Mối tình dang dở của Obama trước khi trở thành tổng thống Mỹ
Để theo đuổi tham vọng chính trị của mình, Obama đã phải dằn vặt rất nhiều trước khi chia tay người phụ nữ mà ông từng ngỏ lời cầu hôn.
Tổng thống Obama đã phải dứt bỏ mối tình sâu nặng để theo đuổi nghiệp chính trị
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama là người bộc lộ tham vọng chính trị ngay từ khi còn rất trẻ và phải đánh đổi rất nhiều thứ, kể cả tình yêu của mình, để theo đuổi mục tiêu lớn, tác giả David J. Garrow kể lại trong cuốn tiểu sử “Rising Star” mới xuất bản về cuộc đời và sự nghiệp Obama, theo Washington Post.
Trước khi tham gia sự nghiệp chính trị, Obama là một thành viên tích cực trong các hoạt động cộng đồng ở Chicago. Được khơi nguồn cảm hứng bởi Harold Washington, thị trưởng da màu đầu tiên của Chicago, Obama bắt đầu nói về tham vọng chính trị của mình với các bạn bè, đồng nghiệp. Người thanh niên này muốn trở thành thị trưởng thành phố, thượng nghị sĩ Mỹ, thống đốc bang Illinois, hay thậm chí trở thành tổng thống Mỹ.
Cùng thời gian này, Obama có một người bạn gái mà ông hết mực yêu thương, nhiều năm trước khi ông gặp Michelle. Đó là Sheila Miyoshi Jager, hiện là giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học Oberlin. Mang trong mình dòng máu Hà Lan – Nhật Bản, Jager rất phù hợp với thế giới đa văn hóa của Obama, khiến họ trở thành “cặp đôi trời sinh”.
Trao đổi với Garrow, Jager nói rằng bà sớm nhận ra Obama là một người “có nhu cầu sâu sắc được yêu thương và ngưỡng mộ”. Bà mô tả quãng thời gian bên nhau giữa hai người như một kỷ niệm xa xôi, một “hòn đảo của riêng chúng tôi” mà ở đó Obama “phân chia rõ ràng giữa công việc và gia đình”. Hai người đã tới gặp gia đình hai bên và sớm bàn tới chuyện hôn nhân.
“Mùa đông năm 1986, khi tới thăm bố mẹ tôi, ông ấy đã ngỏ lời cầu hôn tôi”, Jager kể với Garrow. Nhưng mẹ Obama kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân, không phải vì lý do chủng tộc, mà vì lo ngại việc kết hôn sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Mẹ ông cho rằng Jager, người ít hơn Obama hai tuổi, còn quá trẻ để lập gia đình. “Chưa được đâu anh”, Jager trả lời Obama. Nhưng sau đó họ vẫn ở bên nhau.
Video đang HOT
Giáo sư Sheila Miyoshi Jager. Ảnh: Toronto Star
Đến đầu năm 1987, khi Obama 25 tuổi, Jager cảm nhận được sự thay đổi sâu sắc ở ông. “Ông ấy đột nhiên trở nên rất tham vọng”, bà nói với Garrow. “Tôi nhớ rất rõ thời điểm xảy ra sự thay đổi này, tôi cũng nhớ rằng đúng dịp chúng tôi kỷ niệm một năm yêu nhau, ông ấy đã hướng tới mục tiêu trở thành tổng thống”.
Garrow viết rằng Obama tin ông đang nghe thấy “tiếng gọi” của số phận và tham vọng đó gắn liền với nhận thức rằng để đạt được mục tiêu trở thành tổng thống, ông phải xác định thành phần của mình là người Mỹ gốc Phi.
Nhưng để làm được điều đó, ông buộc phải đánh đổi, đặc biệt là trong việc kết hôn với một người phụ nữ không phải gốc Phi. Đã có nhiều tấm gương trong việc này, chẳng hạn như Richard H. Newhouse Jr., thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi nổi tiếng của bang Illinois, người kết hôn với một phụ nữ da trắng và thường xuyên bị xì xào rằng ông “nói về người da đen nhưng ngủ với người da trắng”.
Carol Moseley Braun, người từng là nữ thượng nghị sĩ Mỹ gốc Phi đầu tiên và có chồng là người da trắng, đã thú nhận rằng “cuộc hôn nhân liên chủng tộc thực sự hạn chế lựa chọn chính trị của bạn”.
Những cuộc tranh luận về chủng tộc và chính trị đột nhiên bao trùm mối quan hệ giữa Obama và Jager. “Việc kết hôn cứ bị trì hoãn mãi, đến lúc bị phủ bóng bởi nỗi khổ tâm của Obama về vấn đề trọng tâm của cuộc đời, đó là chủng tộc và bản sắc”, Jager nhớ lại. “Quyết tâm giữ bản sắc người da màu của ông ấy có liên hệ trực tiếp tới quyết định theo đuổi sự nghiệp chính trị”, bà nói.
Một người bạn chung của cả hai kể rằng Obama từng thừa nhận “nếu tôi hẹn hò với một cô gái da trắng, tôi sẽ không có chỗ đứng ở đây”. Trong một cuộc tụ tập bạn bè tại khu nhà nghỉ mát, Obama và Jager đã cãi nhau kịch liệt về chủ đề này suốt cả buổi chiều. “Điều đó là sai, sai rồi. Đó không phải là lý do”, bạn bè nghe thấy Jager hét lên từ trong phòng.
Theo Garrow, Obama rất quan tâm chăm sóc Jager, nhưng ông cảm thấy bị mắc kẹt giữa người phụ nữ ông yêu và định mệnh mà ông đang hướng tới. Cuối năm 1988, chỉ vài ngày trước khi Obama chuyển tới Trường Luật Harvard, khi mối quan hệ giữa hai người gần như tan vỡ, Obama đã đề nghị Jager đi theo ông và kết hôn. Lúc này, Jager đang trên đường tới Hàn Quốc để làm luận án, bà cho rằng Obama muốn mình kết thúc sự nghiệp nghiên cứu để đi theo ông, nên đã tiếp tục cãi nhau với ông. Rốt cuộc, hai người đường ai nấy đi.
Tại Harvard, hình ảnh một tổng thống tương lai hiện lên rõ hơn ở Obama. Ông thường xuyên xung phong tham gia các cuộc hùng biện trước lớp và tổng kết lập luận của các bạn học. “Ở trường luật, thứ duy nhất tôi muốn Obama làm là im miệng”, một cựu sinh viên kể với Garrow. Bạn học đã tạo ra “thước đo Obama” để xếp hạng mức độ tự tin thái quá của các bài tham luận trước lớp.
Dù vậy, Obama rất được mọi người ngưỡng mộ, kể cả các giáo sư, thậm chí có người đã ra đề thi liên quan đến những bình luận mà Obama đã đưa ra trước lớp. Việc ông trở thành chủ tịch da màu đầu tiên của tạp chí Harvard Law Review sau một cuộc bầu chọn căng thẳng thể hiện sự tôn trọng mà các sinh viên ngôi trường danh giá này dành cho ông. Thông tin này được đăng tải trên nhiều tờ báo, đánh dấu sự trỗi dậy của ngôi sao Obama.
Sau một năm học ở đây, Obama tới làm thêm tại một công ty luật ở Chicago và gặp Michelle Robinson. Hai người nhanh chóng có cảm tình với nhau một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, Jager vẫn chưa hoàn toàn ra khỏi đời ông, khi bà sau đó đến trường Harvard theo một chương trình trao đổi giảng viên.
Barack Obama và Michelle Robinson thời trẻ. Ảnh: Wikipedia
“Barack và Sheila vẫn tiếp tục gặp nhau trong năm học 1990-1991, bất chấp việc Barack đang có quan hệ ngày càng sâu đậm với Michelle”, Garrow viết. Sau khi kết hôn với bà Michelle, Obama vẫn thỉnh thoảng liên lạc với Jager qua thư từ hoặc các cuộc điện thoại.
Theo Washington Post, cuốn tiểu sử “Rising Star” của Garrow đã phần nào khắc họa được sự lựa chọn khó khăn của Obama trước tình cảm cá nhân và tham vọng chính trị, trước khi ông quyết định theo đuổi mục tiêu của đời mình và trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2008. “Để tôi luyện được ý chí sắt đá của bản thân, chiếc khuôn nung phải rỗng ở chính giữa”, Garrow kết luận về định mệnh của Obama.
Theo Trí Dũng (VnExpress)
Nhà Trắng cáo buộc Tổng thống Putin can thiệp vào bầu cử Mỹ
Nhà Trắng hôm qua 15/12 chính thức lên tiếng cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin có liên quan đến hoạt động tấn công mạng nhằm chi phối bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ben Rhodes. (Ảnh: Reuters)
Trả lời phỏng vấn đài MSNBC, cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ben Rhodes, nói rằng: "Tôi không nghĩ rằng những gì xảy ra trong chính phủ Nga mà Tổng thống Vladimir Putin không hề biết gì. Tất cả những gì chúng ta đã biết về cách nước Nga hoạt động và cách ông Putin kiểm soát chính phủ của mình, chúng ta thấy rằng, khi nói về một vụ tấn công mạng nghiêm trọng như thế, chúng tôi đang nói về những cấp độ cao nhất của chính phủ. Rốt cuộc, ông Vladimir Putin là quan chức chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động của chính phủ Nga".
Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng cáo buộc đích danh Tổng thống Putin có liên quan đến các vụ tấn công mạng nhằm can thiệp vào bầu cử tổng thống ở nước này. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest ngày 14/12 cũng cho rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump "rõ ràng đã biết trước" về việc Nga tấn công mạng nhằm hỗ trợ ông. Trước đó, đài NBC dẫn nguồn tin ngoại giao và tình báo giấu tên nói rằng, Tổng thống Putin đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch tấn công mạng này.
Cùng ngày, Reuters dẫn lời 3 quan chức giấu tên thân cận nguồn tin tình báo về vấn đề này nói rằng, mục đích ban đầu của các vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức và quan chức chính trị của Mỹ ban đầu "chỉ nhằm làm xói mòn niềm tin vào nền dân chủ Mỹ".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24 rằng, ông "điếng người" vì thông tin của NBC và cho rằng cáo buộc này "thật ngớ ngẩn, vô ích". Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói rằng những cáo buộc đó là "vô căn cứ".
Hồi tháng 10, chính phủ Mỹ từng cáo buộc Nga tấn công mạng nhằm vào các tổ chức chính trị của Mỹ khoảng 1 tháng trước cuộc bầu cử. Tổng thống Obama cũng cảnh báo người đồng cấp Putin về hậu quả nếu Washington phát hiện Moscow tấn công mạng để tìm cách can thiệp vào bầu cử tổng thống. Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Obama đã chỉ đạo các cơ quan tình báo xem xét lại toàn diện các cuộc tấn công mạng nhằm vào bầu cử. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, kết quả điều tra dù theo hướng nào cũng khó lòng thay đổi kết quả bầu cử.
Trong một diễn biến liên quan khác, theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Obama dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo khẩn vào chiều ngày 16/12 theo giờ địa phương (rạng sáng 17/12 theo giờ Việt Nam) giữa lúc có nhiều cáo buộc liên quan đến việc Nga bị nghi can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ.
Minh Phương
Theo Dantri
Bắc Kinh tính toán gì trong thời điểm bản lề chuyển giao quyền lực tại Mỹ? Khi Obama đang ở đỉnh cao quyền lực thì Tập Cận Bình luôn tìm cách để làm giảm đến mức tối thiểu giá trị những sản phẩm của Washington, song khi quyền lực của Obama ở buổi hoàng hôn thì Trung Nam Hải lại quyết khai thác giá trị những di sản của Obama để phục vụ cho mưu đồ chiến lược của...