Món vay nhỏ, lập nên cơ nghiệp lớn
Từ những món vay không lớn, nhưng các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã giúp nhiều hộ nông dân gây dựng được cơ nghiệp không hề nhỏ.
Trợ lực để hộ nghèo vươn lên
Năm 2012, bà Trần Thị Lành, thôn An Hòa, xã Xuân Hải (Ninh Hải) được vay 7 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Được Hội Nông dân tư vấn, bà Lành mua 2 con cừu cái nuôi sinh sản. Ngoài số cừu đực đã bán, đến nay đàn cừu cái sinh sản của bà Lành đã lên đến 10 con.
“Trả hết nợ gốc, năm 2015 vừa rồi, ngân hàng lại cho vay tiếp 50 triệu đồng hộ nghèo. Tôi dùng số tiền này mua cặp bò sinh sản, đến nay đã có 1 con bò mẹ đẻ bê con…Vốn đã trợ lực giúp tôi nuôi 2 con ăn học đại học ở TP.Hồ Chí Minh…” – bà Lành xúc động chia sẻ.
Nhiều hộ nông dân ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) vay vốn ưu đãi đầu tư trồng nho. ảnh:Xuân Nông
Bà Lành lập gia đình từ năm 1973, tài sản chẳng có gì. Quanh năm, vợ chồng bà bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn túng thiếu khi phải nuôi 4 con ăn học. Tậu được hơn 1 sào đất canh tác thì năm 2009 vợ chồng bà phải bán đi để chữa bệnh cho đứa con trai đầu. “Nay thì cuộc sống đỡ vất hơn rồi. Các cháu cũng đã lớn, có ăn học đàng hoàng. Tôi đã trồng thêm cỏ để mở rộng mô hình chăn nuôi cừu và bò sinh sản…” – bà Lành phấn khởi cho hay.
“Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Ninh Hải sẽ phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác triển khai giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các dịch vụ, đồng thời rà soát đối tượng hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển vốn vay đến đúng đối tượng…”. Ông Hà Văn Chuyên
Ông Hà Văn Chuyên – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ninh Hải cho biết, tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện đạt hơn 201 tỷ đồng. Cũng trong năm 2015, vốn tín dụng chính sách đã trực tiếp giúp 300 hộ thoát nghèo, 133 lao động có việc làm với thu nhập ổn định.
Tạo gia sản từ đồng vốn nhỏ
Nhờ tiếp cận được các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ gây dựng được cơ nghiệp không nhỏ. Bà Đặng Thị Huệ ở thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) nhớ lại, trước đây gia cảnh nhà bà rất khó khăn, chồng không có việc làm lại hay đau ốm, các con còn nhỏ. “Năm 2011, tôi được vay 15 triệu đồng của Ngân hàng CSXH để đầu tư gây dựng vườn nho 3.000m2. Hai năm nay, bình quân mỗi năm tôi thu hơn 4 tấn nho quả, sau khi trừ chi phí cũng để ra được vài chục triệu đồng”. Năm 2014, nho được mùa, trúng giá, bà Huệ đã trả nợ trước hạn cho ngân hàng.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Tiến ở xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc cũng từ hộ nghèo vươn lên khá giả chỉ sau hơn 6 năm phát triển mô hình nuôi bò sinh sản từ vốn vay Ngân hàng CSXH.
Theo ông Trần Ngọc Tú-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận, việc sử dụng hiệu quả đồng vốn của các chương trình tín dụng chính sách là 1 trong những “chìa khóa” dẫn tới sự thành công. “Đi liền với việc giải ngân vốn của Ngân hàng CSXH là các hoạt động khuyến nông, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích hợp. Cùng với công tác giám sát, kiểm tra vốn vay của Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị-xã hội, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của Nhà nước, trong đó có chính sách của địa phương cũng góp phần giúp nông dân sử dụng hiệu quả đồng vốn tín dụng ưu đãi…” – ông Trần Ngọc Tú lý giải.
Theo Danviet