Mới thiện chí, chưa tin cậy
Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ và rất nhiều ngôn từ hoa mỹ đã được đưa ra tại trang trại ngập nắng Sunnylands. Tuy nhiên nhìn kỹ lại, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung lần này mới chỉ dừng lại ở thiện chí, chứ chưa tin tưởng lẫn nhau.
Nắng ấm ở Sunnylands chưa đủ hâm nóng quan hệ Mỹ – Trung khi đích thân hai nhà lãnh đạo thừa nhận giữa hai nước còn rất nhiều việc phải làm mới hy vọng nâng tầm quan hệ song phương lên cấp độ mới.
Cuộc gặp thượng đỉnh ở bang California giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống chủ nhà Barack Obama đã được “phủ đường” bởi những tuyên bố không thể ngoại giao hơn trong bối cảnh triển vọng quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới (về kinh tế hiện tại và quân sự trong tương lai) đang tồn tại không ít vướng mắc.
Video đang HOT
Chính vì thế, mặc dù cả Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilo đều khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung lần này “mang tính xây dựng và hướng về phía trước”, hai bên đã nhất trí “thành lập quan hệ kiểu mới” và “đồng thuận về nhiều vấn đề”, song nếu đối chiếu với những kết quả đạt được, có thể thấy rằng những đồng thuận, xây dựng hay tiến về phía trước đó chỉ là cách để hai bên che giấu những bất đồng trong những vấn đề quan trọng hơn và mang tính chiến lược hơn.
Cụ thể, sau hai ngày họp ở Sunnylands, ông Obama và ông Tập Cận Bình chỉ đạt được đồng thuận về vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chương trình hạt nhân Triều Tiên. Còn trong các vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương, an ninh mạng và cung cấp vũ khí cho lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), cả hai bên đều thể hiện thái độ chưa sẵn sàng.
Đây cũng là nhận định chung của giới chuyên gia và báo chí quốc tế, trong đó có tờ Độc lập của Nga và Thời báo New York của Mỹ.
Theo các tờ báo này, vấn đề dễ đạt được đồng thuận nhất giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung là hợp tác giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính,l ĩnh vực ít gây bất đồng nhất trong quan hệ hai nước xưa nay.
Khi bước sang vấn đề Triều Tiên, tuy hai bên cũng đạt được một số đồng thuận như cùng kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và nhất trí không công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, song điều đó không có nghĩa Mỹ – Trung đã đạt được thống nhất trong cách thức hành động.
Hiện tại, trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục trung thành với nguyên tắc giải quyết hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên bằng đối thọai và tham vấn, thì Washington lại muốn thúc ép Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí bằng viện trợ kinh tế và áp lực chính trị.
Mức độ bất đồng còn được thể hiện rõ hơn trong những vấn đề nền tảng và mang tính sống còn đối với hai nước, do không bên nào thể hiện thiện chí sẵn sàng nhượng bộ trong những vấn đề nóng, nhất là về cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương và vấn đề an ninh mạng.
Đơn cử, tại cuộc đối thoại, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thẳng thừng đề nghị Washington ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh đối với Hoa Đông và Biển Đông trên tinh thần giải quyết mọi tranh chấp bằng phương thức hòa bình.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã đáp lại bằng yêu cầu Trung Quốc phải hạ nhiệt căng thẳng với Nhật Bản về Senkaku/Điếu Ngư; giải quyết các xích mích thông qua đối thoại và lờ luôn chủ đề bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan, một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với Washington vì nếu nhượng bộ, Mỹ sẽ tự đánh mất lòng lòng tin ở các đồng minh châu Á và làm tan rã hệ thống đồng minh đã được Washington dày công tạo dựng lâu nay.
Trong vấn đề an ninh mạng cũng vậy. Trong khi ông Obama không ngần ngại nói rõ rằng các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp các bí mật thương mại và công nghệ quân sự của Mỹ bị nghi ngờ do Trung Quốc tiến hành sẽ là “vật cản” trong quan hệ hai nước và cũng là vấn đề “cực kỳ khó” giải quyết, thì ông Tập Cận Bình đáp lại rằng chính Trung Quốc “cũng là một nạn nhân của các cuộc tấn công mạng”.
Tất nhiên, trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung được hết sức mong đợi này, hai nhà lãnh đạo không phải là không đạt được những bước đi giúp kéo hai nước xích lại gần nhau. Điểm lớn nhất là hai bên đã nhất trí xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” gói gọn trong 3 cụm từ: “không xung đột, không đối đầu”, “tôn trọng lẫn nhau” và “hợp tác cùng có lợi”. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng củng cố hợp tác quốc phòng với việc Quốc phòng Trung Quốc sẽ thăm Mỹ trong năm nay và quân đội Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào năm 2014.
Mặc dù vậy, với việc đạt được nhất trí thì ít, bất đồng thì nhiều như vậy, triển vọng quan hệ Mỹ – Trung sẽ chưa thể có ngay các bước đột phá.
Cuộc gặp chỉ có thể được xem như một sự khởi đầu nhẹ nhàng và cần thiết cho hai nhà lãnh đạo đứng đầu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay; đồng thời giúp định hình tương lai quan hệ chiến lược giữa một “cường quốc lâu đời” và một “cường quốc đang lên” trên tinh thần thiện chí, nền tảng cốt lõi cho sự tin cậy lẫn nhau. Bởi suy cho cùng, xây dựng lòng tin là cả một quá trình chứ không phải chỉ một cuộc gặp thượng đỉnh là xong.
Theo Dantri