Một cách làm du lịch khác của chàng trai người Dao
Nặm Đăm là Làng du lịch cộng đồng của dân tộc Dao ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) mới được chú ý từ vài năm trở lại đây.
Khi phần lớn cả làng đều làm chung một mô hình du lịch nhà sàn, hướng đến nhóm khách bình dân thì Anh Lý Văn Quang đã có hướng đi mới khi mạnh dạn đầu tư làm Bungalow, với mong muốn xây dựng một dịch vụ du lịch cao cấp hơn.
Đường lên khu Bungalow của anh Lý Văn Quang ở thôn Nặm Đăm
Lý Văn Quang sinh năm 1994, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, từng đi Israel vừa học vừa làm. Anh cũng từng có một vài cơ hội việc làm ở nơi khác, nhưng anh chọn trở về quê hương lập nghiệp. Về nhà, anh đem số tiền tiết kiệm trong những năm tháng làm việc, cộng thêm sự hỗ trợ của bố mẹ để mở rộng dịch vụ đón khách du lịch. Khi mọi người trong làng đua nhau làm du lịch nhà sàn để đón khách thì anh làm Bungalow (kiểu căn phòng một tầng phổ biến ở các khu nghỉ dưỡng), có bể bơi, với giá phòng cao hơn.
Khu Bungalow của anh Lý Văn Quang lúc hoàng hôn
Bungalow của Quang nằm ngay đầu làng, có tên là “Chook” nghĩa là tre theo tiếng Dao. Trước đây, bố của anh cũng kinh doanh theo mô hình Homestay với nhà sàn đặc trưng của người Dao, nay có thêm dãy Bungalow của anh Quang nằm trên ngọn đồi phía sau nhà. Bungalow có 4 căn phòng riêng biệt, tầm nhìn thoáng rộng, bao quát cả khu rừng thông và những ruộng bậc thang rất đẹp phía xa. Anh tỉ mỉ đặt một bộ bàn ghế trên bãi cỏ, khách đến sẽ được mời uống trà và ngắm cảnh hoàng hôn từ sau nhà. Trước nhà, anh làm một khu để đốt lửa trại.
Khu Bungalow của anh Lý Văn Quang nhìn từ trên cao
Anh đã kỳ công đến HTX lanh Cán Tỷ, một cơ sở nghề dệt truyền thống của địa phương để mua đồ về trang trí cho mỗi căn nhà. Anh cũng chịu khó tìm hiểu để nắm bắt nhu cầu của phần đông du khách, với mong muốn xây dựng một dịch vụ cao cấp hơn. Vừa làm, vừa tích lũy vốn liếng để mở rộng thêm những không gian nghỉ ngơi nữa.
Du khách có thể ngồi thưởng thức trà, cà phê vừa ngắm phong cảnh
Ngoài 4 căn Bungalow đang hoạt động, anh Lý Văn Quang đang hoàn thiện thêm một dãy 4 Bungalow nữa. Anh Quang chia sẻ: “Cả thời sinh viên mê phượt, tôi đã mang hết những kiến thức học được từ những nơi tôi từng đến và tìm hiểu thêm trên mạng để trang trí cho khu nhà của mình. Khi nói về ý tưởng làm Bungalow, mặc dù thấy hơi liều lĩnh, bố tôi vẫn ủng hộ và để cho tôi quyết định mọi việc. Nhờ có sự ủng hộ của gia đình là động lực cho tôi hoàn thành ý tưởng của mình”.
Anh Lý Văn Quang đang trang trí nội thất trong Bungalow mới xây dựng của mình ở Nặm Đặm, xã Quản Bạ (Quản Bạ)
Nhờ có những người trẻ lựa chọn trở về quê hương phát triển dịch vụ du lịch gắn với thế mạnh về văn hóa ở địa phương như anh Quang mà ngôi làng du lịch Nặm Đăm đã tạo nên được những giá trị riêng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Làng Homestay của người Dao trên Cao nguyên đá Đồng Văn
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm (xã Quản Bạ, Quản Bạ, Hà Giang) tuy chỉ có 52 hộ dân (100 % là người Dao) nhưng có tới 25 hộ làm du lịch theo mô hình Homestay.
Video đang HOT
Những năm qua, việc đưa hình thức kinh doanh mới này vào phát triển kinh tế đã góp phần không nhỏ khiến đời sống của đồng bào nơi đây khởi sắc.
Với vị trí là cửa ngõ của Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên địa chất toàn cầu, cách trung tâm huyện Quản Bạ khoảng 8km, cộng với đặc điểm khí hậu mát mẻ của vùng núi cao trên 1.000m và đặc điểm văn hóa đặc trưng của đồng bào thiểu số, thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, Quản Bạ, Hà Giang) có lợi thế trong việc phát triển du lịch cộng đồng.
Nhằm phát huy lợi thế này, chính quyền địa phương đã lựa chọn phương án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Sau nhiều năm triển khai, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm đã cơ bản được hoàn thành với điện, đường, nhà văn hóa, bảo tàng, địa điểm lưu trú cho khách du lịch.
Thôn Nặm Đăm chỉ có 52 hộ gia đình dân tộc Dao, nhưng có tới 25 nóc nhà kinh doanh mô hình dịch vụ lưu trú homestay.
Trong đó có 9 hộ làm dịch vụ homestay đủ tiêu chuẩn đón khách, 50 hộ có nhà trình tường (nhà làm bằng đất) theo kiểu kiến trúc truyền thống.
Với chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng, mỗi hộ dân sẽ xây được một căn nhà với 6 giường, 1 bếp ăn, một phòng khách... để phục vụ khách du lịch có nhu cầu lưu trú, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, trung bình từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Những ngôi nhà trình tường làm bằng đất đỏ, được tu sửa kiên cố, trong nhà ngoài ngõ sạch sẽ, các thiết bị đồ đùng được trang bị đầy đủ, công trình phụ hiện đại... không chỉ giữ được không gian văn hóa bản địa mà còn đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của khách du lịch.
Đến với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, du khách được trải nghiệm một không gian văn hóa đặc trưng về kiến trúc (nhà trình tường), về nghệ thuật với những làn điệu dân ca (hát đối, hát giao duyên, hát đám cưới...), các lễ hội (lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, lễ hội cầu mùa...) của dân tộc Dao.
Bàn thờ trong một nếp nhà người Dao
Áo tơi được làm bằng đuôi ngựa, một loại áo khoác để tránh mưa nắng, đặc biệt trong thời tiết rét buốt của đồng bào người Dao nơi núi cao.
Trang phục của phụ nữ Dao nổi bật với những hoa văn tự thêu tay, kèm theo đó là những trang sức bằng bạc (hoa tai, vòng cổ, vòng tay) và khăn quấn đầu với màu sắc rực rỡ.
Người phụ nữ Dao mặc trang phục truyền thống trên đường đi làm về
Tháng 1/2017, tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2017 tổ chức tại Singapore, đã chứng nhận danh hiệu "Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê đạt tiêu chuẩn ASEAN" cho 5 hộ dân của Việt Nam, trong đó có Dao Homestay tại thôn Nặm Đăm.
Với việc được quốc tế công nhận, lượng khách cả trong nước và nước ngoài đến đây thăm quan, lưu trú ngày càng tăng - từ 320 lượt khách năm 2012, đến 3.000 lượt khách năm 2016, lên 4.441 lượt khách năm 2017.
Từ thực tế đó, thấy hình thức kinh doanh này có hiệu quả, ngày càng có nhiều hộ dân đầu tư để cải tạo, tu sửa và xây dựng nhà để làm homestay.
Bên cạnh đó, vẫn còn những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện xây dựng nhà để kinh doanh homestay.
"Nhà em nghèo nên không đủ tiền làm homestay chị ạ", người phụ nữ Dao trong hình chia sẻ với một khách du lịch.
Nhằm dựa vào thế mạnh vùng đất này để nâng cao đời sống - thu nhập của đồng bào nơi đây, UBND huyện Quản Bạ đã ban hành Đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm đạt tiêu chuẩn "Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN" giai đoạn 2018 - 2020.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, thôn Nặm Đăm sẽ đạt tiêu chuẩn "Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN" với tất cả các hộ tham gia làm dịch vụ, du lịch và được hưởng quyền lợi từ du lịch.
Khi làng văn hóa chuyển mình làm du lịch Vẫn là ngôi làng với truyền thống cũ những sạch sẽ tinh tươm, vẫn nhiều câu chuyện kể tự ngày xưa, vẫn là nếp nhà lá dừa, vách nứa mộc mạc, gần gũi. Nhưng tất cả đều được mang một diện mạo mới hướng tới du lịch cộng đồng. Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh tại Toom Sara vừa kết...