hơn là để đến một ngày em không chịu nổi xa cách mà nói lời chia tay trước. Anh sẽ không chịu đựng nổi.
Em yêu, tha thứ..."
Trong chiếc ví loang lổ thấm máu của anh, ngoài chiếc thẻ nghành, chứng minh thư, người ta còn tìm thấy hai bức hình được đặt quay mặt vào với nhau, có một bức hình nhỏ, cô gái mặc áo trắng, tóc xõa ngang lưng, chị của ngày ấy mỉm cười thật hiền. Chợt nhớ, có lần anh nói với chị "Anh có thể đánh mất nhiều thứ, vứt bỏ nhiều thứ nhưng bức hình thì anh luôn mang theo, để lúc nào em cũng ở bên anh...".
Lòng chị quặn thắt ,mưa, nước mắt làm ướt nhòe thêm trang nhật ký của anh." Em ích kỷ quá, Thuận ơi..."
Trở lại Hà Nội, bạn bè ai cũng bảo chị gầy rộc đi. Có người không biết còn khen chị gầy đi trông xinh hơn. Họ đâu biết rằng, chị đã để mất một thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Đêm Hà Nội lấp lánh sắc màu,đèn đường soi tỏ mặt đường bóng láng. Ngọn đèn nào dành cho chị khi bên đời không có anh ?
Chiều nay, xin cơ quan cho nghỉ một ngày, chị về lại T38...
"Đây là câu chuyện về cuộc đời, về tình yêu của hai con người có thật. Họ mất nhau vì buông tay nhau quá sớm, tình yêu cuối cùng bị vùi dập bởi sự sắp đặt của số phận và những tham vọng của con người. Tình yêu không có lỗi..."
Theo Guu
2 triệu đồng và cách ứng xử đáng hổ thẹn của bạn gái tôi Có lẽ nào vì chút tiền ấy mà bạn gái tôi lại trở thành một con người như vậy? Tôi năm nay 30 tuổi, được mọi người đánh giá là thành đạt, khéo ăn nói nên cả gia đình đều mong đợi tôi sẽ đưa về một nàng dâu 'tương xứng'. Thực lòng tôi lại nghĩ, chẳng phải kén chọn nhiều, miễn là...