Một bên là mẹ và một bên là anh
Em buồn bã đứng giữa một bên là người mẹ mà mình hết lòng thương yêu, một bên là người mà mình đã chọn để cùng đi trong suốt cuộc đời…
Sáng nay em ghé qua nhà lấy cho con món đồ chơi để quên. Cả tháng nhà không người ở, nên khi cửa vừa mở, em bị đám gián và kiến hôi… chào đón.
May có dì Hai hàng xóm sang “giải vây”. Vừa rượt theo lũ gián, dì vừa hỏi han chuyện chỗ trọ mới của vợ chồng mình. Dì gợi ý nếu không ở nữa thì treo bảng bán nhà khiến em chỉ muốn ngồi thụp xuống, khóc cho vơi những chất chứa trong lòng những ngày qua.
Anh còn nhớ không, thuở hai đứa mình đều là dân tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp? Hơn 10 năm lăn lộn xứ người, qua bốn năm yêu nhau, hai đứa đành buồn tủi chôn giấu bao dự tính… Mẹ anh dưới quê còn chưa trả hết nợ ngân hàng, trong khi má em khá chật vật mới đủ ăn. Hoàn cảnh hai bên đã thế, hai đứa mình tương lai ba cọc ba đồng, có lẽ phải ở nhà thuê suốt đời. Mình cứ trăn trở mãi, không dám chính thức đến với nhau, vì nghĩ thân mình thiếu hụt đã đành, nếu có con, lấy tiền đâu lo…
Thật may, má em bất ngờ trúng số giải đặc biệt. Trong những món quà má tặng, ngôi nhà trong con hẻm nhỏ khiến hai đứa mình vui sướng nhất. Sau ngày cưới, vợ chồng mình đã hạnh phúc biết bao! Chúng mình làm việc nhàn hạ, chỉ cần đủ cơm ăn áo mặc mỗi ngày.
Khi con trai mình ra đời, má tự nguyện lên ở với mình để phụ chăm sóc cháu. Nói là “phụ” nhưng thật ra má “đóng vai chính” khi anh đi làm đến tối mịt chưa về, còn em hết học nghiệp vụ đến học bằng hai. Ban đầu má nói chỉ ở giúp mình khi con còn quá nhỏ, nhưng con hai rồi ba tuổi, má vẫn không nỡ xa rời. Ai cũng bảo má có tiền, chỉ cần mướn người giúp việc cho vợ chồng mình, nhưng má thương con xót cháu, không cam tâm.
Cài cái ổ khóa to tướng lên cánh cửa, em lại có cảm giác mình đã đóng chặt lối quay về… (Ảnh minh họa)
Má bình dị, chân quê, có sao nói vậy, đôi khi hành xử vụng về, suy nghĩ cực đoan. Em biết má nuông chiều cháu nhiều khi thái quá, gây khó khăn cho việc nuôi dạy con, khiến anh không vui. Em dự định sẽ gửi con đi học mẫu giáo rồi dần dần “cách ly” hai bà cháu, cũng là để tránh những xung đột thường tình giữa mẹ vợ và chàng rể. Khổ nỗi, con mình khó ăn khó ngủ, nay ốm mai đau, nên em cứ lần lưa mãi…
Thế là rạn nứt lớn dần, cuối cùng tất cả đã đổ sụp khi má lỡ lời “nặng nhẹ” anh trong một lần cả nhà “đại chiến” vì con. Anh cho rằng má nóng giận xúc phạm anh, nhưng sao anh không nhớ lại hành động của mình trước đó. Không phải em bênh vực má ruột mình, nhưng anh hãy bình tâm suy xét anh đã làm gì để má phải nói: “Có giỏi thì đi luôn…”.
Anh nhất định không quay về ngôi nhà má đã cho vợ chồng mình. Tự ái của một người đàn ông luôn mang mặc cảm dựa vào nhà vợ bao lâu nay kìm nén, nay bùng phát. Em buồn bã đứng giữa một bên là người mẹ mà mình hết lòng thương yêu, một bên là người mà mình đã chọn để cùng đi trong suốt cuộc đời. Hãy chỉ cho em một giải pháp vẹn toàn đi anh, để không phải chọn một trong hai mà lòng thấy chông chênh quá!
Giờ đây, má đã trở về quê ở hẳn. Trước ngày má về, anh ghé qua nhà mình chào má. Má lên tiếng kêu anh quay về mà giọng má ướt sũng. Anh cười, không biết trả lời má thế nào nên quay sang làm như mải chơi với con. Nhà anh đã thuê rồi, đồ đạc cũng đã sắm sửa. Và quan trọng hơn là lòng anh đã quyết, phải không anh? Nhà mình giờ thành “nhà cũ” trong khái niệm của con.
Nhìn con hí hửng ôm thùng đồ chơi chuẩn bị sang “nhà mới”, mắt em hoen đỏ. Cài cái ổ khóa to tướng lên cánh cửa, em lại có cảm giác mình đã đóng chặt lối quay về…
Theo VNE