Mỗi năm có gần 6.000 người Việt chết do hít phải khói thuốc lá
Trên toàn cầu, khói thuốc lá thụ động giết chết 1,2 triệu người mỗi năm. Có tới 2/3 (64%) nạn nhân là phụ nữ và 15% là trẻ em.
Điều đó đồng nghĩa gần 760.000 phụ nữ vô tội và 180.000 trẻ em vô tội chết vì hít phải khói thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, WHO ước tính mỗi năm có gần 6.000 người chết vì hít phải khói thuốc thụ động.
Thông tin trên được TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra tại Lễ Phát động Chiến dịch xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 3-4.
TS. Kidong Park cho biết thêm, cùng với hút thuốc thụ động thì mỗi năm, trên thế giới có hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, WHO ước tính có gần 40.000 người tử vong do sử dụng thuốc lá mỗi năm.
Đối với những cái chết do hút thuốc thụ động chúng ta có thể cùng nhau ngăn chặn được. “Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các bạn hãy bắt đầu việc này bằng cách thực hiện nhà hàng và khách sạn không khói thuốc. Bạn hãy bắt đầu thực hiện bằng cách đặt gắn các biển báo cấm hút thuốc ở các khu vực dễ quan sát ở khách sạn và nhà hàng của bạn”, TS. Kidong Park bày tỏ.
PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế nhấn mạnh: Môi trường du lịch không khói thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá; giúp nhân viên ngành du lịch, khách du lịch giảm nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Từ đó, giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho việc khám và chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Đồng thời, góp phần bảo vệ cảnh quan du lịch, tạo môi trường du lịch trong lành, thu hút khách du lịch.
PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá bày tỏ mong muốn thông qua chiến dịch truyền thông này, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch nhận thức rõ hơn nữa các quy định của pháp luật về các địa điểm cấm hút thuốc và sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào việc xây dựng môi trường không khói thuốc (ảnh: V.H)
Thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả đánh giá tác động của các chiến dịch truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá hằng năm tại Việt Nam của tổ chức Sức khỏe cộng đồng toàn cầu cho thấy nhận thức của người dân đối với các quy định của pháp luật về các địa điểm cấm hút thuốc cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các mô hình nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn nhà hàng không khói thuốc được nhân rộng trên toàn quốc. Riêng tại quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), đã có 18 phường, 311 nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tham gia phong trào “Đảm bảo an toàn thực phẩm” và thực hiện “Môi trường không khói thuốc”, trong đó hơn 100 nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chí và được UBND quận công nhận và gắn biển nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc lá.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, việc thực thi môi trường không khói thuốc lá tại các khách sạn, nhà hàng cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn nữa bởi việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các khách sạn, nhà hàng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đa phần chủ nhà hàng, khách sạn chưa thực sự quan tâm tới việc thực hiện các quy định về xây dựng môi trường không khói thuốc lá trong khách sạn, nhà hàng. “Theo nghiên cứu năm 2020 của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại các địa điểm này còn tương đối cao với gần 80% khách hàng hút thuốc thụ động tại nhà hàng, 65% hút thuốc thụ động tại các khách sạn”, TS. Lương Ngọc Khuê nêu.
Bên cạnh đó, tâm lý e ngại của người quản lý, của nhân viên khách sạn, nhà hàng đối với việc nhắc nhở khách hàng hút thuốc còn tồn tại, vì vậy việc vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá tại các khách sạn và nhà hàng còn diễn ra phổ biến. Trên thị trường lại xuất hiện một số sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, ảnh hưởng xấu tới học sinh và thanh thiếu niên nói chung.
Video đang HOT
Sau Lễ phát động các đại biểu đã tham gia gắn biển cấm hút thuốc tại một số khách sạn, nhà hàng. Cùng với đó, có khoảng 200 khách sạn, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội tham gia chiến dịch và cam kết thực tuân thủ nghiêm các quy định về địa điểm cấm hút thuốc theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (ảnh: V.H)
Để thực hiện có hiệu quả mô hình khách sạn, nhà hàng không khói thuốc, TS. Kidong Park gợi ý: Nếu có thêm một số nỗ lực từ cơ quan thực thi, ví dụ như có các chuyến giám sát, nhắc nhở của cảnh sát thì tỷ lệ tuân thủ sẽ tăng lên đáng kể. Số liệu từ nghiên cứu do WHO hỗ trợ tại TP Hải Phòng và tỉnh Thái Nguyên cho thấy mức độ tuân thủ sẽ tăng ít nhất là 15% khi thực hiện các can thiệp đơn giản này.
Ngoài ra, kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, sáng kiến nhà hàng và khách sạn không khói thuốc rất tốt cho hoạt động kinh doanh. Bạn có thể tiếp thị khách sạn và sáng kiến của mình bằng cách sử dụng điểm nhấn là khách sạn hay nhà hàng của bạn quan tâm tới việc bảo vệ sức khỏe của khách hàng. Việc thực thi này thực ra là có ý nghĩa rất to lớn, nó bảo vệ sức khỏe thậm chí cả mạng sống của con người.
Đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam khẳng định: Đây là một chiến dịch hết sức có ý nghĩa với các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng nói riêng và cộng đồng nói chung. Bên cạnh việc thực hiện theo đúng quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì xây dựng môi trường không khói thuốc lá sẽ giúp cho các khách sạn, nhà hàng xây dựng hình ảnh về một môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh trong lành, hướng bảo vệ sức khỏe của nhân viên, chủ cơ sở và cho các khách hàng. Qua đó, góp phần tạo dựng hình ảnh về một môi trường du lịch thân thiện, trong lành, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Chiến dịch này và kêu gọi sự tham gia của các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP Hà Nội cùng cam kết thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về xây dựng môi trường không khói thuốc lá”, bà Đỗ Hồng Xoan bày tỏ.
Đoàn kết, xây dựng BV Bạch Mai luôn phát triển, làm chủ nhiều kỹ thuật cao
Dù thực hiện tự chủ, thương hiệu BV Bạch Mai vẫn phải là niềm tự hào của ngành y tế. Do đó, bệnh viện tiếp tục đoàn kết, xây dựng phát triển, ngày càng làm chủ nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu "không chỉ trong 4 bức tường bệnh viện mà còn cho cả ngành y tế Việt Nam".
Đó là nhấn mạnh của PGS.TS.TTND Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế tiến hành kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện và công tác phòng chống dịch COVID-19 tại BV Bạch Mai hôm qua- ngày 2/4.
100% người bệnh sẽ quay lại khám tại BV Bạch Mai lần sau
Đoàn kiểm tra số 1 đã chia thành các nhóm độc lập tiến hành khảo sát thực tiễn về các nội dung như hướng đến người bệnh (chỉ dẫn đón tiếp, cấp cứu người bệnh; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ người bệnh; môi trường chăm sóc người bệnh...); phát triển nguồn nhân lực bệnh viện; hoạt động chuyên môn (an ninh, trật tự, an toàn cháy nổ; quản lý hồ sơ bệnh án; ứng dụng công nghệ thông tin; phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn; năng lực thực hiện kỹ thuật chuyên môn; hoạt động điều dưỡng và chăm sóc người bệnh...); hoạt động cải tiến chất lượng; tiêu chí đặc thù chuyên khoa và nội dung liên quan đến phòng chống dịch COVID-19.
Trò chuyện với PGS.TS Lương Ngọc Khuê, nữ bệnh nhân đến từ Nam Định đang điều trị tại khoa Mắt cho biết bà tin tưởng vào bác sĩ điều trị
Nhóm kiểm tra đã tiến hành kháo sát thực tiễn tại khoa Dược, quầy thuốc 24h, quầy thuốc số 8, khoa Cấp cứu ngoại, khoa Mắt, Khoa Khai mũi họng, Khoa Khám bệnh, Trung tâm ung bướu... Tại các điểm đến, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đều chỉ ra những điểm cần khắc phục về sàng lọc, phân luồng người bệnh, về an toàn phòng cháy, chữa cháy, sắp xếp đồ dùng khoa học, biển báo chỉ dẫn...
Trò chuyện với PGS.TS Lương Ngọc Khuê - người bệnh đang nằm điều trị nội trú tại khoa Mắt cho biết bà chuyển từ Nam Định lên đây đã gần 1 tuần. Trong quá trình điều trị nội trú ở Khoa, bà được bác sĩ và nhân viên y tế chia sẻ các thông tin mà bà và người nhà quan tâm.
Khi được hỏi có gặp khó khăn gì trong quá trình khám chữa bệnh không? Bệnh nhân nói "giá buồng bệnh rộng hơn thì tốt". Tuy nhiên, bà cho biết tin tưởng vào bác sĩ điều trị và "nếu lần sau có bệnh về mắt phải điều trị, tôi cũng sẽ lên đây".
Thông tin của ThS Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh về vấn đề hài lòng người bệnh về nhân viên y tế và BV Bạch Mai cho thấy 100% người bệnh cho biết sẽ quay lại BV Bạch Mai khi đi khám chữa bệnh vì tin tưởng vào y bác sĩ của bệnh viện.
Khảo sát ngẫu nhiên của các thành viên đoàn trước khi tiến hành kiểm tra có 74% người bệnh nội trú hài lòng về bệnh viện; với người bệnh ngoại trú là 82%.
Đoàn kiểm tra trò chuyện với bác sĩ về quá trình điều trị của bệnh nhân đến từ Nam Định tại Khoa Mắt- BV Bạch Mai
Liên quan đến nội dung sự hài lòng của nhân viên y tế về bệnh viện, khảo sát của đoàn với 2014 nhân viên y tế đang làm việc tại BV Bạch Mai cho thấy có 55% bày tỏ sự hài lòng. Nhưng có đến 70% người được khảo sát đề nghị tăng thu nhập.
Có 104/2014 người được khảo sát đã đưa ra các ý kiến như bệnh viện cần quan tâm hơn đến đời sống của cán bộ nhân viên, trong đó có cả vấn đề trang phục, nghỉ phép, tâm tư nguyện vọng...; công việc quá tải...
Sàng lọc khoa học nhưng chặt chẽ để COVID-19 không "vào" lần 2
Chia sẻ với BV Bạch Mai trong năm 2020 khi BV có những khó khăn đặc thù là năm đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ, có sự chuyển giao trong công tác tổ chức cán bộ cũng như trong hoạt động; đồng thời BV Bạch Mai cũng là cơ sở y tế đầu tiên có bệnh nhân COVID-19 là nhân viên y tế và những người liên quan, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của bệnh viện trong thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cũng như thực hiện vai trò "đầu tầu" của tuyến chuyên môn cao được Bộ Y tế điều động đến mọi mặt trận chống dịch: Sơn Lôi, Hạ Lôi, Đà Nẵng, Gia Lai, Hải Dương và Điện Biên...
Việc thực hiện Đề án Khám chữa bệnh từ xa đã kết nối hàng trăm điểm cầu, không chỉ giúp "phủ sóng" nhiều kỹ thuật cao đến tuyến dưới mà còn giúp nhiều bệnh nhân nặng được xử trí, cứu sống ngay tại tuyến dưới hoặc chuyển tuyến cũng đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, 10 nhóm kiểm tra độc lập của Đoàn kiểm tra cũng đã rất thẳng thắn chỉ ra những điểm cần khắc phục như: Không có tủ giữ đồ tại khoa Khám bệnh; khoa Đông y mất mỹ quan; khu vực siêu âm, nội soi có rèm nhưng cơ bản những chỗ đoàn kiểm tra có mặt, nhân viên y tế không kéo rèm dù có bệnh nhân đang đợi; vẫn còn tình trạng bệnh nhân nam và nữ cùng chung trong 1 phòng bệnh... Một số khu vực không có số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế mà chỉ có số của bệnh viện.
Trưởng đoàn kiểm tra số 1 trò chuyện với y bác sĩ tại Khoa Cấp cứu ngoại, BV Bạch Mai
Trong công tác phòng chống dịch có nhiều điểm bố trí, để phương tiện khử khuẩn chưa hợp lý... vẫn có những điạ điểm người bệnh/ người nhà bệnh nhân "quên" đeo khẩu trang nhưng nhân viên y tế "quên" nhắc nhở...
Chính vì thế, TS Cao Hưng Thái- phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã đề nghị BV Bạch Mai cần bố trí lại việc sàng lọc, riêng Khoa Cấp cứu cần tăng cường nhân lực và tăng diện tích cho Khoa; quyết liệt sàng lọc bệnh để tránh COVID-19 "vào" bệnh viện lần 2.
Chất lượng bệnh viện sẽ gắn với BHYT
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, việc kiểm tra bệnh viện cuối cùng cũng hướng đến mục tiêu đảm bảo cho hoạt động của bệnh viện ngày càng quy chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, làm cho người bệnh ngày càng hài lòng hơn.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định việc xét Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện. Việc này khuyến khích các bệnh viện đánh giá chất lượng thực chất và tham gia các giải thưởng về chất lượng bệnh viện. Thông tư xét Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện là động lực đối với các bệnh viện, cũng như các cán bộ vì sự phát triển của bệnh viện và vì người bệnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho hay, tới đây vấn đề chất lượng bệnh viện vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, theo đó, chất lượng bệnh viện sẽ gắn với BHYT. Tiến tới chất lượng bệnh viện nào tốt thì sẽ có lợi hơn.
Người bệnh/ người nhà bệnh nhân khai báo y tế tại Khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai
Về phía BV Bạch Mai, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc BV Bạch Mai bày tỏ lời cảm ơn đến những góp ý và ý kiến của đoàn kiểm tra. "Với tinh thần cầu thị, chúng tôi tiếp thu những góp ý, nội dung gì khắc phục ngay thì sẽ làm ngay, nội dung gì cần có thời gian thì bệnh viện sẽ làm từng bước..."- Giám đốc BV Bạch Mai nói.
Sáng 24/3, không ca Covid-19, gần 38.000 người được tiêm vắc xin Việt Nam bước vào ngày thứ 6 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng. Đến nay đã có gần 38.000 người được tiêm vắc xin Covid-19, trong tuần 3 tỉnh là Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Tháp sẽ triển khai tiêm. Bộ Y tế thông tin, tính từ 18h ngày 23/3 đến 6h ngày 24/3, nước ta có 0 ca mắc mới...