Mong người lớn là những tấm gương tuân thủ Luật Giao thông
TPHCM nằm trong số ít những địa phương có tỷ lệ người đi xe máy chấp hành đội mũ bảo hiểm cao nhất nước. Học sinh thành phố mong mỏi người lớn sẽ là những tấm gương, hướng dẫn cho các em tuân thủ Luật giao thông cũng như việc ứng xử khi tham gia giao thông.
Ngày 3/1, Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM tổ chức lễ phát động ra quân thực hiện nhiệm vụ năm ATGT 2018. “An toàn giao thông cho trẻ em” là chủ đề và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm nay.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đội nón bảo hiểm cho các em nhỏ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban ATGT TPHCM – cho biết, chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 đã đạt những kết quả tích cực.
Trong năm 2017, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương.
So sánh số liệu tai nạn giao thông từ năm 2007 tới 2017 thì các tiêu chí nêu trên đều giảm đáng kể. Cụ thể, kéo giảm 646 vụ tai nạn giao thông (giảm 48%), giảm 432 người chết (giảm 40%) và giảm 601 người bị thương (giảm gần 77%).
Bên cạnh đó, TPHCM còn được Ủy ban ATGT Quốc gia tuyên dương là một trong số ít tỉnh, thành phố có tỷ lệ người đi xe mô tô, xe gắn máy chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cao nhất nước.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng nhìn nhận sự phát triển kinh tế, xã hội cũng dẫn đến phát sinh nhiều yếu tố tác động đến công tác quản lý về trật tự đô thị như hạ tầng quá tải trước lượng xe cá nhân tăng nhanh, tình trạng ngập nước, lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm… Kết quả xây dựng “văn hóa giao thông” chưa như mong muốn.
Video đang HOT
Những vấn đề trên khiến tình hình giao thông trên địa bàn TP còn diễn biến phức tạp, số người chết do tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao nếu không có các giải pháp quyết liệt.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, chủ đề của năm ATGT 2018 tại thành phố là “An toàn giao thông cho trẻ em” – đối tượng dễ bị tổn thương. Thành phố sẽ quyết tâm kéo giảm ít nhất 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông gây ra.
Ngoài ra, thành phố cũng phấn đấu giảm số vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 30 phút, hạn chế tối đa các vụ ùn ứ giao thông cũng như tiếp tục tập trung công tác lập lại trật tự lòng lề, đường, đảm bảo đường thông, hè thoáng.
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các sở – ban – ngành cùng chủ tịch UBND các quận – huyện, phường – xã trên địa bàn TP phải xác định việc đảm bảo trật tự ATGT, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông là nhiệm vụ trọng tâm.
Đồng thời, ông Phong cũng kêu gọi người dân TP có ý thức hơn nữa về trách nhiệm trong việc chấp hành luật giao thông, trật tự đô thị, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt hơn.
Phát động năm ATGT 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”
Em Nguyễn Ngọc Bảo Hân – học sinh Trường THCS Trần Đại Nghĩa – đại diện trẻ em thành phố cảm ơn lãnh đạo thành phố đã quan tâm, chọn chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”. Em Bảo Hân mong mỏi người lớn sẽ là những tấm gương, hướng dẫn cho các em tuân thủ Luật giao thông cũng như ứng xử khi tham gia giao thông.
Trung tá Huỳnh Trung Phong – Trưởng phòng CSGT Đường bộ – đường sắt (PC67) Công an TPHCM – cho biết để triển khai nhiệm vụ năm ATGT 2018, bên cạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan thì đơn vị cũng mong muốn người dân nâng cao tinh thần tự giác, có trách nhiệm khi tham giao thông.
Riêng từ nay đến dịp Tết Nguyên đán 2018, PC67 đã khảo sát trên toàn bộ các tuyến đường tại thành phố và trọng tâm ở một số khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái cùng các bến xe, nhà ga… Cảnh sát giao thông sẽ chủ động lên phương án phòng ngừa và phối hợp liên ngành để xử lý tình huống, đảm bảo phương tiện lưu thông ổn định, an toàn.
Quốc Anh
Theo Dantri
"Giải cứu giao thông": Hãy bắt đầu từ một chuyện nhỏ
Trên bức tranh giao thông hỗn độn, có bao giờ mỗi người trong chúng ta soi mình vào đấy?
"Giải cứu giao thông": Hãy bắt đầu từ một chuyện nhỏ
"Giải cứu giao thông" - nói thì dễ, chứ làm thì rất khó. Ví dụ, ai cũng nói được rằng: người dân phải có ý thức văn hóa giao thông, tôn trọng luật giao thông; xe buýt phải phát huy hiệu quả; phải quản lý cho được xe cá nhân; phải quy hoạch lại hệ thống giao thông; phải xây nhiều metro... Nhưng thử đi vào từng chuyện một mà xem, có dễ làm hay không?
Ví dụ, ai chẳng muốn TP.HCM được như Nhật Bản, với hệ thống metro chằng chịt, nhưng tiền đâu? Ai chẳng muốn đường sá phải mở rộng hơn, phải có những con đường cao tốc xuyên thành phố để xe cộ bớt đi lại loằng ngoằng, nhưng lấy đâu ra kinh phí mà đền bù giải tỏa?...
Đến với cuộc tọa đàm "Hiến kế giải cứu giao thông TP.HCM" diễn ra tại báo Tuổi Trẻ sáng 25-10, ai ai cũng mang đến những tâm trạng bức xúc, những giải pháp mà mình tin là khả thi. Tất cả mọi vấn đề đều được mổ xẻ sâu sắc.
Từ chuyện vĩ mô như quy hoạch có vấn đề, khó khăn về quỹ đất; đến những chuyện gây tranh luận như làm gì để hạn chế xe gắn máy, ôtô, hay gọi chung là phương tiện lưu thông cá nhân; nhưng chúng tôi đặc biệt thích một "đặt hàng" vi mô từ ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: "Ngay từ tuần tới, hay chậm nhất là tháng tới, TP.HCM nên xắn tay vào giải quyết chuyện cái vỉa hè đi".
Ô, sao đang nói chuyện to tát bỗng dưng lại "đặt hàng" đến lãnh đạo TP.HCM một chuyện nhỏ xíu như cái vỉa hè? Ông Hùng lý giải: "Dự buổi tọa đàm với sự hiện diện của rất nhiều người tâm huyết, am hiểu về vấn đề giao thông, tôi thấy được, và cũng thống nhất là phải làm sao cho xe buýt thật sự hiệu quả.
Có người thì cho rằng muốn xe buýt hiệu quả thì phải giải thoát nó khỏi vòng vây của xe gắn máy, vì vậy nên hạn chế xe gắn máy. Xe ôtô cá nhân cũng phải được hạn chế bằng nhiều loại phí... Làm được mấy chuyện ấy cần phải có lộ trình và không thể một sớm một chiều.
Nhưng giả dụ, làm xong mấy chuyện ấy đi, nhưng vỉa hè vẫn cứ bị chiếm dụng để kinh doanh, xe cộ vẫn phi lên vỉa hè... thì lấy đâu ra lối đi cho người đi xe buýt? Xe buýt muốn phát triển thì dứt khoát vỉa hè phải thông thoáng, khi ấy người dân mới thoải mái đi lại, chọn xe buýt làm phương tiện chính của mình".
Vì vậy, ông Hùng "đặt hàng" lãnh đạo TP.HCM hãy bắt đầu bằng câu chuyện nhỏ nhất, đó là quản lý tốt vỉa hè, trả lại cho người dân thì mới hi vọng cứu được xe buýt. Và ông Hùng cũng đề xuất hãy quy từng centimet vuông vỉa hè ra tiền, khi ấy sẽ dễ quản lý hơn, nhờ có động lực!
Trung tá Huỳnh Trung Phong - phó phòng phụ trách Phòng CSGT TP.HCM - tán thành ý kiến ông Hùng, và cũng cho biết chuyện thiết lập trật tự vỉa hè để trả lại người dân là một mục tiêu của TP mà lực lượng CSGT sẽ tham gia một phần trong "chiến dịch".
Từ đề xuất nho nhỏ mà quan trọng và cũng đầy thử thách cho TP.HCM ấy của ông Khuất Việt Hùng, khiến chúng tôi nảy ra câu hỏi: Ồ, trên bức tranh giao thông hỗn độn, có bao giờ mỗi người trong chúng ta soi mình vào đấy?
Và chắc chắn sẽ có không ít người đã thấy mình cũng vượt đèn đỏ, cũng phi lên vỉa hè, cũng lấn làn búa xua...? Những chuyện nho nhỏ ấy, theo trung tá Phong, lại là nguyên nhân lớn dẫn đến hỗn loạn giao thông. Vậy thì, đôi khi giải pháp dễ thực thi nhất để góp phần giải cứu giao thông, đó là mỗi người hãy tự điều chỉnh chính mình để có cái mà chúng ta thường nói - văn hóa giao thông.
Theo Tuổi Trẻ
TP.HCM: Sẽ kéo giảm 5% số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn? Thực hiện năm an toàn giao thông 2018, TP.HCM cho biết sẽ nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để kéo giảm 5% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2017. Sáng 3.1, cùng với nhiều tỉnh thành của cả nước, tại TP.HCM đã diễn ra lễ ra quân thực hiện năm an toàn...