Một cảnh sát New York bị bắn trọng thương
Sĩ quan cảnh sát Mỹ Brian Moore đã bị một đối tượng khả nghi tấn công khi đang ngồi trong xe ô tô tuần tra cùng với một sĩ quan khác. Moore bị thương nặng trong khi thủ phạm bị bắt chỉ sau đó hơn một giờ.
Hiện trường vụ tấn công (Ảnh: Ctvnews)
Theo thông báo của cảnh sát Mỹ ngày hôm qua 2/5, sĩ quan cảnh sát Brian Moore, 25 tuổi, đã được đưa tới bệnh viện phẫu thuật sau khi bị bắn súng vào đầu trong lúc đang ngồi trong xe ô tô tại New York.
“Vào khoảng 6h15 tối, một trong những sĩ quan của chúng tôi đã bị bắn khi đang ngồi cùng với một đồng nghiệp trong ô tô không gắn phù hiệu cảnh sát ở làng Queens thuộc địa hạt South Queens”, người phát ngôn cảnh sát Bill Bratton cho biết.
Brian Moore bị bắn khi đang tìm cách tiếp cận một đối tượng khả nghi và đã được đưa ngay tới Trung tâm y tế của Bệnh viện Jamaica.
“Moore đã được đưa tới bệnh viện phẫu thuật, còn thủ phạm bị bắt chỉ một tiếng rưỡi sau đó”, Bill Bratton cho biết thêm.
Đây là vụ tấn công cảnh sát thứ 5 ở thành phố New York chỉ trong 5 tháng qua. Thủ phạm được xác định là Demetrius Blackwell, từng có tiền án, nhưng hiện chưa rõ động cơ của vụ tấn công lần này.
Video đang HOT
“Đây là hành động bạo lực không thể biện minh. Hành động này không chỉ nhằm vào cảnh sát mà là cả thành phố New York và những giá trị mà chúng ta đang gìn giữ”, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio tuyên bố.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh biểu tình bạo loạn đang lan rộng tại nhiều thành phố của Mỹ để phản đối cảnh sát, với đa phần là người da trắng, đã có hành vi phân biệt đối xử với người da màu tại Mỹ nói chung và New York nói riêng.
Làn sóng biểu tình bùng phát sau khi thanh niên da màu Freddie Gray tử vong đúng một tuần kể từ ngay bị cảnh sát Baltimore bắt giữ. Người dân tại nhiều nơi như New York, Washington DC, Philadelphia, Ferguson và Baltimore đã đổ xuống đường biểu tình, đập phá các cửa hiệu và tấn công cảnh sát.
Bạo loạn cũng đã gây tranh cãi tại Quốc hội Mỹ. Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa John Boehner, cho rằng cần có những giải pháp mới đối với những cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.
Thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Nancy Pelosi, gọi đây là tuần lễ đau thương cho người dân ở thành phố quê nhà Baltimore của bà.
Nghị sĩ Dân chủ Marcia Fudge thì lên án sự thất bại của Quốc hội Mỹ, hiện do phe Cộng hòa kiểm soát, trong việc thực thi các chính sách xã hội. Bà cũng quy trách nhiệm cho Quốc hội khi để xảy ra tình trạng bạo loạn hiện nay.
Thanh niên da màu 25 tuổi Freddie Gray thiệt mạng hôm 19/4 sau một tuần bị cảnh sát bắt giữ. Vụ việc đã nhanh chóng trở thành “giọt nước tràn ly” khi trong xã hội Mỹ từ lâu đã âm ỉ ngọn lửa bất bình trước các hành động sử dụng vũ lực thái quá của các nhân viên cảnh sát cũng như việc lực lượng này thường xuyên có hành vi phân biệt đối xử với những người da màu.
Vũ Anh
Theo Dantri/AFP
Mỹ bắt giữ 6 cảnh sát liên quan cái chết của thanh niên da màu
Ít nhất 6 cảnh sát ở thành phố Baltimore của Mỹ đã bị bắt giữ do có liên quan tới cái chết bất thường của thanh niên da màu Freddie Gray trung tuần tháng trước.
Công tố viên trưởng Marilyn Mosby công bố quyết định bắt giữ 6 cảnh sát (Ảnh: Yahoonews)
Công tố viên trưởng thành phố Baltimore, bang Maryland của Mỹ, cho biết 6 cảnh sát trên sẽ phải đối mặt với các cáo buộc phạm tội hình sự, trong đó có tội danh giết người cấp độ 2 và tội ngộ sát.
"Tôi đã ra lệnh bắt giữ các cảnh sát có liên đới trách nhiệm trong vụ việc này", công tố viên trưởng Marilyn Mosby tuyên bố tại cuộc họp báo ngày hôm qua 1/5.
Cũng theo bà Marilyn Mosby, ngoài các cáo buộc giết người và ngộ sát, cả 6 cảnh sát còn phải đối mặt với những tội danh tấn công, hành xử không đúng và bắt giam sai luật.
"Các cảnh sát đã không chăm sóc y tế cho Gray mặc dù anh này đã đề nghị ít nhất 2 lần", bà Mosby cho biết thêm.
Nếu bị kết tội, mỗi bị cáo sẽ phải đối mặt với án phạt 30 năm tù giam cho tội giết người cấp độ hai hoặc tù 3-10 năm cho các tội danh khác.
Thanh niên da màu Freddie Gray, 25 tuổi, tử vong một tuần sau khi bị cảnh sát bắt giữ hôm 12/4.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi, Gray bị chấn thương nặng ở vùng cổ do bị còng trong xe cảnh sát.
Vụ việc đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình bạo động lan rộng tại Mỹ để phản đối cách hành xử thô bạo của cảnh sát, cũng như nạn phân biệt chủng tộc có xu hướng gia tăng trong xã hội Mỹ.
Những nơi bùng phát các cuộc biểu tình lớn là thành phố Baltimore, thị trấn Ferguson, thành phố Philadelphia, thủ đô Washington DC, thành phố New York và Boston.
Hàng chục người biểu tình quá khích ở nhiều nơi đã bị bắt giữ khi tìm cách tấn công cảnh sát, đốt phá các cửa hiệu và xe ô tô của cảnh sát.
Căng thẳng gia tăng nhiều tháng qua tại Mỹ liên quan đến hành vi của giới chức thực thi pháp luật vốn đa phần là người da trắng phân biệt đối xử với các công dân da màu. Trước đó việc cảnh sát bắn chết một thanh niên da màu không có vũ trang ở thị trấn Ferguson cũng đã thổi bùng làn sóng biểu tình, bạo loạn tại nhiều thành phố. Tuy nhiên, vụ Gray tử vong như "giọt nước tràn ly", đẩy nước Mỹ vào tình trạng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua và buộc Lực lượng vệ binh quốc gia phải tuần tra các tuyến phố lần đầu tiên kể từ vụ bạo loạn năm 1968.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Mỹ bắt giữ 34 người biểu tình phản đối cảnh sát Cảnh sát thành phố Baltimore của Mỹ đã bắt giữ 34 người quá khích sau khi làn sóng biểu tình phản đối cái chết của một thanh niên da màu trong nhà giam biến thành bạo lực. Nhiều người biểu tình quá khích ở Baltimore đã bị cảnh sát bắt giữ vì hành vi đập phá của công (Ảnh: WSJ) Phát ngôn viên...