Mối lo IS sử dụng hộ chiếu giả vào Đông Nam Á
“Nhóm cực đoan IS có thể mở mặt trận mới, chuyển hoạt động sang Đông Nam Á sau cái chết của lãnh đạo Abu Bakr al-Baghdadi. Chúng đang tìm kiếm hộ chiếu giả hoặc hộ chiếu bị đánh cắp để đến các nước này”. Bộ trưởng nội vụ Malaysia Muhyiddin Yassin nhấn mạnh.
Cơ quan nhập cư Thái Lan công bố các hộ chiếu giả bị phát hiện ở Bangkok. Ảnh: AFP
Theo ông Yassin, “sau khi mất phần lớn lãnh thổ ở Syria và Iraq, IS đang tìm kiếm một căn cứ mới. Malaysia không loại trừ khả năng IS chuyển hoạt động sang khu vực Đông Nam Á”. Tờ SCMP dẫn lời ông Muhyiddin: “Có nhiều nguy cơ phiến quân khủng bố ở nước ngoài hồi hương, cực đoan hóa trên mạng và nguy cơ tấn công của “các con sói đơn độc”.
Hồi tháng 11, quan chức chống khủng bố hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ Nathan Sales đánh giá, phiến quân IS không đến Đông Nam Á ồ ạt mà chúng chủ yếu truyền bá kỹ thuật, chiến thuật khủng bố từ Trung Đông, chẳng hạn như các vụ đánh bom liều chết. Điều này trở thành “hiện tượng rất thường xuyên trong khu vực”. Còn có cảnh báo phiến quân IS đang lùng sục hộ chiếu giả hoặc hộ chiếu bị đánh cắp để có thể trở về nhà hoặc vào các quốc gia khác, cũng như để trốn tránh các nhà chức trách.
Ngành công nghiệp chuyên làm giả hộ chiếu
Nasir Abas, cựu thủ lĩnh của nhóm Jemaah Islamiah (JI) – một nhánh của Al-Qaeda tại Đông Nam Á – cho biết việc tìm hộ chiếu như vậy khá dễ dàng. Theo Nasir, có 3 loại hộ chiếu được rao bán: hộ chiếu giả, hộ chiếu lấy từ cơ quan nhập cảnh với mã ID giả và hộ chiếu thật bị đánh cắp. “Có những người đầu cơ bán hộ chiếu bị đánh cắp. Họ sẽ bán hộ chiếu có ảnh tương tự như đặc điểm khuôn mặt của người mua. Điều này không dễ, nhưng những người đầu cơ này có nhiều hộ chiếu để người mua lựa chọn”, Nasir nói.
Video đang HOT
Nasir, một công dân Malaysia hoạt động tại Jakarta, thú nhận đã từng sử dụng hộ chiếu Indonesia để đến miền nam Philippines, nơi ông thành lập một trại huấn luyện bán quân sự. “Tôi đã nhận được một hộ chiếu Indonesia thật từ cơ quan nhập cư nhưng sử dụng ID giả”, Nasir kể. Nasir bị bắt năm 2003 và được thả tự do vào 2004. Sau đó, ông này đã hợp tác hỗ trợ Chính phủ Indonesia trong nỗ lực chống cực đoan hóa.
Đã có một số vụ bắt giữ liên quan đến các phiến quân sử dụng hộ chiếu giả. Tháng 1-2018, Thái Lan đã bắt một người Pakistan làm giả hộ chiếu Singapore và Ấn Độ bán cho IS. Năm 2016, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, cho biết IS đã tìm cách đánh cắp hộ chiếu ở Iraq, Syria, Libya và thành lập cả một ngành công nghiệp chuyên làm giả hộ chiếu. Năm 2015, một trong những kẻ đánh bom tự sát trong một loạt các cuộc tấn công khủng bố phối hợp ở Paris đã vào Châu Âu bằng hộ chiếu Syria giả.
Nỗ lực ngăn chặn
Ông Yassin cho biết, để ngăn tội phạm khủng bố xâm nhập vào đất nước, Malaysia đã sử dụng dữ liệu của Interpol về giấy tờ bị trộm cắp hoặc mất khi du lịch để sàng lọc những cá nhân muốn nhập cảnh. Malaysia cũng đã thành lập một Trung tâm phản hồi tin nhắn (CMC) để dò tìm và chặn đứng hành vi cực đoan hóa trên mạng xã hội. Thông tin tình báo được thu thập thông qua CMC giúp cảnh sát Malaysia thực hiện nhiều vụ bắt giữ và tấn công tiềm tàng. Kể từ năm 2013, Malaysia đã phá 25 âm mưu khủng bố và bắt giữ 512 nghi phạm liên quan đến IS.
Theo báo cáo của chính phủ Mỹ hồi tháng 11, dù Malaysia có thành tích tốt trong việc phá vỡ các âm mưu khủng bố, thì nước này vẫn là một nguồn cung cấp và điểm trung chuyển của các nhóm khủng bố như IS, Al-Qaeda, Jemaah Islamiah và nhóm thánh chiến hoạt động tại Philippines. Báo cáo cho biết, năm 2018, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 20 cá nhân ở bang Sabah với cáo buộc tiến hành các hoạt động liên quan đến khủng bố, bao gồm đưa các phần tử thánh chiến vào miền nam Philippines, bắt cóc, tuyển mộ trẻ em làm phiến quân, làm lá chắn cũng như tham gia vào các vụ chặt đầu của nhóm Abu Sayyaf. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện trên biển để ngăn chặn mọi hành động tội phạm như cướp bóc, cướp biển hoặc các hành động khủng bố có thể ảnh hưởng đến sự di chuyển của các con tàu qua eo biển Malacca”, ông Yassin cho biết.
AN BÌNH
Theo cadn.com.vn
Đông Nam Á cảnh giác với các nhóm khủng bố sau cái chết của thủ lĩnh IS
Sau cái chết của trùm khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi, các nhà chức trách ở Indonesia và Malaysia đang cảnh giác, trong khi dự báo khả năng sẽ có một dòng người trung thành với IS đổ về Philippines.
Marawi ở Mindanao (Philippines) từng là thành trì của nhóm chiến binh Đông Nam Á theo hệ tư tưởng của IS
Ảnh hưởng của IS vẫn chưa thể xóa bỏ
Ông Ayob Khan Mydin Pitchay, người đứng đầu bộ phận chống khủng bố của Chi nhánh đặc biệt Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, cái chết của Baghdadi sẽ không có bất kỳ tác động nào đối với Malaysia, vì các kế hoạch tấn công khủng bố ở Malaysia đều xuất phát từ những con sói đơn độc và những cá nhân tự cực đoan hóa theo hệ tư tưởng thánh chiến Salafi của IS.
Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục cảnh giác với những kẻ theo thánh chiến trốn thoát để mắt tới khu vực. "Chừng nào hệ tư tưởng IS không bị loại bỏ và các nhóm chiến binh theo tư tưởng thánh chiến Salafi chưa bị diệt trừ thì mối đe dọa khủng bố sẽ vẫn còn", ông Ayob Khan Mydin Pitchay nói, đồng thời ví dụ nhóm khủng bố al-Qaeda vẫn tiếp tục tồn tại sau cái chết của người sáng lập, trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011.
Theo một quan chức cấp cao của Đội Densus 88, đội đặc nhiệm chống khủng bố của cảnh sát Indonesia, "hệ tư tưởng IS" vẫn là nội dung mà đơn vị này tập trung đấu tranh khi nó đã lan rộng khắp đất nước qua sách và phương tiện truyền thông xã hội đến mức khó có thể ngăn chặn ảnh hưởng của nó.
Sofyan Tsauri, cựu thành viên của nhóm al-Qaeda ở Đông Nam Á tin rằng cái chết của Baghdadi là một đòn giáng mạnh vào tinh thần của IS trên toàn cầu, khi mà nhóm này không được xây dựng trên số lượng mà trên ý thức hệ. "Mặc dù vậy, sự kiện này hoặc làm nhóm suy yếu hoặc có thể kích hoạt các cuộc tấn công trả thù", Tsauri nói.
Theo cựu thành viên al-Qaeda, IS vẫn phổ biến với những người Indonesia đang gặp khó khăn về kinh tế và phân biệt đối xử, vì họ coi nhóm này là một giải pháp cho cuộc đấu tranh của họ".
Cảnh giác với chiến thuật khủng bố mới
Cũng có khả năng một dòng người trung thành với IS sẽ tới Philippines, nơi duy nhất ở Đông Nam Á các phần tử có cảm tình với IS có thể kiểm soát lãnh thổ hoặc được huấn luyện quân sự. "Thủ lĩnh của IS đã chỉ đạo các chiến binh Đông Nam Á đến Philippines", Giáo sư Zachary Abuza thuộc Đại học Quốc gia về chiến tranh ở Washington cho biết, "với cái chết của Baghdadi, ngày càng nhiều chiến binh sẽ không nghĩ đến việc tới Iraq và Syria, vì vậy Mindanao sẽ là điểm thu hút bọn họ".
Mindanao, một hòn đảo thuộc phía Nam quần đảo Philippines là một điểm nóng của các hoạt động khủng bố. Nơi này, các chi nhánh của IS vào năm 2017 đã chiếm giữ thành phố Marawi trong 5 tháng, trước khi quân đội chính phủ giành lại được quyền kiểm soát vào tháng 10-2017. Khi đó, hơn 1.100 người đã thiệt mạng, bao gồm cả dân thường, trong cuộc tấn công lớn nhất của IS ở Đông Nam Á.
Phát ngôn viên của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP), Thiếu tướng Edgard Arevalo hôm 28-10 cho biết, AFP vẫn cảnh giác cao độ để ngăn chặn những diễn biến mới. "Lực lượng vũ trang Philippines sẽ tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ để ngăn chặn hoặc chống lại những kẻ cực đoan khủng bố đang tiếp tục đe dọa đất nước của chúng tôi", ông Arevalo nhấn mạnh.
Ông Arevalo kêu gọi công chúng báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện bất kỳ người hoặc hoạt động đáng ngờ nào, đồng thời bổ sung rằng "sự cảnh giác chắc chắn sẽ giúp các lực lượng an ninh loại bỏ IS tìm chỗ đứng ở Philippines".
Mặc dù vậy, Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khủng bố và nổi dậy ở Đông Nam Á, cho rằng, cái chết của Baghdadi sẽ không tạo ra sự khác biệt về mặt hoạt động đối với các tế bào khủng bố trong khu vực. "Tôi đoán là các phần tử cam kết trung thành với IS ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục làm những gì họ đang làm, bất kể các sự kiện diễn ra ở Syria. Các tế bào ủng hộ IS ở Indonesia trong 2-3 năm qua đã nhắm vào mục tiêu là cảnh sát và gần đây hơn là các chính trị gia", ông nói.
Theo anninhthudo
Lo sợ đánh bom dịp thượng đỉnh ASEAN, Bangkok thắt chặt an ninh Chính quyền Thái Lan thể hiện quyết tâm bảo vệ an ninh thành công Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và EAS, không để các vụ tấn công giống như hồi tháng 8 lặp lại. Thái Lan huy động hơn 17 nghìn nhân viên an ninh để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày của ASEAN và các nhà lãnh đạo...