Món ngon cá cam
Cá cam là một loại cá biển, có rất nhiều ở biển miền Trung, đặc biệt là vào mùa xuân, con lớn chừng 1,5kg. Cá cam nhiều thịt, ngon, ngọt và béo nên có thể chế biến thành những món ăn ngon.
Cá cam kho là món ăn vừa đơn giản trong cách chế biến, lại vừa ngon miệng, được nhiều người yêu thích. Cá cam mua về cắt lát vừa ăn, rửa sạch rồi kho như các loại cá biển khác rất ngon. Nhưng nếu kho ngọt với vài quả cà chua cắt lát thì thật tuyệt vời bởi hương vị ngọt ngào, quyến rũ rất lạ miệng. Thịt cá cam kho ngọt bùi, thơm và béo. Nước kho cá ngọt, quyện hương thơm và vị chua chua, ngọt ngọt của cà, chan cơm rất ngon, ăn đến quên no.
Cá cam
Video đang HOT
Đầu cá cam mềm, ngọt nước nên được dùng để nấu canh. Chỉ cần rửa sạch đầu cá, để ráo, ướp gia vị: hạt nêm, dầu phụng, mì chính, tiêu bột, ớt cắt lát, hành băm khoảng hai mươi phút cho cá ngấm gia vị. Đun sôi nồi nước rồi cho đầu cá vào nấu chín, tiếp tục cho cà chua, khóm cắt lát, giá sống và các loại rau thơm: ngò, hành, húng, quế vào đun sôi là có ngay một tô canh chua nóng hổi và thơm ngát.
Canh chua cá cam thật tuyệt vời và bắt mắt với đủ “ngũ vị và ngũ sắc”: thơm, béo, của cá, chua của khóm, cà, giòn giòn của rau giá, cay nhẹ của tiêu, ớt; vàng của những lát khóm, đỏ của cà chua, trắng của giá, xanh của hành lá, ngò, và màu nâu nhẹ của đầu cá. Bữa cơm gia đình với đĩa cá cam kho ngọt và tô canh chua thơm ngát, nóng hổi trong không khí gia đình đầm ấm khiến mọi người ngon miệng hẳn lên.
Ngoài ra, cá cam cắt lát, rửa sạch, để ráo rồi ướp chút muối, mì chính, chiên vàng, chấm nước mắm chua ngọt cũng là một món ăn khá ngon và lạ miệng.
Nhớ những ngày giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến mấy chị em tôi uể oải trong người, ăn không ngon miệng. Mẹ tôi thường ra chợ chọn mua một chú cá cam thật tươi ngon mang về nấu cháo đổi khẩu vị cho cả nhà. Món cháo cá cam nấu với hạt sen, đậu xanh thơm ngan ngát cả gian bếp bé nhỏ của mẹ. Mấy chị em tôi xúm lại, thưởng thức từng muỗng cháo nóng hổi, thơm ngon, ngọt ngào. Khi đã no căng bụng cũng là lúc bao nhiêu mỏi mệt trong người bay đi đâu mất.
Trong thực đơn của các nhà hàng nơi xứ Quảng quê tôi mùa này có thêm món cá cam hấp hay lẩu cá cam. Loại cá biển thoạt nhìn trông giống như cá nục này nhưng khi đem hấp hay nấu lẩu lại thành những món ngon đáo để, không thua kém gì các loại cá đặc sản khác.
Với hương vị ngọt ngào và thơm ngon rất đặc trưng của mình, cá cam đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong văn hóa ẩm thực của người xứ Quảng quê tôi. Để rồi, mỗi khi mùa xuân đến, người quê tôi không quên chọn cho mình những chú cá cam tươi ngon nhất, chế biến thành những món ngon đãi người thân trong gia đình hay bạn bè phương xa như là một món ngon, đặc sản mà biển quê hương đã ban tặng cho những người dân nơi mảnh đất đầy nắng mưa, gió bão nhưng cũng rất nghĩa tình này.
Theo Lao Động
Ngọt như bịch chuối ngào đường
Tạm biệt những ngày dài nghỉ tết, tôi lên đường công tác. Món quà quê ngoại giúi vào tay tôi là bịch chuối ngào đường thơm hoài mãi.
Quê tôi, vùng trung du xứ Quảng, đất cao ráo, khí hậu ôn hoà, mát mẻ, thích hợp với việc trồng chuối và cây chuối được xem là cây nông sản chính của quê nhà. Chuối trồng quanh vườn nhà, trên triền đồi, ngoài bờ ao, khe suối... mà lá vươn dài, xỏa bóng xanh thắm một miền quê.
Đặc biệt, quê tôi trồng nhiều chuối mốc bởi loại chuối này trái to, thơm, ngọt, có thể bảo quản được lâu. Chuối càng chín vị càng thơm ngọt nên rất được người dân ưa chuộng. Khi chuối ra hoa, kết trái, trái lớn nhanh như thổi, chín vàng, căng mọng. Từng buồng xuôi về các chợ huyện, thị trấn, đi ra cả phố thị xa xôi, hoặc chế biến thành những món ăn chơi như chuối khô, chuối ép, mứt chuối, chuối chiên,... và cả chuối ngào đường.
Chuối ngào đường, nghe đơn sơ nhưng gợi nhớ về một miền quê, về một tuổi thơ xa xôi đầy thương nhớ. Ngày ấy, mỗi lần về thăm ngoại là y như rằng sau mấy câu thăm hỏi, ngoại chậm rãi vào buồng, bê cái nắp ghè sành to tướng lên rồi lôi ra một bịch chuối ngào đường trao cho con cháu.
Để làm chuối ngào đường, chọn những trái vàng ươm, ngoại lui cui một mình lột vỏ, cắt lát nhỏ, mỏng, theo chiều dọc; trải từng lát ra mâm hay nia đem phơi trên mái nhà. Cứ vậy ngoại lặng lẽ phơi, lật trở vài nắng cho đến khi những lát chuối khô hoàn toàn. Sau đó, ngoại thắng đường - khâu quan trọng nhất, bởi nước đường già quá thì chuối sẽ khô cứng, quánh lại; nếu nước đường non quá thì chuối sẽ không kết dính, mất đẹp mà không ngon. Chuối ngọt nên chỉ cần một lượng đường vừa phải. Khi nước đường sánh lại, cho chuối vào sên, đảo đều tay để chuối không bị cháy. Tăng thêm hương vị cho mẻ chuối ngào, cần cho thêm một ít gừng già giã nhỏ và đậu phụng rang chín vào xào chung. Khi nước đường sền sệt, kết dính với chuối, đậu phụng tạo nên một hỗn hợp dẻo thơm.
Những lát chuối mềm mại, ngọt ngào có vị cay của gừng, vị béo giòn của đậu phụng khiến những đứa cháu của ngoại làm hết vèo một bịch bự. Dù đã bao năm trôi qua, món quà quê ấy luôn nằm trong ký ức.
Theo SGTT
Món mì Quảng của mẹ tôi Mẹ tôi nói rằng, bánh tráng mì sẽ ngon hơn nếu được đun bằng gốc củi tre. Nó vừa thơm mùi bánh tráng lại thơm mùi tre, như thấm đậm ân tình của người dân xứ Quảng. Năm nào cũng vậy, sau ngày hai mươi tháng chạp là nhà tôi lại đúc bánh tráng. Trước khi tráng bánh, mẹ tôi thường dậy sớm...