“Mồm miệng đỡ tay chân”
Tình cờ đọc tâm sự của Thiên Lý, tôi chạnh lòng khi nghĩ đến nhà chồng. Dường như tôi cũng đang rơi vào trầm cảm bởi nỗi buồn không thể nói thành lời.
ảnh minh họa
Tôi đồng cảm với tác giả bài viết, bởi vì tôi cũng như bạn ấy, vì không biết nói lời hoa mỹ làm đẹp lòng người nghe, không biết “ mồm miệng đỡ chân tay” nên suốt hai mươi năm vất vả gánh vác “giang sơn nhà chồng” trong thầm lặng vẫn chưa từng được một thành viên nào trong gia đình chồng ghi nhận, trong khi em dâu út mới về ở chung vài tháng đã được xem là một nàng dâu khéo léo, biết cư xử và khôn ngoan.
Tôi và anh đính hôn khi ba tôi đang lâm bệnh nặng, còn ba tuần nữa cưới thì ba tôi mất. Do hoàn cảnh nên chúng tôi vẫn tổ chức cưới, dù chỉ có vài mâm bánh ngọt, nước trà. Tôi về làm dâu nhà anh trong vai trò dâu trưởng, gánh vác hết chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà, vừa đi làm, vừa nội trợ, còn phải tảo tần ngược xuôi mua bán thêm ở chợ để có tiền phụ mẹ chồng nuôi đàn em sáu đứa đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Ba mẹ chồng lần lượt qua đời, vợ chồng tôi thay ba mẹ lo cho các em học hành rồi khi các chú ấy vào đời, chính tay tôi lo cơm ăn cơm dỡ, sắm sửa từng chiếc áo, đôi giày cho đến chiếc xe làm phương tiện đi làm. Bốn người em chồng may mắn thành danh nên cưới vợ xong đều ra riêng. Còn lại vợ chồng tôi và chú út sống chung nhà. Chú hỏi vay vốn chồng tôi để đầu tư mua bán bất động sản rồi thua lỗ, số nợ đó chồng tôi cho luôn em trai mà không hề hỏi ý tôi. Nghĩ gì cũng là em út trong nhà nên dù rất xót của tôi cũng đành cho qua. Ngày chú út cưới vợ, chồng tôi bảo gom tiền lo đám cưới cho em vì khả năng chú chỉ lo được một nửa. Tôi bảo chồng nên vận động anh em cùng đóng góp vào thì anh ấy gạt đi ” Mình là anh chị cả, quyền huynh thế phụ, làm vậy coi sao được!”. Thế rồi vợ chồng tôi cũng lo xong chuyện cưới vợ cho em bằng một cái đám cưới hoành tráng.
Cô dâu út về nhà, thỏ thẻ nói với tôi rằng cô không biết nấu ăn vì ở nhà được mẹ cưng chiều, một phần do cô ngại chuyện bếp núc nên cũng chẳng quan tâm học hỏi, thôi thì “Chị nấu giúp vợ chồng em với, tụi em chỉ ăn mỗi bữa chiều nên nhờ chị lo giùm.” Ai lại nỡ từ chối khi em dâu lên tiếng ngọt ngào đến vậy. Thế là tôi bắt tay vào làm hết mọi chuyện, từ đi chợ nấu cơm cho đến việc rửa bát lau nhà, thậm chí chuyện giặt giũ, mỗi lần thấy tôi cho quần áo vào máy giặt là em dâu “gửi ké” …một giỏ đầy.
Rồi đến chuyện giỗ chạp, tuy ở cùng nhà nhưng em dâu chẳng bao giờ quan tâm ngày nào là ngày giỗ, chẳng hỏi han việc cúng kiến thế nào, thậm chí giỗ ba mẹ em vẫn đi làm tỉnh bơ đến chiều rủ thêm vài người bạn về ăn cỗ. Trong bữa tiệc, tôi nghe em dâu tự hào khoe với mọi người “Mâm cao cỗ đầy như thế này là công sức đóng góp của tụi em nhiều nhất đó, mình đi làm nên chịu thiệt một chút, cúng ba mẹ mà, ai tiếc làm gì. Mấy người ở nhà thì chỉ cần bỏ công….”.
Thế là những ánh mắt ngưỡng mộ cùng những lời khen tặng cô dâu út khéo ăn khéo ở, biết cư xử đúng mực, rộng rãi với nhà chồng tới tấp tuôn ra từ những người tham dự. Tôi lặng lẽ đứng nơi góc bếp, chợt nghe lòng nghẹn đắng nỗi tủi thân….
Theo VNE