Mỗi ngày tăng 1 triệu đồng/m2: Cò đất náo loạn Hà Nội
Dự án căn hộ 1 tuần sau khi ra hàng đã tăng 15-20% trên thị trường thứ cấp, bình quân mỗi ngày tăng 1 triệu đồng/m2. Những dấu hiệu làm giá của cò đất khiến thị trường sốt ảo.
Có dự án căn hộ chưa đầy 1 tuần sau khi ra hàng đã tăng 15-20% trên thị trường thứ cấp, trung bình mỗi ngày tăng 1 triệu đồng/m2.
Qua tay cò, giá tăng mạnh
Chỉ vài tháng cuối năm 2014 và đầu năm nay, giao dịch bất động sản (BĐS) được cho là dần hồi phục trở lại. Nhiều chủ đầu tư “tát nước theo mưa”, đua nhau đẩy giá BĐS tăng lên chóng mặt, khiến cho nhiều nghi ngại “cơn sốt” có thể lại xảy ra.
Khảo sát thực tế thị trường qua những dự án ra hàng gần đây cho thấy, BĐS Hà Nội tiếp tục có dấu hiệu tăng nhiệt, với nhiều giao dịch được xác định ở các mức giá cao hơn so với dự kiến.
Dự án The Capital Garden giá tăng từ 23 triệu đồng/m2 lên 27 triệu đồng/m2, thậm chí có căn đẹp được chào bán tới gần 30 triệu đồng/m2.
Dự án FLC Complex Phạm Hùng, chủ đầu tư đã công bố giá bán 27,5 – 28,5 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay, giá thứ cấp trên thị trường đã được đẩy lên đến 30 – 30,5 triệu đồng/m2, thậm chí căn nhỏ có giá đến 31 triệu đồng/m2, tăng đến 15% trong chưa đầy một tuần.
Video đang HOT
Căn hộ dự án CT2B Nghĩa Đô trước đó có giá khoảng 25 triệu đồng/m2 nhưng nay cũng được đẩy lên 27-28 triệu đồng/m2. Dự án Helios Tower trước đây có giá công bố từ 1,4 tỷ đồng/căn nhưng nay chủ đầu tư bán đợt cuối với giá 1,5 tỷ đồng/căn.
Theo CBRE Việt Nam, một số dự án có vị trí tốt, gần trung tâm thành phố đã tăng giá bán. Tính bình quân thị trường, giá sơ cấp tại các dự án cao cấp và bình dân tăng khoảng 7% và 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường thứ cấp, giá bình quân thị trường cũng cải thiện cả theo quý và theo năm. Trong các phân khúc, giá thứ cấp tại phân khúc hạng sang và cao cấp tăng mạnh nhất với 3,2% và 5,8% so với quý trước.
Tổng cộng 4.879 căn hộ được mở bán mới từ 18 dự án, tăng 82% so với quý 1/2014. Đáng chú ý, năm trong số 18 dự án là từ phân khúc cao cấp, nhiều hơn số dự án cao cấp chào bán trong bất kỳ quý nào trong suốt thời kỳ từ 2012 đến 2014. Số căn hộ thuộc phân khúc cao cấp được mở bán cũng tăng 60% so với quý trước và 30% so với năm trước.
Lại sốt ảo?
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Hà Nội có khoảng 4.250 giao dịch thành công tại Hà Nội trong quý I/2015, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2014. Với lượng cung lớn ào ạt và dường như lượng giao dịch đang tăng nhanh, câu hỏi được đặt ra là liệu thị trường có đang bắt đầu chu kỳ tăng trưởng nóng.
Đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, trên thị trường sau thời kỳ trầm lắng có sự tăng giá trở lại là bình thường, nhưng tăng một cách bất thường là điều đáng lo ngại.
Theo CBRE, các dự án tăng giá bán chỉ tập trung ở một vài đơn vị. Đây hầu hết là các dự án có vị trí gần trung tâm thành phố và có tiến độ xây dựng tốt, hoặc của chủ đầu tư có danh tiếng. Một trong những nguyên nhân của việc tăng giá này là do quỹ đất nhà ở tại khu trung tâm ngày càng hạn chế, do đó các dự án này thu hút được nhiều người mua.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, cũng cho rằng, một thị trường phát triển bong bóng là không tốt cho nhu cầu thực của thị trường. Theo bà Dung, mặt bằng giá BĐS sau một thời gian dài liên tục điều chỉnh từ mức đỉnh, hiện đã chạm đáy và bắt đầu tăng trở lại.
“Cá nhân tôi cho rằng, thị trường bất động sản đang ấm lại và bắt đầu tăng, thậm chí sắp bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới, ổn định. Đây là thời điểm cơ quan nhà nước nên đẩy mạnh quản lý để tránh sự phát triển bong bóng”, bà Dung cho biết thêm.
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam tại Hà Nội nhận định, thời gian tới có rất nhiều nguồn cung, khi đó sẽ có nhiều sự cạnh tranh trên thị trường, nên các chủ đầu tư sẽ khó có thể tăng giá đồng loạt. Bởi nếu tăng giá đồng loạt thì họ sẽ khó bán cho người mua nhà. Do đó, động thái tự tăng giá của chủ đầu tư sẽ ít đi khi nguồn cung tăng mạnh. Việc tăng giá đồng loạt sẽ là xu hướng không bền vững trên thị trường.
Theo VietNamNet
'Nút thắt' tuyến metro số 1 của TP HCM được tháo gỡ
Sau nhiều lần thương lượng, doanh nghiệp cuối cùng ở tỉnh Bình Dương đã đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công tuyến metro số 1 của TP HCM (Bến Thành - Suối Tiên).
Ngày 30/3, bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vĩnh Phát thuộc phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã ký biên bản bàn giao mặt bằng công ty cho Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM - chủ đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
6 tháng sau khi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, mặt bằng mới được bàn giao cho chủ đầu tư để thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM). Ảnh:Nguyệt Triệu.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM cho biết, phía nhà thầu sẽ gấp rút thiết lập hàng rào quanh khu đất và thực hiện các công đoạn thi công như khoan cọc nhồi, làm móng, tạo trụ cầu... Trước đó, dù chưa bàn giao mặt bằng nhưng phía Csông ty Vĩnh Phát cũng cho nhà thầu vào khu đất khoan thăm dò địa chất để tính toán, thiết kế phục vụ việc thi công.
Khu đất của công ty Vĩnh Phát có diện tích gần 2ha, khu đất này có 3 dự án đi qua gồm: dự án metro 1, mở rộng Xa lộ Hà Nộ và bến xe Miền Đông mới. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, cơ quan chức năng đã áp giá khoảng 125 tỷ đồng cho toàn bộ diện tích và tài sản trên khu đất này nhưng công ty này không đồng ý và tiến hành khiếu nại.
Sau nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với cơ quan chức năng, đến nay công ty Vĩnh Phát đã chấp thuận nhận 79 tỷ đồng là khoản tiền đền bù từ dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên và dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Riêng dự án Bến xe Bến xe Miền Đông mới, công ty Vĩnh Phát vẫn còn khiếu nại, chưa nhận tiền đền bù.
Tại cuộc họp kiểm tra về tình hình thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào tháng 8 vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu tỉnh Bình Dương phải tranh thủ bàn giao mặt bằng để thi công tuyến metro số 1 trước ngày 31/10. Tuy nhiên, phải mất 6 tháng, mặt bằng mới được bàn giao cho chủ đầu tư.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng số vốn là 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công vào tháng 8/2012. Theo thiết kế, tuyến dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Nguyệt Triều
Theo VNE
Cận cảnh đường 3 làn ngược chiều "hiểm" nhất Thủ đô Đoạn đường chưa đầy 1km khá nhỏ và hẹp, các phương tiện phải di chuyển thành 3 làn chạy ngược chiều đan xen nhau rất lộn xộn và nguy hiểm. Nhưng đó lại là đoạn đường dường như "độc đạo" cho các phương tiện đi từ Liễu Giai đến ngã tư Văn Cao - Thụy Khuê (Hà Nội). Các phương tiện di chuyển...