Một bị cáo cựu công an bị tạm giam không có lệnh?
Luật sư khiếu nại cho rằng một bị cáo trong vụ án công an đánh chết người ở Phú Yên bị tạm giam hơn tám tháng nay nhưng không có lệnh của cơ quan thẩm quyền.
Ngày 29-7, luật sư (LS) Nguyễn Văn Thắng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết đã có đơn gửi chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng khiếu nại việc bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị tạm giam hơn tám tháng nay nhưng không có lệnh.
Thành là một trong sáu bị cáo của vụ án dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa đã được TAND Cấp cao thụ lý phúc thẩm. Bị cáo Thành bị bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên phạt tám năm tù về tội dùng nhục hình và là bị cáo duy nhất trong vụ án này kêu oan.
Trong các phiên tòa trước đây, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành luôn kêu oan, cho rằng các cựu đồng nghiệp công an của mình làm sai mà không dám nhận. Ảnh: TẤN LỘC
Theo đơn của LS Thắng, từ khi phiên tòa phúc thẩm bị hoãn lần thứ hai (27-11-2015) đến nay, bị cáo Thành bị giam nhưng không có lệnh tạm giam của cơ quan thẩm quyền.
Video đang HOT
Với tư cách người bào chữa cho bị cáo Thành, LS Thắng đã hai lần có ý kiến với trực ban trại tạm giam Công an tỉnh Phú Yên vào tháng 5 và tháng 7-2016 nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Cũng theo LS Thắng, tính từ khi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng thụ lý phúc thẩm hồi tháng 5-2015 đến nay, bị cáo Thành bị tạm giam đã 15 tháng. Theo quy định tại Điều 242 BLTTHS, thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tối đa là 90 ngày, thời hạn hoãn phiên tòa không quá 30 ngày, thời hạn tạm giam bị cáo tối đa chỉ bốn tháng.
LS Thắng cho rằng việc tạm giam bị cáo Thành đã vượt quá quy định của pháp luật 11 tháng. LS Thắng gửi đơn khiếu nại đến chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án VKSND Tối cao và VKS Cấp cao tại Đà Nẵng, kiến nghị trả tự do hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Thành.
Cùng ngày, một nguồn tin cho biết dự kiến vụ án trên sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm vào cuối tháng 8-2016 tại trụ sở TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có văn bản yêu cầu chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chỉ đạo, xem xét giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trả lời kiến nghị của các LS về sớm đưa vụ án trên ra xét xử phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật. Theo các LS, tháng 4-2015, TAND tỉnh Phú Yên đã xét xử sơ thẩm vụ án trên. Do có kháng cáo, ngày 29-5-2015, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã thụ lý để xét xử phúc thẩm vụ án. Tuy nhiên, sau hai lần hoãn phiên tòa, đến nay đã tám tháng, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vẫn chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử đúng theo quy định pháp luật, gây bức xúc đối với gia đình bị hại, những bị cáo có kháng cáo trong vụ án. Trả lời Pháp Luật TP.HCM, đại diện TAND Cấp cao tại Đà Nẵng thừa nhận việc chậm đưa vụ án trên ra xét xử phúc thẩm đã vi phạm quy định thủ tục tố tụng về thời hạn. Nguyên nhân chậm xét xử phúc thẩm do phải cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm xét xử vì vụ án liên quan đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
TẤN LỘC
Theo PLO
Các bị cáo 'khuyên VKS dũng cảm nhận sai' đã làm đơn kháng cáo
Sáng 12-7, lần đầu tiên sau hơn 3 năm bị bắt giữ, các bị cáo trong vụ "bị cáo khuyên VKS dũng cảm nhận sai" đã được gia đình thăm gặp trong trại tạm giam. Các bị cáo cho biết đã làm đơn kháng cáo và gửi ngày 11-7-2016.
Mẹ của ba bị cáo Phạm Đăng Hậu, Lương Xuân Chung và Bùi Anh Tuân đã được thăm gặp con sau hơn 3 năm các bị cáo bị tạm giam.
Bà Vũ Thị Tâm, mẹ của bị cáo Phạm Đăng Hậu, cho biết: "Chúng tôi khuyên các con có tội phải nhận, không gây mệt mỏi cho gia đình và nhận sự khoan hồng của pháp luật. Nhưng các cháu vẫn khẳng định là các cháu không giết người và đã làm đơn kháng cáo".
Bà Lương Thị Lý, mẹ của bị cáo Lương Xuân Chung, cũng cho biết Chung khẳng định: "Cháu nói với tôi là cháu không giết người nên không thể nhận thay những kẻ làm rồi nhởn nhơ ở ngoài. Cháu đã làm đơn kháng cáo. Nó dặn tôi: "Nếu tòa phúc thẩm vẫn tuyên con có tội, con sẽ chết trong trại tạm giam, mẹ xin xác con về và đi kêu oan tiếp cho con". Cháu nói vậy tôi rất xót xa. Mẹ con khóc với nhau trong lần thăm gặp và tôi nói hết lời để cháu làm thì cháu nhận nhưng cháu cứ van xin với tôi là cháu không làm mà bị đánh đập rất nhiều, ép phải nhận tội".
Từ trái qua phải: Bà Lương Thị Lý (mẹ Lương Xuân Chung); bà Đỗ Thị Hương (mẹ Bùi Anh Tuân), bà Vũ Thị Tâm (mẹ Phạm Đăng Hậu) sau khi gặp các con trong trại tạm giam.
Trước đó, ngày 8-7, sau tám ngày nghị án, TAND TP Hải Phòng đã tuyên án vụ giết người xảy ra tại xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Tòa tuyên ba bị cáo Bùi Anh Tuân, Lương Xuân Chung và Phạm Đăng Hậu phạm tội giết người và phạt bị cáo Chung 18 năm tù, Hậu và Tuân cùng bị phạt 16 năm tù.
Như đã thông tin, đêm 26 rạng 27-4-2013, tại xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng xảy ra án mạng khiến một người tên Nguyễn Văn Tâm tử vong.
Từ lời khai của người nhà nạn nhân, Chung, Hậu và Tuân bị khởi tố, bắt tạm giam. Cáo trạng cáo buộc đêm ấy cả ba mang theo tuýp sắt, dây thừng buộc vào cây gỗ để đi trộm chó. Khi đến đường vào UBND xã Cao Minh, thấy Nguyễn Văn Tuyển chở Tâm bằng xe đạp. Do giữa Tuân và Tuyển có mâu thuẫn nên Tuân nói Hậu vòng xe lại để đánh Tuyển, Tâm. Khi Tâm nhảy xuống xe liền bị Tuân và Chung lao vào đánh ngã sấp xuống đường, kế đó Tuân đẩy nạn nhân xuống mương nước...
Tại tòa, các bị cáo khai cơ quan điều tra đã dùng nhiều hình thức ép cung, dùng nhục hình đối với các bị cáo. Tòa cũng công nhận quá trình điều tra có nhiều sai phạm và yêu cầu VKS cũng như cơ quan CSĐT rút kinh nghiệm.
HẢI ĐƯỜNG
Theo PLO
Vụ 5 công an dùng nhục hình ở Phú Yên: Luật sư kiến nghị khẩn Luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại trong vụ án 5 công an dùng nhục hình ở Phú Yên kiến nghị sớm đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Liên quan vụ án 5 công an dùng nhục hình xảy ra tại trụ sở Công an TP.Tuy Hòa (Phú Yên), mới đây các Luật sư: Phạm Công Út,...