“Mồi lửa” châm ngòi cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông
Sau khi xảy ra vụ việc 2 tàu chở dầu bất ngờ bị tấn công hôm 13-6 trên Vịnh Oman, gần eo biển Hormuz, giá dầu Brent trên thị trường quốc tế đã tăng khoảng 2%. Điều đáng lưu ý là trước đó chỉ 1 ngày, giá dầu thế giới đã giảm tới 4% vì nguồn cung dồi dào và những lo ngại rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu.
Diễn biến này không khác gì một “mồi lửa” châm ngòi cuộc khủng hoảng mới ở khu vực Trung Đông.
Mũi dùi chỉ trích nhằm vào Iran
Trước vụ việc nói trên, căng thẳng tại Vịnh Oman và eo biển Hormuz đã gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ khi Mỹ áp dụng trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran. Căng thẳng nổ ra khi 4 tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi bờ biển của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vào cuối tháng trước, ngay sau đó là báo cáo về việc 2 trạm bơm dầu của Saudi Arabia bị máy bay không người lái tấn công.
Thay vì điều tra nguyên nhân từ các tổ chức khác trong khu vực, như nhóm phiến quân Houthi tại Yemen, Mỹ cho rằng 2 sự kiện xảy ra liên tiếp nói trên là do Iran thực hiện. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: “Mỹ đưa ra nhận định này dựa trên các thông tin tình báo, các loại vũ khí được sử dụng, mức độ chuyên môn cần thiết để thực hiện các cuộc tấn công nói trên cũng như những cuộc tấn công tương tự gần đây của Iran nhằm các tàu vận chuyển…. Thực tế là không có một nhóm chống đối nào hoạt động trong khu vực có đủ tiềm năng và sự thành thạo để hành động với mức độ tinh vi cao như vậy”.
Tuy nhiên, Iran đã lên tiếng kiên quyết bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, cho rằng đó là “sự kích động chiến tranh” từ Mỹ và các đồng minh trong khu vực, bao gồm Saudi Arabia và UAE. Một ngày sau khi xảy ra cuộc tấn công, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) phát đi thông báo: “Cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm ngăn chặn các chính sách và hành vi liều lĩnh, nguy hiểm của Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực. Mục đích của Mỹ và các đồng minh là làm gia tăng căng thẳng”.
Mặc dù vẫn chưa biết chính xác những gì đã xảy ra với 2 tàu chở dầu Front Altair của Na Uy và Kokura Courageous của Nhật Bản hôm 13-6, nhưng rõ ràng Hạm đội 5 của Mỹ đã thể hiện sự liên quan nhiều hơn khi nhanh chóng xuất hiện để hỗ trợ sơ tán cũng như khẳng định sự có mặt của mình tại khu vực. GĐ phụ trách vấn đề chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Hoàng Gia Canada (RBC) Helima Croft nhận xét rằng, các cuộc tấn công đã làm tăng mức độ nghiêm trọng của rủi ro an ninh và những khó khăn trong việc giảm bớt căng thẳng khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn tiếp tục được duy trì.
Nguyên nhân dẫn tới các vụ việc căng thẳng nghiêm trọng vừa qua là Mỹ hồi tháng trước đã ngừng miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ – trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và hòn đảo Đài Loan – trong việc nhập khẩu dầu từ Iran. Mục đích của hành động này nhằm làm giảm sản lượng xuất khẩu dầu của Iran về mức 0.
Video đang HOT
Đây được cho là một loại vũ khí “độc” do dầu chiếm gần 80% doanh thu của Iran. Iran đã mất 10 tỷ USD kể từ khi lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ có hiệu lực vào cuối năm ngoái. Một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, “chính quyền của Tổng thống Donald Trump và đồng minh quyết tâm duy trì, mở rộng chiến dịch gây áp lực tối đa về kinh tế đối với Iran”.
Một trong hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13-6. Ảnh tư liệu
Âm mưu do Mỹ và đồng minh dàn dựng?
Liệu chiến tranh giữa Mỹ và Iran có xảy ra sau những diễn biến nêu trên? Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói với Hội đồng Bảo an ngày 13-6 rằng thế giới không muốn “một đối đầu lớn ở Vùng Vịnh”. Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước đã kêu gọi kiềm chế.
Ngày 16-6, kênh truyền hình PressTV của Iran dẫn lời chuyên gia phân tích Rodney Shakespeare cho rằng các vụ tấn công gần đây nhằm vào 2 tàu chở dầu gần khu vực Vịnh Ba Tư là một “âm mưu đội lốt” nhằm vào Iran trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Tehran và Washington.
Theo chuyên gia Shakespeare, đây rõ ràng là một vụ tấn công có chủ đích được “đội lốt” để đổ lỗi cho Iran. Theo nhà phân tích này, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như có mong muốn phát động một cuộc chiến tranh tại Trung Đông và đang được chính Saudi Arabia và Israel khuyến khích. Ông Shakespeare nói: “Thủ phạm đằng sau tất cả vụ việc này là Israel, Saudi Arabia và Mỹ, với sự trợ giúp của Anh, để khơi mào một cuộc chiến tranh tại Vịnh Persian”. Chuyên gia Shakespeare khẳng định, một khi cuộc xung đột quân sự tại Vịnh Ba Tư nổ ra thì sẽ đe dọa sự tồn vong của những chế độ, vốn đã trong tình trạng bất ổn tại khu vực, đồng thời dẫn tới một thảm họa đối với nền kinh tế toàn cầu.
Giới chức Mỹ đã tuyên bố không loại trừ phương án quân sự đối với Iran. Nếu bị tấn công, rất có thể Iran sẽ mở chiến tranh tổng hợp, sử dụng các nhóm dân quân trong vùng thực hiện tấn công các mục tiêu. Đó là một viễn cảnh rất đáng lo ngại trong vùng. Với Mỹ, một cuộc tấn công bằng hải quân và không quân vào Iran cũng sẽ gây ra rủi ro. Có vẻ như đến giờ này, Tổng thống Mỹ Donald Trump không mặn mà với các sự vụ quân sự ở nước ngoài. Các vụ không kích của Mỹ ở Syria chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng nếu các tiếng nói diều hâu trong Chính phủ Mỹ thắng thế và Iran cảm thấy bị đe dọa, liệu nó có dẫn tới tính toán sai cho cả hai phía?
Chính quyền Tehran ngày 14-6 vừa qua cho rằng “thật đáng báo động và sai trái” khi Mỹ quy trách nhiệm cho Iran về các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu đang trên hành trình tới vùng Vịnh. Từ nhiều tháng qua, Tehran tố cáo Mỹ và Saudi Arabia, Israel và UAE liên minh với nhau để đối đầu quân sự với Iran. Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, những nhân vật theo đường lối cứng rắn trong nội bộ Iran ngày càng chiếm ưu thế. Họ tuyên bố “sẽ quyết liệt trả đũa các biện pháp trừng phạt mà họ tin rằng được tạo ra để phá hủy nền kinh tế và thay đổi chế độ của Iran”.
Hồng Phúc
Theo PL&XH
Điều gì xảy ra khi Eo biển Hormuz - "yết hầu" dầu mỏ thế giới bị bóp nghẹt?
Với vai trò được ví như "yết hầu" trên tuyến đường biển quan trọng bảo đảm tới hơn 30% lượng dầu thô và 33% lượng khí hóa lỏng của thế giới, điều gì sẽ xảy ra khi Eo biển Hormuz bị phong tỏa bởi cuộc đối đầu Mỹ-Iran?
Chiếm toàn bộ khu vực phía Bắc Eo biển Hormuz, Iran có lợi thế án ngữ nguồn cung dầu lửa từ Vùng Vịnh
Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản gần Eo biển Hormuz hôm 13-6, giá dầu thô đã có dấu hiệu tăng. Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 13-6, giá dầu tại Mỹ tăng 2,2% lên 52,22 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent trên thị trường Anh cũng tăng 2,2% lên 61,31 USD/thùng.
Nhưng đó vẫn chưa phải là kịch bản tồi tệ nhất. Theo một chuyên gia của hãng RBC, giá dầu có thể tăng lên mức 60-80 USD/thùng do bất ổn ở Vùng Vịnh. Thậm chí một số chuyên gia Ngân hàng Bank of America dự báo giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang.
Mọi mối lo đều xuất phát từ Eo biển Hormuz, vốn quan trọng ngay từ thời cổ đại. Chỉ dài 39km, điểm hẹp nhất là 33km nhưng Eo biển Hormuz có vai trò nối thông Vịnh Ba Tư với Biển Oman, rồi tới Biển Arab để đi khắp thế giới. Đây là tuyến đường thủy duy nhất để 8 nước trong khu vực Vịnh Ba Tư đi ra các vùng biển quốc tế.
Trong khi đó, Vịnh Ba Tư lại là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất toàn cầu, thậm chí còn được mệnh danh là vùng biển giàu có bậc nhất thế giới. Những nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới như Kuwait, Saudi Arabia, Qatar, Iran, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UEA) đều nằm quanh Vịnh Ba Tư và phải dùng tuyến đường biển qua Eo biển Hormuz để xuất khẩu dầu lửa. Trung bình, mỗi ngày có hàng chục tàu chở dầu khổng lồ đi qua tuyến đường thủy này.
Chiếm toàn bộ khu vực phía Bắc Eo biển Hormuz, Iran có lịch sử hàng hải hàng nghìn năm và từng thống trị Vịnh Ba Tư. Vùng nước sâu tại Hormuz lại nằm phần lớn trong lãnh hải Iran nên có thể nói không có tàu chở dầu nào đi trong khu vực này mà không phải đi qua lãnh hải của Iran. Chính vì thế, việc Mỹ đổ lỗi cho Iran tấn công 2 tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu quân sự giữa Washington và Tehran, khiến tuyến đường biển qua Eo biển Hormuz bị tê liệt.
Nếu Washington gia tăng lệnh cấm vận nhằm vào Iran, nhất là trong lĩnh vực dầu lửa, Tehran có thể sẽ phản đòn bằng việc đóng cửa Eo biển Hormuz. Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi từng tuyên bố nếu dầu của Iran bị phong tỏa, thì "sẽ không có một giọt dầu nào lọt qua được Eo biển Hormuz". Còn Tư lệnh Hải quân Iran thì cảnh báo: "Đóng cửa Eo biển Hormuz dễ như trở bàn tay đối với các lực lượng hải quân Iran vì Iran có quyền kiểm soát hợp pháp trên tuyến đường này".
Trong cuộc đối đầu Mỹ - Iran, chưa biết bên nào có lợi thế. Biết rõ tầm quan trọng của Eo biển Hormuz nên Mỹ đặt Tổng hành dinh của Hạm đội 5 tại Bahrain trong Vịnh Ba Tư. Với các tàu sân bay hiện đại cùng các tàu khu trục, tàu đổ bộ, tàu hộ tống, tàu tiếp vận..., Mỹ có ưu thế hơn hẳn Iran về trang thiết bị quân sự.
Thế nhưng, Iran lại có ưu thế về bố trí lực lượng. Nước này có 6 hòn đảo chiến lược nằm chặn lối thông từ Vịnh Ba Tư tới Biển Oman. Chúng hình thành một vòng cung và thực sự là tuyến phòng thủ của Iran chống lại khả năng xâm lược từ bên ngoài. Iran lại có trong tay các tên lửa đất đối biển có khả năng uy hiếp các tàu của Mỹ. Nếu muốn, Iran có thể đặt toàn bộ Eo biển Hormuz trong tầm bắn của tên lửa.
Chính vì thế, Tehran tỏ ra khá tự tin trong cuộc đối đầu với Mỹ. Trong bối cảnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung dầu lửa từ Vùng Vịnh, bóp nghẹt "yết hầu" - Eo biển Hormuz sẽ khiến giá dầu lửa tăng vọt, đây chẳng khác nào hành động tự sát.
Theo ANTD
Mỹ sẽ thắng lớn hay thua đậm nếu chiến tranh với Iran? Khác với cuộc tấn công chớp nhoáng vào Iraq năm 2003, một cuộc chiến tranh với Iran có thể sẽ diễn ra với một kết quả hoàn toàn khác mà Mỹ chắn chắn sẽ không mong muốn hoặc tệ hơn. Hôm 15-6, trong một bài bình luận cho hãng tin CNN, phóng viên chiến trường Benjamin C. Wedeman, người từng nhiều lần giành...