Một chút hương vị món Bắc giữa Sài Gòn
Sài Gòn được xem như là nơi giao thoa ẩm thực của nhiều vùng miền khác nhau. Vì vậy ở Sài Gòn, thực khách có thể dễ dàng tìm thấy những món ăn mang hương vị đặc trưng của ba miền Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt là những món ăn mang hương Bắc như: bánh đa cua Hải Phòng, Bún Ốc, bánh cuốn, phở Hà Nội, bún chả cá, bún rêu cua…có khắp mọi nơi ở Sài Thành.
Đậm đà bánh đa cua Hải Phòng
Bánh đa cua tuy là món ăn của vùng đất Cảng nhưng lại được nhiều thực khách ở thành phố Hồ Chí Minh ưa thích bởi cái vị ngon đặc trưng mà không nơi nào có thể chế biến được.
Ở Sài Gòn có rất nhiều nơi bán món đặc sản này nhưng có lẽ để tìm được một tô bánh đa cua ngon và đúng với hương vị của Hải Phòng thì rất là khó. Bởi đa phần bánh đa cua của những quán này được biến tấu nhiều so với hương vị gốc bánh đa cua ở Hải Phòng. Bánh đa cua chính hiệu Hải Phòng thì sợi bánh phải to và làm từ bánh đa đỏ được ăn kèm với những món ăn không thể thiếu trong tô bánh đa cua đó là: chả tròn, chả lá lốt, chả cá…
Khu vực đường Hồng Hà gần sân bay Tân Sơn Nhất là nơi có nhiều quán bán bánh đa cua nhất tại Sài Gòn bởi nơi đây thực khách chủ yếu là người miền Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp. Nhưng có một quán nổi tiếng từ xưa đến nay được nhiều thực khách ở miền Bắc thường đến ăn đó là quán Thùy Linh.
Vị ngon của tô bánh đa của quán chính là sợi bánh đa to đỏ đúng gốc của Hải Phòng bởi vì bánh ở đây được đưa trực tiếp từ ngoài quê của chủ quán vào. Kèm với tô bánh đa là rau muống xanh, gạch cua vàng óng, chả lá lốt và hành phi thơm phức. Nước chan bánh đa có vị ngọt bởi được nấu từ xương và cua ninh.
Quán còn bán thêm một loại nước mà nước này cũng là đặc sản của Hải Phòng đó là nước quả Sấu. Đến quán Thùy Linh thực khách sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của đất Cảng với một tô bánh đa cua ngon, đậm đà và một ly nước sấu ngọt ngào.
Video đang HOT
Bánh đa cua – đặc sản của vùng đất cảng Hải Phòng
Hương vị bánh cuốn Hà Nội
Bánh cuốn là món ăn sáng quen thuộc và khá cầu kỳ của người Hà Nội. Theo dân sành ăn thì để có một bánh cuốn ngon đúng gốc mang hương vị Hà Nội thì phải trải qua nhiều giai đoạn thật công phu và kỹ lưỡng. Bột làm bánh phải làm từ thứ gạo ngon, được xay thật nhuyễn thì bánh mới không nồng, sắc bánh mới trắng.
Bánh được tráng thành phẩm phải mỏng, dầu thoa phải đều tay cho mướt mặt bánh để khi nếm vào thì thanh nhẹ, mát rượi. Phết nhân bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo sao cho bánh không thô, nhân đều từng cái.
Rồi xếp bánh cuốn lên đĩa sau đó rắc hành phi lên trên bề mặt của bánh cùng với rau thơm, giá…Bánh cuốn sẽ được thưởng thức cùng vài miếng chả lụa và chén nước mắm đã pha chế sẵn.
Ở Sài Gòn để thưởng thức được một đĩa bánh cuốn ngon mang đậm hương vị ẩm thực Hà Nội thì thực khách nên tìm đến quán bánh cuốn gia truyền Hà Nội nằm gần chân cầu Kênh Tẻ, quận 4. Đây có lẽ là quán bán món bánh cuốn gia truyền Hà Nội nổi danh nhất tại Sài Thành.
Hương vị bún ốc Phủ Tây Hồ
Có thể nói bún ốc là một trong những món ăn ngon của người dân Hà Thành. Ở Hà Nội có rất nhiều quán bún ốc nổi tiếng thu hút đông đảo du khách từ phương nam đến thưởng thức mỗi lần có dịp đi du lịch ở Thủ Đô như bún ốc Phủ Hồ Tây, bún ốc bà Sáu ở Mai Hắc Đế…Còn thực khách ở miền Bắc muốn thưởng thức một tô bún ốc ngon mang đậm hương vị quê hương thì hãy đến với bún ốc Thanh Hải. Bún ốc Thanh Hải tuy nằm sâu trong hẻm trên đường Kỳ Đồng, quận 3 nhưng khá đông khách đến thưởng thức không chỉ người Bắc mà kể cả thực khách Sài Gòn cũng tìm đến.
Quán bún ốc này được đánh giá là quán bán bún ốc có hương vị giống như bún ốc Hà Nội nhất tại Sài Thành. Đặc biệt quán còn có nhiều món ốc luộc đặc biệt hấp dẫn mà thực khách nào đến đây cũng đều muốn thử qua một lần.
Ngoài những món ăn trên, nhiều quán ở Sài Gòn còn hiện diện nhiều món ăn mang đậm hương vị Bắc như: phở Hà Nội, bún chả cá, bún rêu cua, …Có thể nói ở đâu có người miền Bắc thì ở đó có món mang hương vị Bắc. Đặc biệt là những món ăn quen thuộc của người dân Hà Nội.
Theo tapchimonngon
Bún đậu mắm tôm - Món ăn giản dị mà hấp dẫn
Trong muôn vàn người tấp nập trên khắp nẻo đường Hà Nội, bóng dáng các bà, các chị gồng gồng, gánh gánh trên vai những gánh bún đậu mắm tôm đậm đà, dân dã... là hình ảnh không thể quên.
Thứ bún đậu mắm tôm dân dã này dễ làm xiêu lòng thực khách bởi hương vị rất đặc trưng. Không giống với các loại bún vỉa hè như bún riêu, bún ốc...phải ăn lúc nóng nghi ngút khói thì mới dậy mùi, vừa miệng. Bún đậu mắm tôm chỉ cần nhìn thôi đã thấy ngon mắt lắm rồi. Gắp bún và miếng đậu rán vàng rộm, chấm mắm tôm đã được pha chế rồi cho vào miệng, bạn sẽ cảm thấy mùi thơm bùi béo ngậy của miếng đậu rán giòn tan, vị mặn đậm đà khó quên của mắm tôm và chất bột tinh khiết từ bún. Tất cả được trộn lẫn tạo nên hương vị riêng ngon tuyệt của món ăn này.
Người Hà Nội vốn nổi tiếng bởi sự cầu kì, tinh tế trong thưởng thức ẩm thực. Bát bún đậu mắm tôm mộc mạc, giản dị là thế nhưng cũng rất cần sự tâm huyết, say mê của người chế biến. Đậu phụ thường là đậu mơ, loại đậu ngon nổi tiếng được làm ở làng Mai Động, có màu trắng mịn, mềm mại, kích thước nhỏ, khi rán sẽ nhanh phồng cho mùi thơm bùi và béo ngậy. Miếng đậu được chiên trong chảo mỡ sôi, chín đều mọi mặt và nở phồng lên gấp đôi so với kích thước ban đầu, tỏa mùi thơm béo ngậy khiến người ngồi nhìn mà ứa nước miếng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bát mắm tôm. Mắm tôm phải là mắm tôm chắt Thanh Hóa, ánh sắc xanh. Khi vắt chanh và đánh tan, nổi lên vạt bông ánh tím mới là đạt yêu cầu. Pha mắm tôm nhất thiết phải có đường, mì chính, ớt tươi, chanh tươi và đặc biệt không thể thiếu chút dầu rán đậu còn đang sôi trong chảo, tạo một hương vị đặc biệt riêng cho bát nước chấm.
Thoáng chốc thấy bóng một người liêu xiêu gánh bún đậu mắm tôm đầu ngõ, không nhanh miệng gọi mà cố làm nốt việc là đã thấy các chị ở tít đằng xa rồi. Nhưng cũng không quá khó để tìm thấy những gánh hàng bún đậu mắm tôm trên phố phường Hà Nội. Bạn có thể tìm thấy món ăn dân dã này ở đường Vũ Ngọc Phan, ngõ Phất Lộc, đường Nguyễn Quý Đức, ngõ 418 cạnh trường Đại học Văn hóa trên Đê La Thành...đều là những quán ăn ngon.
Bún đậu mắm tôm ăn kèm với rau thơm, đặc biệt là húng láng và kinh giới, vừa thêm vị cho món ăn, vừa để làm ấm bụng bù lại cái lạnh của mắm tôm lại thấy hợp khẩu vị và ngon vô cùng. Ngồi trên vỉa hè, thưởng thức hương vị thơm ngậy của bát bún đậu mắm tôm dân dã, chợt thấy trong người bỗng sảng khoái lạ thường.
Vị bùi bùi, thơm thơm của miếng đậu rán cùng với hương vị đặc trưng của mắm tôm hoà quyện vào nhau làm người ăn nghiền nó. Bình dị là thế mà đủ sức len lỏi vào đời sống của nhiều tầng lớp trong xã hội. Người nghèo ăn vì vị thơm ngon và hợp túi tiền. Người cao sang cũng chuộng vì nó dễ ăn và lạ miệng và cũng bởi nó không có trong thực đơn của các nhà hàng đặc sản. Tưởng là mộc mạc, thanh đạm vậy thôi mà cũng có vị trí rất "đài các", "kiêu sa" bên cạnh vô vàn các loại sơn hào hải vị đắt tiền khác.
Nhiều khi nhớ đến món bún đậu mắm tôm vẫn thấy ứa nước miếng...Đâu cứ phải các món ăn cầu kỳ mới ngon, những món ăn đơn giản như bún đậu mắm tôm lại có sự quyến rũ đến lạ kỳ...
Theo PNO
Bún tôm nướng lạ phố Lý Thường Kiệt Bún, miến bình thường chỉ là món ăn điểm tâm hoặc lót dạ, nhưng một bát bún tôm nướng hay bún gà cari thì có lẽ bạn sẽ được "ấm bụng" cả chiều. Đầu tiên là bún tôm nướng, món này có lẽ sẽ khiến bạn "yêu" ngay từ cái nhìn đầu tiên: Một tô bún khá lớn, trên đó xếp ngay ngắn...