“Mộng Phù Hoa” và những góc khuất xã hội đã dìm chết thanh xuân của cô Ba Sài Gòn
Ngoài những câu chuyện lôi cuốn xoay quanh tấn bi kịch cuộc đời Ba Trang ( Kim Tuyến), “ Mộng Phù Hoa” còn hấp dẫn khán giả bởi đã không ngần ngại khai thác triệt để mọi góc khuất của xã hội cũ nơi giá trị của con người bất chốc trở nên rẻ rúng.
Mộng Phù Hoa là bộ phim lấy cảm hứng từ những giai thoại có thật trong cuộc đời cô Ba Trần Ngọc Trà – đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa (Kim Tuyến thủ vai). Phim xoay quanh bối cảnh Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây giai đoạn những năm 30 – 40 của thế kỉ XX khi mà văn hóa Tây Âu ảnh hưởng sâu rộng tới một bộ phận dân cư thị thành. Phim cũng đưa tới một cách nhìn khá toàn diện về những góc khuất của xã hội cũ mà so với thời điểm hiện tại thì nó vẫn còn nguyên giá trị.
Nơi phụ nữ không có tiếng nói
Kể cả đó là một người vợ chung thủy, một đại mỹ nhân hay một bà chủ giàu có thì rốt cuộc tiếng nói của họ vẫn không thực sự có trọng lượng. Bị hàm oan là có tình nhân bên ngoài nhưng bà Mừng (Yến Nhi) chẳng thể giải thích nửa lời. Vốn dĩ bà không thể nói, cũng chẳng có quyền nói, có phân bua đến đâu thì kết quả vẫn là cả đời mang nhục rồi bị đuổi thẳng khỏi chính căn nhà của mình.
Cả đời bà Mừng phải sống trong nỗi ô nhục chỉ vì bị chồng hiểu lầm
Chín Phương (Thân Thúy Hà) thân là bà chủ Lữ quán nhưng vẫn phải lép vế trước cả nhân tình lẫn chồng. Mọi chuyện lớn nhỏ trong Lữ quán đều có sự nhúng tay của nhân tình Sáu Thẹo (Lê Vinh) để rồi tiền kiếm được hàng tháng lại phải gửi cho gã chồng Tây chẳng bao giờ thèm ló mặt.
Chín Phương quyền lực là vậy nhưng vẫn chẳng hề có tiếng nói trước chồng
Đáng thương hơn cả vẫn là Ba Trang, với nhan sắc hơn người cùng một tấm lòng nhân hậu lẽ ra người đẹp phải được sống một cuộc đời hạnh phúc nếu không bị chính thứ xã hội u tối kia kìm kẹp. Để rồi, cả đời Trang không dám sống cho xứng với những gì mà lẽ ra cô phải nhận được.
Chính những định kiến xã hội đã bóp nát những ước mơ của Ba Trang
Có không ít người nguyện cả một đời chăm sóc cho Ba Trang, chẳng màng đến quá khứ lẫy lừng của người đẹp. Nhưng Ba Trang không chấp nhận, chẳng phải Trang lạnh lùng vô cảm mà cô luôn mặc định rằng bản thân mình không xứng đáng với một ai. Kết quả, hạnh phúc cứ vậy mà hững hờ lướt qua cuộc đời một đại mỹ nhân.
Nhà chứa, kĩ viện lộng hành
Nhà chứa, kĩ viện lộng hành lại còn được chính nhà đương cục bảo kê. Và đó cũng chính là nơi “giết chết” cuộc đời của bao cô gái trẻ bỡ ngỡ, mới vào đời, bị hư danh làm mờ đôi mắt. Không phải mình Ba Trang mà rất nhiều cô gái xinh đẹp khác bị những kẻ như dì Huê ( Kiều Linh), Chín Phương biến thành công cụ kiếm tiền để rồi nhục nhã ê chê đến nỗi không còn dám nhìn mặt gia đình.
Những kẻ như dì Huê, Chín Phương xuất hiện khắp mọi nơi, chỉ đợi thời cơ để hại đời những cô gái đẹp
Suốt gần 8 năm, Ba Trang chẳng dám về quê nhìn mặt mẹ
Cờ bạc và á phiện
Tuổi thơ Ba Trang là những chuỗi ngày dài sống cùng khói thuốc. Cô bé 10 tuổi, ngây ngô, chẳng hiểu sự đời trở thành công cụ che mắt thiên hạ cho việc làm phi pháp của dượng và mẹ. Trang buộc phải hiểu rõ những mánh khóe để quan lại không “đánh hơi” được mùi thuốc phiện. Cô cũng dần quen mặt những “bạn nghiện” hàng ngày vẫn tự tay dâng tiền cho dượng để thỏa mãn cơn thèm khát.
Khói thuốc của dượng theo Trang suốt những năm tháng tuổi thơ
Sau này, chính thứ bột màu trắng ấy đã một lần nữa “giết chết” thứ hạnh phúc gia đình mà khó khăn lắm bà Mừng mới có được. Một lần nữa bà lại bị đuổi khỏi chính căn nhà của mình, bất lực nhìn chồng bị bắt giam mà chẳng thể làm được gì.
Á phiện đã “giết chết” hạnh phúc của bà Mừng
Lớn lên, rời xa khói thuốc của dượng cũng là lúc Ba Trang trở thành con nghiện cờ bạc. Những sòng bạc lớn cứ thể mở ra, thi nhau hoành hành giữa Sài Gòn hoa lệ. Ba Trang kiếm được bao nhiêu tiền cũng dốc cả vào thú tiêu khiển đỏ đen đến nỗi gần như tán gia bại sản.
Video đang HOT
Ba Trang trở thành con nghiện cờ bạc
Bán thánh buôn thần, mê tín dị đoan
Có vẻ trong xã hội của Mộng Phù Hoa thì dù có là một công tử giàu có, một đại mỹ nhân hay một tay giang hồ khét tiếng đi chăng nữa thì tất cả đều phải khuất phục trước vài ba lời phán vô căn cứ của mấy ông thầy bói dạo. Cũng chỉ vì những lời phán như vậy mà không ít lần Ba Trang lâm vào cảnh khốn đốn, tự biến bản thân mình trở thành con rối trong tay dì Huê.
Mê tín dị đoan chắc hẳn không phải chuyện của riêng thời Ba Trang
Cũng chỉ vì cái thói mê tín dị đoan này những kẻ xảo trá như Huê mới có cơ hội chuộc lợi. Ả chớp lấy thời cơ, buôn thánh bán thần, nhờ mấy ông thầy bói dạo buông đôi ba lời dọa nát. Các công tử lắm tiền, nhiều của nhưng… sợ chết cứ vậy mà dâng tiền lên cho Huê nhờ ả giải hạn mà vốn dĩ cái hạn lớn nhất của họ chính là gặp phải Huê.
Chuyện người thứ ba
Đây cũng là góc khuất được nhắc đến nhiều nhất trong cả bộ phim. Ba Trang hai lần lấy chồng thì cả hai lần đều không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn vì những kẻ thứ ba luôn rình rập để phá nát gia căn của người đẹp.
Anh chồng danh chính ngôn thuận của Ba Trang bị một ả đàn bà kém sắc cướp trắng
Vừa mới tái hôn chưa được bao lâu, chồng mới của Ba Trang đã vội ngả vào lòng một kỹ nữ
Mà thực chất, Ba Trang cũng chỉ là một kẻ thứ ba có nhan sắc hơn người. Những ngày đầu mới “vào nghề”, Trang thề sống thề chết rằng sẽ không qua lại với những công tử đã có vợ. Rốt cuộc thì lời thề cũng nhanh chóng tan theo mây khói. Trang tự tay giết chết lòng sĩ diện nghề nghiệp của mình khi lén lút “đi trốn” với Long – một gã công tử giàu có đã có vợ.
Ba Trang bị vợ công tử Long tạt axit hụt
Rồi đến khi đã về chung một nhà với Long, Ba Trang lại lén lút qua lại với Mân (Nhan Phúc Vinh), người bạn thanh mai trúc mã. Cô giấu Mân chuyện mình đã có chồng, nối lại tình xưa, buông lời hứa hẹn về một tương lai hạnh phúc rồi trao thân cho Mân. Đến khi mọi chuyện vỡ lỡ, Mân chỉ biết ôm nỗi đau của kẻ thứ ba rồi bỏ đi biệt xứ.
Ba Trang qua lại với Mân khi đã có chồng
Chẳng phải mình Ba Trang mà đến cả Chín Phương – bà chủ quyền lực của Lữ quán cũng chơi trò “ăn nem” trong thời gian chồng đi vắng. Để bảo vệ nhân tình, ả còn lên kế hoạch chặn đánh chồng mình khiến gã chồng Tây rơi vào tình thế sống giở chết giở.
Chín Phương qua lại với Sáu Thẹo
Trong một xã hội đầy những góc khuất, cạm bẫy như vậy, rồi không biết cuộc đời “cánh bèo trôi” Ba Trang sẽ đi về đâu?!
Đón xem những những diễn biến tiếp theo của Mộng Phù Hoa vào 21h40′ thứ Hai, thứ Ba hàng tuần trên kênh VTV3.
Theo Trí Thức Trẻ
Bước ra từ lịch sử, cuộc đời của Cô Ba Sài Gòn trong "Mộng Phù Hoa" có gì khác với sự thật?
Cuộc đời Ba Trang (Kim Tuyến) trong "Mộng Phù Hoa" có khá nhiều những điểm mới so với nguyên mẫu đệ nhất mỹ nhân - Cô Ba Sài Gòn Trần Ngọc Trà.
Mộng Phù Hoa là bộ phim truyền hình dựa theo những giai thoại có thật trong cuộc đời đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa Trần Ngọc Trà. Phim xoay quanh Ba Trang (Kim Tuyến) - một người đẹp đình đám Nam Kỳ Lục Tỉnh nhưng lại có số phận đau thương và lắm truân chuyên. Cùng xem xem cuộc đời Ba Trang trên phim có gì khác so với cuộc đời của Cô Ba Sài Gòn ngoài đời thực.
Mối tình "thanh mai trúc mã" không hề có trong nguyên gốc
Nhân vật Mân (Nhan Phúc Vinh) - người bạn thuở ấu thơ, mối tình đầu dang dở của Ba Trang là một sáng tạo thú vị trong Mộng Phù Hoa. Thực chất, cả thời thơ ấu và đến mãi sau này, cuộc đời cô Ba Trà không hề có sự xuất hiện của một "Mr. Right" hoàn hảo và si tình đến vậy (hoặc có nhưng không được nói đến). Xung quanh cô Ba Trà có rất nhiều công tử giàu có nhưng dường như chẳng mấy ai yêu cô thật lòng, mà cô cũng chẳng biết mình yêu ai, cũng có thể là không yêu ai cả.
Nhân vật Mân là một sáng tạo thú vị của Mộng Phù Hoa
Mân là người bạn đầu tiên mà Trang quen biết sau khi lên Sài Gòn sống cùng mẹ. Hai người đã dành cho nhau những tình cảm trong sáng suốt thuở thiếu thời. Anh cũng là người duy nhất luôn ở bên Trang khoảng thời gian cô sống trong cảnh tủi hờn vì mẹ "thay tính đổi nết" còn dượng thì liên tục nhòm ngó và muốn chiếm đoạt cô.
Sau này, khi bị chính mẹ ruột đem bán rồi qua tay bao công tử giàu có, Mân vẫn là người khiến Ba Trang day dứt khôn nguôi. Cô luôn muốn quay lại với anh nhưng sợ bản thân không xứng đáng, lấn cấn mãi không chịu lên xe hoa lần nữa vì còn nặng lòng với người xưa.
Mân là người mà cả đời Ba Trang không quên được
Có lẽ, sự xuất hiện của Mân trong Mộng Phù Hoa chính là chất xúc tác phần nào xoa dịu những nỗi bất hạnh của Ba Trang. So với nguyên mẫu, tuổi thơ của Trang trọn vẹn hơn khi có một "trúc mã" ở bên sẻ chia những nỗi tủi hờn. Nhờ có Mân, Trang cũng từng một lần được yêu trọn vẹn. Không phải tình yêu vì nhan sắc hay tiền bạc như cuộc đời cô Ba Trà mà là một tình cảm sâu đậm đến mức trọn đời Ba Trang không thể nào quên.
Giảm nhẹ "tội trạng" cho mẹ Ba Trà
So với mẹ của Ba Trà trong những giai thoại, bà Mừng (Yến Nhi) - mẹ Ba Trang hiền lành hơn hẳn. Vẫn là câu chuyện một người phụ nữ bị hàm oan ngoại tình, bị đuổi ra khỏi nhà cùng đứa con nhỏ nhưng chí ít bà Mừng không vì nỗi hận thù mà hành hạ Ba Trang.
Từng đánh đập Ba Trang nhưng trong thâm tâm bà Mừng vẫn rất yêu thương con gái
Theo lời kể lại, ngày thơ ấu, Ba Trà từng bị mẹ coi là "giống đoản hậu", thế là bà thường xuyên đánh đập, mắng nhiếc cô cho hả dạ. Cõ lẽ chính những trận đòn roi của mẹ đã hằn lên nếp gấp bi thương trong lòng Trà, khiến sau này cô trở thành mỹ nhân "coi đời lạnh như băng". Dù số công tử muốn "yết kiến" cô đông đến nỗi phải đợi lấy số nhưng Ba Trà lại chẳng để bản thân bận lòng vì ai.
Cũng theo những giai thoại kể lại thì chẳng hề có người phụ nữ nào tên Huê đã lừa gạt hai mẹ con người đẹp. Chính tay mẹ Ba Trà đã gả bán cô cho ông già người Pháp khi cô mới 14 tuổi để lấy tiền thỏa mãn thú vui xác thịt. Cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ, Ba Trà về với mẹ và tiếp tục trở thành công cụ kiếm tiền của bà.
Người đàn bà đểu giả tên Huê xuất hiện trong Mộng Phù Hoa đã phần nào "tẩy trắng tội trạng" cho mẹ Ba Trang. Và cũng chính tình mẫu tử thiêng liêng đã khiến nhân vật Ba Trang trở nên tốt đẹp hơn. Vì thương mẹ nên cô đã chọn con đường trở thành kĩ nữ để rồi suốt gần 10 năm lưu lạc không dám về nhìn mặt mẹ. Thời gian ở Lữ quán, dù có xa đọa đến mấy thì Ba Trang vẫn luôn canh cánh trong lòng nỗi day dứt vì không thể làm tròn chữ hiếu.
Chính bà Mừng cũng khiến nhân vật Ba Trang trở nên tốt đẹp hơn ttrong mắt khán giả
Vắng bóng người đàn ông chung tình Diên Hương
Đây là một trong số những điểm khác lớn nhất của Mộng Phù Hoa so với đời thật. Diên Hương là mối tình thứ ba của Ba Trà, cũng là người đã đưa cô từ "gái bán hoa đứng đường" thành "kỹ nữ cao cấp". Ngoài Diên Hương, những nhân vật khác như ông chủ người Tây, cậu Hai Toàn (trong phim là công tử Khoa),... đều được biến tấu và nhắc đến một cách khéo léo.
Diên Hương là một trong những người Việt Nam đầu tiên vào ngạch bác sĩ ngang hàng với người Pháp. Mặc dù học và làm việc trong ngành y nhưng Diên Hương lại thích làm thơ, viết sách. Chính bởi vậy ông đã có một mối tình lãng mạn, bay bổng với mỹ nhân số 1 Sài Gòn.
Ba Trà quen Diên Hương sau khi cuộc hôn nhân thứ hai đổ vỡ. Thương người đẹp thật lòng nên Diên Hương hết mực chiều chuộng cô, cho cô học chữ và làm quen với cuộc sống của giới thượng lưu. Để khỏa lấp nỗi cô đơn của Trà, Diên Hương còn nhờ dì Tư chăm sóc cô. Ông đâu có ngờ dì Tư lại là dân anh chị có số má ở Sài Gòn, quen biết rất nhiều công tử, đại gia chốn quan quyền nên chẳng mấy chốc mà Diên Hương mất vợ.
Trong Mộng Phù Hoa, người đã một tay "nhào nặn" Ba Trang trở thành kỹ nữ thượng lưu lại là bà chủ Lữ quán Chín Phương (Thân Thúy Hà). Chính chi tiết này đã giúp xóa bỏ tội danh phụ bạc, ham vinh hoa phú quý của người đẹp.
Vai trò đưa cô Ba trở thành kỹ nữ thượng lưu của Diên Hương được chuyển sang cho Chín Phương
Hắc - Bạch công tử thân nhau đến lạ
Hắc - Bạch công tử là hai cái tên đình đám nhất trong "bộ sưu tập người tình" của cô Ba Trà. Hai vị công tử hào hoa này gắn liền với những giai thoại mà đến giờ người đời vẫn phải lắc đầu ngán ngẩm như: đốt tiền để nấu chè cho người đẹp hay đốt tờ 100 đồng làm đuốc để tìm 5 đồng lẻ,... Dĩ nhiên tất cả những giai thoại này đều gắn với cái tên Ba Trà. Đương thời, hai vị công tử này vì muốn thể hiện bản lĩnh trước người đẹp mà suốt ngày tổ chức những cuộc tỉ thí sặc mùi tiền.
Hắc - Bạch công tử
Dù trong phim không hề nhắc đến cái tên Hắc - Bạch nhưng người xem có thể ngầm hiểu rằng đại diện cho họ chính là hai nhân vật: Tư Phúc (Hoàng Anh) và Ba Huy (Khôi Trần). Chung một người tình, ấy vậy mà, trong phim, hai vị công tử này lại thân nhau đến lạ, thậm chí còn cùng nhau giải cứu, chia sẻ người đẹp và đàm đạo về nhân tình thế thái. Mối tình tay ba của Phúc - Trang - Huy còn khiến khán giả liên tưởng tới sự tích "hai ông một bà".
Ba Huy - Tư Phúc là anh em thân thiết trong Mộng Phù Hoa
Mối quan hệ tay ba đặc biệt thân thiết của Ba Huy - Tư Phúc - Ba Trang
Cô Ba chung tình, ngoan hiền hơn hẳn nguyên mẫu
Cuộc đời cô Ba Trần Ngọc Trà gắn liền với rất nhiều những giai thoại lẫy lừng về độ ăn chơi, sa đọa cùng mối tình tình chóng vánh với các công tử giàu có. Thế nhưng, trong Mộng Phù Hoa, nhân vật Ba Trang lại hiện lên với một góc nhìn khác hẳn, hiền lành hơn, hiếu thảo và luôn khao khát được yêu thương.
Nếu Ba Trà từng được mệnh danh là mỹ nữ "coi đời lạnh như băng" bởi cô chẳng mặn nồng với bất kì chàng trai nào thì Ba Trang lại có một trái tim ấm áp tình yêu thương. Dù đã trải qua rất nhiều mối tình nhưng Ba Trang vẫn luôn nhớ thương bóng hình người cũ. Với những chàng trai đã lướt qua đời mình như Khoa, Tư Phúc, Ba Huy,... Trang luôn dành cho họ sự trân trọng, thậm chí là biết ơn.
Ba Trang luôn nặng lòng với Mân
Cái tên Ba Trà còn gắn liền với với những câu chuyện về "ngải tình", nhiều lời đồn đoán rằng cô dùng ngải để mê hoặc đàn ông, thậm chí Ba Trà còn sang tận Xiêm La để thỉnh thầy dạy ngải. Trong Mộng Phù Hoa, có phân đoạn người em thân thích Tư Lan (Tường Vy) rủ Trang sang Xiêm xin bùa ngải nhằm qua mặt Chín Phương nhưng Trang lập tức từ chối.
Cuộc đời Ba Trà gắn liền với "tình - tiền - đen đỏ", người đẹp còn sở hữu "Nguyệt Tiên Cung" - nơi các công tử phủ phục trước sức hút của Ba Trà, thuốc phiện và cờ bạc. Ở Mộng Phù Hoa, Ba Trang cũng được phác họa như một con nghiện đen đỏ nhưng việc lao đầu vào những canh bạc cũng chỉ vì Trang quá cô đơn, trống trải.
Ba Trang lao đầu vào cờ bạc cũng vì cô quá cô đơn
Dự đoán về một cái kết nhẹ nhàng hơn
Cuộc đời lừng lẫy của Trần Ngọc Trà được kết thúc bằng một cái kết nhuốm màu bi kịch khi cô trắng tay, già nua và cô đơn. Ở tuổi lục tuần, không có tiền để thỏa mãn thú vui cờ bạc, các công tử giàu có cũng lảng tránh, Ba Trà buộc phải làm công trong một tiệm ở Chợ Lớn. Nhiều người còn đồn đại rằng họ thấy Ba Trà qua đời trong nghèo khổ, cô đơn ở gầm cầu thang của một chung cư tại Sài Gòn.
Trong khi đó Mộng Phù Hoa được kể theo dòng hồi tưởng của Ba Trang. Những biến cố trong cuộc đời dần sống lại một lần nữa khi cô mở lòng mình tâm sự cùng ký giả. Dễ thấy Ba Trang ở hiện tại vẫn xinh đẹp, giàu có nhưng trưởng thành và thầm lặng hơn. Cô đã tự mình nhìn thấy những sai lầm trong quá khứ và nhận ra ai là người đã khiến bản thân như vậy.
Ba Trang ở thì hiện tại vẫn xinh đẹp, giàu có nhưng trưởng thành hơn
Chưa ai đoán được cái kết của Mộng Phù Hoa nhưng với hình ảnh ở thì hiện tại của Ba Trang, nhiều khán giả tin rằng chắc chắn bộ phim sẽ có một cái kết tươi sáng.
Khán giả hi vọng về một cái kết tươi sáng cho Ba Trang
Đón xem Mộng Phù Hoa phát sóng lúc 21h40' thứ Hai, thứ Ba hàng tuần trên kênh VTV3.
Theo Trí Thức Trẻ
Cô Ba Sài Gòn thứ thiệt bất ngờ xuất hiện trên sóng truyền hình Nếu "Cô Ba Sài Gòn" của Ngô Thanh Vân mượn bối cảnh Sài Gòn xưa để làm khởi đầu cho câu chuyện về quốc phục áo dài thì mới đây, thông tin phim truyền hình "Mộng phù hoa" sẽ phát sóng trong tháng 1/2018 khiến nhiều khán giả hứng thú vì lấy cảm hứng từ cuộc đời của "đệ nhất mỹ nữ Sài...