Món bún cá ngon xứ Châu Đốc
Mùi thơm lừng của sả và ngải bún tỏa ra từ nồi nước lèo nóng hổi cùng vị ngọt tươi của thịt cá lóc, và độ dai, béo của chả cá thác lác… tạo thêm vị đậm đà cho món ăn.
Vị ngọt thanh tự nhiên và thơm lừng đượm mùi dân dã của nước lèo, pha lẫn cái vị ngọt tươi của thịt cá lóc, và độ dai, béo của chả cá thác lác.
Mảnh đất phương Nam đa dạng những món ăn ngon từ bún, và món ăn này đã có mặt khắp nơi trong đời sống của người dân Nam bộ, gắn liền với tên gọi từng địa danh: nào là bún cá Kiên Giang, bún nước lèo Sóc Trăng, bún mắm Cần Thơ… và bún cá Châu Đốc (hay còn gọi bún nước lèo) cũng nằm trong số món bún ngon đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng thực khách.
Bún cá ngày càng phong phú và ở mỗi địa phương. Tuy cùng là những loại bún giống dạng bún nước lèo, nhưng gia vị mỗi loại đều mang một nét rất đặc trưng của từng địa phương. Khác với các loại bún ở những địa phương khác, món bún cá Châu Đốc còn có thêm ngải bún và cách chế biến cũng mang nét rất riêng.
Theo chị Hồng Thắm, chủ một quán bún cá Châu Đốc tại Sài Gòn, trong tiềm thức của đa số người dân Châu Đốc, món bún cá thân thuộc đến mức đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân nơi đây.
Vị ngọt tươi từ thịt cá lóc và độ dai, béo của chả cá thác lác.
Chị Hồng cho biết thêm, để có được một nồi bún cá ngon, cần chuẩn bị nguyên liệu cho thật tươi ngon như: cá lóc tươi, nghệ tươi, ngải bún, sả cây, mắm ruốc và cả những loại rau ăn kèm rất phong phú và hấp dẫn.
Cá lóc luộc chín vớt ra để nguội rồi gỡ xương, lấy nạc cá. Lấy nước luộc cá để hầm xương lợn. Đập dập sả cho vào nồi nước hầm, sau đó lọc lấy nước trong. Lọc sạch mắm ruốc, giã nhuyễn nghệ tươi, ngải bún cho vào một chén nước rồi đánh tan, lọc lại lấy nước, bỏ xác.
Phần nạc cá ướp thêm một chút muối, đường, bột ngọt, bột nghệ rồi cho vào chảo xào sơ cho thấm gia vị. Cho tất cả mắm ruốc, nghệ, ngải bún, tỏi và sả băm nhuyễn cùng phần nạc cá đã xào vào nồi nước lèo để nấu sôi lại. Nêm gia vị vừa ăn.
Bún cho vào tô, sau đó rưới nước lèo với cá lên trên sao cho phần nước ngang mặt tô, dùng lúc còn nóng. Nguyên liệu cá lóc đã làm tăng thêm hương vị ẩm thực cho món ăn bình dân miền sông nước. Món này dùng cùng rau ghém như: rau muống bào, hoa chuối, giá, hẹ, rau đắng, rau thơm… Đặt biệt, tô bún cá sẽ tăng thêm độ hấp dẫn hơn khi chấm kèm theo nước mắm nguyên chất, kết hợp cùng ớt tươi và nặn một tí chanh.
Video đang HOT
Rau sống ăn kèm bún.
Nước mắm chấm cá phải là nước mắm ngon.
Thực khách sẽ nhận ra sự khác biệt giữa bún cá Châu Đốc với bún cá của các vùng lân cận. Nếu như tô bún cá Kiên Giang ngoài thịt cá lóc còn có tôm rim, gạch tôm, thì tô bún cá Châu Đốc lại được ăn kèm thêm vài miếng chả cá thác lác chiên vừa dai vừa béo.
Chính vị ngọt thanh tự nhiên và thơm lừng đượm mùi dân dã của nước lèo, pha lẫn cái vị ngọt tươi của thịt cá lóc, và độ dai, béo của chả cá thác lác… đã tạo nên hương vị đặc trưng riêng cho món ăn này!
Quán bún cá Châu Đốc nằm ngay tại số 3, đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP HCM. Giá mỗi tô bún chỉ 20.000 đồng.
Thư Kỳ
Theo ngôi sao
Những món ăn ngon trong khu chợ Vườn Chuối
Bún cà ri gà, bún Thái, bún cá Kiên Giang... là những món ăn ngon nổi tiếng trong khu chợ Vườn Chuối.
Nằm trên con đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM), khu chợ Vườn Chuối tập trung rất nhiều quán ăn bình dân nhưng rất ngon miệng. Những món ăn như bún cá Kiên Giang, bún cà ri gà, chè chuối nước cốt dừa... được nhiều người ưa thích.
1. Bún cá Kiên Giang
Bún cá là một món ăn dân dã, quen thuộc của người dân Kiên Giang, thành phần đơn giản với cá lóc, bún tươi, tép và rau ăn kèm. Bát bún cá nóng hổi, thơm ngon nhiều màu sắc, lát cá trắng tinh, những con tép vàng ươm lẫn trong màu xanh của hành lá, hít một hơi để cảm nhận mùi thơm quyến rũ của món ăn. Nếu bạn là người thích ăn cay thì đã có sẵn lọ ớt chua băm nhuyễn. Bún cá được ăn kèm với các loại rau quen thuộc như xà lách, giá đỗ, rau răm, húng thơm, bắp chuối thái nhuyễn... Nếu như gặp mùa cá có trứng, người ta sẽ đánh tơi trứng và cho vào nồi, những mảng trứng vàng tươi làm cho món ăn thêm đẹp mắt và ngon miệng.
Địa chỉ: Từ đầu đường Vườn Chuối (quận 3) đi vào khoảng 400m, bạn sẽ thấy bảng hiệu bún cá Kiên Giang nằm bên tay phải. Mỗi bát bún ở đây có giá 25.000 đồng.
2. Bún Thái
Nghe đến tên bún Thái có lẽ nhiều người sẽ thấy lạ, nhưng thực chất đây là món ăn được biến tấu từ món lẩu Thái nổi tiếng. Bún Thái đơn giản với hai vị chính là cay và chua, nước dùng được chế biến theo công thức riêng để vị phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Bát bún Thái với những con tôm chín đỏ tươi, thịt bò, mực ống... cùng nước lèo đậm màu có vị chua cay và hơi nồng. Bên cạnh đó là rau muống, bắp chuối được chần chín và cho vào chung với các nguyên liệu khác, bên trên được rắc thêm một ít hành và tiêu cho dậy mùi thơm... Chỉ chừng đó thôi cũng đủ sức hấp dẫn cho những thực khách trót yêu món lẩu Tom Yun nổi tiếng.
Địa chỉ: Quán Út Hiếu nằm trong khu chợ Vườn Chuối (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), cách cổng chính khoảng 100m về phía tay trái. Mỗi bát bún Thái ở đây có giá 30.000 đồng.
3. Bánh tằm bì
Bánh tằm bì là món ăn dân dã được nhiều người ưa thích tại miền Tây Nam bộ. Món ăn đơn giản, không có gì là cao lương mỹ vị với sợi bánh mềm, dẻo được làm bằng bột gạo, bì được thái thành từng sợi nhỏ cùng thịt lợn thái mỏng, thêm một ít rau thơm, dưa leo, giá sống và nước cốt dừa có sức hấp dẫn rất riêng đối với nhiều người.
Điều quyết định của món ăn là sợi bánh, được làm từ gạo xay nhuyễn và đem hấp, người bán thái thành từng sợi nhỏ, mảnh, mềm nhưng dai và không đứt khi kéo dài. Sợi bì trong đĩa bánh ở đây vừa giòn vừa bùi, thịt lợn được rán chín đến, thái mỏng. Nước cốt dừa béo nhưng không ngấy. Tất cả các yếu tố đó giúp đĩa bánh tằm bì ở đây luôn thơm ngon và hấp dẫn.
Địa chỉ: Từ cổng chợ Vườn Chuối (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) đi vào 100m bên tay trái có một quán bán bánh tằm bì từ sáng đến trưa. Mỗi dĩa bánh ở đây có mức giá 20.000đồng.
4. Bún cà ri gà
Những cọng bún tươi trắng tinh hòa lẫn với cà ri được nấu sền sệt có màu vàng sậm trông rất bắt mắt. Điểm hấp dẫn nhất chính là những miếng gà thơm ngon, khoai lang bùi, ngọt, cùng với tiết lợn được xắt thành từng miếng to bản. Tất cả đều được ninh nhừ trong thứ nước cà ri đậm đà, thơm ngậy, tạo nên hương vị chủ đạo của món ăn. Bún cà ri gà được ăn kèm với húng quế và giá đỗ sống giúp hương vị thêm thơm ngon và người ăn sẽ không có cảm giác ớn ngấy.
Có một điều cần lưu ý là cà ri gà ở đây được nấu bằng nước cốt dừa nguyên chất nên hơi béo và có vị ngọt. Nếu như bạn là một người không thích béo và ngọt thì sẽ rất khó ăn.
Địa chỉ: Quán nằm trong chợ Vườn Chuối (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), cách cổng chính 50m bên tay trái. Mỗi tô bún cà ri gà có giá 30.000 đồng.
5. Chè chuối nước cốt dừa
Chè chuối nước cốt dừa không quá cầu kỳ, chỉ là những lát chuối mỏng thơm nức mũi chua chua, ngọt ngọt, bùi ngậy hòa lẫn với vị béo của nước cốt dừa sóng sánh cộng thêm vào đó là độ dẻo quánh của những viên trân châu, có nhân dừa sần sật bên trong. Từng miếng chuối với vị dẻo ngọt đặc trưng thấm đẫm vị thơm, cái béo của nước cốt dừa hòa quyện cùng những hạt bột báng nhỏ li ti trơn tuột như tan trong miệng tạo nên vị ngon đặc trưng của món chè chuối làm món ăn thêm hấp dẫn.
Địa chỉ: Nằm bên hông chợ Vườn Chuối (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), từ cổng chính đi vào khoảng 50m. Mỗi bát chè chuối ở đây có giá 10.000 đồng.
Ngoài các món ăn đã kể trên, ở đây cũng còn nhiều món ngon khác cho bạn thưởng thức như: cháo cá lóc rau đắng, xôi gà, xôi mặn, các loại bánh Huế, các loại ốc...
Huấn Phan
Theo ngôi sao
[Chế biến-Canh mít nấu lá lốt Vị ngọt tự nhiên của tôm, nấu kèm với mít, thơm mùi lá lốt tạo hương vị lạ mà thú vị cho món canh. Nguyên liệu: - 200g mít non - 100g tôm - Vài lá lốt - Nước mắm, muối, hạt nêm - Hành khô - Nửa thìa nhỏ mắm ruốc (tùy ý thích). Cách làm: - Tôm bóc nõn, rửa sạch,...