Mỗi người dân đang gánh 29 triệu đồng nợ công
Theo số liệu thống kê, mỗi người dân của Việt Nam hiện đang phải gánh 29 triệu tiền nợ công.
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương hôm 11/4, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo nợ công 2016 của Việt Nam sẽ tăng từ 63,8% lên 64,4% GDP vào năm tới và lên 64,7% GDP vào 2018.
Theo thống kê, năm 2015, tổng sản phẩm GDP của Việt Nam đạt hơn 188 tỉ USD (tương đương 4.192.900 tỉ đồng), tỷ lệ nợ công 63,8% GDP tương đương 120 tỉ USD (khoảng 2.675.070 tỉ đồng). Chia trung bình 90 triệu dân, mỗi người Việt đang phải gánh khoản nợ công gần 29 triệu đồng. Đây là con số nợ công cao nhất từ trước đến nay.
Số liệu này cho thấy nợ công của Việt Nam hiện đang gia tăng khá nhanh. Sau 2 năm con số nợ công của Việt Nam đã tăng 16,1 tỉ USD (hơn 358.905 tỉ đồng). Nếu tính mốc từ năm 2010, sau 6 năm, con số nợ công của Việt Nam đã tăng thêm 49,4 tỉ USD (khoảng 1.101.237 tỉ đồng) từ 45,39 tỉ USD (khoảng 1.011.845 tỉ đồng) năm 2010.
Theo thống kê, số nợ công mà mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh đạt gần 29 triệu/người, mức cao nhất từ trước đến nay.
Vào tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra con số nợ công của Việt Nam năm 2014 đã là 110 tỉ USD (tương đương 2.350.000 tỉ đồng). Tức mỗi người dân Việt Nam gánh khoảng hơn 24 triệu đồng/người.
Trong đó, nợ của Chính phủ dành cho các mục đích đầu tư từ các tổ chức quốc tế, các chính phủ là 79,6%; nợ của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước (do Chính phủ bảo lãnh) khoảng 19% và nợ của chính quyền địa phương là 1,4%.
Dù mức nợ công mà mỗi người dân phải trả đang ở ngưỡng cao nhất từ trước đến nay, nhưng mới đây ban quản lý dự án 1 và ban quản lý dự án 7 vẫn đề xuất lên Bộ GTVT việc sử dụng vốn vay ODA của Nhật để xây dựng công trình đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và cầu Mỹ Thuận 2.
Cụ thể, Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài 66 km bắt đầu từ huyện Tân Phú và kết thúc tại Km126 TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng sẽ dựng theo quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, trong đó giai đoạn I phân kỳ với chiều rộng nền đường 17 m.
Dự kiến, tổng mức đầu tư Dự án là 17.231 tỉ đồng, trong đó vay vốn ODA Nhật Bản với giá trị khoảng 14.359 tỉ đồng, phần còn lại trị giá 2.872 tỉ đồng là vốn đối ứng của Việt Nam.
Video đang HOT
Tương tự, Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, có tổng chiều dài 4,05 km với điểm đầu tại điểm giao giữa quốc lộ 1 và đường dẫn cầu Mỹ Thuận hiện tại thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang; điểm cuối tại đầu tỉnh Vĩnh Long cũng được ban quản lý dự án 7 đề xuất lên Bộ GTVT sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 25 tỉ yên, tương đương 4.545 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản là 20 tỉ yên, phần còn lại sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ.
Theo Danviet
Bộ trưởng Tài chính: "Dùng định mức chi tiêu để ép gọn bộ máy"
"Tới đây tôi sẽ đẩy mạnh hơn vấn đề khoán cho các địa phương khi xây dựng định mức chi thường xuyên. Chúng ta lâu nay nghĩ đến thu gọn bộ máy mà có làm được đâu. Phải đưa tiêu chí này vào, dùng định mức chi tiêu để ép gọn bộ máy về số lượng". Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Thưa Bộ trưởng, ông nhớ nhất điều gì trong thời gian điều hành vừa qua?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Có rất nhiều điều đáng nhớ như thu chi ngân sách nhà nước năm 2013, 2015 là những năm khó khăn; những vướng mắc khi cải cách thủ tục về thuế, hải quan; hay những lần bàn để điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu, và dịch vụ.
Tuy nhiên, tôi muốn nói với bạn về sự cố ngày 13 và 14-5-2014. Hôm đó, lợi dụng việc người dân biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta, một số kẻ quá khích đã đập phá tài sản của doanh nghiệp FDI, gây tổn hại tới uy tín của Việt Nam trước các nhà đầu tư nước ngoài.
Tôi nhớ hôm đó là thứ Sáu, trước tình thế này tôi cấp tốc lên gặp Thủ tướng, nói với Thủ tướng rằng chúng ta phải hành động ngay và đề nghị cho tôi 1-2 ngày để nghiên cứu, chuẩn bị các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Một ngày sau, chiều Chủ nhật, chúng tôi đã trình Chính phủ 10 giải pháp xử lý tình huống và đã được Thủ tướng chấp thuận, phê duyệt ngay. Sau đó, chính các lực lượng của ngành tài chính lại thực hiện những giải pháp này. Đến nay, các doanh nghiệp bị thiệt hại đã nhận được các hỗ trợ từ các chính sách thuế, hải quan, và tiền bảo hiểm đền bù theo các hợp đồng đã ký. Từ đó đã khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam và họ đã yên tâm tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Thế đâu là bước đột phá?
- Điều đầu tiên tôi quan tâm khi về bộ là cải cách thể chế. Chuyện ngân sách thì lúc nào cũng phải lo rồi, nhưng để giải quyết căn cơ thì phải từ thể chế. Điều quan trọng là làm sao tháo gỡ khó khăn cho sản xuất phát triển vì nguồn thu phải là từ sản xuất mới ổn định.
Tôi rất ủng hộ việc Chính phủ ra Nghị quyết 19 cải thiện môi trường kinh doanh. Có những vấn đề thâm căn cố đế bao nhiêu năm nay cần phải thay đổi. Tôi nói với các cán bộ thuế, chúng ta phải vượt qua chính mình vì chính chúng ta đẻ ra thông tư, nghị định, và kể cả luật làm vướng chân doanh nghiệp. Điều đó một phần do vấn đề tư duy, một phần vì vấn đề lợi ích, mà nay chúng tôi phá bỏ được.
Ông có bị phản ứng từ các cán bộ thuế và hải quan không, vì rõ ràng cải cách thì cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của họ?
- Chủ trương của chúng tôi trong ngành thuế, hải quan là cải cách thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa như khai báo nộp thuế, thông quan điện tử để giảm tình trạng doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp cán bộ, giảm nhũng nhiễu, giảm tệ hành chính.
Tất nhiên cải cách nào mà không gặp phản ứng. Nhưng lãnh đạo bộ đã thuyết phục anh em, vì lợi ích quốc gia chúng ta không thể làm khác được. Và tôi nói thẳng, ai không làm được thì phải đứng ra một bên. Tinh thần chung bây giờ là tốt hơn nhiều và kết quả đã rõ. Còn trong quá trình đó không thể tránh tình trạng con sâu làm rầu nồi canh, những cá nhân lợi dụng để trục lợi thì phải được xử lý theo quy định pháp luật.
Ông phải giữ cán cân thu - chi. Đầu nào ông thấy áp lực nặng hơn?
- Về thu, thứ nhất, tốc độ tăng thu vừa rồi tăng cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng thu truyền thống. Lấy tốc độ lạm phát cộng với tốc độ tăng trưởng thì ra tốc độ tăng thu truyền thống, nhưng 2-3 năm gần đây thì tốc độ tăng thu tăng gấp đôi. Tôi nói thế để thấy dư địa thu vẫn còn, và không có hàm ý là ép thu để doanh nghiệp chết.
Thứ hai là chính sách tài chính phải kích thích được sản xuất, khơi thông được nguồn lực. Ví dụ, chỉ một mét vuông đất, nếu anh đấu giá trước khi đầu tư cơ sở hạ tầng thì chỉ bán được 5 triệu đồng, nhưng khi anh đầu tư cơ sở hạ tầng rồi thì anh bán được 15 triệu đồng. Nguồn lực là ở đó chứ. Nhà nước phải thu cái đó, chứ không để rơi vào túi của cá nhân nào đó. Lâu nay tôi rất trăn trở việc này.
Về chi thì luật pháp của mình đã phân cấp. Địa phương có hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân quyết định dự toán chi, các định mức chi không khác gì trung ương. Họ có thẩm quyền phân bổ ngân sách và giám sát chi tiêu. Trách nhiệm của họ là rất rõ ràng. Chính quyền địa phương cũng được thu phí và lệ phí cơ mà. Vậy họ phải có trách nhiệm.
Tới đây tôi sẽ đẩy mạnh hơn vấn đề khoán cho các địa phương khi xây dựng định mức chi thường xuyên. Chúng ta lâu nay nghĩ đến thu gọn bộ máy mà có làm được đâu. Phải đưa tiêu chí này vào, dùng định mức chi tiêu để ép gọn bộ máy về số lượng.
Cá nhân ông nghĩ thế nào khi chi thường xuyên cho bộ máy chiếm tới gần 70% chi ngân sách, tức phần lớn là chi để ăn?
- Đây là điều hết sức bất cập, nhưng nhìn lại tôi thấy có những lý do của nó. Trong những năm qua, đặc biệt là từ 2011-2013, kinh tế nước ta rất khó khăn, do vậy thu ngân sách cũng rất khó khăn. Trung ương có chủ trương, Quốc hội ra nghị quyết giảm chỉ tiêu tăng trưởng từ 7- 7,5% xuống còn 6,5-7%. Vấn đề là các chỉ tiêu khác không điều chỉnh, thậm chí còn tăng lên, nhất là chi cho an sinh xã hội để đảm bảo đời sống nhân dân. Điều này đã làm méo mó dự toán chi, đẩy chi thường xuyên lên cao lên tới 68-70% chi ngân sách, dù quy mô thu đã tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010, và gấp 5 lần giai đoạn 2001-2005.
Ông xử lý vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ, dù muốn giảm tỷ lệ chi thường xuyên xuống thì vẫn không thể cắt chi an sinh xã hội đi được. Vì thế, cùng với việc rà soát các chính sách thu ngân sách, tăng cường các cơ sở thu để tăng quy mô thu ngân sách phù hợp quy mô tăng trưởng kinh tế, thực hiện các khoản chi thường xuyên đảm bảo hiệu quả, thì phải đổi mới phương thức quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng tôi tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phí, lệ phí; tham mưu cho Chính phủ ra Nghị định 16 về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Tới đây, khi các cơ sở y tế, giáo dục tự trang trải được thì ngân sách không cấp trực tiếp để nuôi bộ máy như hiện nay nữa mà cấp cho đối tượng thụ hưởng, cơ cấu chi thường xuyên trong chi ngân sách sẽ giảm dần đi.
Đây là những vấn đề rất hệ trọng, buộc phải có quyết sách như thế. Ngân sách chuyển từ chi cho bộ máy sang chi hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng, cho an sinh xã hội, còn bộ máy phải tự làm lấy mà trang trải.
Bộ trưởng bị chất vấn nhiều về nợ công, ông nghĩ như thế nào về điều này?
- Nợ công là vấn đề đại sự. Bội chi ngân sách, nợ công là những vấn đề tác động trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia. Khi bàn về Nghị quyết (Đại hội Đảng 12), tôi muốn đưa nợ công vào trong nghị quyết đại hội chứ không chỉ bội chi.
Mất một năm sau khi về bộ, sau khi nắm bắt lại tình hình, tôi chủ trương minh bạch nợ công để mọi người phải có trách nhiệm. Đây là câu chuyện không chỉ của một mình Bộ trưởng Tài chính. Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết Quốc hội như thế nào thì ra nợ công thế, ra bội chi vậy. Nhưng phải công tâm, nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, không có nợ công tăng nhanh thế thì chúng ta không thể có hệ thống đường sá giao thông, bệnh viện, trường học và bộ mặt nông thôn được cải thiện tốt như vậy. Dù sao, nợ công bây giờ phải quản lý chặt chẽ và hiệu quả. Vì thế, phải mất một năm chúng tôi mới làm được Chỉ thị 02 của Thủ tướng về tăng cường quản lý nợ công, trong đó có nhiều nội hàm như tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành; tăng cường vay về cho vay lại.
Nhưng theo góc nhìn của nhiều phía, thì Bộ trưởng Tài chính chịu trách nhiệm chính?
- Đúng vậy, nhưng cần nhìn thẳng vào sự thật là trong thể chế của mình thì không hẳn vậy!
Vì thế cần quy trách nhiệm rõ ràng, nghiêm minh cho những người có quyền chi tiêu ngân sách?
- Đúng vậy! Kiểu gì chúng tôi cũng phải làm theo hướng đó. Ví dụ, trước thì ODA là cấp phát, do vậy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn chưa rõ ràng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời dồn trách nhiệm trả nợ về ngân sách trung ương. Bây giờ chúng tôi ra cơ chế vay về cho vay lại gắn với tỷ lệ phù hợp cho từng dự án, từng địa phương trong quan hệ phân cấp ngân sách trung ương, ngân sách địa phương. Các địa phương, các chủ dự án phải có trách nhiệm thu hồi vốn, bố trí ngân sách địa phương để hoàn trả. Vì thế, họ cần tính toán kỹ hiệu quả kinh tế của dự án trước khi quyết định vay hay không vay để đầu tư. Điều này đảm bảo hiệu quả của vốn vay, và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Vì vậy, có nơi không còn dám vay ODA nữa.
Theo Tư Giang (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Địa phương phải tự trả nợ: Cảnh báo đỏ Như người ta nói "sự ngon miệng đến trong bữa ăn"... do đó sẽ có nhiều tình huống có thể sẽ được bàn trong tương lai. PV:- Thông tin từ Bộ Tài chính mới đây cho biết, sẽ tăng cường cơ chế cho vay lại, địa phương nhận các khoản vay ODA thì đồng thời phải có trách nhiệm thu xếp ngân sách...