Mới lấy chồng nhưng em vẫn “tòm tem” với người cũ
Mình đã có mối tình sâu sắc với anh và chưa thể quên được anh. Nhưng giờ mình đã kết hôn, là gái đã có chồng mà như thế này, có phải là quá tham lam không?
Ảnh minh họa
Mình và người yêu cũ của mình bằng tuổi nhau. Chúng mình yêu nhau khi cả hai đang bước vào năm thứ 2 Đại học. Trong thời gian yêu nhau, thân mật gần gũi cũng có, nhưng mình chưa muốn vượt rào. G cũng tôn trọng mình.
Nhưng cho tới khi 2 đứa chuẩn bị ra trường, trong 1 lần ở phòng mình, mặc mình phản đối, G đã cưỡng đoạt mình. Lần đầu tiên của mình đã diễn ra rất đau đớn như thế. Sau chuyện đó, tụi mình chia tay trong nước mắt. Mình tuy vẫn yêu G rất nhiều, nhưng khi đó do trẻ con, hiếu thắng, mình đã không vượt qua được.
Chia tay, mình và G đều đi làm xa, G hết đi vào Nam rồi lại ra nước ngoài. Xa nhau, 2 đứa vẫn liên lạc, vẫn dành tình cảm cho nhau như ngày mới yêu. Nhưng mình biết trong thời gian đó, G vẫn có những người con gái khác, rất nhiều là đằng khác. Đó là những cuộc tình thoảng qua, là những mối tình qua đường hay sâu sắc.
Video đang HOT
Mình không thể biết hết, mình chỉ biết G vẫn gọi điện về, vẫn quan tâm tới mình, ngọt ngào với mình như những ngày yêu nhau, vẫn thường xuyên nói lời yêu thương với mình. Có lẽ vì mình đã yêu G quá nhiều, dù cũng hận G nhiều. Nhưng 4 năm kể từ ngày chia tay, mình không thể mở lòng được với 1 người con trai nào khác. 4 năm mình sống lặng lẽ, không đi cafe, hẹn hò lấy 1 lần, không 1 cái nắm tay.
Cho tới khi mình gặp chồng mình, nếu quen nhau trực tiếp, có lẽ cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Nhưng mình và ông xã quen nhau qua 1 người bạn, liên lạc điện thoại 1 thời gian dài, cho đến khi quyết định gặp nhau. Khi đó, mình đã nghĩ rất nhiều, thời gian, tuổi tác… Chồng mình là người tốt, quan tâm yêu thương mình, lấy người yêu mình như thế, mình sẽ được hạnh phúc.
Khi mình nói sẽ kết hôn, G trở về. G vẫn nồng nàn như ngày nào. Bao năm không gặp, mình đã rất rối bời. Chuyện gì đến cũng đến, 2 đứa lại lao vào nhau, lại yêu nhau như ngày nào. Mình biết mình vẫn yêu G, trước đây còn có nỗi hận, nhưng bao năm đã qua, giờ chỉ còn là tình yêu mà thôi…
Mình cũng đã quyết tâm bao lần, rằng đây là lần cuối, rằng mình sẽ không bao giờ qua lại với G nữa. Nhưng đâu lại vào đấy. G nói bao năm qua vẫn yêu mình, không quên được mình, những cuộc tình kia chỉ là chớp nhoáng, qua đường mà thôi.
Mình vẫn yêu G, rất yêu G, nhưng mình vẫn quyết định lấy chồng. Thời gian sau ngày cưới, 2 vợ chồng mình ở xa nhau vì thế mình và G vẫn thường xuyên liên lạc, gọi điện tâm sự, nói chuyện. Có nhiều chuyện mình không muốn nói với chồng, với bất kỳ ai nhưng với G, mình có thể nói tất cả, nói cả ngày không biết chán. Nhưng cuối cùng chồng mình biết điều này và xô xát đã xảy ra. Chồng mình trong lúc nóng giận đã gọi mình là chó, là mày, chồng mình cũng đã xưng tao, đã cấm mình không được liên lạc với G nữa. Từ bé tới giờ, chưa bao giờ mình bị xúc phạm như vậy.
Mình yêu chồng, không muốn vợ chồng lục đục, tan vỡ. Giờ chồng mình chỉ biết mình và G hay gọi điện, nói chuyện hàng ngày, chứ nếu biết mình và G đã gặp nhau, đã qua lại này nọ và đã vụng trộm “yêu” thì chắc chồng mình viết đơn ly hôn luôn quá. Mình không muốn điều đó xảy ra.
Nhưng giờ những lúc buồn như thế này, mình lại càng nhớ G nhiều hơn. G cũng buồn, ốm lên ốm xuống. Chứng kiến người yêu đi lấy chồng, giờ lại như thế này. Giờ mình phải như thế nào đây? Hiện tại mình tuy mới cưới nhưng thấy cực kỳ bế tắc. Mong các bạn cho mình một lời khuyên.
Theo Afamily
Nhớ tiếng gọi đò
Nhà tôi ở bờ Bắc sông Vu Gia (Quảng Nam), còn huyện lỵ nằm phía bờ Nam nên chuyện đi lại khó khăn thập phần, nhất là vào mùa mưa lụt. Trước năm 1995, học sinh cấp 3 (thời của tôi là cấp 2) quê tôi phải ở trọ nhà bà con hoặc quen biết bên bờ Nam chứ không thể đi về hằng ngày được bởi đò giang cách trở.
Mỗi làng có dăm ba ngôi nhà ngói là nhiều, trong đó phân nửa là nhà ngói quà (mái lợp ngói, vách bằng phên tre trét cứt trâu), còn lại là nhà tranh, phên tre, cột bằng gốc tre. Nhà nào có được cái chuồng cu (4 cây cột gỗ ghép mộng xuyên trính ở gian giữa), còn lại là tranh tre đã thuộc vào hạng khá giả. Đò ngang là chiếc ghe đan trét dầu rái. Người chèo đò là dân vạn chài ven sông. Người trong làng đi đò không phải trả tiền, tới mùa họ đến nhà lấy lúa. Tôi không nhớ bao nhiêu song nghèo cả làng, cả xã chắc họ cũng nghèo theo. Mấy người con gia đình vạn chài đi học với tôi hồi nhỏ, dường như tới lớp ba rồi nghỉ. Tôi biết tóm lưỡi câu, cắm câu là nhờ những người bạn ấy.
Ảnh : TRẦN CHÍ KÔNG
Sau ngày giải phóng, người dân vạn chài ở quê tôi được cấp đất ruộng như người trên bờ nên cuộc sống họ dần dần khá lên nhờ có thêm nghề làm cá và đưa đò. Mưa ở quê tôi cứ sùi sụt suốt ngày nên đường lầy lội, có nơi bùn ngập ống quyển. Hồi nhỏ, mẹ tôi phải nhờ mấy anh lớn hơn trong xóm cõng giúp khi tôi đi học mà gặp phải những chỗ bùn sâu. Hòa bình lập lại, đường làng quê tôi cũng thế. Và đến thời điểm ấy, tôi mới hiểu thế nào là "mưa đen trời thối đất". Bây giờ, mỗi lần nghĩ về quê nhà, tôi vẫn nhớ đến những mái nhà tranh với khói lam chiều, nhớ những ngày "mưa đen trời thối đất", nhớ gian bếp nhà ai trong mùa mưa lụt vừa để nấu ăn vừa chất củi rều (những cành khô trôi từ thượng nguồn xuống) xung quanh ông kiềng cho khô để làm chất đốt nên khói mịt mù...
Trời tháng 10 khoảng 4-5 giờ chiều là đã tối om. Đường trơn như thoa mỡ mà ai cũng vội vội vàng vàng. Tới bến sông thấy nước đục ngầu chảy xiết nhưng vẫn tin mình sẽ được đến nhà. Bên kia sông, mấy ánh đèn dầu trong nhà hắt ra lập lòe cứ như ánh đuốc ma trơi. Gió rít trên đầu, nước dập dềnh trước mặt và khản giọng kêu đò. Nếu nghe tiếng mái dầm hoặc con sào đụng vào be ghe lộp cộp là mừng; còn chỉ có tiếng gió, tiếng mưa quất vào ruộng dâu, vào bờ tre thì tiếp tục... đò ơi! Nghe tiếng người chèo đò hoặc người trong gia đình băng gió vọng tới báo nước chảy xiết đò qua không được thì phải quay trở lại tìm nhà người quen tá túc qua đêm.
Năm 1995, vùng B (các xã thuộc huyện Đại Lộc nằm bờ Bắc sông Vu Gia) được Liên Hiệp Quốc tài trợ kinh phí cải tạo đồng ruộng, mở đường, xây cầu qua sông. Liền đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam tiến hành bê-tông hóa đường nông thôn. Bến đò quê tôi được cầu Quảng Huế bắc ngang qua nối đường trải nhựa chạy khắp vùng. Từ đó, đời sống tinh thần, vật chất của bà con quê tôi khá lên thấy rõ. Bây giờ, xe hơi lên xuống ào ào. Mùa mưa lụt, xe cũng chạy vào tới tận nhà, giày dép chẳng phải xách tay lội bùn như trước. Đêm hôm, dù có mưa gió bão bùng, người hai bên bờ sông Vu Gia vẫn qua lại bình thường - điều mà trước năm 1995 nằm mơ cũng không thấy. Người chèo đò năm xưa vẫn ở nơi bến sông ấy nhưng nhà cửa khang trang, đẹp đẽ; lắm người ở phố thị không bằng. Đã đôi lần, tôi về đứng trước cổng nhà anh, thấy dấu tích của bến cũ mà tưởng đến tiếng gọi đò trong đêm vắng...
Quê tôi bây giờ không còn nhà tranh, có nhiều nhà cao tầng. Và dưới những mái nhà ấy, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng học bài, vẫn thấy làn khói thơm lan ra chuẩn bị cho bữa cơm chiều...
Theo VNE
Một tiếng "nhà" Trong khi khuyên nhủ chúng ta phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở rằng đó là cái vốn ngàn đời của dân tộc. Và trong cái vốn rất phong phú ấy, chúng ta có thể tìm thấy thêm được nhiều điều vê dân tộc mình. Có lẽ ngôn từ đầu tiên đã khiến...