Mỗi ngày, Việt Nam có 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 phụ nữ mỗi năm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, mỗi ngày có 12 trường hợp mắc mới và có 7 ca tử vong.
Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung cao
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ung thư cổ tử cung tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong đối với phụ nữ. Nhiễm HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 phụ nữ mỗi năm trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung sẽ tăng lên 443.000 người vào năm 2030, nhiều hơn gấp đôi số ca tử vong do các biến chứng liên quan đến thai kỳ.
Tại Việt Nam, hiện các chi phí liên quan tới tiêm vaccine HPV vẫn chưa được BHYT chi trả. (Ảnh minh họa: KT)
Tại Việt Nam, theo thống kê về số ca ung thư cổ tử cung được thực hiện năm 2018, mỗi ngày có 12 trường hợp mắc mới và có 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung, cao gấp 2-3 lần số ca tử vong do các biến chứng liên quan tới thời kỳ thai sản.
Theo các chuyên gia y tế, ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa và điều trị nếu được phát hiện sớm và được xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, hiện chi phí toàn cầu để chữa trị ung thư cổ tử cung cao, dự kiến lên 4,7 tỷ USD/năm vào năm 2030.
Vaccine HPV chưa được BHYT chi trả
Video đang HOT
Theo TS Nguyễn Minh Hằng – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện các chi phí liên quan tới tiêm vaccine HPV và xét nghiệm sàng lọc sớm về ung thư cổ tử cung vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
Được biết, hiện vaccine HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung vẫn chưa được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vaccine này được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ, với mức giá hơn 50 USD/liều. Vì vậy, việc tiếp cận với vaccine này vẫn còn khó khăn với đa số đối tượng.
Vừa qua, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Merck Sharp & Dohme châu Á tại Việt Nam ký hợp tác kỹ thuật nhằm hỗ trợ Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm chủng HPV tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021, với tổng ngân sách 400.000 USD. Chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng lộ trình quốc gia về tiêm chủng vaccine HPV tại Việt Nam và sẽ được triển khai ở 5 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Tháp, trong đó ưu tiên cho độ tuổi 9-26.
Theo bà Astrid Bant – Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, nếu kết hợp tốt giữa việc đảm bảo cung cấp đủ các liều vaccine HPV cho trẻ em gái vị thành niên và cung cấp đầy đủ các dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung, đồng thời áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, Việt Nam hoàn toàn có thể loại bỏ ung thư cổ tử cung.
Dự kiến, UNFPA, UNICEF, WHO và các nhà sản xuất vaccine sẽ thống nhất chương trình hỗ trợ cho Việt Nam để cung ứng vaccine HPV trong chương trình tiêm chủng quốc gia với giá bằng 1/10 giá vaccine dịch vụ trong thời gian 5 năm (2021-2025). Đây là một cơ hội rất tốt để có thêm nhiều người dân Việt Nam tiếp cận được với vaccine HPV, góp phần kiểm soát bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ./.
Theo VOV.VN
Những thời điểm nên tiêm vắc xin HPV
Vắc xin HPV giúp ngăn chặn nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và một số bệnh đường sinh dục do vi rút HPV. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các chỉ định để tiêm chủng đạt hiệu quả tốt nhất.
Tiêm vắc xin HPV cho trẻ 9 - 14 tuổi sẽ có hiệu quả cao nhất - ẢNH: SHUTTERSTOCK
HPV thuộc nhóm vi rút rất phổ biến
Theo Hội Y học dự phòng VN, Human papillomavirus (HPV) là nhóm vi rút rất phổ biến trên thế giới. Các nhà khoa học hiện đã phân lập được trên 100 týp vi rút này, trong đó có các týp (16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 68, 73 và 82) gây ung thư (UT): cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, hoặc vùng hầu họng (bao gồm mặt sau của cổ họng, đáy lưỡi và amiđan). Đáng lưu ý, týp 16, 18 là hai loại thường gặp nhất liên quan đến khoảng 70% trường hợp UT cổ tử cung ở nữ giới.
PGS-TS Nguyễn Thị Thi Thơ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Hà Nội), cho biết hiện nay có 3 loại vắc xin HPV: HPV 2 týp, 4 týp và 9 týp. Cả ba đều phòng được UT cổ tử cung; riêng vắc xin 9 týp phòng được những bệnh UT khác như: UT hậu môn, âm đạo, âm hộ và mụn cóc sinh dục. Chỉ định của 3 loại vắc xin này gần như tương tự nhau cùng cho những người 9 - 26 tuổi.
Ai nên tiêm vắc xin HPV?
Trước các thắc mắc của nhiều gia đình như: "Tiêm sớm nhất ở tuổi nào?", "Vì sao còn bé chưa biết gì mà đã tiêm?", "Có phải chờ con có kinh nguyệt mới tiêm không?"... Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc (công tác tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ, TP.HCM) cho hay, tiêm chủng trước khi nhiễm vi rút HPV thì hiệu quả bảo vệ được tốt nhất. Vi rút HPV không chỉ lây khi đã quan hệ tình dục mà có thể lây ngay khi có tiếp xúc sinh dục, do đó để phòng nhiễm vi rút hiệu quả thì tiêm sớm, chứ không phải chờ cho đến khi đã có quan hệ tình dục mới tiêm.
"Tiêm vắc xin HPV cho các trẻ 9 - 14 tuổi đáp ứng miễn dịch tốt nhất vì tuổi này chưa có quan hệ tình dục nên phơi nhiễm với HPV rất thấp, do đó tiêm chủng cho hiệu quả cao nhất. Trẻ gái hoàn toàn có thể tiêm theo lứa tuổi được chỉ định mà không chờ đến giai đoạn có kinh nguyệt", bác sĩ Nguyễn Thị Cúc tư vấn.
Vẫn có thể tiêm dù từng nhiễm HPV
Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc chia sẻ, mặc dù tiêm tốt nhất trước khi có nguy cơ nhiễm HPV nhưng ngay cả khi từng nhiễm HPV rồi vẫn có thể tiêm vắc xin được vì vi rút dễ tái nhiễm sau khi cơ thể đã đào thải. Khi nhiễm rồi nó ngủ lại, và sẽ tăng tác hại của vi rút này khi miễn dịch của cơ thể yếu đi. Trong khi miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm thì vắc xin lại có thể bảo vệ.
"Bên cạnh đó, HPV có nhiều týp khác nhau. Việc bạn đã từng bị nhiễm một týp HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc xin để được bảo vệ tránh lây nhiễm những týp HPV khác", bác sĩ Cúc lưu ý.
Phản ứng sau tiêm vắc xin HPV
Các chuyên gia khuyên trước tiêm chủng cần được khám sàng lọc tư vấn. Các trường hợp mắc bệnh cấp tính, đang ốm sốt hoặc một số bệnh lý chống chỉ định, có dị ứng với thành phần trong vắc xin sẽ được bác sĩ khám và tư vấn phù hợp.
Sau tiêm vắc xin HPV, có thể sốt, sưng đỏ đau tại vị trí tiêm. Nếu sưng đỏ thì có thể chườm mát, khó chịu hơn có thể dùng thuốc giảm sốt giảm đau. Một số người có thể mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn nhưng ít gặp và cũng mau qua.
"Tiêm vắc xin HPV cho người trong lứa tuổi được chỉ định (9 - 26 tuổi) mà không phụ thuộc vào đã có hay chưa quan hệ tình dục, nhưng tốt nhất tiêm cho trẻ từ 9 - 14 tuổi. Những người đã nhiễm HPV, đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vắc xin HPV. Vắc xin HPV không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay tình dục. Hiện tại, vắc xin này có chỉ định tiêm 3 mũi trong 4 - 6 tháng."
PGS-TS Nguyễn Thị Thi Thơ (Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Hà Nội)
Theo Thanh niên
Biện pháp hiệu quả, tiết kiệm và an toàn để dự phòng ung thư cổ tử cung Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là loại ung thư mà phụ nữ thường gặp phải, đứng thứ 4 trên thế giới sau ung thư vú. Tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 7 người tử vong vì căn bệnh này. Shutterstock Ung thư cổ tử cung là gì? Cổ tử cung là một phần của cơ quan sinh dục nữ, tiếp nối...