Món ăn bài thuốc cho trẻ ho
Khi trẻ ho, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc, thì ăn uống cần thanh nhạt, dễ tiêu, kiêng dùng thức ăn tanh, cay, nóng.
Ảnh minh họa: Internet
Khi trẻ bị ho, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc, thì ăn uống cần thanh nhạt, dễ tiêu, kiêng dùng thức ăn tanh, cay, nóng.
Gỏi lê – củ cải
Củ cải (200g): tính bình, hơi mát; có công năng thanh nhiệt giải độc, kiện tỳ tiêu thực, hóa đàm trị ho, thuận khí lợi tiện, sinh tân giải khát, bổ trung an tạng… Hàm lượng vitamin C trong củ cải nhiều hơn các rau quả khác, củ cải cũng chứa nhiều vitamin A, C và Ca, P, Fe… Trong củ cải còn chứa nhiều enzyme trợ giúp tiêu hóa và thúc đẩy nhu động đường ruột, tinh dầu sinapine tăng sự thèm ăn, nó còn có tác dụng ức chế đối với liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, phế khuẩn, que khuẩn…
Lê (150g): tính hơi mát, vị ngọt. Công năng sinh tân giải khát, nhuận táo hóa đàm, nhuận trường thông tiện. Chủ yếu dùng chữa bệnh nhiệt thương tân, tâm phiền miệng khát, phế táo ho khan, họng khô lưỡi táo… Lê còn có công hiệu thanh nhiệt, trấn tĩnh an thần. Có hiệu nghiệm điều trị tốt đối với tăng huyết áp, bệnh tim mạch, miệng khát táo bón, váng đầu hoa mắt, mất ngủ mơ nhiều…
Gừng tươi, muối, dầu mè, dấm, bột nêm với mỗi thứ vừa đủ.
Củ cải gọt vỏ rửa sạch, thái sợi, trụng qua nước sôi, vớt ra sử dụng sau. Lê rửa sạch gọt vỏ thái sợi, bỏ chung với củ cải, thêm bột nêm, muối, gừng băm, tất cả trộn đều thì hoàn tất.
Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm tiêu thực.
Chè bách hợp
Bách hợp (10g): tính hơi đắng, vị ngọt; vào kinh tâm và phế. Công năng dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế giải khát, ninh tâm an thần. Có tác dụng điều trị nhất định đối với ho lâu ngày do bệnh lao, mất ngủ mộng nhiều. Thời tiết thu táo, dùng nhiều bách hợp, sẽ có tác dụng nhuận táo nhất định.
Gạo tẻ (100g): tính bình, vị ngọt; Vào kinh tỳ và vị. Công năng bổ trung ích khí, kiện tỳ hòa vị, trừ phiền khát.
Đường phèn (vừa đủ): vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ và phế. Bổ trung ích khí, hòa vị nhuận phế, trị ho hóa đàm, dưỡng âm trị mồ hôi.
Bách hợp, gạo tẻ lần lượt rửa sạch, sử dụng sau. Hai thứ cùng cho vào nồi, đổ nước vừa đủ ninh chè, nêm đường phèn thì hoàn tất.
Video đang HOT
Bài thuốc dưỡng âm thanh nhiệt, trị ho trừ phiền. Người ho đàm do phong hàn không thích hợp dùng bách hợp; người trung khí hư hàn hoặc đại tiểu tiện lỏng cũng không thích hợp dùng.
Canh xương sườn bạch quả
Xương sườn (500g): tính bình, vị ngọt, mặn; vào kinh tỳ và vị, thận. Tư âm nhuận táo, ích tinh điền tủy, bổ khí. Dùng cho người bệnh lâu hoặc thể chất hư nhược, nhuận phế trị ho, đồng thời có tác dụng bổ trung ích khí.
Bạch quả (20g): tính bình, vị ngọt, đắng, chát; có ít độc; vào kinh phế. Công năng liễm phế định suyễn, chữa đới trọc, cô nước tiểu. Dùng chữa các chứng đàm nhiều ho suyễn, đái dầm, tiểu nhiều… Y học hiện đại nghiên cứu cho rằng, bạch quả có tác dụng chống vi khuẩn lao và các vi khuẩn khác.
Rượu, hành, gừng, muối, bột nêm mỗi thứ vừa đủ.
Xương sườn sau khi rửa sạch, trụng qua nước sôi, vớt ra, để ráo nước. Đổ nước vừa đủ vào nồi, thêm rượu, hành, gừng ninh với lửa nhỏ trong 1 giờ; thêm bạch quả, muối, bột nêm ninh thêm 15 phút thì hoàn tất.
Bài thuốc này trị ho, hóa đàm, bình suyễn.
Thích hợp dùng cho chứng trẻ ho khạc, đàm nhiều khí suyễn. Ăn nhiều bạch quả dễ gây ngộ độc, nên chú ý.
Chè củ mài – hạnh nhân
Củ mài (hoài sơn 100g): tính bình, vị ngọt; công năng kiện tỳ, bổ phế, cố thận, ích tinh. Đối với các chứng phế hư ho khạc, tỳ hư tiết tả, thận hư di tinh, đới hạ và tiểu nhiều… đều có công hiệu bổ ích. Ngoài ra, củ mài còn có công hiệu tư dưỡng cơ da, làm đẹp, bổ trung ích khí, kiện não, tăng trí nhớ.
Gạo (100g): tính bình, vị ngọt; vào kinh tỳ và vị. Bổ trung ích khí, kiện tỳ hòa vị, trừ phiền khát.
Hạnh nhân (20g): thuốc trị ho hóa đàm thường dùng. Hạnh nhân có công hiệu nhuận phu dưỡng nhan. Mùa thu táo, dùng ít hạnh nhân, thêm tang diệp (lá dâu) và đường phèn sắc uống, còn đạt tác dụng dự phòng thu táo (mùa thu hanh khô).
Đường đỏ (vừa đủ): vị ngọt, tính ấm; vào kinh tỳ, vị, can. Bổ trung ấm can, hòa huyết hóa ứ, điều kinh, hòa vị giáng nghịch.
Củ mài rửa sạch gọt vỏ thái lát; hạnh nhân lột vỏ rửa sạch; gạo tẻ vo sạch sử dụng sau. Các vật liệu cùng cho vào nồi, đổ nước vừa đủ ninh chè, khi gần chín nêm đường đỏ.
Bài thuốc này có công hiệu tuyên phế trị ho, bổ trung ích khí.
Dùng nhiều củ mài có ích sức khỏe, thông minh sáng mắt. Hạnh nhân loại ngọt không có vị đắng, người phế âm bất túc, ho lâu do phế khí hư nhược có thể dùng thường xuyên.
Chè ngân nhĩ nấu lê
Ngân nhĩ (nấm tuyết 10g): còn gọi là bạch mộc nhĩ, mệnh danh “quán quân của nấm”. Ngân nhĩ tính bình không độc, tư âm nhuận phế, ích vị sinh tân; vừa là thức ăn dinh dưỡng tư bổ, vừa là thuốc bổ phò chánh cường tráng. Còn có tác dụng bổ tỳ khai vị, ích khí thanh trường.
Lê (100g): tính hơi mát, vị ngọt; công năng sinh tân giải khát, nhuận táo hóa đàm, nhuận trường thông tiện. Chủ yếu dùng chữa bệnh nhiệt thương tân, tâm phiền miệng khát, phế táo ho khan, họng khô lưỡi táo… Lê còn có công hiệu thanh nhiệt, trấn tĩnh an thần. Có hiệu nghiệm điều trị tốt đối với tăng huyết áp, bệnh tim mạch, miệng khát táo bón, váng đầu hoa mắt, mất ngủ mơ nhiều…
Đường phèn (vừa đủ): tính bình, vị ngọt; vào kinh tỳ và phế. Bổ trung ích khí, nhuận phế hòa vị, trị ho hóa đàm, dưỡng âm cầm mồ hôi.
Lê rửa sạch gọt vỏ bỏ hột, thái lát to; ngân nhĩ dùng nước ấm rửa sạch. Lê và ngân nhĩ cùng cho vào nồi đun sôi đến đặc, nêm đường phèn, hòa tan thì dùng.
Bài thuốc này tư âm nhuận phế, trị ho tan đàm.
Thích hợp dùng cho chứng ho khan do phế âm hư. Kiêng dùng khi ho khạc phong hàn. Lê mang tính hàn, người tỳ hư tiêu lỏng dùng thận trọng.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Món tiềm bồi bổ ngày lạnh
Thời tiết lạnh, cơ thể cần bồi bổ để giữ thân nhiệt và tăng cường sức đề kháng. Những món tiềm luôn là lựa chọn tối ưu do cung cấp nhiều năng lượng mà không kém phần ngon miệng.
Gà tiềm trúc sanh, nấm hương
Trúc sanh là một loại nấm mọc ở những gốc tre khô, tre mục. Nấm không ngọt như các loại nấm khác nhưng rất giòn, lạ miệng. Nấm mua về ngâm nước cho nở, rửa nhiều lần cho sạch cát bụi, cắt thành khúc dài vừa ăn. Nấm hương ngâm nở, cắt gốc. Làm nóng dầu trong chảo, thả nấm hương vào đảo sơ, cho tiếp nấm trúc sanh và ít rượu vào đảo để nấm thơm rồi vớt ra ngay.
Gà ta hoặc gà tam hoàng nửa con hoặc góc tư rửa sạch để nguyên, cho vào nồi đất, thả nấm hương và trúc sanh vào, đổ nước ngập mặt gà, nêm ít muối và hạt nêm, đậy nắp. Cho nồi đất vào nồi lớn chưng cách thủy khoảng bốn giờ với lửa vừa, nêm lại vừa ăn, dùng nóng.
Bao tử heo hầm bạch quả
Bao tử heo lộn mặt trái ra ngoài, rửa với muối và giấm cho sạch nhớt. Bắc chảo lên bếp, chảo nóng, cho bao tử vào, đổ một muỗng nước mắm, đảo đều hai mặt, nhấc xuống rửa lại thật sạch cho hết mùi hôi. Bạch quả đập vỏ, lột bỏ lớp lụa bên ngoài nhân, rửa sạch. Bao tử cắt làm tư, cho vào thố đất cùng với bạch quả, nêm ít muối và đường.
Đăt thố đất trong nồi nước lơn hơn, đem chưng cách thủy khoảng bốn-năm giờ. Thỉnh thoảng nhớ châm nước vào nồi, đừng để cạn. Bao tử chín nêm thêm gia vị cho vừa ăn, ăn nóng với cơm như món canh.
Lưỡi bò tiềm củ sen, hạt sen và táo đỏ
Lưỡi bò cạo sạch váng, rửa với muối và gừng băm để khử mùi hôi. Cắt khúc, ướp với nước tương và dầu ăn, để thấm. Làm nóng dầu, cho lưỡi bò vào xào săn. Đổ một muỗng rượu trắng vào cho thơm.
Củ sen rửa sạch, cắt miếng dày. Vớt lưỡi bò ra, cho vào nồi đất cùng với củ sen, đổ nước sôi ngập mặt, nấu lửa vừa khoảng hai giờ. Hạt sen tươi rửa sạch, để ráo. Táo đỏ ngâm mềm. Lưỡi bò gần mềm thả hạt sen và táo đỏ vào nấu tiếp đến khi mềm, nêm nếm lại. Múc ra thố ăn nóng với bánh mì, chấm muối tiêu.
Gà tiềm bát bửu
Lựa gà mái dầu, rửa sạch với muối, để nguyên con chờ ráo. Ướp chút muối vào bụng gà, thoa một ít hắc xì dầu bên ngoài. Nấm đông cô ngâm nở bỏ gốc cắt hạt lựu. Hạt sen khô ngâm mềm, luộc vừa chín. Táo đỏ ngâm rửa sạch. Bún tàu đậu xanh ngâm sơ cắt khúc. Cà rốt cắt hạt lựu. Củ năng rửa sạch. Kim châm ngâm nở thắt gút.
Trộn đều thịt nạc dăm xay nhuyễn với nấm đông cô, hạt sen, bún tàu, cà rốt. Dồn hỗn hợp thịt vào bụng gà, may kín. Cho gà vô nồi đất, đổ nước ngập mặt gà, nấu sôi thì hạ lửa vừa đến khi gà gần mềm, thả củ năng, táo đỏ và kim châm vào. Gà mềm, nêm gia vị vừa ăn. Dùng nóng với mì sợi hoặc cơm đều ngon.
Đuôi heo tiềm đậu đỏ củ năng
Đuôi heo cạo sạch lông, chặt khúc vừa ăn, rửa sạch để ráo. Củ năng gọt vỏ rửa sạch. Đậu đỏ rửa sạch. Cho đuôi heo, củ năng và đậu đỏ vào thố đất, đổ nước xăm xắp, nêm hạt nêm và chút muối, đậy nắp kỹ. Nếu không có thố đất, có thể dùng tô lớn và đĩa đậy kín.
Đăt thố đất vào nồi nước hấp cách thủy, nấu khoảng hai-ba giờ cho đuôi heo thật mềm, nêm gia vị lại, múc ra tô dùng nóng, ăn với cơm.
Tim heo tiềm thuốc bắc
Tim heo dùng muối chà xát rửa sạch, cắt đôi để ráo. Các vị thuốc bắc gồm ngọc trúc, kỷ tử, đỗ trọng, xuyên khung, hoài sơn, đảng sâm, nhãn nhục, bắc hoàng kỳ, tất cả rửa sơ với nước ấm.
Cho tim vào thố cùng với các nguyên liệu thuốc Bắc, chút rượu trắng, vài lát gừng tươi và nước xăm xắp. Nêm muối và hạt nêm. Đậy nắp thố lại. Đặt thố vào nồi, tiềm trên ba giờ là dùng được. Tiềm càng lâu món ăn càng bổ. Có thể dùng thêm chè tráng miệng để khử mùi thuốc Bắc sau khi ăn.
Theo PNO
Mối nguy đột quỵ từ thiếu máu não trong vài giây Bộ não là một trong những cơ quan phức tạp nhất trong cơ thể.Nó tiêu thụ 1/5 dưỡng khí trong toàn cơ thể,bởi vậy nên chỉ với cơn thiếu máu trong khoảng 10 giây các tế bào thần kinh của não đã có những rối loạn nhất định. Những cơn thiếu máu thoáng qua này sẽ còn ghé thăm cơ thể thường xuyên...