Mọi thứ về thuốc bảo vệ thực vật thu gọn trong một chiếc smartphone
Chỉ cần dùng điện thoại thông minh, nông dân có thể tra cứu các loại thuốc bảo vệ thực vật mình đang dùng cho cây trồng, cách sử dụng sao cho hiệu quả.
Ngày 17/05/2019, tại Hà Nội, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH và Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức lễ công bố phầm mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động.
Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất đa dạng các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới, cung cấp số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Các sản phẩm nông nghiệp do Việt Nam sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu người Việt mà còn xuất khẩu sang 180 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng doanh thu hàng năm trên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, quá trình sản xuất còn tồn tại nhiều bất cập.
Lễ công bố phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật quốc gia.
Thuốc BVTV từ lâu đã được coi là yếu tố thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp. Do kiến thức hạn chế, nông dân đang sử dụng thuốc BVTV dựa trên thói quen hoặc làm theo hướng dẫn từ các đại lý bán thuốc tại địa phương trong khi những đại lý này không phải lúc nào cũng cung cấp những loại thuốc và chỉ dẫn đúng đắn, đầy đủ.
Nhận thấy người nông dân cần tiếp cận với các thông tin cần thiết về thuốc BVTV, IDH và Cục BVTV đã hợp tác xây dựng phần mềm tra cứu thuốc BVTV trên thiết bị di động. Ứng dụng có tên “Thuốc BVTV” được xây dựng với sự tư vấn chuyên sâu của các bên liên quan, trong đó có cả nông dân nhằm đảm bảo thiết kế nội dung và giao diện thuận tiện cho người sử dụng.
Phần mềm này có thể được tải dễ dàng từ kho dữ liệu trên Apple và Google, được sử dụng miễn phí, đầy đủ, chính xác và thuận tiện.
Video đang HOT
Phần mềm sẽ cung cấp cho nông dân thông tin về các loại thuốc BVTV đã đăng ký như loại thuốc nào dùng cho loại sâu bệnh gì hoặc loại cây trồng nào. Ngoài ra, nông dân cũng có thể tìm thấy các hướng dẫn sử dụng thuốc một cách chính xác cho các loại cây trồng như cà phê, chè và hạt tiêu. Từ tháng 5/2019, phần mềm và cơ sở dữ liệu sẽ được Cục BVTV chính thức quản lý và cập nhật thường xuyên đồng thời sẽ được nâng cấp liên tục dựa trên phản hồi của nông dân.
Người dân có thể tìm hiểu thông tin về các loại thuốc BVTV trong phần mềm do Cục BVTV cung cấp. Ảnh: I.T
Ông Nguyễn Quý Dương- Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: “Phần mềm này là minh chứng điển hình cho mô hình hợp tác công- tư. Sau lễ công bố này, chúng tôi sẽ tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm phổ biến phần mềm này tới càng nhiều nông dân càng tốt.”
Sau lễ công bố này, IDH và Cục BVTV sẽ tổ chức các lớp tập huấn sử dụng phần mềm cho các cán bộ liên quan của cả khối công, tư, các hiệp hội và công ty để sau này họ hướng dẫn lại cho nông dân.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng phòng bền vững, Công ty Simexco cho biết: “Tôi đã tải ứng dụng này và thấy ứng dụng rất hữu ích cho nông dân. Simexco sẽ sớm phổ biến ứng dụng này tới 6.000 nông dân trồng tiêu và cà phê của mình.”
Ông Huỳnh Tiến Dũng- Giám đốc quốc gia IDH Việt Nam nhấn mạnh: ” Sự ra đời của phần mềm này là kết quả của rất nhiều những nỗ lực hợp tác công- tư nhằm giải quyết việc sử dụng không đúng cách thuốc BVTV tại Việt Nam cũng như khuyến khích sản xuất và thương mại bền vững một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc BVTV chắc chắn sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị nông sản Việt trên thị trường quốc tế.”
Theo Danviet
Sơn La: Ngăn chặn dùng thuốc trừ cỏ ở đầu nguồn nước sinh hoạt
Tỉnh Sơn La vừa ban hành Chỉ thị 07/CT-UBND về việc tăng cường quản lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ tại các khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, vi phạm về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ngộ độc do thuốc BVTV vẫn xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La, đặc biệt là sử dụng thuốc BVTV ở các khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, năm 2017 đã xảy ra 461 vụ ngộ độc liên quan đến thuốc BVTV. Năm 2018, xảy ra 1 vụ tại huyện Mộc Châu làm 78 người bị ngộ độc do uống nước có thuốc trừ cỏ.
Để quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ tại các khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV.
Nhiều biện pháp thu dọn vệ sinh đầu nguồn nước được Sơn La triển khai.
Các ngành chức năng, đoàn thể hướng dẫn nông dân tuyệt đối không pha chế, sử dụng thuốc trừ cỏ tại các khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt; tổ chức thu gom bao gói thuốc BVTV để đúng nơi quy định. Hướng dẫn người dân tại các khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt làm cỏ để canh tác bằng các biện pháp khác, thay vì sử dụng thuốc trừ cỏ, đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm.
Các ngành, địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Tập trung chấn chỉnh, kiên quyết xử phạt, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khi có hành vi vi phạm. Kiên quyết đình chỉ, dừng hoạt động hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với những cơ sở không đủ điều kiện.
UBND tỉnh giao Sở Tài chính quản lý chặt chẽ việc kê khai giá, niêm yết giá phân bón, thuốc BVTV. Cục quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh phân bón, thuốc BVTV lưu thông trên thị trường theo quy định. Chú trọng kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm với hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi gian lận thương mại.
Bể chứa vỏ, lọ thuốc BVTV được chú trọng xây dựng, để tránh ô nhiễm nguồn nước và môi trường.
UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, thống kê khoanh vùng các khu vực phun thuốc trừ cỏ có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn giám sát mọi hoạt động, nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng thuốc trừ cỏ hoặc vứt bao bì tại các khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt. Tổ chức các hoạt động vào các tháng cao điểm thu gom bao bì thuốc BVTV. Bố trí kinh phí, địa điểm tập kết vỏ bao bì thuốc BVTV đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường. Tăng cường hướng dẫn xã, bản trong sử dụng thuốc BVTV.
Cần bố trí kinh phí, địa điểm tập kết vỏ bao bì thuốc BVTV đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường.
UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các phòng ban chuyên môn của huyện tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV với các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn quản lý theo quy định. Kiểm tra giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn quản lý, nhất là các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.
Đặc biệt, ngành chức năng, cấp quản lý quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa, bán hàng không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đúng bản chất hàng hóa. Kiên quyết tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa ngoài danh mục, hàng hóa không được phép sản xuất kinh doanh.
Các tổ chức chính trị xã hội đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia tuyên truyền thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về quản lý phân bón, thuốc BVTV, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất, bảo vệ tốt nguồn nước sinh hoạt không bị ô nhiễm bởi thuốc BVTV.
Theo Danviet
Khẩn trương phòng, chống bệnh đạo ôn cổ bông cho lúa Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, một số tỉnh đã xảy ra bệnh đạo ôn cổ bông với tỷ lệ lên tới 30% số bông bị bệnh. Tại thành phố Hà Nội, bệnh đạo ôn cổ bông đã xuất hiện tại một số huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn. Nông dân xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì)...