Món ngon khó quên từ quả sấu
Sấu là cây trồng quen thuộc của nhiều tỉnh phía Bắc, nhưng chỉ ở Hà Nội, sấu mới trở thành đặc sản, là thành phần không thể thiếu của rất nhiều món ăn. Cùng với cốm, sấu được cho là một trong hai thức quà khiến người đi xa cứ đến mùa lại nhớ quay quắt.
Theo nhiều tài liệu còn ghi lại thì khoảng cuối thế kỷ 19, sấu được trồng nhiều trên các tuyến phố ở Hà Nội như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông… Bất kỳ mùa nào trong năm, kể từ khi sấu rụng lá vàng ươm, trải như thảm vàng ở mỗi góc phố, vỉa hè, hay mỗi độ hoa sấu trắng theo gió bay cũng đều là hình ảnh cực kỳ lãng mạn.
Nước sấu – thức uống giải nhiệt tuyệt vời mùa hè
Sấu ngon nhất là sấu non, hoặc sấu bánh tẻ, khi hạt sấu chưa già, thịt sấu dày, lúc đó làm món gì cũng hấp dẫn cả. Sấu cho thu hoạch quả thời gian khoảng từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, đến khoảng tháng 8 thì sấu chín. Có muôn vàn món ăn được tạo nên từ sấu non. Ví dụ nước sấu chẳng hạn. Đó là một thức uống giải nhiệt tuyệt vời của mùa hè.
Công thức khá đơn giản, nhưng để ngâm được một mẻ sấu mà khi ăn độ giòn vẫn được đảm bảo là điều cực khó, không phải bà nội trợ nào cũng làm được. Sấu mua về, cạo vỏ, rồi ngâm theo tỷ lệ với đường, nhất thiết phải có dăm nhánh gừng thái chỉ. Vài ngày sau là có thể dùng được.
Rồi thì sấu ngâm mắm. Sấu cạo vỏ, rồi kê lên thớt dùng dao đập dập, rồi xếp vào lọ, nước mắm ngon, ớt tươi, tỏi… vừa vặn thì đổ vào ngâm cùng sấu, chừng 1 hôm thì xếp vào tủ lạnh ngăn mát ăn dần. Ai sợ mặn lại ưa món ăn kiểu miền Nam thì có thể cho thêm chút đường.
Sấu ngâm mắm thì ăn với món gì hợp? Rau muống luộc. Mùa hè cũng là mùa rau muống, Rau luộc chín tới, xanh mướt, nước luộc rau vốn xanh, khi có thêm vài quả sấu dầm ra thì bỗng chốc đổi sang màu hồng hồng. Nước mắm ngâm sấu đó chắt ra bát, cứ thế mà chấm rau luộc, thêm mấy quả cà pháo muối nén thôi là đã có một món ăn mùa hè cực phẩm rồi. Chẳng cần thịt thà mà làm gì cho nóng nực hơn, khi mà thời tiết ngoài đường nhiệt kế báo lên tới hơn 40 độ.
Video đang HOT
Thanh mát món canh chua với sấu
Khi có sấu những món thịt thà cũng trở nên thanh thanh dễ ăn. Có một thống kê thế này, người Bắc vốn quen ăn chua, miền Trung ăn cay, miền Nam thì ngọt. Không biết có phải những thống kê đó bắt nguồn từ một thứ quả gắn liền với ẩm thực Hà Nội là sấu hay không.
Thịt băm nhỏ, đảo với một chút hành tím phi thơm, vài miếng cà chua cắt múi cau, dăm quả sấu nữa là có một bát canh thịt băm nấu sấu. Sườn ninh nhừ, cũng với dăm quả sấu, vài miếng cà chua, ít hành hoa, húng Láng là có nồi canh sườn sấu. Ăn với cơm và vài quả cà, hay là bún đều hợp.
Lại cũng có khi không nấu canh sườn thăn mua về om với sấu. Miếng sườn chín mềm, thơm, vị sấu chua dịu, rắc thêm chút hạt tiêu thôi là có khi trôi cả nồi cơm chứ chả đùa. Món vịt om sấu thì mỡ màng hơn cả, nhưng các bà nội trợ Hà Nội cũng rất biết cách gia giảm sao cho hài hòa giữa cái mỡ của thịt vịt và cái thanh chua của sấu.
Từ khi tủ lạnh trở thành một món đồ gia dụng mà nhà nào cũng có thì đó cũng là lúc mà mùa nào cũng có sấu để ăn. Chỉ cần cho sấu vào tủ đông thôi là ăn quanh năm được, nhưng đồ đông lạnh rõ ràng không thể bằng được mùa nào thức ấy. Một quả sấu tươi, vừa vặt trên cây xuống nó khác hẳn cái vị của một quả sấu để tủ đá vài tháng trời.
Cây sấu – máu thịt của người Hà Nội
Đến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8, là sấu bắt đầu chín, mùa này bão nhiều, đôi khi sấu chín rụng đầy vỉa hè sau bão. Sấu chín thì thường chỉ ăn tươi. Gọt ra mà chấm với muối ớt là ngon nhất. Chả cần phải nấu thành món gì. Nhiều thế hệ người Hà Nội nghiện món sấu chín. Không chỉ có thể, sấu còn được làm thành ô mai, làm mứt…, một thứ quà mà khi mang đi xa tặng cho bạn bè người thân, nó luôn là lựa chọn số 1. Nó quen thuộc đến nỗi, đôi khi người Hà Nội bông đùa nói: “Ô mai sấu cuối lọ” thì đó hẳn câu nói đó là để tả chân một nhan sắc.
Cây sấu giờ đây đã trở thành máu thịt của người Hà Nội, nó gắn bó với Hà Nội đến nỗi, mưa bão có thể nhổ bật những gốc muồng, hay quật đổ những cành phượng vĩ vừa một người ôm chứ khó mà quật đổ sấu. Sấu cao to, mọc thẳng tắp, bây giờ khó mà hình dung nổi, phố Phan Đình Phùng sẽ thế nào nếu không còn hàng sấu nữa.
Cây sấu giờ đây đã trở thành máu thịt của người Hà Nội, nó gắn bó với Hà Nội đến nỗi, mưa bão có thể nhổ bật những gốc muồng, hay quật đổ những cành phượng vĩ vừa một người ôm chứ khó mà quật đổ sấu. Sấu cao to, mọc thẳng tắp, bây giờ khó mà hình dung nổi, phố Phan Đình Phùng sẽ thế nào nếu không còn hàng sấu nữa.
Theo anninhthudo.vn
Cách làm sấu ngâm mắm giòn tan mà không bị chua
Muốn làm món sấu ngâm mắm ngon, bạn hãy áp dụng công thức sau đây.
Nguyên liệu làm sấu ngâm mắm:
- 2kg sấu xanh chọn loại bánh tẻ hoặc sấu non( vì sấu già hạt to, thịt mỏng)
- Ớt: 2 lạng, tỏi 5 củ
- Nước mắm: 1 lít
- Đường: 2 lạng ( theo tỉ lệ 1:10)
Cách làm sấu ngâm mắm
- Sấu xanh rửa sạch, loại bỏ quả dập. Đun nước sôi dội qua để khi ngâm không bị nổi váng.
- Tỏi bóc vỏ, ớt bỏ cuống, rửa sạch ớt.
- Cho nồi lên bếp đổ nước mắm và đường vào đun ấm, đợi nóng già đổ tỏi và ớt vào mục đích diệt khuẩn, tiệt trùng khi ngâm sấu để cả năm không bị nổi váng. Sau đó vớt tỏi, ớt ra để nguội. Bắc ra đợi nguội nước mắm.
- Bình đựng dội nước sôi, hoặc cho vào lò nướng cho nóng để diệt khuẩn.
- Cho sấu vào lọ, xếp 1 lớp sấu 1 lớp tỏi và ớt cho đều. Cứ thế cho đến hết. Sau đó đổ nước mắm đun đã nguội, đậy nắp lọ kín lại để bên ngoài không cần tủ lạnh. Để khoảng 3-5 ngày là ăn được. Nước mắm ngâm sấu dùng để chấm rau luộc, thịt luộc ngon hết sẩy.
Chúc các bạn thành công!
Theo emdep.vn
Mít có màu lạ đắt gấp 10 lần mít thường vẫn khiến chị em mê mẩn Mấy năm trở lại đây, loại mít ruột đỏ có nguồn gốc từ Malaysia được giới sành ăn tìm mua bằng được. Dù giá cao gấp gần 10 lần mít thường, hàng vẫn không đủ bán cho khách. Chị Lê Thị Ngọc Lý, một tiểu thương bán trái cây ở Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết mít đỏ của Malaysia là ngon nhất, lúc...