Món ngon của người Hoa ở Sài Gòn
Hủ tiếu, xôi cadé, sủi cảo… là những món ăn quen thuộc của người Hoa được nhiều người Sài Gòn ưa thích.
Người Hoa là một cộng đồng dân tộc lớn ở Sài Gòn, tập trung sinh sống tại khu vực như quận 5, quận 6, quận 11… Ở đây hình thành nên các phố ẩm thực với nhiều món ăn ngon.
1. Hủ tiếu
Đại diện tiêu biểu nhất trong ẩm thực người Hoa ở Sài Gòn là hủ tiếu. Món ăn này du nhập vào miền Nam và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Thành phần của hủ tiếu đơn giản với sợi hủ tiếu, nước lèo và nguyên liệu ăn kèm.
Hủ tiếu cá là một trong những món hủ tiếu nổi tiếng ở Sài Gòn, ngoài ra còn có hủ tiếu bò viên, hủ tiếu gà… Ảnh: Khánh Hòa.
Đơn giản là vậy nhưng muốn có một bát hủ tiếu ngon quá trình chuẩn bị cũng lắm công phu. Điều tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn chính là nước lèo. Nồi nước lèo đúng chất người Hoa, có vị ngọt và béo. Để có được nồi nước lèo như vậy, người bán thường phải mua xương về ninh nhừ để lấy nước, trong suốt quá trình ninh, phải thường xuyên vớt bọt để nước trong và không bị cặn.
Bên cạnh nước lèo, sợi hủ tiếu rất quan trọng. Sợi hủ tiếu nhỏ, khi ăn hơi dai, mềm nhưng không bở. Nguyên liệu ăn kèm hủ tiếu thì rất phong phú và đa dạng với rất nhiều loại như: tôm, thịt, tim, cật, bò viên, cá….
Khi ăn, sợi hủ tiếu được chân sơ qua nước sôi, cho vào bát, bên trên là một ít nguyên liệu ăn kèm, có thể là tôm, thịt hoặc bò viên tùy theo sở thích của mỗi người. Chan nước lèo ngập tô, rắc thêm một ít hành thái nhuyễn và thưởng thức. Ăn hủ tiếu thường kèm đĩa rau sống với các loại như: xà lách, cần tay, giá đỗ…
2. Sủi cảo
Sủi cảo cũng là món ăn nổi tiếng trong ẩm thực của người Hoa. Ở Sài Gòn, sủi cảo có bán nhiều ở các con phố khác nhau, nổi tiếng nhất là đường Hà Tôn Quyền (quận 11) với hơn chục quán bán món ăn này.
Video đang HOT
Sủi cảo hấp dẫn người ăn bởi hương vị đậm đà, thơm ngon. Ảnh: Khánh Hòa.
Sủi cảo được chế biến gần giống với hoành thánh nhưng lớn hơn và nhiều nhân hơn. Điều quan trọng quyết định lát sủi cảo ngon là nhân, thường được làm từ tôm, thịt lợn, các loại rau… băm nhuyễn với nhau và trộn gia vị cho vừa ăn. Nhân sau khi chuẩn bị xong được cho vào một lát bánh mỏng, làm bằng vỏ bột mì dùng để gói hoành thánh, gói lại theo hình bán nguyệt và đem luộc.
Sủi cảo có thể chế biến theo nhiều cách như ăn nước, hấp hay chiên. Một thành phần không thể thiếu trong món sủi cảo là những ngọn cải ngọt ăn kèm. Món ăn của người Hoa thường nhiều dầu mỡ nên dễ cho cảm giác ngấy, chính nhờ những ngọn cải xanh mướt ăn kèm mang lại cảm giác giòn giòn và đỡ ngấy khi ăn.
3. Mì vịt tiềm
Mì vịt tiềm ở Sài Gòn không giữ nguyên bản với nơi xuất xứ, mà được chế biến cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Nước dùng ngọt mà không béo, thịt vịt giòn, mềm mà không tanh.
Thịt vịt mềm, ngọt thấm đẫm gia vị làm nên sự hấp dẫn cho món ăn. Ảnh: Khánh Hòa.
Thịt vịt là thành phần quan trọng nhất của món ăn này. Vịt sau khi làm sạch được ướp với các gia vị phụ như hạt sen, táo tàu, đinh hương, quế… thêm một ít nước tương và mật ong để có màu và thơm ngon. Sau khi thấm gia vị, vịt được chiên giòn bên ngoài rồi hầm cho chín mềm.
Ngoài ra, món ăn còn hấp dẫn với những sợi mì tươi được làm từ trứng, màu vàng rất bắt mắt. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được sợi mì mềm, dai rất ngon miệng, bên cạnh đó là những cọng cải ngọt giòn giòn để tạo cảm giác không bị ngấy. Nước dùng có vị ngọt thanh vừa phải của nước hầm vịt và xương lợn đem lại mùi thơm đặc trưng.
4. Xôi cadé
Một món ăn bình dân nhưng không thể thiếu khi nhắc đến ẩm thực người Hoa là xôi cadé. Món ăn pha trộn giữa xôi, lòng đỏ trứng gà cùng hương sầu riêng thoang thoảng rất hấp dẫn người ăn. Món ăn bình dị này được bán nhiều tại các góc đường ở khu vực quận 5, quận 6 và quận 11.
Tuy là món ăn vặt lề đường, dân dã và bình dị nhưng để có được một gói xôi cadé thơm ngon cho thựch khác, công sức của người bán bỏ ra không hề nhỏ. Muốn có xôi chín mềm thơm ngon, người bán phải chọn loại gạo nếp dẻo còn thơm hương lúa, vo sạch nếp, trộn vào một ít muối và đem đồ xôi trong xửng hoặc nấu theo cách thông thường.
Cái hấp dẫn người ăn chính là cadé, được pha trộn giữa các nguyên liệu như trứng, đường, nước cốt dừa, sầu riêng theo một công thức rất riêng để cho ra một hỗn hợp hơi sánh, có màu vàng cùng hương thơm thoang thoảng rất quyến rũ. Một lát lá chuối xanh bên dưới, bên trên là một lớp xôi, thêm lớp cadé, một ít dừa nạo, đậu phụng giã nhuyễn là bạn đã có một gói xôi hấp dẫn, thơm ngon để thưởng thức.
Khánh Hòa
Theo VNE
Lạ miệng với xôi cadé của người Hoa tại Sài Gòn
Xôi cadé có thành phần chính là xôi và lòng đỏ trứng gà, là đặc sản của người Hoa rất được ưa thích ở Sài Gòn.
Xôi cadé là món ăn rất đẹp mắt và ngon miệng. Ảnh: Khánh Hòa.
Không nổi tiếng bằng hủ tiếu, mì, hoành thánh..., xôi cadé là một món ăn ngon trong nền ẩm thực phong phú của người Hoa. Ở Sài Gòn, xôi cadé được bán nhiều ở khu vực quận 5, quận 6 - nơi có nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống.
Xôi cadé là món "ăn chơi" nhưng không kém phần tinh tế. Kết hợp giữa xôi, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng, sầu riêng... món ăn đem đến sự hấp dẫn và ngon miệng cho người thưởng thức.
Làm xôi cadé không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu của người đầu bếp. Muốn có xôi chín mềm thơm ngon, đầu bếp phải chọn loại gạo nếp dẻo còn thơm hương lúa. Nếp được sàng kỹ nhằm loại bỏ những hạt bị gãy, nát. Tiếp đến, vo sạch nếp, vớt ra để ráo nước, trộn vào một ít muối và đem đồ xôi trong xửng hoặc nấu theo cách thông thường.
Cadé là hỗn hợp được làm từ lòng đỏ trứng, đường cát, sầu riêng, nước cốt dừa. Tùy theo ý thích mà bạn có thể làm lỏng hoặc đặc. Ảnh: Khánh Hòa.
Phần quan trọng nhất làm nên sự nổi tiếng cho món ăn này chính là cadé. Cadé là sự pha trộn giữa các nguyên liệu như trứng, đường, nước cốt dừa, sầu riêng theo một công thức rất riêng. Đầu tiên, người ta lấy lòng đỏ trứng gà, cho vào đó một ít nước cốt dừa và khuấy nhẹ. Tiếp đến, cho vào sầu riêng, đường cát hoặc đường thốt nốt rồi tiếp tục khuấy nhẹ cho đến khi các nguyên liệu hòa tan với nhau. Tránh đánh mạnh tay vì như thế sẽ làm cho hỗn hợp đặc lại, không mịn và bị rỗ.
Sau đó, cho cadé vào một cái khay rồi đem hấp chín. Cadé chín có màu vàng ươm của lòng đỏ trứng nhìn rất đẹp mắt, cùng vị béo và hương thơm đặc trưng.
Những xe xôi cadé ở quận 5, quận 6 hoặc quận 11 - nơi có nhiều người Việt gốc Hoa sinh sống.Ảnh: Khánh Hòa.
Khi có khách mua, người bán đựng xôi vào trong lớp lá chuối đã lau sạch, bên trên là một lớp cadé, thêm một ít dừa nạo, đậu phụng giã nhuyễn, gói lại.
Ăn một miếng xôi để cảm nhận hương thơm của cadé lan tỏa, vị béo ngọt hòa quyện vào lớp xôi mềm dẻo.
Khánh Hòa
Theo VNE
Quán mì vịt tiềm có tuổi đời gần nửa thế kỷ Nằm trên con đường sầm uất ở quận Phú Nhuận (TP HCM), một quán mì vịt tiềm đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ, thu hút rất nhiều thực khách. Mì vịt tiềm được biết đến như một món ăn nổi tiếng của người Hoa. Không giữ nguyên bản với nơi xuất xứ, món mì vịt tiềm tại đây đã được chế...