Mong manh sương sớm
Đâu phải ai cũng biết cái mình có giá trị thế nào, đôi khi cứ đi xa, rồi mới khát khao đường về – âu cũng là lẽ thường ở đời.
Nắng như đổ lửa. Trưa ngồi trong nhà nhìn ra đường nhựa, nắng hực từng vạt bỏng rát. Hai cậu con trai vẫn còn dang dở kỳ thi cuối học kỳ II, nên cả nhà quyết định không về quê. Vả lại, mùa hè cũng sắp đến. Năm nào ba mẹ con cũng có hơn cả tuần rong ruổi, đạp xe giang nắng, bơi xuồng, hái trái cây đến trầy xướt, đen thui thủi ở quê ngoại.
Chưa kịp thông báo gì, ba đã gọi. Giọng hồ hởi lạ thường: “Về quê không con? Có cái này hay lắm, nhớ về nhen”. Một mình ngồi trên xe, qua lớp kính đã cũ vẫn trông thấy rất rõ cơ man nào là màu xanh của lúa của những hàng dừa thẳng tắp xa xa. Tự nhiên tôi nhớ em mình, 5-7 năm mới sắp xếp về được. Có lần nói bằng giọng vỡ ra như khám phá điều gì: “Ngồi trên đường ngóng cảm giác về nhà, tuyệt lắm chị”. Nghe giật mình, đâu phải ai cũng biết cái mình có giá trị thế nào, đôi khi cứ đi xa, rồi mới khát khao đường về – âu cũng là lẽ thường ở đời.
Ảnh minh họa
Tôi theo sau, nhìn ba mẹ cẩn thận vén từng mớ tàu dừa, từng nhánh chanh xà xuống lối đi như sợ kinh động đến vùng không gian yên ắng: phần mộ ông bà đã được làm lại khang trang. Món quà bất ngờ suốt hơn hai tháng ba mẹ giấu kín là đây. Lâu rồi, tôi chưa thấy ba vui như vậy. Ánh mắt lấp lánh, miệng không ngớt nói về việc bao nhiêu cây sắt đặt xuống để san lấp những vùng trống dưới phần mộ cũ. Đá dán là đá gì, cắt ra làm sao, bao nhiêu bao cát, làm như thế nào, công thợ mấy người…
Ba tôi không phải là con cả, mọi việc cúng thờ xưa nay có bác và chú út tôi lo, ba chỉ làm theo. Nhìn ba đưa bàn tay nhăn nheo, lấm tấm những vết nâu, tỉ mẩn lau từng chút bụi, tôi giật mình nhận ra ba đã đặt những bước chân vào cuối hành trình của cuộc đời. Quãng thời gian người ta cuộn mình vào ý niệm sinh tử, còn mất, nghĩ đến ông bà tổ tiên, nghĩ đến phần mình… tự nhiên tôi nghe đôi tay run rẩy. Nhìn mái tóc bạc trắng thưa thớt của ba, có cái gì nhói lên đâu đó. Trong đời mình, không phải có nhiều dịp để hình dung rõ hình hài của thời gian, của những quy luật vĩnh hằng không tránh khỏi như lúc này. Không phải mình có nhiều dịp ý thức được rằng: ba mẹ còn kia mong manh như sương sớm…
Bước qua tuổi 40, lắm khi tôi nghĩ mình cũng đã cố gắng nhiều để đóng tròm trèm vai người mẹ. Bên con cả đêm khi nó sốt rên ư ử hát từ “Con cò bay lả” cho đến “Ngẫm hay muôn sự tại trời”. Một núi việc vẫn ngồi ngoài bãi cát xúc vô, đổ ra, kể cho con nghe về cát có từ đâu, đi đâu, làm gì rồi sẽ về đâu. Hè năm ngoái, mưa ầm ầm, ba mẹ con với ba chiếc xe đạp trên con đường làng ngoằn ngoèo hun hút. Ba cặp mắt kính nhòe ướt, té ngã lăn đùng chân trên bờ, chân dưới ruộng, kéo quần che vết thương máu loang đỏ, miệng cười với con: “Không sao, mưa mát mà, chút nữa là tới nhà ngoại”.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Tôi hiểu rõ lòng mình dành cho hai cậu con trai nhỏ. Tôi hiểu rõ chỉ cần nhìn thấy chúng lớn nhanh như dây bầu, dây bí mỗi ngày, chỉ cần nhìn chúng rượt đuổi nhau ầm ầm, chỉ cần nhìn chúng ngủ hai má vẫn còn phúng phính thơ trẻ… thì đường gập ghềnh mấy sẽ cũng cố đi qua. Vậy mà, mấy khi mình tự hỏi: đã cố gắng bao nhiêu để làm tròn vai một đứa con?
“Ba làm xong an phần tử tế cho ông bà, ba mừng lắm. Nhà mình toàn con gái, đứa nào cũng ở xa. Sau này, ba theo ông theo bà, người ta quở trách. Tội tụi con…”. Ngồi trên xe, tay giữ cái giỏ to nào cá, gà, bánh, nước màu nấu ăn, đến trái chanh, trái ớt, nhớ đến câu nói nhẹ như thở của ba, tôi nghe mắt cay xè. Xe chạy băng băng, ngoài kia, vẫn là một màu xanh của lúa, của những cây dừa…
Theo Báo Phụ Nữ
Hy sinh vì con là điều dở hơi nhất của phụ nữ
Có lẽ người ta đã quên mất, rằng muốn gặt về hạnh phúc, bạn phải gieo hạnh phúc chứ chẳng nên gieo sự hy sinh. Sự sy sinh của người mẹ vô tình trở thành chiếc vòng kim cô trên đầu mỗi đứa con, mà câu niệm chú chính là lời than vãn: "Mẹ đã hy sinh cho con điều này, điều kia...".
Sáng nay, trong lúc cao hứng, tôi đăng lên trang cá nhân bức ảnh con gái tôi đang chạy nhảy chơi đùa ở một góc xa tít trong bức ảnh, kèm vài dòng vui vẻ. Một người bạn của tôi vào bình luận đầy đồng cảm: "Làm mẹ, thì luôn có thể hy sinh mọi thứ vì con nhỉ?". Tôi cười, không trả lời. Có lẽ bạn không biết, suốt những ngày dài trong hành trình làm mẹ của mình, tôi có thể cho con nhiều điều, rất nhiều điều, nhưng không bao giờ có cụm từ "hy sinh".
Trong thơ ca, sách truyện, phim ảnh, dường như luôn luôn vẽ nên hình ảnh người mẹ vĩ đại phải là người hy sinh cho con cái. Người ta ca ngợi điều đó như thể nó là một biểu hiện tuyệt đẹp của người mẹ mẫu mực, biết đặt con cái lên trên bản thân mình. Mức độ phủ sóng của hình tượng ấy thật lớn, đến nỗi ai ai cũng ngỡ rằng, và chắc chắn rằng một khi có con, mọi nhu cầu của bản thân bạn sẽ tan biến, chỉ còn lại nhu cầu của đứa con. Khi ấy, bạn không còn là một người phụ nữ đơn thuần, một người phụ nữ với đam mê và những niềm vui của riêng mình, mà chỉ là một người mẹ, một người mẹ luôn phải hy sinh.
Nhưng liệu đã có ai tự hỏi, liệu những đứa con của những người mẹ luôn hy sinh ấy, chúng có thực sự hạnh phúc? Chúng ta ngỡ rằng mình hy sinh cho con, sống một cuộc sống mà bản thân mình chỉ là cái bóng mờ nhạt, và con cái mới là trung tâm của vũ trụ, để chúng có thể hạnh phúc. Nhưng sự thực có phải như vậy?
Một người mẹ tốt không phải cứ hy sinh cho con cái. Ảnh: I.T
Từ trước khi được làm mẹ, tôi đã gặp chẳng ít những người mẹ đau khổ, luôn tự hỏi một câu: Tại sao mình đã hy sinh cho con tất cả, mà vẫn chẳng thể có được đứa con như mình mong muốn? Đứa con ấy có thể đã hỗn hào với mẹ, có thể đã cưới người vợ không hợp ý mẹ, đã lựa chọn một nghề nghiệp mà người mẹ kịch liệt phản đối, đã lựa chọn một cách sống mà người mẹ luôn luôn ngăn cản. Dù người mẹ từng hy sinh bao nhiêu, đến cuối cùng, cô vẫn chẳng thể "nặn" cho con một cuộc sống do cô từng vẽ ra, "nặn" ra những đứa con như cô từng tưởng tượng.
Một khi đã hy sinh, tức là đã bắt đầu áp đặt và kỳ vọng. Dù ta nói rằng ta hy sinh cho con cái vô điều kiện, nhưng trong thâm tâm, ta luôn mong sự hy sinh đó được đền đáp. Những người mẹ làm việc cật lực để có tiền cho con học trường tốt nhất, mời thầy giỏi nhất, cô kỳ vọng đứa con sẽ học hành giỏi giang. Người mẹ hy sinh công việc, từ bỏ việc gặp gỡ bạn bè, chăm sóc bản thân để chăm sóc con cái, cô kỳ vọng đứa con sẽ luôn nghe theo lời mình. Người mẹ nhẫn nhịn ở lại trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cô kỳ vọng đứa con sẽ lớn lên hạnh phúc và biết ơn mẹ vì đã giữ cho chúng một gia đình trọn vẹn...
Khi đứa trẻ chẳng đạt được thành tích như mong muốn, khi chúng muốn lựa chọn một cách sống khác với những gì mẹ vạch ra, khi chúng muốn một gia đình thành thực với nhau hơn là thứ êm ấm giả tạo, sự kỳ vọng của những người mẹ sụp đổ. Cô thất vọng vì sự hy sinh mình bỏ ra bấy lâu nay cuối cùng thành vô nghĩa. Người mẹ không hạnh phúc, những đứa trẻ không hạnh phúc. Tại sao?
Cách tốt nhất để nuôi dưỡng một đứa trẻ hạnh phúc chính là cho chúng một người mẹ hạnh phúc. Mà để hạnh phúc, người mẹ phải biết sống cho bản thân mình, ngay cả khi đã là một người mẹ.
Có bầu, sinh con, rồi cho con bú, những người phụ nữ hy sinh vóc dáng thon thả, cố sức ăn với ý nghĩ "vì con". Con dần lớn lên, họ hy sinh thời gian thoa chút kem dưỡng, tập vài động tác yoga, bớt bộ váy đẹp, gặp gỡ bạn bè để cả cuộc sống xoay quanh vũ trụ mới là con. Nhưng thực ra, bạn đâu cần phải ăn hết mọi thứ thì con mới khỏe, bạn đâu cần phải ôm con cả ngày thì con mới vui, trẻ con cũng chẳng cần quá nhiều quần áo đẹp, cần đồ chơi đắt tiền... Cái bạn nên làm, chính là cân bằng vừa đủ, để cán cân giữa làm mẹ và làm chính bạn không ngả hết về một phía.
Trẻ con không phân biệt được chiếc áo đắt tiền chúng mặc trên người có gì khác với chiếc áo ít tiền hơn, cũng chẳng thể giỏi giang hơn chỉ vì được học trường có học phí cao ngất ngưởng, nhưng chúng lại phân biệt rất rõ một người mẹ vui vẻ và một người mẹ cáu kỉnh, u sầu. Khi một người mẹ không nặng nề hy sinh, cô ấy vẫn có thể sắp xếp để sống cuộc sống của mình, vẫn có thể tự gây dựng những niềm vui nho nhỏ để tái tạo năng lượng cho một ngày mệt nhoài cùng con.
Người mẹ vẫn được sống cuộc sống của mình, nên cô chẳng có lý do gì để bắt đứa con không được sống cuộc sống của nó. Nguồn năng lượng tích cực từ người mẹ sẽ dễ dàng truyền sang cho con, để chúng mỗi ngày được thức dậy trong sự vui vẻ của người mẹ, lớn lên bằng sự thanh thản không bị đè nặng bởi hai chữ "hy sinh".
Chẳng khó khăn, sai trái gì khi bạn đánh cắp một chút thời gian của con để tô diện thêm cho mình. Ảnh:I.T
Chẳng phải cứ hy sinh, bạn mới có thể làm mẹ. Không hy sinh, không có nghĩa là bạn bỏ bê con cái, không phải ích kỷ hay vô trách nhiệm. Chỉ cần dừng lại hít thở sâu một chút, suy nghĩ một chút, bạn sẽ nhận ra có những giây phút trong những giờ làm mẹ bận rộn, bạn có thể được sống cho riêng mình.
Những đứa con hoàn toàn có thể tự chơi một mình trong khi mẹ chúng thảnh thơi ngồi uống cà phê hay tập vài động tác yoga để giữ vòng eo thon. Chúng có thể chơi cùng bố, vui vẻ vẫy tay tạm biệt khi mẹ có hẹn với bạn bè. Chúng có thể tự thu dọn bát đĩa để mẹ có thể yên tâm làm nốt việc, hay thi thoảng vui vẻ bằng lòng với chiếc pizza khi mẹ lên cơn "lười" chẳng thiết vào bếp. Chúng cũng chẳng cần được sửa soạn quá nhiều khi ra ngoài, để dành thời gian cho mẹ diện một chiếc váy đẹp, tô thêm một chút son. Hãy cứ bớt chút thời gian cho con để dành cho bản thân mình, tin tôi đi, sự vui vẻ hạnh phúc của bạn sẽ chỉ khiến những đứa trẻ thêm hào hứng.
Hy sinh, điều đó thực sự không nên dùng trong bất kỳ mối quan hệ nào. Trẻ con cần được nuôi dưỡng trong sự nhẹ nhõm. Bằng việc chính bạn hạnh phúc, bạn sẽ truyền cho con mình nguồn năng lượng tích cực, để chúng biết cách tự tạo một cuộc sống vui vẻ và học được cách yêu bản thân mình. Đừng chỉ cho con tiền bạc dư giả, cho con bữa ăn ngon, cho con quần áo đắt tiền, đồ chơi xa xỉ... hãy cho con sự vui vẻ và hạnh phúc của bạn khi làm mẹ. Đó mới là điều đáng giá nhất mà bạn nên dành cho chúng mỗi ngày.
Theo Dân trí
Nàng dâu bị mẹ chồng chì chiết vì 'không biết đẻ con trai' và hành động quả quyết của mẹ đẻ khi vô tình nghe thấy Câu nói vừa dứt thì bố mẹ đẻ Thu bước chân vào cửa. Họ đến thăm con gái nhưng không ngờ lại gặp tình huống oái oăm này... Cứ bảo thời đại nào rồi mà sinh con gái còn không được coi trọng, thời này nam nữ bình đẳng như nhau. Ấy thế mà đầy gia đình "tan đàn xẻ nghé" cũng vì...