Một bước đi, nhiều lời chỉ trích
Trong dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 21-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định: “Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vốn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và chiến lược của Nhà nước Israel và sự ổn định khu vực”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump . Ảnh: SCMP
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay, giới chức nước này đang chuẩn bị một văn kiện chính thức để luật hóa việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và Tổng thống Donald Trump có thể sẽ phê chuẩn văn kiện này vào tuần tới, khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thăm Washington.
Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981 nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận. Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) thống nhất công nhận vùng lãnh thổ này thuộc về Syria được thông qua năm 1967, kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ chiếm đóng trong cuộc chiến 6 ngày cùng năm cũng như đề cập tới việc “không thể sáp nhập lãnh thổ thông qua chiến tranh”. HĐBA sau đó đã thông qua một nghị quyết vào năm 1973, tái khẳng định yêu cầu Israel rút quân, và một nghị quyết trong năm 1981 ( Nghị quyết 497 ) ủng hộ các biện pháp riêng rẽ nhằm phản đối việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan.
Có thể thấy, Tổng thống Donald Trump đã tặng Thủ tướng Israel Netanyahu món quà “hậu hĩnh” trước thềm bầu cử ở Israel vào tháng 4 tới, mặc dù trong một cuộc trả lời mạng tin Fox Business trước đó, ông Trump phủ nhận ý định công khai hậu thuẫn ông Netanyahu. Tuyên bố này cũng đảo ngược hoàn toàn chính sách của Mỹ hơn 50 năm qua tại khu vực, theo đó ủng hộ Nghị quyết 497. Nhiều khối, tổ chức và quốc gia như Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Trung Quốc, Nga… đã chỉ trích mạnh bước đi đơn phương của Mỹ. Tất cả đều cho rằng, sự thiên vị của Mỹ đối với Israel “hoàn toàn vượt quá luật pháp quốc tế”, rằng “những nỗ lực của Washington nhằm hợp pháp hóa các hành động bất hợp pháp của Israel sẽ chỉ dẫn đến bạo lực ở khu vực”… Dự kiến, HĐBA LHQ sẽ thảo luận vấn đề Cao nguyên Golan vào ngày 27-3 tới trong cuộc họp về việc nối lại nhiệm vụ của lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ giữa Israel và Syria tại Cao nguyên Golan.
Đã có lúc, mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Israel không ngăn cản Washington đóng vai “người môi giới trung thực” ở Trung Đông, nhất là khi Israel có những hành động không phù hợp với quy tắc chung, luật pháp quốc tế và gây tranh cãi. Tuy nhiên, tình trạng đó đã chấm dứt kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng, mang theo những chuẩn mực rất khác, bất chấp hậu quả, không đếm xỉa đến phản ứng và sự hiểu biết về các vấn đề. Ngay cả lời khẳng định không liên quan tới bầu cử Quốc hội Israel ngày 9-4 tới cũng bị đánh giá là để lộ sự thiếu hiểu biết, hoặc coi người đối thoại là những kẻ ngốc.
Video đang HOT
Với cách tuyên bố về Cao nguyên Golan, ông Donald Trump cho rằng, mình đã giải quyết một trong những tranh cãi về cuộc xung đột dai dẳng này. “Không có tổng thống nào đã làm điều này”, ông Trump nhấn mạnh như thể đó là tiêu chí đánh giá cho việc giải quyết vấn đề phương Đông phức tạp. Đơn giản đến dễ dãi!. Người ta hoàn toàn có thể sợ rằng Tổng thống Mỹ sẽ chưa dừng ở đây. Nguy hiểm hơn, các cường quốc khác giờ có thể được truyền cảm hứng từ những quyết định đơn phương và đột ngột của ông Donald Trump, bỏ qua luật pháp quốc tế để lần lượt theo đuổi sự cân bằng quyền lực.
VIỆT KHUÊ
Theo SGGP
Syria thề lấy lại Cao nguyên Golan, Nga cảnh báo Mỹ
Chính quyền Syria nói rằng Cao nguyên Golan là một phần 'không thể tách rời' của lãnh thổ Syria và họ vẫn giữ ưu tiên là lấy lại vùng đất này bằng tất các mọi biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép.
Cao nguyên Golan.
Trong khi đó, ngày 21.3, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố thừa nhận Cao nguyên Golan là của Israel. Tuyên bố của ông Trump ngày 21.3 đánh dấu sự thay đổi bất ngờ trong chính sách của Mỹ đối với quy chế của một vùng đất có tranh chấp mà Israel chiếm từ tay Syria trong cuộc chiến sáu ngày hồi năm 1967 và sáp nhập vào năm 1981 - một động thái không được quốc tế thừa nhận.
Tuyên bố của ông Trump là bước đi mới nhất của Mỹ gây phẫn nộ ở Trung Đông - ở cả những quốc gia thù địch với Israel lẫn những nước có quan hệ với Tel Aviv và là đồng minh của Mỹ.
Tuyên bố này diễn ra sau việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi tháng 12.2017 - quyết định cũng làm bùng phát chỉ trích của cộng đồng quốc tế do quy chế gây tranh cãi của Jerusalem vẫn là vấn đề trọng tâm trong xung đột Israel-Palestine.
Nga, một đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có lực lượng trú đóng ở Syria, nói rằng tuyên bố của ông Trump có nguy cơ khiến cho khu vực bị bất ổn nghiêm trọng, và họ bày tỏ hy vọng rằng phát ngôn này chỉ mang tính tuyên bố mà thôi.
Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về vấn đề Trung Đông và các nước châu Phi, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov bình luận, việc Mỹ công nhận Golan là lãnh thổ Israel có thể làm suy yếu triển vọng giải quyết mâu thuẫn giữa thế giới Ả Rập và Israel. "Dựa trên khái niệm "hòa bình để đổi lấy lãnh thổ" và sáng kiến hòa bình của Ả Rập. Chưa kể tới những nghị quyết công nhận luật về sáp nhập đông Jerusalem và Cao nguyên Golan là không hợp lệ, bất hợp pháp và trái với luật pháp quốc tế", ông Bogdanov nói.
"Đương nhiên đây là điều đáng buồn. Người Mỹ đang làm suy yếu bản thân những triển vọng giải quyết xung đột giữa người Ả Rập và Israel", Thứ trưởng Ngoại giao nói.
Trong khi đó Iran, đồng minh chính trong khu vực của ông Assad và cũng có quân ở Syria, lên án tuyên bố của ông Trump là 'bất hợp pháp và không thể chấp nhận'.
"Quyết định cá nhân của ông Trump... sẽ dẫn đến khủng hoảng trong khu vực", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran phát biểu.
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ và là đối thủ của Syria , cũng nói rằng động thái này đã đưa khu vực Trung Đông đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới và không thể nào cho phép hợp pháp hóa việc chiếm đóng Cao nguyên Golan.
Sau hàng chục năm yên bình kể từ lệnh ngừng chiến hồi năm 1974 do lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giám sát, Cao nguyên Golan đã trở lại thành điểm nóng căng thẳng khu vực trong cuộc nội chiến Syria. Hồi tháng 5.2018, Israel cáo buộc Vệ binh Cộng hòa Iran bắn tên lửa vào lãnh thổ họ, từ ranh giới ngưng bắn phía lãnh thổ Syria.
Israel, vốn đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào cái mà họ gọi là các mục tiêu do Iran hậu thuẫn ở Syria, đã yêu cầu Nga đưa các lực lượng đồng minh với Iran ra khỏi vùng biên giới.
Bên lằn ranh ngưng bắn phía lãnh thổ Syria đã bị phiến quân kiểm soát trong nhiều năm cho đến khi lực lượng chính phủ giành lại nó hồi tháng 7.2018.
Israel nói cuộc nội chiến ở Syria đã tái khẳng định nhu cầu phải giữ vùng cao nguyên này vốn được các bên thèm muốn do nguồn nước và đất đai màu mỡ của nó như là vùng đệm ngăn cách giữa các thị trấn Israel với sự bất ổn của các nước láng giềng.
Liên minh châu Âu nói lập trường của họ đối với quy chế của Cao nguyên Golan là không thay đổi và họ không công nhận chủ quyền của Israel đối với vùng cao nguyên chiến lược này.
Theo Danviet
Sau tuyên bố sốc của ông Trump, Syria kêu gọi LHQ vào cuộc Syria kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) duy trì các nghị quyết hiện có về tình trạng Cao nguyên Golan, sau khi Tổng thống Trump nói Mỹ sẽ công nhận vùng này thuộc về Israel. Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari ngày 22-3 đã gửi thư cho Hội đồng Bảo an LHQ đề nghị cơ quan này "tiến...