Mỗi m2 ao thu…4 tạ cá: Chuyện nhỏ với “siêu nông dân” Tô Hiến Thành
Ông Tô Hiến Thành, ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa ( Bắc Giang) là người dành nhiều tâm huyết phát triển mô hình nuôi lợn hữu cơ, đã trở thành “ Vua lợn Oganic” khi có trong tay trại lợn 12 tỷ đồng. Mới đây, ông còn thành công với công nghệ nuôi cá cho năng suất “khủng”: 4 tạ/m2/năm, vun đắp thêm khát vọng tạo ra nhiều thực phẩm sạch của “siêu nông dân” này.
Sau lợn hữu cơ, ước mơ… cá sạch
Trang trại V.A.C rộng trên 5 ha với ngôi nhà gỗ 2 tầng “khủng” nổi bật giữa cánh đồng thôn Danh Thượng 2 ( xã Danh Thắng), có tường cao 2m bao quanh nhưng luôn mở cửa đón khách đến thăm. Đây là đại bản doanh của “Vua lợn Oganic” Tô Hiến Thành. Người dân vùng quê này đã chứng kiến những phong ba, chìm nổi của người ông Tô Hiến Thành trên hành trình xây dựng chuỗi chăn nuôi lợn hữu cơ khép kín quy mô nhất, nhì cả nước.
Ông Tô Hiến Thành cho cá ăn từ máy tự động
Thương hiệu thịt lợn hữu cơ sạch của ông Thành được xây nên từ biết bao mồ hôi, nước mắt, giờ đã có thị trường tiêu thụ ổn định, cung cấp cho nhiều trường học, siêu thị lớn…Nhưng chỉ nuôi lợn thôi có lẽ là chưa đủ với một người nông dân mang nhiều khát vọng như ông.
Cũng vì đổ hết tâm huyết vào lợn, ông quên mình còn 4 ao cá rộng trên 3ha chưa khai thác hiệu quả. Mãi đến đầu năm 2018, khi khi mọi yếu tố đã thuận lợi với con lợn, ông lại nghĩ cách tạo nguồn cá sạch: vừa năng suất, vừa phải chất lượng. Trước đây, những chiếc ao của ông cũng thả các loại cá như rô phi, trắm, mè, chép…, mỗi năm đến vài chục vạn con giống. Tuy nhiên, tỷ lệ cá chết cao do nguồn nước trong ao quá nóng vào mùa hè; cá bị ngạt hơi do nước thiếu ô xy, hoặc do nồng độ khí mê tan quá cao do lượng phân thải ra của cá.
Mấy năm gần đây, các tỉnh trong vùng như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam đang áp dụng rất hiệu quả mô hình nuôi cá “tạo sông trong ao”, được du nhập từ Mỹ. Thay vì nuôi ở môi trường nước tĩnh của ao truyền thống, cá được nuôi trong bể có diện tích 100m2 nước (rộng 5m, dài 20m, sâu 5m) có nước chảy liên tục và tăng cường lượng ô xy. Khi có dòng chảy, cá sẽ hình thành thói quen bơi ngược dòng liên tục, tăng cường vận động, hấp thụ tốt thức ăn, ít bệnh và cho thịt chắc, thơm ngon…
“Dòng sông cá” dày đặc, thích mắt của ông Tô Hiến Thành sắp đến kỳ thu hoạch
Sau khi học hỏi ở một vài nơi, ông Thành quyết định lựa chọn thử nghiệm mô hình này. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Chi cục Thủy sản tỉnh và UBND huyện Hiệp Hoà, ông xây 2 “sông cá” trong diện tích ao rộng 1,5ha; lắp đặt hệ thống sục khí, tạo dòng chảy, máy hút phân thải và máy chăn cá tự động. Cuối tháng 5 vừa qua, ông thả lứa cá đầu tiên với 40.000 con cá rô phi đơn tính, dự kiến cho hơn 40 tấn cá thịt sau 5 tháng nuôi.
Không lo đầu ra
Video đang HOT
Ông Tô Hiến Thành là hộ đầu tiên của tỉnh Bắc Giang ứng dụng công nghệ cao “tạo sông trong ao” trong nuôi thủy sản. Khi chúng tôi đến thăm trang trại, đàn cá rô phi của ông đang bước sang tháng thứ 5, trọng lượng mỗi con đạt từ 0,6 đến 0,7 kg và sẽ đạt khoảng 1 kg khi được thu hoạch.
Hệ thống tách phân cá, lợn để làm phân hữu cơ vi sinh, xử lý nước thải để tái sử dụng là phần then chốt trong chuỗi sản xuất sạch của “siêu nông dân” Tô Hiến Thành
Theo ông Thành, mô hình này cho hiệu quả rất cao vì hệ số sử dụng thức ăn giảm; tỷ lệ dịch bệnh thấp; cá tăng trọng nhanh, thịt săn chắc; chu kỳ chăn nuôi ngắn, năng suất cao hơn hàng chục lần so với cách nuôi cá truyền thống. Việc quản lý thức ăn, quản lý môi trường, quản lý sức khỏe cá cũng dễ dàng hơn.
Với 2 lứa mỗi năm của 2 bể nuôi này, với ông Thành “cầm chắc” 80 tấn cá. Trong khi đó, diện tích ao còn lại vẫn thả được các loại cá khác để tận dụng thứ ăn thừa, cân bằng sinh thái ao. Ngoài ra, tuy đi sau nhưng ông lại có những cải tiến so với quy trình cũ, giúp phát huy tối đa hiệu quả mà các mô hình ở địa phương khác chưa thực hiện.
Ngoài mô hình “sông trong ao”, ông Thành còn trên 2ha ao cá được chăn thả theo quy trình bán tự động và tiêu chuẩn VietGAP.
Thứ nhất, diện tích ao của các mô hình trước đây khá nhỏ, chỉ từ 3 đến 5.000 mét vuông, thậm chí là 2.000 mét vuông, do tận dụng ao canh tác cũ. Do đó, không đủ đáp ứng quá trình tuần hoàn, lưu chuyển của nước để loại bỏ tạp chất, bổ sung ô xy. Để khắc phục, ông Thành đã mạnh dạn phá bờ để gộp 2 ao với nhau, đảm bảo diện tích ao trên 1,5 ha.
Thứ hai, hệ thống điện cần phải duy trì sự ổn định, vì chỉ cần mất điện 10 phút, nước không có dòng chảy khiến cá hoảng loạn, thiếu ô xy dẫn đến bị chết ngạt hoặc tăng trưởng kém. Ông Thành đã đầu tư 2 máy phát điện công suất lớn, cấp điện 24/24h cho máy bơm và các thiết bị sử dụng điện của mô hình.
Cuối cùng, việc xử lý phân cá được ông đặc biệt chú trọng. Sau khi hút lên từ bể, phân được dẫn đến khu vực chứa phân lợn và được máy tách riêng nước để xử lý thành nước sạch, đưa trở lại ao nuôi (mô hình “tạo sông trong ao” nhờ đó ít phải thay thế, bổ sung nước ao). Phần phân khô được ủ men vi sinh để làm phân hữu cơ, vừa sử dụng trồng trọt trong trang trại, hoặc được ông Thành bán cho người dân. Trong ao, ông còn thả bèo tây để xử lý triệt để các tạp chất hữu cơ.
Với công nghệ mới, cá được sống trong môi trường sạch sẽ, không dịch bệnh, chất lượng thịt đảm bảo… là những yếu tố để ông Tô Hiến Thành tạo ra sản phẩm cá sạch. Còn về thị trường, đây là điều ông không phải bận tâm, bởi hệ thống khách hàng lớn đang tiêu thụ thịt lợn của ông, cũng rất quan tâm đến nguồn thực phẩm sạch này.
Theo Danviet
"Bể cá thần" nuôi cá dày đặc, lớn nhanh, doanh thu hơn 10 tỷ/năm
"Bể cá thần" kỳ diệu này rộng vỏn vẹn 100 m2 nhưng có thể nuôi được lượng cá gấp 20 lần so với ao thường, giúp tiết kiệm diện tích và nước nuôi cá. Điều quan trọng là "bể cá thần" này giúp nhà nông lãi đậm. Đây là mô hình nuôi cá "sông trong ao" được anh Lưu Văn Dũng, thôn Quang Xá, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) áp dụng thành công, cho doanh thu gần chục tỷ đồng mỗi năm.
Trang trại nuôi cá-nơi có "bể cá thần" của anh Lưu Văn Dũng nằm trong cánh đồng canh tác tập trung của thôn Quang Xá. Khu vực này được địa phương "quy hoạch" là nơi sản xuất của hàng chục gia đình, vừa trồng lúa, cây ăn quả, chăn nuôi và đặc biệt là nuôi thủy sản.
Gia đình anh Dũng là hộ nuôi cá lớn nhất trong vùng với gần 25 ao lớn, nhỏ. Anh Dũng vừa sản xuất cá giống, vừa nuôi cá thịt thương phẩm. Là người có kinh nghiệm nên các ao nuôi cá được anh Dũng xây khá bài bản: bờ ao được gia cố bằng bê tông; hệ thống cấp, thoát nước khá đồng bộ; trên bờ là những hàng cây ăn quả xanh mướt...
Mô hình nuôi cá "sông trong ao" của anh Lưu Văn Dũng khi đang xây dựng (ảnh trên) và khi đã hoàn thiện, đi vào sản xuất (ảnh dưới).
Anh Dũng cho biết: Phương pháp nuôi cá "sông trong ao", mới được anh tìm hiểu và áp dụng từ đầu năm nay. Trong ao nuôi rộng 2.000 m2, một chiếc bể hình chữ nhật được xây bằng bê tông, có kích thước rộng 5 m, dài 20 m và sâu 2 m. Một đầu bể được lắp đặt hệ thống bơm nước, kết hợp sục không khí. Đầu còn lại sẽ được lắp lưới ngăn cá và hệ thống lắng phân cá cùng các chất thải khác, được hút ra ngoài theo định kỳ.
Hệ thống bơm nước, kết hợp sục không khí là để tăng cường ô xy và tạo dòng chảy cho "sông cá".
Với cách nuôi này, nước ao được bơm liên tục qua bể, biến thành "con sông nhân tạo" chảy không ngừng, tăng lượng ô xy. Nhờ đó, cá được sống trong môi trường như nuôi trên lồng bè trên sông, nhưng không phải tiếp xúc với bùn và các tác nhân gây bệnh. Cá phát triển nhanh, đồng đều, ít mắc bệnh; thịt cá ngon và hoàn toàn sạch.
Mật độ cá nuôi trong "bể cá thần" dày đặc gấp 10 đến 20 lần (tùy loại cá) so với ao thông thường và có thể nuôi được nhiều loại cá khác nhau, chủ yếu là cá đặc sản, giá trị cao. Phần ao còn lại sẽ được thả các loại cá có đặc tính ăn tạp, hoặc tôm để tận dụng các loại chất thải dư thừa.
Quan trọng hơn cả, mô hình còn lắp đặt máy cho cá ăn tự động, được lập trình sẵn để kiểm soát, tùy chỉnh thời gian, tần suất thức ăn cho cá. Đến giờ cá ăn, sau cái "bấm máy" của anh Dũng, thức ăn tự động được vãi đều ra khu bể nuôi. Nhìn tận mắt, dưới mặt nước nhỏ hẹp ấy, hàng vạn con cá nổi lên mặt nước đua nhau đớp mồi, trông rất thú vị.
Dưới mặt nước nhỏ hẹp, hàng vạn con cá nổi lên mặt nước đua nhau đớp mồi, trông rất thú vị.
Được biết, cá thịt thương phẩm được anh Dũng xuất bán tới các siêu thị, nhà hàng và nhiều bếp ăn tập thể theo hợp đồng hàng năm; giá bán ổn định và phù hợp với chất lượng sản phẩm. Mong muốn của anh là mọi người tiêu dùng đều có thể được sử dụng cá an toàn, được cung ứng với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Mỗi năm, gia đình anh Dũng xuất bán ra thị trường từ 100 đến 150 tấn cá giống, hàng trăm triệu con cá bột và khoảng 100 tấn cá thịt thương phẩm. Tổng doanh thu từ bán các loại cá trên dưới 10 tỷ đồng, trừ chi phí anh Dũng "nhẹ nhàng" bỏ túi trên 1 tỷ đồng.
Ngoài sản xuất giỏi, anh Lưu Văn Dũng luôn tận tình hướng dẫn các hộ nuôi cá trong thôn kinh nghiệm nuôi trồng và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, anh đã được các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể của tỉnh và Trung ương tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, mới đây anh còn được Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên lần thứ IX tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành, nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Một số hình ảnh về mô hình nuôi cá mới lạ, độc đáo và rất hiệu quả của anh Lưu Văn Dũng.
Hệ thống cho cá ăn tự động, có thể kiểm soát, tùy chỉnh thời gian, tần suất...
Phân cá được thu gom lại, tận dụng làm nguồn dinh dưỡng hữu cơ sạch để bón cho cây ăn quả.
Để xây dựng mỗi "sông cá" cần trung bình 200 triệu đồng, hiện anh Dũng đã làm được 2 ao nuôi như vậy. Mục tiêu của anh sẽ tạo dòng sông cho tất cả 25 ao cá hiện có của gia đình.
Trang trại của anh Lưu Văn Dũng đang áp dụng quy trình nuôi thủy sản an toàn VietGAP, với các tiêu chí: môi trường nước an toàn - thức ăn an toàn - không chất cấm - không tồn dư kháng sinh - con giống chất lượng cao.
Theo Danviet
Chủ trại lợn 12 tỷ phải vay tín dụng đen và "e ngại" của ngân hàng Đã 45 năm gắn bó với nông nghiệp và nông dân, tôi quá hiểu những trường hợp bất đắc dĩ phải viết tâm thư như nông dân Tô Hiến Thành. Ngày hôm qua, theo dõi trên báo điện tử Dân Việt, tôi biết tới thông tin ông chủ trang trại lợn là Tô Hiến Thành (thông Danh Thượng 2, xã Danh Thắng, huyện...