Mối nguy từ cột điện ‘chình ình’ giữa đường
Hàng chục cột điện án ngữ giữa đường Tô Hiệu trở thành hiểm họa đối với người tham gia giao thông trong khu vực.
Theo phản ánh của người dân sống dọc đường Tô Hiệu, quận Tân Phú (TP.HCM), dự án lấp kênh Hiệp Tân hoàn thành đã nhiều tháng qua, tuy nhiên nơi đây vẫn tồn tại những cột điện cũ “chình ình” giữa lòng đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Lo ngại tai nạngiao thông
Công trình lấp kênh Hiệp Tân nằm trong dự án cải tạo kênh Hiệp Tân dài khoảng 1,5 km nhằm tạo mặt bằng để làm đường Tô Hiệu rộng hơn. Tuy nhiên, sau khi cải tạo kênh này thì chính các cột điện trên tuyến đường lại chiếm diện tích mặt đường.
Ghi nhận của PV, dọc tuyến đường Tô Hiệu dài khoảng 1,5 km có khoảng 50-60 cột điện đứng án ngữ giữa đường và được đơn vị thi công rào lại bằng rào chắn và sơn đỏ để báo hiệu. Tại một số khu vực, nhiều cột điện nghiêng về phía nhà dân, số khác nghiêng ra phía giữa đường. Điểm chung của những cột điện này là dù nghiêng nhưng hiện đang phải gánh nhiều dây nhợ các loại.
“Từ khi lấp kênh Hiệp Tân, rất nhiều cột điện lộ ra giữa đường, chắn hết lối đi. Các cột điện này rất nguy hiểm, cản trở và có thể gây tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Mặt khác, dãy cột điện này còn làm ảnh hưởng đến mỹ quan của quận Tân Phú. Tôi đề nghị cơ quan nhà nước phải có biện pháp di dời ngay số cột điện này” – ông HĐT, người dân trên đường Tô Hiệu, bức xúc.
Theo ông T., đã có một số vụ va chạm giao thông do người điều khiển phương tiện tránh cột điện xảy ra ở đây.
Còn theo chị Đinh Thị Hoa (ngụ trên đường Thạch Lam), mặc dù cột điện đã được sơn màu đỏ, trắng để cảnh báo người đi đường nhưng nhiều người dân vẫn lo tai nạn giao thông xảy ra. Nhất là khi chiều, tối vì khó nhận diện cột điện nằm giữa làn đường giao thông. Đặc biệt, tình trạng cột điện nghiêng qua hai bên đường cũng gây nguy cơ xảy ra các tai nạn đáng tiếc về điện.
Cột điện “chình ình” dọc tuyến đường Tô Hiệu. Ảnh: THU TRINH
Video đang HOT
Chưa kịp đồng bộ
Liên quan đến việc xuất hiện hàng loạt cột điện giữa đường Tô Hiệu, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Tân Phú cho biết cuối tháng 11-2019, đơn vị đã bàn giao toàn bộ mặt bằng kênh Hiệp Tân cho các đơn vị có hạ tầng trên tuyến để thực hiện ngầm hóa và di dời toàn bộ trụ điện giữa lòng đường.
Theo đó, dự kiến ngành nước sẽ thi công vào cuối tháng 11-2019, thời gian thi công là 40 ngày. Ngành điện sẽ thi công vào đầu tháng 12-2019, thi công trong 180 ngày. Ngành viễn thông sẽ thi công vào đầu tháng 12-2019 và thi công trong 90 ngày.
Sau khi các đơn vị có hạ tầng kỹ thuật trên tuyến thực hiện xong phần ngầm hóa, tái bố trí hạ tầng kỹ thuật và di dời toàn bộ trụ điện giữa lòng đường, Ban quản lý sẽ tiếp tục thi công phần lát gạch vỉa hè, cây xanh và thảm bê tông nhựa lớp hai toàn tuyến trong vòng 60 ngày.
Trao đổi với PV, đại diện Công ty Điện lực Tân Phú cho biết việc nhiều trụ điện nằm giữa đường là do đang trong quá trình thực hiện đồng bộ giữa cải tạo kênh Hiệp Tân và ngầm hóa lưới điện. Do vậy, điện lực Tân Phú mới chỉ triển khai dời bớt một hàng trụ, bên phải đường theo hướng từ ngã tư Hòa Bình – Tô Hiệu xuống. Phía còn lại chờ thực hiện đồng bộ với công tác ngầm hóa, bởi nếu di dời luôn sẽ đòi hỏi chi phí rất lớn và sau đó lại ngầm hóa thì gây lãng phí. Công trình ngầm hóa cũng đã được Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Tân Phú khởi công và đang triển khai thi công.
Theo đại diện Công ty Điện lực Tân Phú, hiện đơn vị đã di dời một số trụ điện phía bên phải đường, hướng từ ngã tư Hòa Bình – Tô Hiệu xuống, ngày 8-1 đơn vị sẽ di dời xong hướng này. Phía còn lại UBND quận Tân Phú sẽ phối hợp với Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận phân phối lưới điện TP.HCM tiến hành di dời lưới điện đồng bộ với công tác ngầm hóa lưới điện (trong quý I-2020).
Dự án cải tạo kênh Hiệp Tân dài khoảng 1,5 km với tổng mức đầu tư 191 tỉ đồng. Thời gian thi công dự án từ năm 2016 đến 2019.
Quy mô đầu tư xây dựng cụ thể như sau: Lắp đặt cống hộp bê tông cốt thép thay thế kênh hở với tổng chiều dài khoảng 1257,2 m (từ đường Hòa Bình đến rạch Bàu Trâu) và cống ngang nối từ hố ga trên vỉa hè và đầu các hẻm, đường nhánh cống chính; xây dựng đường giao thông bên trên mặt cắt ngang; xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt hai bên tuyến; tái lập, thảm bê tông nhựa toàn bộ mặt đường theo hiện trạng đảm bảo; xây dựng bó vỉa bê tông đá và lát gạch Terazzo vỉa hè; xây dựng, lắp đặt hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến (cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, hào kỹ thuật…).
Dự án đang ngừng thi công do vướng mặt bằng hướng phần đất của Xí nghiệp Cầu Tre. Về phương án bồi thường, hiện quận Tân Phú đang chờ Sở Tài chính và hội đồng bồi thường thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường.
THU TRINH
Theo PLO
Hàng loạt cầu đường 'tắc tị' vì vướng mặt bằng
Dự án ba cây cầu nhằm giảm áp lực về giao thông trên nhiều tuyến đường huyết mạch ở quận 9 hiện đang nằm chờ mặt bằng khiến giao thông nơi đây ngày càng trở lên hỗn loạn.
Người dân quận 9, TP.HCM nhiều năm qua đang mong ngóng các dự án mở rộng đường, xây cầu sớm hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu giao thông tại đây. Tuy nhiên, hàng loạt cầu với mục đích giảm áp lực giao thông như Long Đại, Nam Lý, Tăng Long hiện đều phải tạm ngưng thi công vì thiếu mặt bằng, gây khó khăn cho người dân và các đơn vị thi công.
Công trình đình trệ
Đoạn đường gần cầu Tăng Long, phường Long Trường, quận 9 là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây bởi thường xuyên bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Nguyên nhân là do lưu lượng phương tiện đi lại quá đông nhưng đường lại nhỏ hẹp. Để di chuyển được qua cây cầu này, xe máy, ô tô phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ. Trước thực trạng trên, TP đã có chủ trương xây dựng cầu Tăng Long mới. Trong khi chờ cầu mới hoàn thiện, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đã xây dựng một cầu tạm để đảm bảo giao thông.
"Cầu được xây dựng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn nằm im, ùn tắc giao thông thì xảy ra triền miên. Nhiều lần tôi đã phải chạy qua đường khác để né nhưng ra đến đường Nguyễn Duy Trinh thì tình hình giao thông cũng không khá hơn" - chị Lý Thị Phương, một người dân ở đây than thở.
Tương tự, cầu Nam Lý nhằm thay thế Đập Rạch Chiếc bị xuống cấp nghiêm trọng hiện nay cũng đang phải gián đoạn vì vướng mặt bằng. Tình hình giao thông khu vực này cũng trở nên hỗn loạn bởi mặt đường bị bó hẹp, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Anh Nguyễn Quốc Đạt, người thường xuyên lưu thông qua đây cho biết khu vực này có nhiều xe quá tải chạy qua trong khi cầu cống Đập Rạch Chiếc hiện không đảm bảo tải trọng. Từ khi thi công dự án, mặt đường bị thu hẹp nhưng tình trạng xe vượt quá tải trọng di chuyển quá nhiều còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Một cây cầu khác là cầu Long Đại nối phường Long Phước với Long Bình được khởi công từ năm 2017 song cũng đành phải ngưng thi công vì vướng mặt bằng từ tháng 12-2018. Mặc dù hai nhịp cầu ở Long Bình và Long Phước đã xong nhưng đến nay đều chưa có đường dẫn.
Khu vực cầu Tăng Long thường xuyên bị kẹt xe. Ảnh: ĐÀO TRANG
Bài toán GPMB không có đáp án
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cho biết công trình cầu Tăng Long khởi công từ tháng 12-2017, hiện đang tạm dừng. Hiện khối lượng thi công đạt khoảng 30% khối lượng công trình. Ban đầu phương án thi công là hoàn thành và tổ chức thông xe nhánh cầu trái, sau đó tháo dỡ cầu hiện hữu và thi công nhánh cầu phải. "Dự kiến sau khi được quận 9 bàn giao mặt bằng đầy đủ, phía phường Trường Thạnh và phường Long Trường sẽ hoàn thành nhánh cầu trái trong sáu tháng, hoàn thành nhánh cầu phải trong chín tháng" - ông Ninh nói.
Ông Ninh chia sẻ thêm khó khăn lớn nhất của dự án này là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Tổng số 35 trường hợp cần phải giải tỏa tại phường Long Trường và phường Trường Thạnh nhưng cũng đều bị ách lại bởi đơn giá bồi thường về đất của dự án chưa được phê duyệt.
Còn tại dự án cầu Nam Lý, được khởi công từ tháng 10-2016 nhưng hiện nay công trình mới triển khai thi công trên phạm vi có mặt bằng, đạt khoảng 40% khối lượng. "Dự kiến sau khi được bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại, đơn vị sẽ thi công hoàn thành trong 12 tháng. Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình thực hiện là công tác bồi thường GPMB với 48 trường hợp cần giải tỏa. Do có khó khăn trong công tác thẩm định đơn giá đất nên đến nay quận 9 vẫn chưa xây dựng xong đơn giá bồi thường về đất để trình duyệt" - ông Ninh cho biết.
Đối với hai dự án lớn trên, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 trước đây và Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông hiện nay đã tích cực phối hợp làm việc với quận 9 trong công tác GPMB. Chủ đầu tư đã có nhiều văn bản đề nghị quận 9 chỉ đạo và Ban Bồi thường GPMB quận đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường GPMB, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm hoàn thiện dự án.
Tại dự án cầu Long Đại, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng khu vực quận 9 cho biết hiện nay cầu Long Đại cũng đang phải ngưng thi công vì thiếu mặt bằng. Hiện công trình đã thực hiện được 55% khối lượng. "Vướng đơn giá bồi thường là tình cảnh chung của các dự án hiện nay, tất cả phải chờ quyết định của TP. Chỉ khi TP phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và hệ số điều chỉnh đơn giá bán nền tái định cư thì quận 9 sẽ duyệt phương án bồi thường. Sau đó mới có quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường và chi trả tiền cho các hộ dân để có mặt bằng thi công" - vị đại diện cho biết.
Đại diện Ban Bồi thường GPMB quận 9 cho biết tại các công trình đơn vị đã thực hiện công tác kiểm đếm và xét nguồn gốc đất. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các công trình trên địa bàn là do liên quan đến việc thẩm định giá. Trước khó khăn trên, quận đã mời đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan hỗ trợ về pháp luật để cung cấp thông tin cho đơn vị tư vấn giải quyết được vướng mắc và chuẩn bị lại đơn giá T2 trình Sở TN&MT.
Ban QLDA đã kiến nghị quận 9 sớm trình duyệt đơn giá bồi thường đất để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đồng thời kiến nghị Hội đồng thẩm định giá đất TP sớm thẩm định và trình TP phê duyệt giá đất bồi thường để Ban Bồi thường GPMB quận 9 có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
ĐÀO TRANG
Theo PLO
580 tỷ đồng xây cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt Sáng nay, 8/10, UBND TP Hà Nội đã khởi công xây dựng cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt. Dự án sẽ do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm đại diện chủ đầu tư. Theo Ban QLDA, Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt- Nguyễn...