Món ngon xứ Mường
Ẩm thực của người Mường không quá cầu kỳ trong cách chế biến, nhưng mỗi món ăn lại là một đặc sản, một sự hòa hợp tuyệt vời giữa các loại thực phẩm tự nhiên và cách chế biến hợp khẩu vị. Dưới đây là một số món ăn tiêu biểu
Lợn được nuôi thả rông cho ăn rau rừng và uống nước suối để thịt có độ săn chắc và thơm ngon. Khi muốn giết mổ, dùng rơm thui vàng, thui đến đâu cạo lông đến đó. Để giữ được độ ngọt của thịt phải rửa sạch con lợn trước khi lấy phần nội tạng, sau đó, phần thịt không rửa lại với nước, mà chỉ lấy lạt giang buộc treo lên cho ráo. Thịt lợn làm như vậy sẽ để được lâu, không bị ôi thiu.
Khi muốn ăn, thịt được pha ra cho vào nồi luộc trên bếp củi ở nhiệt độ vừa phải. Khi thịt vừa chín tới đem thái mỏng bày lên lá chuối rừng tươi xanh. Khi ăn chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ. Món ăn sẽ giữ được độ ngọt của thịt, giòn của mỡ và bì hòa với mùi thơm của lá chuối, hạt dổi, vị đậm đà của muối rang. Thưởng thức một lần là nhớ mãi.
2. Nhộng ong rừng rang măng chua
Đây là một món ăn dân dã mà độc đáo được đồng bào Mường ở Mai Châu (Hòa Bình) rất ưa chuộng.
Vào mùa ong rừng (thường là dịp cuối hè) người dân trong bản tìm những tổ ong to bằng chiếc rổ con mang về. Nhặt những con ong già màu nâu đem ngâm rượu, còn những con ong non màu trắng béo tròn mập mạp thì để chế biến các món đặc sản. Sau khi lấy hết ong ra khỏi tổ đem rửa qua bằng nước lạnh để ráo nước. Ong rừng có thể rang với lá chanh giống như rang nhộng tằm, nhưng ở đây người dân rang với măng chua.
Video đang HOT
Phi thơm hành mỡ cho ong vào đảo đều, khi ong ngả sang màu hơi vàng thì bắc ra trút vào đĩa, sau đó cho măng vào xào chín thì cho ong đã rang vào đảo cùng. Chế biến món ong rừng xào măng chua rất đơn giản, không cần phải cho vào đó loại rau thơm nào mà chỉ cần thêm một chút cay cay của ớt và nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Khi thưởng thức món này, để hương vị thêm đậm đà và đúng vị thì ăn kèm với củ kiệu muối. Vị béo ngậy, mềm thơm phức của ong rừng lẫn với vị chua cay của măng chua và vị ngọt ngọt, hăng hăng của củ kiệu muối, thêm ly rượu ngô càng làm say đắm lòng người.
3. Món cá nướng đồ
Cá được đánh bắt từ sông Đà, thường là các loại như cá chép, cá trê, các diếc… mang về đem nướng trên than hồng. Trước khi nướng, cá được xiên các que tre nhỏ từ miệng xuống tận đuôi, rồi dùng kẹp tre xanh kẹp vào để cho cá khỏi rơi, gãy. Cá nướng được đem rắc muối gói lá chuối, đồ lên rồi mới ăn. Sự kết hợp các hương vị của tre tươi, lá chuối, vị đậm đà của muối hòa quyện vào nhau làm cho món ăn thực sự hấp dẫn. Du khách sẽ khó mà quên được hương vị ẩm thực Tây Bắc này khi thưởng thức cùng với cơm lam.
Đây là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình của người Tây Bắc, nhất là các dân tộc Tày, Mường… Cứ mỗi độ xuân về, khi những cơn mưa phùn bắt đầu đổ xuống thì cũng là lúc các mầm măng nhú lên.
Muốn có măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sặt mới nhú, lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém, quắt lại, bóc dần từng bẹ chấm vào gói “chẩm cheo” (gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ). Khi ăn ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị đậm đà của muối, cay nồng của ớt, cay ấm của lá gừng, cay tê của mắc khén, cay rát của tỏi cùng hương vị đặc trưng của nước măng chua và cây măng nướng.
Ngô Thu Hường
"Mở cửa" cho đặc sản xứ Mường vào chuỗi siêu thị Vinmart
Cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc cùng nhiều đặc sản khác của xứ Mường (Hòa Bình) đang có cơ hội lớn để bán vào chuỗi siêu thị Vinmart của Tập đoàn Vingroup. Nếu việc này thành công, sẽ mở ra cơ hội lớn cho người trồng cam, trồng bưởi tại Hòa Bình.
Ngày 11.10 tại tỉnh Hòa Bình, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cùng Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Hội nghị Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa trên địa bàn Hòa Bình.
Hòa Bình hiện có trên 10.000ha cam và bưởi, cùng với hàng chục nghìn ha trồng rau màu, trong đó đặc sản cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc đã nổi tiếng từ lâu, được người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do diện tích cây có múi tăng chóng mặt, nên việc tiêu thụ các mặt hàng này của bà con cũng gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, những đặc sản của Hòa Bình có chất lượng rất tốt. Nhưng bà con mới chỉ biết dừng lại ở việc sản xuất, việc bán hàng vẫn trông cả vào thương lái. Do vậy, tỉnh Hòa Bình mong muốn đưa được các sản phẩm nông sản này vào chuỗi siêu thị Vinmart.
Đặc sản cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình.
Cũng theo ông Tuấn, việc triển khai dự án là phù hợp với chủ trương phát triển nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa của tỉnh. Về vấn đề cơ chế, tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng đường giao thông, điện, hệ thống thủy lợi đến chân hàng rào vùng dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách, thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Hòa Bình còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt. Mong muốn của nhiều HTX cũng như chính quyền tỉnh Hòa Bình là đưa các sản phẩm này vào chuỗi siêu thị Vinmart.
Hội nghị cũng có sự tham dự của nhiều HTX sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình. Các HTX đã có sự trao đổi trực tiếp với đại diện của VinEco và Vinmart về vấn đề tiêu thụ nông sản. Trong đó có việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân vào chuỗi siêu thị Vinmart. Bà con cũng mong đại diện Tập đoàn Vingroup sớm có giải pháp "mở cửa" và kết nối để bán các đặc sản của xứ Mường như cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, quýt Nam Sơn, cá sông Đà...
Đại diện VinEco và Vinmart ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình.
Trước sự mong mỏi của chính quyền và người nông dân, phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Kiên Cường - Giám đốc phát triển Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup khẳng định, việc đưa những đặc sản của xứ Mường vào chuỗi siêu thị Vinmart là rất thiết thực. Trong thời gian vừa qua VinEco và Vinmart cũng đã kết nối đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp của các địa phương vào chuỗi siêu thị Vinmart.
Tại Hội nghị, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình và đại diện VinEco và Vinmart đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm xúc tiến việc đưa những đặc sản của Hòa Bình vào chuỗi siêu thị Vinmart càng sớm càng tốt.
Theo Danviet