Món tráng miệng kakigori: Sự hồi sinh ngọt ngào ở ‘xứ hoa anh đào’
Ra đời từ thế kỷ 11 trong thời kỳ Heian cổ đại, món đá bào kakigori ngọt ngào đầy màu sắc của Nhật Bản từng được giới quý tộc “ xứ hoa anh đào” rất ưa chuộng trong những năm 1800.
Món đá bào kakigori ngọt ngào đầy màu sắc của Nhật Bản. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, sự ra đời của những chiếc máy làm đá giá rẻ đã khiến món ăn này trở nên “bình dân hóa” và dần đánh mất vị thế vốn có của mình.
Mặc dù vậy, trong những năm trở lại đây, kakigori đang có xu hướng hồi sinh như một món tráng miệng cao cấp, được làm và trang trí tỉ mỉ với nguyên liệu chính là đá tuyết tự nhiên cùng các loại trái cây tươi hảo hạng, thay vì chỉ có siro và các hương vị nhân tạo như trước đây.
Yamamoto là một trong số hiếm hoi những nhà sản xuất kakigori vẫn kiên cường trụ lại với nghề cho đến nay. Vào thời điểm 13 năm trước, khi ông bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này, một suất đá bào chỉ có giá khoảng 200 yen (tương đương 2 USD) và việc sản xuất dễ dàng vô cùng.
Khi ấy, ông Yamamoto cho rằng thật khó để cạnh tranh về giá với những sản phẩm được sản xuất hàng loạt từ các máy làm đá. Thay vào đó, ông quyết định biến kakigori thành một món tráng miệng sang trọng, được làm bằng đá tuyết tự nhiên được lấy trên những vùng núi Nhật Bản và trái cây cao cấp xay nhuyễn, cùng với cách thức bài trí đầy cầu kỳ và tinh tế.
Ban đầu, một ly kakigori của ông Yamamoto có giá 800 yen, còn một hộp đá tuyết có giá 9.000 yen, cao gấp bốn lần mức giá chung của thị trường vào thời điểm đó bởi quá trình sản xuất và thu hoạch đá tuyết tự nhiên rất vất vả. Kết quả là có những ngày ông đã phải vứt đi hàng tấn đá vì không thể tìm thấy khách hàng.
Trước kakigori, Nhật Bản đã từng chứng kiến những câu chuyện tương tự với các mặt hàng thủ công và thực phẩm truyền thống, khi các sản phẩm cao cấp và sử dụng nhiều nhân công dần bị thay thế bởi những lựa chọn rẻ hơn do máy móc sản xuất.
Trong khi đó, quá trình sản xuất đá tuyết tự nhiên rất gian nan và nhiều công đoạn. Bắt đầu vào mùa Thu, các công nhân sẽ đào một hố có kích thước giống như bể bơi và bắt đầu đổ nước suối vào. Sau đó, khi mùa Đông đến, lớp đá và tuyết ở trên cùng sẽ được cạo bỏ đi cùng với bụi bẩn và lá rụng, phần sau đó là lớp băng đặc để cạo và tạo ra đá tuyết. Tuy nhiên, cần phải được chăm sóc tỉ mỉ bằng cách dọn sạch những hạt tuyết rơi để tránh làm chậm quá trình đóng băng.
Điều kiện thời tiết cũng có thể làm hỏng quá trình này, ví dụ mưa rơi sẽ tạo ra các vết nứt khiến toàn bộ lô đá bị loại bỏ. “Tôi kiểm tra dự báo thời tiết 10 lần một ngày”, ông Yamamoto nói.
Khi khối băng dày đến 14 cm (5,5 inch), mà thường phải mất ít nhất hai tuần để đạt đến độ dày này, các công nhân bắt đầu cắt thành các khối hình chữ nhật, mỗi khối nặng khoảng 40 kg (88 pound) và được đưa vào phòng giữ nhiệt. Những khối này sau đó sẽ được bán cho một số cửa hàng đá bào cao cấp tại Tokyo và một số cửa hàng bách hóa.
Tại quận Yanaka, có đến hơn 1.000 người xếp hàng mỗi ngày để thưởng thức hương vị kakigori được làm từ đá tuyết tự nhiên tại cửa hàng do ông Koji Morinishi làm chủ. Bí quyết tạo ra sự khác biệt này, theo ông Koji Morinishi, đá tuyết được làm tự nhiên có kết cấu khác với các sản phẩm làm đại trà bằng máy.
Bản thân ông Morinishi từng phải vật lộn khi mở cửa hàng kakigori lần đầu tiên, nhưng sau đó đã dần gây dựng nên một thương hiệu cho món tráng miệng của mình với các loại trái cây thượng hạng như xoài, dưa hấu, đào…
Trong khi đó, ông Yamamoto cũng nhận thấy nhu cầu kakigori tăng cao. Hiện ông đang thu hoạch 160 tấn đá tuyết mỗi năm và cho biết thị trường đã đón nhận thêm một vài nhà sản xuất mới. Ông nói: “Công việc kinh doanh này đã trở nên hấp dẫn và các nhà sản xuất đá tuyết hiện đều bận rộn”.
Theo Tintuc.vn
Nhìn những món ăn lạnh từ thời chưa có ánh sáng văn minh mới thấy người xưa tài tình thế nào
Không cần tủ lạnh, người xưa vẫn có các món ướp lạnh, món đá lạnh ăn quanh năm và đây là "huyền cơ" đằng sau đó.
Video đang HOT
Ở thời hiện đại, ta đã quá quen với việc sử dụng máy móc trong mọi khía cạnh cuộc sống bao gồm nấu nướng và chế biến thực phẩm. Các món kem lạnh chúng ta hay ăn cứ ngỡ là mới có từ thời máy móc xuất hiện đây, tuy nhiên ngẫm lại kỹ thì có không biết bao nhiêu là món ăn lạnh xuất xứ từ xa xưa lắm rồi. Thậm chí, trang BBC còn cho rằng ở Trung Quốc, một loại kem từ sữa và gạo đã được ra đời từ khoảng... 200 năm trước Công Nguyên.
Được biết, vào cái thời mà thiếu đồ điện nhưng thừa sáng tạo ấy, các vị cố nhân đã vận dụng rất nhiều kiến thức khoa học để chế ra đồ lạnh ăn giải nhiệt mùa hè. Cụ thể ra sao thì hãy xem qua list những món ăn lạnh ngày xưa xa lắc lơ nhé:
Faloodeh - Iran
Trong khi điện mới được đưa vào cuộc sống con người vào những năm cuối thế kỷ 18, thì món tráng miệng lạnh truyền thống này của Iran đã có từ những thế kỷ 16 hoặc sớm hơn, theo như nhiều tài liệu. Faloodeh được làm từ các loại miến, ăn kèm nước sốt ngọt và có nguồn gốc từ Ba Tư. Vào khoảng 400 năm trước Công Nguyên, người Ba Tư đã phát minh ra một loại miến gạo trong suốt được ướp đá, pha cùng nước hoa hồng để cống nạp cho giới quý tộc. Để giữ lạnh cho món ăn này, người xưa đã phải xây các căn hầm sâu dưới lòng đất, bên trong chứa nước. Nhiệt độ dưới đất do không có ánh sáng mặt trời nên rất lạnh, đủ để khiến các món ăn ngâm trong đó đạt đến mức độ nửa đông.
Kulfi - Ấn Độ
Kulfi còn được gọi là kem truyền thống của Ấn Độ, xuất hiện vào khoảng thế kỷ 16 trong thời trị vì của đế chế Mughal. Kulfi được làm từ sữa và đường được đun trong nhiều giờ cho đến khi đặc quánh. Hỗn hợp này sau đó được giữ lạnh trong các chum, lọ đất được đóng chặt, rồi giữ trong hầm lạnh, ngâm trong nước lạnh pha với muối (theo kiến thức hoá học ngày nay thì thành phần trong muối khiến cho nước đá trở nên lạnh hơn). Các chum nước lạnh đựng Kulfi này sau đó được cho vào một chiếc vại lớn hơn gọi là "matka", giúp ngăn không cho tiếp xúc với nhiệt độ bên ngoài.
Kakigori - Nhật Bản
Kakigori, hay còn gọi là đá bào Nhật, được cho rằng đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ 11, thời Heian. Thời này, người ta bắt đầu "thu hoạch" những khối băng trong mùa đông, rồi đem giữ chúng trong hầm trong lòng đất. Đến mùa hè, những khối băng này được đem ra và bào bằng dao, ăn kèm với các loại siro làm từ trái cây. Thời đó, đây là một món ăn quý giá không tưởng và chỉ những quý tộc hay hoàng thân quốc thích mới ăn được. Mãi đến khoảng thế kỷ 19 khi người phương Tây bắt đầu giao lưu với Nhật Bản thì kakigori mới trở nên phổ biến trong toàn dân.
Trái cây và các món ướp lạnh - Trung Quốc
Ai đã xem Diên Hy Công Lược hẳn sẽ biết món đồ giữ lạnh trứ danh, gọi là Giám Phẫu. Bên trong có nhiều ngăn đựng thức ăn, dùng để giữ lạnh trái cây và các món tráng miệng. Trong thực tế, Giám Phẫu có mặt từ rất sớm - khoảng thời nhà Chu, tầm 256 năm trước Công Nguyên. Giám Phẫu có bộ phận chứa thức ăn, gọi là "Giám", ở trung tâm là một dụng cụ giữ lạnh giống một cái chĩnh (gần như cái lọ). Đá lạnh được lưu lại từ mùa đông được bỏ vào đây. Giám Phẫu rất kín, đồ bên trong gần như không chịu ảnh hưởng của nhiệt độ bên ngoài nên giữ lạnh cực kì tốt.
Ngoài ra thì hẳn cũng chẳng ai xa lạ với "chiêu" bỏ trái cây (nhất là dưa hấu) xuống giếng qua đêm để ướp lạnh trong phim cổ trang rồi nhỉ?
Patbingsu - Hàn Quốc
Patbingsu Hàn Quốc truyền thống bao gồm 4 nguyên liệu chính là đá bào, đậu đỏ, bánh gạo và bột đậu nành. Patbingsu đã có từ thời vua Joseon (1392). Được biết, tiền thân của patbingsu không phải đá bào mà là đá nghiền được ăn kèm với trái cây. Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc có mùa đông khắc nghiệt với nhiệt độ rất lạnh, nên người dân đã tận dụng cơ hội này để dự trữ đá và bảo quản chúng trong hầm băng cho đến mùa hè.
Theo Trí Thức Trẻ
Những món tráng miệng Việt Nam khiến du khách "chết mê chết mệt" Việt Nam trong mắt du khách quốc tế là 1 trong những thiên đường ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Trong bài viết này, bạn sẽ được tham khảo danh sách những món tráng miệng nổi tiếng nhất. 1. Chè 3 màu Món chè 3 màu cơ bản bao gồm 1 lớp bột đậu xanh, đậu đỏ và thạch đen, sau đó...