Moscow: NATO mở thêm căn cứ quân sự, Nga sẽ đáp trả tương đương
Quyết định gần đây của NATO về việc thành lập thêm các trung tâm chỉ huy ở 6 nước khác nhau sẽ dẫn đến những thay đổi bắt buộc trong kế hoạch quân sự của Nga, đại sứ Nga tại NATO, Alexander Grushko cho hay.
“Việc mở thêm nhiều căn cứ quân sự gần lãnh thổ Nga không khác gì việc tìm cách gây sức ép lên chúng tôi”, đại sứ Alexander Grushko cho biết và nói thêm rằng phản ứng của Nga sẽ “tương đương” với NATO trong mọi trường hợp.
Nga khẳng định sẽ phản ứng tương đương với sự mở rộng của NATO
Theo ông Grushko, những thay đổi về tình hình chính trị-quân sự gần biên giới Nga có thể dẫn đến những biến chuyển về kế hoạch quân sự của Nga nhằm đảm bảo cho an ninh quốc gia.
Vào hôm 5-2, bộ trưởng quốc phòng các nước NATO đã đồng ý thành lập thêm 6 căn cứ quân sự mới ở Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Romania trong cuộc họp ở Brussels. Các bộ trưởng cũng tuyên bố mở rộng quy mô của lực lượng phản ứng nhanh NATO lên con số 30.000 binh sĩ.
Video đang HOT
Động thái này sẽ tạo ra một mối nguy hiểm lớn cho Nga, trước hết là vùng Baltics, do đây sẽ trở thành khu vực diễn ra đối đầu quân sự, đại sứ Grushko nhấn mạnh.
Đại sứ Nga cũng cho rằng việc thành lập trung tâm huấn luyện chung tại Gruzia cũng sẽ góp phần làm gia tăng căng thẳng địa chính trị và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Nga.
Cũng trong bài phỏng vấn của mình, ông Grushko cảnh báo đến một hậu quả khôn lường nếu NATO quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine chống lại lực lượng li khai miền đông.
Các nước NATO chưa từng chấp nhận việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine kể từ khi Kiev tiến hành chiến dịch quân sự tại miền đông. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định vào hôm 3-2 rằng Đức sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine và theo đuổi một giải pháp hoà bình về vấn đề xung đột. Tuy nhiên, hiện tại Chủ tịch Uỷ ban vũ trang Thượng viện Mỹ, John McCain đang hối thúc chính quyền Tổng thống Obama hỗ trợ các loại vũ khí sát thương cho Ukraine.
Vào hôm 3-2, người đại diện của Cộng hoà Nhân dân Donetsk tự xưng, Denis Pushilin cho biết họ đã tìm thấy các vỏ đạn pháo của NATO ở Horlivka, miền đông nam Ukraine. Ngoài ra, ông Pushilin cũng nhận định rằng quân đội Ukraine đang sử dụng chiến thuật chiến đấu của Mỹ khi đối đầu với lực lượng li khai trong khu vực.
Theo_An ninh thủ đô
Nga triển khai hệ thống tên lửa S-300 tới Crimea
Hãng tin RIA Novosti trích nguồn tin từ Hạm đội biển Đen ngày 3-12 cho biết lực lượng quân sự Nga tại Crimea đã nhận được hệ thống tên lửa đất đối không S-300PMU Favorit mới để bảo vệ không phận bán đảo.
Nguồn tin tiết lộ: "Với sự xuất hiện của S-300PMU, một hệ thống phòng thủ tên lửa đã chính thức được xây dựng trên bán đảo, giúp Hạm hội Biển Đen tránh khỏi các mối đe dọa từ trên không".
Hệ thống tên lửa kể trên, được Bộ Quốc phòng Mỹ gọi là SA-10f và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là Grumble, đã tới Crimea trong tháng 11 vừa qua, không rõ số lượng và khu vực triển khai.
Hiện "gia đình" S-300 của Nga được xem là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tốt nhất thế giới. Chúng sử dụng hệ thống radar giám sát tối tân Big Bird và có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 200 km.
Gia đình S-300 của Nga được xem là một trong những hệ thống tên lửa chống máy bay tốt nhất thế giới.
Thế hệ tên lửa S-300PMU được Nga xuất khẩu ra Thị trường vào năm 1992, trong khi S-300 được Liên Xô cũ triển khai từ năm 1979.
Hồi tuần trước, Moscow cũng gửi 10 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27SM và 4 máy bay tiêm kích - ném bom Su-30 tới căn cứ không quân Belbek, ngoại ô TP Sevastopol của Crimea nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trên bán đảo.
Trong khi đó, tối 2-12, tại Brussels - Bỉ, ngoại trưởng các nước phương Tây kêu gọi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tái thiết lập các kênh liên lạc quân sự với Moscow, giữa thời điểm Nga tiến hành một số cuộc tập trận quân sự có khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột.
Ngoại trưởng các nước thành viên NATO đề nghị xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng giữa Nga và phương Tây - đang bị âm hưởng của thời kỳ Chiến tranh lạnh đè nặng.
Đây có thể xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã tác động tồi tệ đến mối quan hệ Đông - Tây trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cho biết: "Các ngoại trưởng đã nhất trí tại thời điểm này cần đẩy mạnh nhu cầu thông tin liên lạc quân sự giữa Nga và NATO để tránh xảy ra sự cố. Giới chức quân sự NATO nên giữ các kênh thông tin liên lạc hoạt động cởi mở và sử dụng chúng khi cần thiết để tránh gây ra hiểu lầm liên quan đến các hoạt động quân sự".
Đại diện thường trực của Nga tại NATO, ông Alexander Grushko, khẳng định Moscow sẵn sàng tham gia thiết lập các kênh quân sự theo yêu cầu. Ông Grushko tuyên bố: "Chúng tôi sẽ xem xét ý tưởng tái xây dựng một số hình thức liên lạc quân sự của NATO".
Theo NTD