Mỗi ngày TP.HCM đóng góp cho Trung ương gần 1.000 tỷ đồng
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ tiêu mà Trung ương giao cho thành phố trong năm 2017 đóng góp cho ngân sách là 347 ngàn tỷ đồng và dự kiến năm 2018 là khoảng 360 ngàn tỷ đồng. Như vậy, tính bình quân mỗi ngày thành phố đóng góp gần 1.000 tỷ đồng cho ngân sách quốc gia.
Chiều 6.11, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi gặp gỡ với một số tổng biên tập các báo, đài Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn thành phố. Buổi gặp gỡ nhằm mục đích để các báo, đài chia sẻ và đồng hành cùng thành phố trong việc tuyên truyền có hiệu quả các chính sách xây dựng thành phố ngày càng phát triển.
Chia sẻ tại buổi gặp, ông Phong cho biết mỗi năm thành phố đóng góp cho ngân sách quốc gia khoảng 28,7% GDP. “Tuy nhiên, nguy cơ khó hoàn thành chỉ tiêu đang hiển hiện trước mắt nếu thành phố không được hỗ trợ để tháo gỡ các nút thắt đang gây cản trở cho địa phương”, ông Phong cho hay.
Theo ông Phong, kinh tế thành phố từ 2006-2010 tăng trưởng ổn định, bắt đầu từ 2010-2015 thì tăng chậm. Như năm 2017 đề ra chỉ tiêu tăng 8,4%, nhưng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 7,975, với ba tháng còn lại thì phải phấn đấu tăng trưởng trên 9% may ra mới hoàn thành chỉ tiêu.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ Tổng biên tập các báo, đài. Ảnh: Hồ Văn
Việc tăng trưởng chậm theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong là do có những thách thức mà thành phố đang gặp phải, nếu không giải quyết thì tăng trưởng tiếp tục đi xuống. Ví dụ như giao thông ách tắc, mà giao thông hay hạ tầng ách tắc thì chắc chắn ảnh hưởng đến kinh tế; rồi ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng.
Video đang HOT
“Các năm trước, ngân sách thành phố được giữ lại trên 30%, nhưng nay Trung ương cắt giảm xuống còn 18% thì ảnh hưởng lớn vì quy mô kinh tế khi đầu tư cho nhiều hạng mục, chính sách ít đi. Tôi lấy ví dụ, các dự án đầu tư theo dạng BOT, BT, PPP, ODA… thì thành phố cũng phải ứng vốn. TP.HCM lâu nay bỏ ra 1 đồng đưa vào đầu tư thì thu hút được 13, 14 đồng. Nay 18% giữ lại thì nguồn lực đầu tư giảm, ảnh hưởng đến kinh tế dữ lắm”, Ông Phong giãi bày.
Cũng theo ông Phong, để thành phố phát triển thì Trung ương cần cho thành phố cơ chế riêng, cho thành phố thí điểm những chính sách mới… có như vậy mới tháo gỡ được các nút thắt để thành phố phát triển mạnh, đóng góp ngân sách ngày càng lớn cho Trung ương.
Theo Danviet
Chủ tịch TP.HCM: "Không được cử người đi họp thay, bệnh thì nghỉ"
"Không cử người đi họp thay, đây là phiên họp thành viên Ủy ban, đồng chí nào bệnh thì thôi. Họp thay về đâu triển khai được, mà cũng phải báo cáo lại thủ trưởng cơ quan", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã lên tiếng chấn chỉnh tại cuộc họp UBND TP.HCM sáng nay (28.7).
Sáng nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Hồ Văn)
Kết luận và chỉ đạo tại phiên họp, ông Phong lưu ý: "Cải cách hành chính hiện nay cần các cơ quan, ban ngành hết sức lưu ý. Ban Thi đua khen thưởng tăng cường giám sát, đơn vị nào hoàn thành không quá 80% thì cắt thi đua, coi như người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ".
Cũng theo ông Phong, tại một số đơn vị còn tồn tại rất nhiều vấn đề về công tác hành chính. Vì thế phải xem lại công tác quản lý người đứng đầu, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ để xem xét cắt thi đua hay hạ thi đua. Ông còn phê bình tình trạng phối hợp giữa các ngành rất yếu: "Tôi không liệt kê được, nhưng nhiều cơ quan, ban ngành phối hợp yếu, không đồng bộ... Làm như vậy là mất niềm tin với cấp dưới, với người dân".
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Hồ Văn)
Ông Phong cũng phê bình Cục Thống kê khi không tính được chỉ số cụ thể của 9 nhóm ngành dịch vụ: "Các ngành đều có đầy đủ số liệu mà không làm được thì không hoàn thành nhiệm vụ. Đừng lý do gì hết, không thuyết phục được tôi đâu".
Đánh giá về thị trường bán lẻ của TP.HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Công Thương nên chú ý tổ chức chương trình bán lẻ. "Hiện có khoảng 20 tập đoàn bán lẻ toàn cầu tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam, sức cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó thị trường bán lẻ của thành phố thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu chiến lược dài hạn, công tác dự báo kém, yếu về năng lực tài chính, dịch vụ hậu cần. Theo định hướng, TP.HCM là trung tâm mua sắm của cả khu vực, nhưng phải tính đến việc du khách đến đây thì họ ăn gì, mua gì để họ thích mới lưu trú lại, chứ đến nghỉ lại sáng đi thì thua", ông Phong trăn trở.
Cũng nhắc nhở các thủ trưởng đầu ngành, ông Phong dứt khoát: "Những cuộc họp như hôm nay các đồng chí không cử người đi họp thay, đây là phiên họp của Ủy ban, nếu bệnh thì thôi, không có chuyện họp thay".
Cũng tại phiên họp, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP - cho biết, tình trạng vi phạm về xây dựng tại huyện Bình Chánh đang rất nóng, xây dựng trái phép, lấn đất nông nghiệp để xây dựng tràn lan. "Theo quy hoạch 3.000ha đất nông nghiệp, trồng lúa, nhưng hiện không được sử dụng nên người dân cứ lấn chiếm xây nhà hay các công trình khác", ông Tuyến nói. Trước đó, Sở Xây dựng báo cáo hiện trạng xây dựng trái phép hiện đang nóng ở Củ Chi, Cần Giờ (riêng Bình Chánh vẫn là điểm nóng từ xưa đến nay - NV) vì tình trạng sốt đất.
Sở KH-ĐT báo cáo tình hình KT-XH 7 tháng đầu năm. (Ảnh: Hồ Văn)
Theo báo cáo, 7 tháng đầu năm tổng thu ngân sách ước tính là 201.952 tỷ đồng, đạt 58,05%, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chí ngân sách địa phương 25.590 tỷ đồng, đạt 36,22%, tăng 1,63% so với cùng kỳ.
Thành phố đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ về giống, áp dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật. Đặc biệt, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan, cây kiểng, rau an toàn, giống thịt bò, nâng cao chất lượng đàn bò sữa... Qua đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 7 tháng đầu năm ước đạt 6.511 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ (5,9%). Nông nghiệp thành phố tiếp tục tập trung chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả.
Theo Danviet
Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn: Gỡ 3 điểm nghẽn trong nông nghiệp Sáng nay, 31.10, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về báo cáo kinh tế - xã hội. ĐBQH Lại Xuân Môn - Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (đoàn ĐBQH Bạc Liêu) đã chỉ ra những điểm "nghẽn" cần tháo gỡ trong lĩnh vực nông nghiệp trong bài phát biểu của mình. Mở đầu phần phát biểu, ĐB...