Một cháu bé chưa ra đời đã phải… ở tù -Kỳ 2: Giam thai phụ, ngăn tiếp tế…!
Thời điểm bị bắt tạm giam, chị Cao Thị Thu Hằng đang mang thai ở tháng thứ ba. Đến tháng thứ bảy, tức sau 4 tháng bị tạm giam, chị Hằng mới được CQĐT CA tỉnh Phú Thọ cho tại ngoại để đợi ngày sinh đẻ.
“Công văn cạn tình” số 01
Ngày 28-6-2011, cơ quan CSĐT CA tỉnh Phú Thọ ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự và Quyết định khởi tố bị can số 89 ngày 15-9-2011 đối với Cao Thị Thu Hằng về tội danh trên và ngày 16-9-2011 ra Lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bị can Hằng để phục vụ điều tra vụ án. Việc bắt giam này mở đầu cho hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật từ phía cơ quan tố tụng.
Theo xác minh của PV Đường dây nóng 0988811123 báo PL&XH: Cán bộ trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án là Phó trưởng phòng CSĐT về TTXH Đào Diệu Sơn. Việc bắt giam chị Hằng do Điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường trực tiếp đề xuất và Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT CA tỉnh Đinh Văn Phúc ký Lệnh bắt tạm giam. Về phía VKSND tỉnh, kiểm sát viên Tạ Văn Dung là người đề xuất và Phó viện trưởng Đoàn Minh Hương là người ký phê chuẩn Lệnh bắt tạm giam bị can Hằng. Ông Hương cũng chính là người trả lời báo chí rằng việc bắt giam chị Hằng cũng không ảnh hưởng lắm đến thai nhi vì tuổi thai còn nhỏ (?!).
Thời điểm bị bắt giam, chị Hằng đã báo cáo với CQĐT mình nuôi con nhỏ 24 tháng tuổi, bản thân đang mang thai. CQĐT đã đưa chị Hằng đi giám định và kết quả rõ ràng là chị đang mang thai 9 tuần 4 ngày tuổi. Mặc dù vậy, chị Hằng vẫn không được tại ngoại theo quy định của pháp luật, mà tiếp tục phải ở tù vì… vẫn khăng khăng không nhận tội.
Video đang HOT
Theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị Hằng, CQĐT áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can Cao Thị Thu Hằng khi biết rõ Hằng đang nuôi con nhỏ, vẫn ở tại địa phương và chấp hành giấy triệu tập của CQĐT, không có biểu hiện trốn tránh trong khi chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn khác là việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cụ thể là vi phạm điểm b khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng Hình sự.
Chỉ đến khi chị Hằng mang thai tháng thứ 7, lúc này bụng đã to, CQĐT mới cho chị Hằng tại ngoại về nhà để… đẻ. Bất bình trước việc này, lúc đầu phía gia đình chị Hằng dự định để chị ở lại trại giam sinh nở để phản đối việc bắt giam. Tuy nhiên, sau đó để đảm bảo sức khỏe của thai nhi, gia đình chị Hằng đã đưa chị về nhà chăm sóc.
Điều đáng nói, trong thời gian chị Hằng bị tạm giam, không chỉ người mẹ mà thai nhi trong bụng cũng cần được chăm sóc cẩn thận để đảm bảo sức khỏe cho cả 2 mẹ con. Điều đó thì ai cũng biết và các cán bộ điều tra, kiểm sát cũng không thể không biết vì họ cũng có gia đình, có vợ con. Thế mà gia đình chị Hằng trình bày, giải thích hết nhẽ, xin bảo lãnh cho chị Hằng về nhà nhưng không được. Chẳng còn cách nào khác, những người trong gia đình chỉ còn cách tiếp tế thức ăn, đồ uống để người mẹ và đứa bé trọng bụng được khỏe. Thế nhưng, cơ quan CSĐT CA tỉnh Phú Thọ lại ra công văn số 01/CV ngày 3-11-2011 đề nghị Trại tạm giam CA tỉnh Phú Thọ kỷ luật bị can và “phong tỏa” toàn bộ quà tiếp tế cho thai phụ và để dưỡng cái thai trong bụng.
Chị Hằng cho hay, trong thời gian bị tạm giam, chị chấp hành nội quy của trại, không mắc khuyết điểm gì mà CQĐT không cho nhận quà tiếp tế, đó là việc trái luật, trái đạo lý. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị Hằng khẳng định công văn của CQĐT đã vi phạm vào Khoản 4, Điều 32, Quy chế tạm giữ, tạm giam do Chính phủ ban hành ngày 7-11-1998, theo đó: “Người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm nội quy nhiều lần thì có thể bị hạn chế gặp thân nhân, gửi và nhận thư, nhận quà; đang trong thời gian bị kỷ luật không được gửi và nhận thư, nhận quà, không được gặp thân nhân cho đến khi họ chấp hành tốt nội quy Nhà tạm giữ, Trại tạm giam”.
Khoản 5, Điều 32 Quy chế này cũng nêu rõ: “Việc thi hành kỷ luật đối với người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm nội quy do Trưởng Nhà tạm giữ, Giám thị Trại tạm giam quyết định bằng văn bản”. Ở đây, CQĐT phong tỏa quà tiếp tế, đề nghị kỷ luật bị can Hằng liệu có phải quá lạm quyền và làm liều? Theo suy đoán của chị Hằng, lý do CQĐT ra công văn trên là do chị… không chịu nhận tội.
Gia đình chị Hằng trình bày với phóng viên báo PL&XH những bức xúc về vụ việc. Ảnh: Quốc Doanh
May mà “mẹ tròn con vuông”
Khi được tại ngoại, với cái bụng chửa vượt mặt, chị Hằng lại cùng người chồng chạy khắp nơi kêu oan. Chị tìm gặp những người tố cáo mình đã hỏi cho ra lẽ, và biết được rằng trong số đó có những người bị… ép phải tố cáo sai sự thật. Đáng ra, chị Hằng phải ở nhà dưỡng thai, người chồng cũng muốn như thế. Nhưng do quá bức xúc, chị Hằng vẫn ôm bụng bầu đi tìm luật sư và báo chí.
Tháng 6-2012, chị Hằng sinh được một bé trai bụ bẫm. Hàng xóm, bạn bè đến chơi vẫn trêu đùa đứa bé là “của hiếm”, bởi nó đã phải ở tù cùng mẹ đến 4 tháng. Nghe những lời đó, vợ chồng chị Hằng chẳng biết nên cười hay nên khóc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình điều tra vụ án này, điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường đã thể hiện sự non kém về nghiệp vụ khi kể biên, thu giữ trái luật tài sản của những người trong gia đình bị can, để rồi sau đó phải tìm cách “chữa cháy”. Còn kiểm sát viên Tạ Văn Dung thì bị “tố” đã đưa bị can Hằng “vào tròng” dẫn đến việc bắt giam. Thông tin cụ thể về việc làm của 2 “nhân vật” này sẽ được thông tin chi tiết ở số báo sau.
Theo PLXH
Một cháu bé chưa ra đời đã phải... ở tù -Kỳ1: Phạm luật, trái đạo đức
Thời điểm bị bắt giam, bị can Hằng đang nuôi con nhỏ là cháu Nguyễn Phương Linh (24 tháng tuổi), bản thân bị can cũng đang mang thai ở tháng thứ ba. Tất cả những điều này CQĐT đều nắm rõ.
Bắt giam thai phụ đang nuôi con nhỏ
Theo bản kết luận điều tra số 05/KLĐT ngày 6-2-2012 của CQĐT CA tỉnh Phú Thọ: Khoảng tháng 10-2010, chị Triệu Ngọc Điệp, SN 1989, trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là sinh viên Học viện cảnh sát về nhà chơi thì được mẹ đẻ kể lại việc nhờ Hiền (Điệp gọi bằng mợ cùng trú ở Phú Thọ) mua hộ mảnh đất vì Hiền làm ở Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ.
Điệp về trường kể lại với Đặng Thị Hải Yến. Yến nhờ Điệp chuyển giúp một bộ hồ sơ kèm theo 80 triệu đồng. Điệp cầm tiền và hồ sơ đưa cho Hiền. Tiếp đó, Yến lại nhờ nói với Điệp có mấy người bạn muốn xin việc làm nhờ Điệp giúp. Điệp gọi điện cho Hiền hỏi và cầm tiền, hồ sơ đưa cho Hiền.
Yến cũng gặp trực tiếp Hiền, được Hiền "nổ": "Chị quen biết với người có vị thế là con cháu của chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh, nên em muốn mua đất thì làm hồ sơ và chuyển tiền cho chị, giá cả tùy theo từng ô, từng khu vực". Yến nói có mấy người quen cũng muốn nhờ mua đất. Hiền bảo cứ nộp hồ sơ và tiền thì sẽ giúp. Hiền còn đưa ra 2 tờ bản đồ photo quy hoạch đất khu Đồng Mạ và khu đường Hòa Phong kéo dài cùng mẫu đơn mua đất để chứng minh dự án là có thật.
Yến đã thu tiền nhờ mua đất, xin việc của rất nhiều người với số tiền hơn 11 tỉ đồng đưa cho Hiền, nhưng sau một thời gian vẫn không có kết quả nên những người nhờ mua đất, xin việc đã kéo đến đòi tiền Yến.
Yến đòi lại tiền từ Hiền thì Hiền chỉ trả lại một ít tiền, rồi nói không có khả năng trả nợ vì đã đưa toàn bộ số tiền cho Cao Thị Thu Hằng, SN 1982, trú tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì nhưng không đòi được vì không có giấy tbiên nhận. Yến làm đơn đề nghị CQCA giải quyết.
CA tỉnh Phú Thọ xác định Hiền không có vai trò, trách nhiệm trong việc mua đất dự án, xin việc, mà chỉ lợi dụng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Ngày 26-8-2011, CQCA tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam đối với Hiền. Sau khi bị bắt, Hiền đã khai nhận hành vi của mình. Hiền cũng khai: Đầu năm 2010, qua một người quen, Hiền có số điện thoại của Cao Thị Thu Hằng và chủ động gọi điện hẹn gặp. Quá trình nói chuyện, Hằng nói là con nuôi của lãnh đạo tỉnh có thể mua đất dự án và xin việc. Vì vậy Hiền tự gom tiền và hồ sơ của 25 người với tổng số tiền 5,7 tỉ đồng rồi chuyển cho Hằng 2 tỉ đồng, số còn lại thì giữ để chi tiêu. Khi nhận 11 tỉ đồng từ Yến, Hiền chỉ chuyển cho Hằng 6 tỉ đồng, nhưng không có giấy biên nhận.
Bản kết luận điều tra (KLĐT) của CA tỉnh Phú Thọ còn chỉ rõ Cao Thị Thu Hằng còn lừa đảo nhiều người khác bằng hình thức gom tiền để xin việc, mua đất, nhưng trong quá trình đấu tranh Hằng... không nhận tội. Ngày 16-11-2011, CA tỉnh Phú Thọ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ngày 22-9-2011 thì bắt giam Hằng.
Phía bị can Cao Thị Thu Hằng tỏ ra bức xúc với bản KLĐT của CA tỉnh Phú Thọ cũng như lời khai của bị can Hiền, nên đã làm đơn kêu oan gửi đi nhiều nơi. Bị can Hằng cho biết không liên quan gì đến chuyện mua bán đất, xin việc. "Nếu chị Hiền đưa số tiền lớn như vậy cho tôi thì phải có giấy biên nhận. Kể cả khi nhận tiền của người khác tôi cũng phải viết giấy. Ở đây CQĐT chỉ dựa vào lời khai một phía và không có bằng chứng cụ thể", bị can Hằng nói. Bị can Hằng cung cấp cho PV Đường dây nóng 0988811123 nhiều tài liệu chứng minh mình không liên quan đến những cáo buộc mà CA tỉnh Phú Thọ đưa ra.
Bị can Hằng đang mang thai vẫn bị bắt giam. Ảnh: QK
Phạm luật, trái đạo đứcTrong tất cả những lần triệu tập lấy lời khai, bị can Hằng đều có mặt đúng giờ, thiện chí hợp tác với CQĐT. Bị can có nhân thân tốt, nơi cư trú rõ ràng, không có hành vi gây cản trở việc điều tra, nhưng CQĐT vẫn tiến hành bắt giam Cao Thị Thu Hằng với lý do... không chịu nhận tội, đây được cho là "gây khó khăn, cản trở công tác điều tra". Gia đình bị can Hằng cho rằng, CQĐT không dùng các biện pháp nghiệp vụ thu thập đủ bằng chứng, nhân chứng để chứng minh hành vi phạm tội của bị can mà lại bắt giam chỉ vì bị can không nhận tội là thể hiện sự non kém về nghiệp vụ.
Thời điểm bị bắt giam, bị can hằng đang nuôi con nhỏ là cháu Nguyễn Phương Linh (24 tháng tuổi), bản thân bị can cũng đang mang thai ở tháng thứ ba. Tất cả những điều này CQĐT đều nắm rõ.
Ông Lê Văn Khương, Phó giám đốc Cty luật Pháp Việt, phân tích: "Nếu không thuộc các trường hợp buộc bắt giam như Điều 88 quy định ở trên, bị can chỉ cần đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc đang mang thai, đã không được áp dụng biện pháp tạm giam. Ở đây, bị can thuộc cả 2 trường hợp: vừa mang thai, vừa nuôi con nhỏ mà CQĐT vẫn bắt giam về lý là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm quyền của phụ nữ và trẻ em, về tình là thiếu đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục".
Vụ án có liên quan gì đến con gái của một cán bộ CA tỉnh Phú Thọ? Việc bắt giam này cũng mở đầu cho một chuỗi hành vi vi phạm pháp luật của chính những cán bộ điều tra liên quan, cũng như trách nhiệm của Thủ trưởng CQĐT CA tỉnh Phú Thọ và lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Báo PL&XH sẽ tiếp tục phản ánh.
Theo PLXH
Toàn cảnh cuộc chiến ngăn chặn đường dây cá độ bóng đá mùa Euro 2012: Dân độ khóc ròng, nhà cái lao đao Rạng sáng 2-7 theo giờ Việt Nam, trận chung kết Euro 2012 sẽ diễn ra, kết thúc một trong những sự kiện thể thao hấp dẫn nhất hành tinh. Ở Việt Nam, sức nóng của nó diễn ra theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong suốt gần một tháng vòng chung kết Euro diễn ra, chiến dịch ngăn chặn, triệt phá các...