Món ngon làm từ gạo của các dân tộc Việt
Cơm lam, cơm nị… là những món ăn lạ miệng, đơn giản mà được nhiều thực khách ưa chuộng
Nếu đã quen với cơm trắng, cơm rang, bạn hãy một lần tìm và nếm thử các món sau để khám phá sự đa dạng và phong phú của ẩm thực Việt.
Cơm lam
Cơm lam không chỉ là món ăn quen thuộc, mà còn có giá trị tâm linh đặc biệt đối với người dân vùng cao. Đây là món ăn đậm hương rừng, được chế biến rất công phu, thuận theo nguyên lý âm dương ngũ hành. Gạo đựng trong ống tre (mộc) hòa với nước trong chính ống tre hoặc từ suối nguồn (thủy), nấu chín bằng lửa nhỏ (hỏa) trên mặt đất (thổ)… Cơm lam thơm mùi gạo nương lẫn với mùi ống tre nướng, vị ngọt và dẻo, ăn kèm với muối vừng hoặc muối lạc.
Cơm lam, một món ăn dân dã. Ảnh: Nhahanghanoi.
Cơm nị
Đây là món ăn truyền thống của người Chăm. Món cơm nị có màu vàng của bột nghệ, mùi thơm của cà ri, vị đặc trưng của lá tía tô và vị ngọt của tôm mực rất hấp dẫn khiến ai đã từng thưởng thức dù chỉ một lần cũng không thể nào quên. Người Chăm hay ăn cơm nị với cà púa (được chế biến từ thịt bò, cà ri, hành ớt muối, nước cốt dừa… theo phong cách Chăm)
Thưởng thức cơm nị – cà púa, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt béo của sữa, bùi bùi của đậu phộng, vị ngọt của thịt bò, nho khô, cay nồng của ớt hòa trộn vào nhau.
Cơm nị và cà púa kết hợp, tạo hương vị độc đáo trong cách thưởng thức ẩm thực cầu kỳ của ẩm thực Chăm Châu Giang. Ảnh: Vietbao.
Người Tày trồng nhiều lúa nếp nên với họ, món ăn chính chủ yếu là xôi. Vào những dịp lễ, người Tày thường làm xôi ngũ sắc – một trong những món đặc sắc nhất của họ.
Video đang HOT
Xôi được chế biến khá công phu. Nguyên liệu làm màu đều lấy từ những loại cây cỏ ngâm lẫn với gạo như: co khảu cắm, co khảu đeng, hản mẩu, gừng, nghệ. Xôi đồ lên sao cho có đủ 5 màu: trắng, đỏ, tím, xanh, vàng. Sau khi được gói bằng lá rừng, xôi tỏa lên hương vị thơm ngon, dẻo ngọt của hạt gạo, làm tăng không khí ấm áp khi tiếp đón du khách thập phương.
Xôi ngũ sắc, nét ẩm thực độc đáo của người Tày. Ảnh: Lamsao.
Cơm tấm
Với người Kinh, cơm là món ăn phổ biến, do vậy, có nhiều món ăn độc đáo, đặc trưng cho từng vùng miền. Một trong số đó phải kể đến cơm tấm, món ăn bình dị của người miền Nam. Đĩa cơm tấm ngon là cơm phải khô, khi chín hạt cơm không được dính nhau. Nguyên liệu ăn kèm cơm tấm rất phong phú gồm có sườn non, sường nướng, trứng, bì, chả, thịt kho, phá lấu….
Ăn cơm tấm không thể thiếu chén nước mắm chua ngọt đơn giản nhưng rất tinh tế. Nước mắm được nấu với đường và nước lạnh theo một tỷ lệ nhất định, sao cho nước chấm có độ sánh, khi rưới lên đĩa cơm dễ dàng thấm vào từng hạt gạo, thớ thịt. Thêm một ít đồ chua như củ cà rốt, củ cải trên đĩa cơm nữa là món ăn trở nên đủ vị và ngon miệng.
Màu sắc bắt mắt của món cơm tấm. Ảnh: Ditichlichsuvanhoa.
Theo Vnexpress.net
Món ăn ngon ở vùng cao phía Bắc níu chân du khách
Xôi ngũ sắc, khâu nhục hay bánh cuốn trứng là những món ăn ngon ở vùng cao phía bắc mà bất cứ du khách nào cũng nên thử một lần khi đến du lịch tại đây.
Các tỉnh vùng cao phía bắc nước ta không chỉ sở hữu những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, nền văn hóa đa dạng, phong phú mà văn hóa ẩm thực cũng vô cùng đặc sắc níu chân bất kỳ du khách nào ghé thăm.
Cơm lam
Nổi bật trong số những món ăn ngon ở vùng cao phía bắc là cơm lam - dân dã nhưng mang đậm nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc. Tuy cũng được nấu từ gạo nhưng cách chế biến cơm lam lại hoàn toàn khác biệt với món cơm chúng ta ăn hàng ngày. Cơm được nấu trong ống tre hoặc ống nứa và nướng trực tiếp trên than củi, khi chín mang mùi thơm đặc trưng rất hấp dẫn. Đồng bào tại các tỉnh phía bắc thường ăn cơm lam với muối vừng, cá suối nướng hoặc thịt heo rừng nướng...
Cơm lam là món ăn mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc. Ảnh: Dantri.com.vn
Cốm tú lệ
Cốm tú lệ là một đặc sản nổi tiếng ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Món ăn này được mệnh danh là "tinh hoa ẩm thực" của vùng đất này bởi hương vị thơm ngon hiếm có, không lẫn với bất cứ loại cốm nào. Cốm được làm từ loại lúa nếp đặc biệt chỉ có ở thung lũng Tú Lệ với hạt to tròn, chắc mẩy và rất dẻo thơm. Điều đặc biệt là toàn bộ quy trình sản xuất cốm tú lệ đều được bà con dân tộc Thái làm hoàn toàn bằng thủ công, do đó món ăn này thơm ngon hơn các loại cốm khác. Cốm tú lệ thường được bà con dân tộc Thái ăn kèm với chuối chín trứng cuốc, trái hồng đỏ chín cây, hoặc dùng để nấu cháo vịt, xôi nếp, chè, nem rám, tôm rán, thịt chiên...
Cốm tú lệ được mệnh danh là "tinh hoa ẩm thực" của Yên Bái. Ảnh: Dulich24h.com
Xôi ngũ sắc
Với những ai từng được thưởng thức món xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc Thái, Tày ở các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang... thì chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này. Món ăn gồm có 5 màu chủ đạo là: trắng, xanh, đỏ, tím, vàng tượng trưng cho âm dương ngũ hành và tình đoàn kết của các dân tộc anh em...
Các công đoạn làm xôi ngũ sắc vô cùng công phu và cầu kỳ. Đầu tiên phải chọn được loại nếp vừa dẻo vừa thơm, sử dụng các loại lá cây rừng để nhuộm màu tự nhiên cho xôi. Xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, xôi màu tím tượng trưng cho màu của đất đai trù phú, xôi màu vàng tượng trưng cho sự no ấm, phồn thịnh, xôi màu xanh tượng trưng cho màu của núi rừng, xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung, tình thương đối với cha mẹ... Với những ý nghĩa quan trọng đó, xôi ngũ sắc đã dần trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, tết quan trọng cùa đồng bào Thái, Tày ở vùng cao.
Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, tết quan trọng cùa đồng bào Thái, Tày. Ảnh: Dttravel.com.vn
Phở chua
Phở chua là món ăn độc đáo của tỉnh Lạng Sơn, không chỉ "lạ tai - lạ mắt - lạ miệng" mà còn được chế biến rất cầu kỳ. Một bát phở chua bao gồm rất nhiều nguyên liệu như: bánh phở, xá xíu, dưa chuột, lạc rang, khoai lang chiên, hành khô, ớt cay... cùng một loại nước dùng đặc biệt lên trên. Khi ăn, thực khách sẽ cảm thấy phở chua vừa có vị giòn, bùi của khoai, lạc vừa có vị béo ngậy từ thịt xá xíu kết hợp với vị ngọt thanh của nước dùng rất tuyệt vời. Món ăn này từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ Lạng. Do đó mỗi khi có khách quý đến chơi họ thường nấu món phở chua để thiết đãi.
Phở chua được chế biến rất cầu kỳ. Ảnh: Spasgo.vn
Vịt quay lá móc mật
Không chỉ có phở chua, đất Lạng Sơn còn gây thương nhớ cho du khách với món "vịt quay lá móc mật". Hương vị đặc trưng của lá móc mật hòa quyện với lớp da dai giòn, miếng thịt vịt vừa mềm vừa ngọt khiến cho món ăn thơm ngon một cách lạ thường.
Theo người dân Lạng Sơn, để làm nên thương hiệu "vịt quay lá móc mật" nức tiếng thì cần 3 yếu tố quan trọng là chọn giống vịt bầu Thất Khê với ưu điểm dầy mình, xương nhỏ, thịt mềm; lá mắc mật tươi và kỹ thuật ướp vịt. Sau khi vịt được làm sạch, người ta sẽ nhồi lá móc mật tưới vào bụng cùng các loại gia vị tẩm ướp xung quanh, sau đó quay trên bếp than cho đến khi chín vàng. Khi ăn thịt vịt mềm, thấm đều gia vị và có mùi thơm đặc trưng của lá móc mật khiến ai cũng khó cưỡng lại.
Vịt quay lá móc mật có hương vị vô cùng độc đáo. Ảnh: foody.vn
Khâu nhục
Khâu nhục là món ăn độc đáo ở Lạng Sơn, có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được đồng bào dân tộc Tày, Nùng biến tấu trở thành món đặc sản nổi tiếng. Cái tên "khâu nhục" (tức là "thịt được hấp đến chín nhừ") xuất phát từ phiên âm tiếng Trung trong đó "Khâu" có nghĩa là "hấp đến mềm rục", còn "nhục" có nghĩa là "thịt", ý nghĩa cả từ này là "thịt được hấp đến chín nhừ". Nguyên liệu chính của món khâu nhục gồm có: thịt ba chỉ, dưa cải chua phơi khô, ca la thầu, đậu phụ, gừng, tỏi, rượu trắng... Sau khi tẩm ướp các loại gia vị thịt ba chỉ sẽ được chưng cách thuỷ trong thời gian dài cho đến khi chín nhừ. Khi thưởng thức món ăn người ta sẽ bài trí miếng thịt lên đĩa theo hình dạng một quả đồi nhỏ đang nhô cao thể hiện ý chí và sự lớn mạnh trong tương lai. Với ý nghĩa to lớn như vậy nên khâu nhục là món ăn không thể thiếu trong các ngày lễ quan trọng của cộng đồng dân tộc Tày - Nùng.
Khâu nhục là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh: Dantri.com.vn
Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn là món ăn dân dã phổ biến ở nước ta, tuy nhiên khi đến với các tỉnh vùng cao phía bắc bạn sẽ được thưởng thức một món bánh cuốn vô cùng độc đáo đó là bánh cuốn trứng. Tuy cũng được tráng bằng bột gạo nhưng phần nhân của bánh không phải hỗn hợp thịt và mộc nhĩ mà là một quả trứng được đập vào giữa. Khi ăn, các thực khách có thể thưởng thức bánh với nước chấm đặc biệt hoặc chan với nước xương rất đậm đà và khó quên.
Bánh cuốn trứng là món ăn dân dã nhưng hết sức thơm ngon ở các tỉnh vùng cao phía bắc. Ảnh: dantocmiennui.vn
Không chỉ có 7 món ăn phía trên, các tỉnh vùng cao phía bắc còn vô vàn món ăn ngon khác cũng không kém phần độc đáo, hấp dẫn. Tất cả điều này đã tạo nên một nền ẩm thực vùng cao phía bắc phong phú, đa dạng không lẫn với bất cứ vùng miền nào.
Theo Báo Thể Thao Việt Nam
8 món ăn ngon nhắc đến là "chảy nước miếng" ở vùng cao phía Bắc Tháng 10, được xem là mùa "săn mây" và thời điểm lý tưởng để ngắm những cánh đồng lúa chín vùng cao phía Bắc. Nếu có dịp đến đây, bạn cũng đừng quên bỏ lỡ, việc thưởng thức những món ăn đặc sản ngon trứ danh mà không phải nơi nào cũng có. Cốm Tú Lệ (Văn Chấn, Yên Bái) là một trong...