Mong lắm một quyết tâm
Thấp thỏm mừng trước động thái của cơ quan Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội về đợt “ra quân” xử lý mũ bảo hiểm chất lượng kém, dịp trung tuần tháng 2 vừa qua, rồi lại nhanh chóng hụt hẫng. Đi qua phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, “điểm danh” mấy địa chỉ kinh doanh mũ bảo hiểm bị lực lượng QLTT “sờ gáy”, hầu như không thấy sự thay đổi nào.
Mũ vẫn bán và người mua vẫn tấp nập. Ghé vào cửa hàng bán mũ, đối chiếu những dấu hiệu mũ bảo hiểm chất lượng kém như cơ quan QLTT khuyến cáo, thấy vẫn đầy rẫy sản phẩm không an toàn. Không chỉ phố Chùa Bộc mà những trung tâm mũ bảo hiểm “có vấn đề” ở đường Cầu Giấy, Phố Huế (quận Hai Bà Trưng)… vẫn ngang nhiên vi phạm.
Trong câu chuyện về mũ bảo hiểm có hai vấn đề. Thứ nhất, là tuyên truyền và áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính (bằng xử phạt), nếu người dân không chấp hành đội mũ bảo hiểm. Thứ hai, là những chiếc mũ người dân đội phải đảm bảo chất lượng; nghĩa là có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, và có thể đảm bảo độ an toàn tối đa cho người dân trong tình huống xảy ra tai nạn. Thế nhưng nhiều năm nay, “vế” thứ hai chưa bao giờ trọn vẹn. Với trách nhiệm, vai trò chủ công, cơ quan QLTT đã tham mưu và ban hành văn bản chủ trương kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường mũ bảo hiểm. Đại ý là, mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng phải bị tịch thu. Vi phạm nghiêm trọng về mũ bảo hiểm kém chất lượng có thể sẽ bị xử lý hình sự. Cùng với văn bản trên, chế tài đối với từng hành vi vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm kém chất lượng cũng được quy định rõ.
Nguy cơ của mũ bảo hiểm kém chất lượng đã rất rõ ràng. Chế tài đối với hành vi mua bán, sản xuất, tàng trữ mũ bảo hiểm kém chất lượng cũng đã đủ, chỉ thiếu mỗi lực lượng chuyên trách kiểm tra, xử lý. Thôi thì có thể chia sẻ với cơ quan chức năng rằng, để tìm ra đầu mối sản xuất mũ bảo hiểm chất lượng kém không hề đơn giản. Nhưng, khi những sản phẩm không đủ độ an toàn ấy được bàn bán công khai, đâu có khó khăn để xử lý. Mũ bảo hiểm kém chất lượng lâu nay đến được tay người tiêu dùng một cách dễ dàng, rõ ràng do nó không bị kiểm tra, xử lý nhắc nhở. Hoặc nếu có, cũng chỉ bị xử lý nửa vời, không đủ sức răn đe, cảnh báo. Mong lắm những đợt “ra quân” của lực lượng QLTT; và chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của công an và chính quyền cơ sở. Càng mong hơn, không xảy ra tình trạng “ra quân” rầm rộ, rồi yếu dần và cuối cùng, mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn tràn lan.
Theo ANTD
Mỹ phẩm giả gắn mác "xách tay"
Kiểm tra chưa đến chục cửa hàng bán mỹ phẩm, Đội 6 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội đã thu giữ hàng trăm mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định chất lượng.
70% mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ
Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm (PCTP) môi trường trong lĩnh vực y tế - ATVSTP (Đội 6) cho biết: Sau thời gian trinh sát, Đội 6 phát hiện một đường dây mua bán, vận chuyển mỹ phẩm nhập lậu từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Mỹ phẩm có xuất xứ Trung Quốc, "đi" theo đường tiểu ngạch, xé lẻ hàng và vận chuyển đi nhiều nơi tiêu thụ, trong đó có Hà Nội. Mỹ phẩm dạng nước, kem nhập lậu hầu hết đóng vào can, thùng, sau đó được các đại lý san chiết ra các lọ, chai nhỏ, dán nhãn mác "ngoại", dán tem chống hàng giả lừa bán cho người tiêu dùng với giá cao. Đại diện cơ quan công an nhận định, khoảng 70% mỹ phẩm bày bán trên thị trường Hà Nội hiện nay là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng sản phẩm, tiềm ẩn nguy cơ chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Mỹ phẩm giá rẻ đã vậy, hàng gắn mác "xách tay" cũng chủ yếu là hàng giả. Trung tá Phạm Giang Sơn cho hay: Qua công tác nắm tình hình tại "chợ mỹ phẩm Nguyễn Sơn" (đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên), cảnh sát phát hiện khu vực này bày bán công khai, tồn chứa một lượng lớn mỹ phẩm. Sau nhiều tuần nắm bắt quy luật xuất nhập hàng, kinh doanh tại "chợ", trung tuần tháng 4 vừa qua, Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 4 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở đây, phát hiện, thu giữ hàng trăm mặt hàng mỹ phẩm, hàng nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những người bán hàng thừa nhận, mỹ phẩm bày bán ở đây chia làm 3 loại. Loại cao cấp do nhân viên hàng không "xách tay" từ nước ngoài về; loại 2 - hàng của các công ty mỹ phẩm nước ngoài, phân phối tại Việt Nam đã bị đại lý bóc tem nhãn phụ, "hô biến" thành hàng "xách tay". Loại 3, theo Trung tá Phạm Giang Sơn là hàng Trung Quốc nhập lậu trà trộn.
Bán tràn lan do thiếu kiểm tra
Khảo sát của cơ quan công an cho thấy, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bày bán nhiều ở khu vực các phố trung tâm như: Hàng Chiếu, phố Huế, Lê Duẩn... Các cửa hàng đa phần bán mỹ phẩm Trung Quốc nhập lậu, kém chất lượng. "Hàng kém chất lượng, giá rẻ, bày bán công khai lâu nay do lực lượng chuyên trách thiếu kiểm tra, xử lý" - chỉ huy Đội 6 thẳng thắn.
PV ANTĐ đã cùng đoàn công tác Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Đội QLTT số 1, bất ngờ kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh mỹ phẩm, tại cửa hàng mỹ phẩm Vạn Xuân (phố Huế, quận Hai Bà Trưng). Tại cửa hàng này, cảnh sát phát hiện, thu giữ cả trăm sản phẩm mỹ phẩm các loại như: kem trắng da, dưỡng da, kem chữa nám da, sơn móng tay, nước hoa... không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nhiều mặt hàng trong đó có nhãn mác Trung Quốc. Cuối giờ chiều cùng ngày, hàng chục thùng carton mỹ phẩm, ước tính trị giá cả trăm triệu đồng mới được lực lượng chức năng kiểm đếm, niêm phong xong. Số hàng hóa không rõ nguồn gốc này sẽ bị tịch thu, tiêu hủy theo quy định - Trung tá Phạm Giang Sơn cho biết.
Kiểm tra chưa đến chục cửa hàng mỹ phẩm, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ một lượng hàng hóa, ước tính trị giá gần 1 tỷ đồng. Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý các cửa hàng, đại lý kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội, tịch thu các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chấn chỉnh vi phạm diễn ra lâu nay.
Theo ANTD
Kiến nghị cho để xe trên phố cấm UBND quận Hai Bà Trưng vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm để một hàng xe trên hè các tuyến phố Bà Triệu, phố Huế. Theo UBND quận Hai Bà Trưng, 2 tuyến phố có hè rộng, số lượng các hộ kinh doanh nhiều (nằm dọc hai bên mặt đường), có nhu cầu để xe rất lớn. Do vậy,...