Món ăn ngày Tết của các nước trên thế giới
Cũng như ở Việt Nam, tại một số nước trên thế giới người dân rất chú trọng tới văn hóa ẩm thực ngày Tết. Dù món ăn truyền thống dịp năm mới ở mỗi quốc gia là khác nhau, song tất cả đều tin rằng những món ăn ngày Tết mang nhiều ý nghĩa về hy vọng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, may mắn và thành công.
Trong mâm cỗ ngày Tết tại Việt Nam có một món ăn không thể thiếu đó là bánh chưng. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN
Người Việt có rất nhiều món ăn hấp dẫn trong mâm cỗ truyền thống ngày đầu năm. Tuy nhiên, có một món ăn không thể thiếu đó là bánh chưng. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, sau đó được gói vuông vức bởi lá dong và buộc bằng lạt làm từ cây giang.
Đối với người Việt, những chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và vạn vật cỏ cây, thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên và đất trời. Từ những ý nghĩa sâu xa đó, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống của người Việt từ hàng nghìn năm trước. Trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình người Việt đều không thể thiếu những chiếc bánh chưng.
Ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, bên cạnh bánh chưng, người dân còn gói bánh tét. Loại bánh này có nguyên liệu tương tự bánh chưng nhưng được gói hình trụ.
Vào những ngày Tết, người Việt thường quây quần bên nồi bánh chưng, vừa nấu bánh vừa hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỷ niệm trong năm cũ và nói lên những mong muốn của mình trong năm mới…
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, sủi cảo chính là một trong những món ăn truyền thống của người dân trong ngày Tết. Theo phong tục của người Trung Quốc, các gia đình thường cùng nhau gói sủi cảo trong đêm giao thừa tạo nên không khí ấm cúng, sum vầy, gắn kết. Sau đó, mọi người cùng nhau thưởng thức khi bánh còn nóng hổi. Người Trung Quốc tin rằng ăn sủi cảo trong đêm giao thừa và ngày đầu năm mới sẽ mang lại sự thuận lợi, sung túc trong cả năm.
Sủi cảo được làm từ vỏ bánh bằng bột mì, nhân sủi cảo được làm từ thịt trộn lẫn với rau xanh. Khi gói sủi cảo cần chú ý phần viền bánh phải đều, tượng trưng cho sự cân bằng “viên phúc”. Miếng sủi cảo thường được gói theo hình bán nguyệt, tượng trưng cho nén bạc cổ mang đến sự giàu sang, tiền tài.
Sau khi làm xong, bát sủi cảo đầu tiên sẽ được dùng để thờ cúng tổ tiên thể hiện lòng biết ơn, bát thứ hai sẽ được dùng cúng các vị thần thánh thể hiện sự kính trọng tôn nghiêm. Còn bát thứ ba sẽ được cả nhà cùng ăn trong bữa cơm giao thừa.
Hàn Quốc
Hàn Quốc cũng là nước đón Tết Nguyên đán giống như Việt Nam. Ẩm thực ngày Tết của người Hàn Quốc không thể thiếu món Tteokguk, còn được gọi là canh bánh gạo, trong bữa ăn đầu tiên của năm mới. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng làm canh bánh gạo trong buổi sáng ngày mùng 1 với ý nghĩa về một năm mới tràn đầy hạnh phúc và thành công.
Tteokguk được làm từ bánh gạo gọi là Tteok, cùng với nước xương bò hầm, thịt bò và hành hoa. Bánh gạo được thái vát, miếng mỏng, hình bầu dục và màu trắng tượng trưng cho sự trường thọ, sự thanh khiết của con người và mọi vật trên thế giới.
Ngoài ra, tok và garettok cũng là hai món ăn luôn có trong ngày Tết ở Hàn Quốc. Đây là các món ăn từ các loại thịt gia súc và gia cầm, chế biến bằng cách đem chiên. Sau bữa ăn, mọi người thường uống poricha, được làm từ trà pha chế với bột lúa mạch. Riêng loại rượu gui balki sool là thức uống bắt buộc trong ngày Tết, ai cũng phải uống dù ít hay nhiều để lấy may mắn. Người Hàn Quốc còn có quan niệm cho rằng các món trên khi tự tay chế biến sẽ mang lại nhiều tài lộc.
Nhật Bản
Mặc dù Nhật Bản đã chuyển sang đón Tết Dương lịch nhưng vào những ngày đầu năm, người Nhật vẫn duy trì các phong tục truyền thống. Những món ăn ngày đầu năm của người Nhật được gọi chung là Osechi ryori, có ý nghĩa giúp các gia đình có thể sống tốt qua những ngày đầu năm mới khi mà các cửa hàng đều đã đóng cửa.
Osechi ryori là các sản phẩm được chế biến từ đậu đen, cá và hải sản – những nguyên liệu nấu ăn phổ biến ở Nhật Bản. Theo quan niệm của người Nhật Bản, đậu đen, cá và hải sản sẽ giúp họ có sự năng động, hoạt bát hơn, trí não sáng suốt hơn để làm việc hiệu quả.
Ngoài các món trên, trong ngày Tết còn có nhiều loại nước sốt được làm từ các loại đậu để chấm các loại bánh, chả và cá nướng. Thực phẩm để ăn cùng với nước sốt và gỏi cá là các loại bánh, mì sợi được chế biến từ các loại gạo.
Tất cả những món ăn trong năm mới thường được người Nhật bảo quản trong những chiếc hộp gỗ sơn mài màu đỏ. Họ quan niệm hộp gói thức ăn càng đẹp bao nhiêu thì niềm hy vọng bội thu trong năm mới càng lớn bấy nhiêu.
Lào
Món ăn truyền thống trong ngày Tết ở Lào là món “lạp”. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào thì lạp được xem như là “linh hồn” của người Lào trong năm mới. Người ta có thể tặng nhau món lạp thay lời chúc may mắn đầu năm. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều tài lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi, sau đó đem trộn với gia vị. Người Lào thường ăn lạp với xôi nóng.
Campuchia
Cari là món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Campuchia. Những ngày đầu năm mới, mỗi gia đình đều đem món ăn này lên chùa và nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên. Sau đó, cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức bữa cơm đầu năm ấm cúng.
Mông Cổ
Những món ăn truyền thống trong gia đình của người Mông Cổ luôn là những loại bánh làm từ bột và sữa ngựa. Trong đó, nổi bật nhất chính là những chiếc bánh bao nhân thịt cừu nóng hổi được làm từ đặc sản của người Mông Cổ là thịt cừu. Những chiếc bánh bao được làm với kích thước vừa phải gồm vỏ bánh là bột mì cùng nhân là rau cải và thịt cừu. Bánh được hấp chín, ăn khi còn nóng và được thưởng thức với sữa ngựa lên men hoặc bánh ngọt và trà sữa.
Singapore
Gỏi cá Yu Sheng. Ảnh: PV/Báo Tin tức
Trong những ngày đầu năm, bữa cơm của các gia đình Singapore không thể thiếu món gỏi cá Yusheng – còn được gọi là gỏi thịnh vượng. Món ăn được làm từ cá hồi sống được thái lát mỏng, các loại rau củ quả thái sợi như bưởi, khoai môn, đu đủ, gia vị gừng, vừng, lạc rang cùng với bột chiên nước sốt từ mận.
Gỏi cá Yusheng được trang trí đẹp trong một bát to hoặc đĩa đến khi ăn mới được trộn đều. Khi trộn gỏi cá cần trộn các nguyên liệu lên càng cao càng tốt mang ý nghĩa về sự trọn vẹn, đầy đủ và thịnh vượng. Ngoài ra, người Singapore cũng cho thêm cà rốt và dưa leo với mong muốn trẻ mãi không già và may mắn phát tài.
Malaysia
Không chỉ có những lễ hội tưng bừng chào đón năm mới, đất nước Malaysia còn có những món ăn truyền thống mê hoặc du khách.
Vào những ngày đầu năm mới, du khách đến Malaysia sẽ có cơ hội thưởng thức món Yu Sheng – món ăn tượng trưng cho sự dồi dào, thịnh vượng và phát đạt. Món ăn này gồm các loại rau củ thái nhỏ, cá sống thái mỏng (thường là cá hồi, cá thu) và rưới nước sốt sánh mịn lên trên.
Người dân Malaysia thêm cá vào món Yu Sheng để cầu may mắn, thêm cà rốt để cầu cho phát đạt, thêm dưa leo cầu trẻ mãi không già… và thêm dầu lên trên các nguyên liệu với ngụ ý tăng lợi lộc, phát tài.
Mỹ
Không chỉ các nước châu Á có các món ăn truyền thống vào dịp Tết, ẩm thực ngày Tết của các nước phương Tây cũng rất đa dạng, phong phú.
Hoppin ‘John là món ăn năm mới có truyền thống lâu đời và đặc biệt phổ biến tại miền Nam nước Mỹ. Món ăn này gồm các loại đậu, rau được nấu cùng thịt lợn và gạo, ăn với bánh ngô. Món ăn này mang ý nghĩ về sự giàu có và mùa màng bội thu. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, món ăn là sự kết hợp của ẩm thực châu Phi và Tây Ấn, đã phổ biến tại Mỹ từ thế kỷ XVI.
Mexico
Đất nước Trung Mỹ Mexico nổi tiếng với những món ăn độc đáo từ ngô và Tamales cũng là một trong số đó. Tamales là món bánh làm từ bột ngô cùng thịt, mỡ, rau, phô-mai được gói trong chính lớp lá ngô, rồi được hấp kỹ trong 2 giờ đồng hồ.
Tamales xuất hiện trong đời sống người dân Mexico từ rất sớm và được cho là có nguồn gốc từ thời đại của các bộ lạc Aztec, Maya và Inca. Món bánh này xuất hiện trong hầu hết các dịp lễ đặc biệt tại Mexico và thời điểm năm mới cũng không là ngoại lệ. Vào thời điểm giao thừa, người dân nơi đây thường có truyền thống cả gia đình cùng nhau tụ họp và làm Tamales cho bữa tiệc mừng năm mới.
Pháp
Vào đêm giao thừa, người Pháp sẽ chuẩn bị bánh ga-tô được trang trí cầu kỳ đặt trên bàn tiệc. Khi năm mới đến, cả gia đình sẽ thưởng thức bánh để cầu mong sức khỏe, may mắn, thuận lợi.
Hà Lan
Người Hà Lan đón năm mới bằng những chiếc bánh rán phủ đường nhỏ, có tên là Oliebollen. Oliebollen mang ý nghĩa là “Old and New”, “cũ và mới”, tượng trưng cho những điều đã qua trong năm cũ và hướng đến những điều mới mẻ của năm sau. Oliebollen có hương vị gần giống bánh donut, gồm bột mì nhào với nho khô, táo, được rán vàng giòn và lăn qua bột đường đầy ngọt ngào và hấp dẫn.
Italy
Người Italy ăn mừng ngày đầu năm mới với món ăn truyền thống là cotechino con lenticchie (món hầm gồm xúc xích thịt heo và đậu lăng xanh) để đem lại nhiều may mắn cho cả năm. Trong đó, đậu lăng xanh có hình dạng giống những đồng xu, thể hiện cho sự may mắn và tiền bạc, còn thịt heo tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ.
Đan Mạch, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển
Cá trích là món ăn năm mới phổ biến nhất tại Ba Lan và các quốc gia Scandinavia như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển. Cá trích có màu bạc, chính vì vậy chúng được ăn vào lúc nửa đêm để ước vọng về một năm mới thịnh vượng. Món cá trích phổ biến ở Ba Lan là Sledzie Marynowane – cá trích ngâm muối, hành, hạt tiêu và giấm trắng trong 24 giờ. Người Scandinavia thường ăn cá trích cùng dưa chua, hành tây, pate, thịt viên và sốt kem trong một đĩa lớn.
Ngoài cá trích, người Đan Mạch và Na Uy cũng ăn một món bánh ngọt khá đẹp mắt trong đêm giao thừa, có tên là Kransekage, nghĩa là “bánh vòng hoa”. Đó là một chiếc bánh cao, hình nón với nhiều bánh tròn nhỏ xếp chồng lên nhau. Bánh được làm bằng bột mì, hạnh nhân và thường được trang trí xung quanh với những lá cờ nhỏ và bánh quy giòn. Kransekage là món ăn truyền thống không thể thiếu trong đêm giao thừa và các dịp đặc biệt khác ở Đan Mạch và Na Uy.
Thổ Nhĩ Kỳ
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quả lựu mang sắc đỏ là tượng trưng cho may mắn. Theo truyền thống, mọi người sẽ đập những quả lựu đỏ mọng này vào cửa ra vào, và quả càng vỡ to thì sẽ càng nhiều may mắn đến với bạn trong năm mới. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ uống nước ép lựu trong những bữa ăn dịp năm mới.
Hy Lạp
Bánh Vasilopita là một loại bánh ngọt truyền thống của Hy Lạp, được ăn vào những dịp đặc biệt cũng như đầu năm mới. Món bánh này cũng phổ biến ở một số nước Đông Âu với tên gọi là “bánh Thánh Basil”, hoặc “bánh Vua”. Chiếc bánh này chỉ đơn thuần là bánh ngọt bơ bình thường, song điều khiến chúng trở nên đặc biệt đó chính là có một đồng xu nhỏ, và ai may mắn bắt được đồng xu này trong phần bánh của mình sẽ được coi là người may mắn và hạnh phúc nhất trong năm.
Vasilopita thường được ăn vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới và sẽ được cắt bánh tuần tự từ người đứng đầu gia đình đến các thành viên nhỏ nhất…
Món gỏi bưởi chua ngọt kích thích vị giác
Với cách làm đơn giản, gỏi bưởi có màu sắc hài hòa, hương vị kết hợp chua, cay, mặn, ngọt sẽ là lựa chọn lý tưởng để làm món khai vị và ăn kèm trong mâm cỗ ngày Tết.
Cách làm món chả phượng đơn giản mà đẹp lung linh cho mâm cỗ ngày Tết Cách làm món chả phượng không quá phức tạp. Chỉ cần chị em dành một chút thời gian để nấu nướng là có ngay món ăn ngon, đẹp mắt cho mâm cỗ ngày Tết. Nguyên liệu làm chả phượng - 300 gr tôm đã bóc vỏ, băm nhuyễn (có thể thay bằng giò sống) - 3-4 quả trứng (tùy kích cỡ của trứng)...