“Mỗi lần về quê là bị mẹ ‘lột sạch’ tiền, mình đã nói rõ với mẹ là sẽ không đưa tiền cho mẹ nữa”
Phía sau quyết định của Nguyệt là một câu chuyện dài khiến người đọc xúc động lẫn thấm thía.
Câu chuyện “Mang tiền về cho mẹ” đang gây nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng. Có người cho rằng là phận làm con, gửi tiền về cho bố mẹ là việc nên làm để trả hiếu, chẳng có gì bàn cãi cả. Thế nhưng, cũng có những ý kiến không đồng tình vì nghĩ: Tiền đem về cho mẹ không khác nào tiền chết, nó không mất đi nhưng cũng chẳng sinh lời. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, nên để tiền đó đi đầu tư thì hơn.
Giữa những tranh cãi của 2 luồng ý kiến, Lê Nguyệt – cô gái từng được biết đến khi từ bỏ công việc lương cao ngất ngưởng ở Hà Nội để về quê trồng rau làm vườn, đã có những chia sẻ rất chân thật về việc có nên mang tiền về cho mẹ hay không.
Lê Nguyệt từng hi sinh vất vả về mình để gửi tiền về cho mẹ
“Mỗi lần về quê là mẹ ‘lột sạch’ tiền của mình”
Lê Nguyệt từng là một người tháng nào cũng gửi tiền về cho mẹ dưới quê, đến mức bản thân sạch túi chẳng còn đồng nào. ” Hồi chưa lấy chồng, và chỉ mới kiếm được một xíu tiền, mỗi lần về quê là mẹ “lột sạch” tiền của mình, chỉ còn duy nhất đủ tiền bắt xe quay trở lại Hà nội.
Sau khoảng dăm ba lần như vậy mình thấy “Ủa, không được! sao bao nhiêu tiền mình kiếm được phải đưa hết cho mẹ vậy!” Vậy là mình lập mưu, về quê là viết ra giấy trước, bao nhiêu tiền dành để đi chơi với mấy đứa bạn, bao nhiêu tiền đưa cho mẹ, bao nhiêu tiền đi xe… rồi chỉ đem đúng số tiền đó về thôi, mẹ hỏi thêm thì sẽ bảo là hết rồi.
Nhưng mẹ mình không có hỏi đâu, mẹ cho mình thấy mẹ vất vả tới mức nào, vậy là con bé lóc cóc đi xe 14km để rút sạch sành sanh mọi đồng cuối cùng trong thẻ ATM về dúi vào tay mẹ.”
Lúc đó, cô gái trẻ với chữ hiếu làm đầu luôn quanh quẩn mãi với việc gửi hết tiền về cho mẹ và giữ lại một ít cho bản thân. Không gửi về cho mẹ thì không được, mà gửi hết thì bản thân mình lại thấy thiệt thòi.
Cô kể: “Hồi đó mẹ mình hay hỏi mình tiền lắm, nên cứ mấy bữa lại gửi tiền về cho mẹ trả nợ chỗ nọ người ta đòi, nợ chỗ kia người ta hối. Khoảng dăm lần như vậy mình cạn hết tiền, rồi bật khóc tức tưởi, thấy chẳng công bằng gì cả, sao mình quần quật kiếm tiền mà mình không được hưởng, sao mình không được tiêu cho bản thân mà phải đưa hết cho mẹ vậy?”.
Dù có nhiều đắn đo suy nghĩ, nhưng Nguyệt vẫn gửi tiền về cho mẹ. Bởi cô biết rằng, mẹ cô không có tiền, một phần vì phải nuôi bầy con 4 đứa, phần nữa là do không có kiến thức tài chính. Cô hi vọng, trả hết nợ cho mẹ rồi thì số tiền gửi về sẽ ít đi.
Nguyệt (trên cùng) và mẹ
“Không đưa tiền cho mẹ nữa, bởi vì tiền trong tay mình có thể 3 sẽ sinh ra 10, nhưng tiền trong tay mẹ sẽ bị sóng xô đổ hết mà thôi”
Lê Nguyệt đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ khi biết mẹ mình đem tiền trả nợ đi “làm ăn” và bị thua lỗ. Cô không còn làm bao nhiêu gửi về hết bấy nhiêu nữa. Thay vào đó, cô chỉ gửi đúng số tiền cho mẹ chăm lo cuộc sống. Còn lại, cô giữ để đầu tư, làm ăn và lập nghiệp.
Nguyệt chia sẻ: “Mình đã nói rõ với mẹ là sẽ không đưa tiền cho mẹ nữa, bởi vì tiền trong tay mình có thể 3 sẽ sinh ra 10, nhưng tiền trong tay mẹ sẽ bị sóng xô đổ hết mà thôi. Chỉ những lần về thăm quê, những dịp lễ tết thì gửi ít tiền cho mẹ. Những khi ốm đau thì mấy đứa con gái sẽ lo hết”.
Sau nhiều lần tự rút ra kinh nghiệm, cô đã biết cân bằng được giữa việc “gửi tiền về cho mẹ” và “giữ lại cho bản thân”. Cô biết rằng tiền đưa thêm cho mẹ, sẽ không làm mẹ đỡ vất vả hơn mà chính mình phải là người giữ tiền đó để làm ra thêm nhiều tiền.
“Tiền mình đưa thêm cho mẹ, sẽ không làm mẹ đỡ vất vả hơn, bởi vì mẹ có thương một kẻ, kẻ đó không biết thương mẹ cho nên phá huỷ mọi thứ mẹ xây. Cuộc đời mẹ mình giống như là ngồi bên bờ biển và xây những ngôi nhà bằng cát vậy. Mẹ cố gắng xây, và rồi cơn sóng tới đổ xô hết, nhưng mẹ lại hy vọng là lần tới sẽ không như vậy nữa đâu.
Thiên hạ có thể rất giỏi kiếm tiền, nhưng bọn mình thì không thông minh, tài giỏi gì, từng đồng kiếm được đều đổi bằng hàng bao nhiêu năm luyện tập cố gắng, từng giờ soạn bài, hết lòng đem kết quả tốt nhất cho khách hàng, có những đồng kiếm được đổi bằng nhiều nỗi tủi nhục mà người khác không hay biết, đổi bằng những buổi dạy khàn hết giọng. Nói như Đen Vâu, là tiền sạch, không phải tiền ‘tệ’”.
Video đang HOT
Chia sẻ về cách đưa tiền cho mẹ của Nguyệt khiến dân mạng xúc động
Những chia sẻ chân thật của Lê Nguyệt nhận được nhiều ủng hộ. Không phải cứ đem tiền về cho mẹ mới là báo hiếu nhưng không phụng dưỡng cha mẹ cũng không được. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cân bằng giữa hai nguồn tiền “cho đi” và “giữ lại”.
Nếu bố mẹ bạn có một cuộc sống không quá khó khăn, thì hãy giữ tiền đó để đầu tư và làm ăn. Vì số tiền bạn gửi về, bố mẹ cũng sẽ cất trong tủ mà thôi. Nó vô tình biến thành “tiền chết” – không mất đi nhưng cũng không sinh lời. Nếu gia đình bạn cần sự giúp đỡ, hãy gửi tiền về để phụng dưỡng bố mẹ. Nhưng hãy nhớ gửi đúng và đủ thôi, đừng gửi hết. Hãy dành lại một ít để đầu tư cho sự nghiệp của bản thân.
Đọc nguyên văn chia sẻ của Lê Nguyệt tại đây:
“MANG TIỀN VỀ CHO MẸ
Hồi chưa lấy chồng, và chỉ mới kiếm được một xíu tiền, mỗi lần về quê là mẹ “lột sạch” tiền của mình, chỉ còn duy nhất đủ tiền bắt xe quay trở lại Hà nội.
Sau khoảng dăm ba lần như vậy mình thấy “Ủa, không được! sao bao nhiêu tiền mình kiếm được phải đưa hết cho mẹ vậy!”. Vậy là mình lập mưu, về quê là viết ra giấy trước, bao nhiêu tiền dành để đi chơi với mấy đứa bạn, bao nhiêu tiền đưa cho mẹ, bao nhiêu tiền đi xe… rồi chỉ đem đúng số tiền đó về thôi, mẹ hỏi thêm thì sẽ bảo là hết rồi.
Nhưng mẹ mình không có hỏi đâu, mẹ cho mình thấy mẹ vất vả tới mức nào, vậy là con bé lóc cóc đi xe 14km để rút sạch sành sanh mọi đồng cuối cùng trong thẻ ATM về dúi vào tay mẹ.
Sau đó mình lấy chồng, nghén cả 9 tháng trời, dạy học chỉ tuần vài hôm, cho nên không dư dả gì nhiều. Lúc Nhật Đan được 1,5 tháng thì mình dạy học lại (cũng không quá ảnh hưởng tới con vì mình thuê phòng trọ với lớp học sát vách, giữa 2 ca mình tranh thủ chạy lên cho con bú).
Hồi đó mẹ mình hay hỏi mình tiền lắm, nên cứ mấy bữa lại gửi tiền về cho mẹ trả nợ chỗ nọ người ta đòi, nợ chỗ kia người ta hối. Khoảng dăm lần như vậy mình cạn hết tiền, rồi bật khóc tức tưởi, thấy chẳng công bằng gì cả, sao mình quần quật kiếm tiền mà mình không được hưởng, sao mình không được tiêu cho bản thân mà phải đưa hết cho mẹ vậy?
Mình nắm chặt bàn tay, quyết tâm lần này phải nói chuyện rõ ràng với mẹ, vậy là gọi điện kêu mẹ hãy ghi ra tất cả mọi khoản nợ nần mà mẹ có, không để sót khoản nào hết, con sẽ kiếm tiền để trả hết sạch nợ cho mẹ. Rồi mẹ mình báo số tiền cần trả nợ, đâu gần 100 triệu gì đó (hồi tầm đầu 2011, đó là một khoản không nhỏ). Mình cố gắng dạy thêm lớp, học hỏi thêm để có nhiều học viên hơn, đổi lại được số tiền đó và gửi về cho mẹ, thấy tự hào và hạnh phúc lắm, vì từ giờ mẹ không bị nợ dí nữa, sẽ được ăn ngon ngủ yên hơn.
Một thời gian ngắn sau, ai đó lỡ lời và mình phát hiện ra là hồi đó mẹ chỉ dùng 1 phần tiền trả nợ thôi, còn một phần lớn mẹ đem đi… đầu tư. Chặp đó ở quê mình hot vụ cho vay nặng lãi lắm, lãi cao gấp chục lần gửi ngân hàng, nhiều người “ăn to” cực, tiền cứ gọi lại tăng nhanh như lũ về.
Mẹ mình tính là đem 60 triệu cho vay, rồi vài tháng sau rút ra, tiền gốc đem đi trả nợ, phần lãi tính để vốn làm ăn. Có lẽ đọc tới đây bạn cũng đoán được chuyện gì đã xảy ra, giống kiểu mọi người giờ “đu đỉnh” chứng khoán ấy, mẹ mất trắng toàn bộ. Nợ vẫn dí hàng ngày, và lần này không dám nói với Nguyệt, cũng không cho ai nói với Nguyệt, vì tính con Nguyệt nó mà điên lên thì ai cũng sợ.
Khi nghe tin, đúng là mình đã phát điên, còn nhớ lúc đó mình đang ở trong phòng học một mình, ngậm chặt hai hàm răng, nước mắt bỗng trào lên, hơi thở khó khăn, mình đập tay xuống bàn tưởng như nát bàn tay, mình hét lên “a á á a…”. Nhật Đan lúc đó mới được mấy tháng, nhỏ xíu, ở phòng trên bị giật mình bởi tiếng hét điên khùng của mẹ cũng khóc toáng lên. Mình hét lên rồi tiếng hét chuyển thành tiếng khóc, bao nhiêu tủi hờn cứ thế trào dâng trong trái tim, bao nhiêu mệt mỏi được giấu đi giờ cùng nhau ùa về xâm chiếm cơ thể, một cách vô thức, mình đi tới góc phòng và ngồi xuống, hai tay ôm đầu gối, tự ôm mình thành một cục và cứ vậy nức nở.
Tối hôm đó mình đòi chồng dẫn đi ăn ở quán ngon nhất, mua bộ đồ đẹp nhất. Có bao nhiêu tiền tiêu hết đi!
Một thời gian sau, cùng với sự góp sức của em gái, bọn mình lại góp tiền để trả nợ cho mẹ. Lần này là cầm tiền mặt trong tay, đi cùng mẹ tới đưa tận tay cho người ta, chứ không đưa tiền cho mẹ cầm nữa.
Nợ đó ghi bằng tên của mẹ, nhưng mẹ đâu có tiêu đồng nào cho bản thân đâu, nợ đó là vì phải nuôi 4 đứa con ăn học, nợ đó là phải lo cho con có “cái ăn cái mặc”, nợ đó là dù có vất vả tới mức nào mẹ cũng không để đứa nào bị bạn bè cười chê. Mẹ mình hồi 24 tuổi đã có 4 đứa con, từ khi sinh ra, lớn lên, mình chẳng thấy ai khổ và vất vả như mẹ hết.
Mẹ dậy từ rất sớm, tất tưởi đi chợ bán hàng, trưa về nhanh chóng nấu ăn cho cả nhà. Bát ăn chưa xong nhiều khi đã đặt xuống để chuẩn bị cho buổi chiều đi cấy, bắc mạ, đi gặt lúa, bỏ phân…
Mẹ là phụ nữ nhưng còn đi cày nữa, mẹ là phụ nữ, nhưng đi xe “min khơ” chở heo về làm thịt như những gã đàn ông lực lưỡng nhất. Ai đó nói mẹ mình ngầu vì biết đi xe đó, mình giận lắm, mẹ đâu muốn ngầu đâu, mẹ chỉ nỗ lực làm bất cứ việc gì để có tiền nuôi con của mẹ thôi.
Mùa đi dẫn nước vào ruộng ở quê, đêm mùa đông lạnh căm căm (giờ chỉ ngủ dậy thò tay vào nước lạnh mình đã thấy cóng hết tay), nhưng mẹ lầm lũi trong đêm với cái đèn pin lúc sáng lúc không, mẹ cãi nhau, chửi nhau, giằng co nhau với người ta để dẫn được nước về ruộng nhà mình, đặng rồi cuối mùa còn có hạt lúa chắc mà nuôi con.
Sau đợt đó, mình nhận ra là mẹ mình (hay ai khác), không có tiền, một phần vì phải nuôi bầy con 4 đứa, phần nữa là do không có kiến thức tài chính, cho nên dù có bao nhiêu tiền thì cũng sẽ hết mà thôi.
Tiền mình đưa thêm cho mẹ, sẽ không làm mẹ đỡ vất vả hơn, bởi vì mẹ có thương một kẻ, kẻ đó không biết thương mẹ cho nên phá huỷ mọi thứ mẹ xây. Cuộc đời mẹ mình giống như là ngồi bên bờ biển và xây những ngôi nhà bằng cát vậy. Mẹ cố gắng xây, và rồi cơn sóng tới đổ xô hết, nhưng mẹ lại hy vọng là lần tới sẽ không như vậy nữa đâu.
Rồi mẹ lại xây tiếp, và cơn sóng lại tới và cuốn hết sạch, mẹ lại tiếp tục xây, tự nhủ lòng rằng lần này sẽ khác. Mẹ không bỏ con sóng đi được, cứ ngồi đó để xây, và niềm tin cứ nhen nhóm là rồi sẽ được thôi. Có người sẽ nghĩ là niềm tin của mẹ thật mạnh mẽ, không đâu, chỉ là vì mẹ không còn lựa chọn nào khác mà thôi!
Mình và em gái mình cứ một dạo lại phải đi giải quyết đống đổ nát do cơn sóng gây ra, và mẹ thì không đỡ khổ hơn chút nào. Bọn mình muốn làm gì đó cho mẹ, chứ không muốn lại đưa cát cho mẹ xây, rồi cơn sóng lại từng đợt từng đợt cuốn trôi hết sạch.
Thiên hạ có thể rất giỏi kiếm tiền, nhưng bọn mình thì không thông minh, tài giỏi gì, từng đồng kiếm được đều đổi bằng hàng bao nhiêu năm luyện tập cố gắng, từng giờ soạn bài, hết lòng đem kết quả tốt nhất cho khách hàng, có những đồng kiếm được đổi bằng nhiều nỗi tủi nhục mà người khác không hay biết, đổi bằng những buổi dạy khàn hết giọng. Nói như Đen Vâu, là tiền sạch, không phải tiền “tệ”.
Vậy nên mình đã nói rõ với mẹ là sẽ không đưa tiền cho mẹ nữa, bởi vì tiền trong tay mình có thể 3 sẽ sinh ra 10, nhưng tiền trong tay mẹ sẽ bị sóng xô đổ hết mà thôi. Chỉ những lần về thăm quê, những dịp lễ tết thì gửi ít tiền cho mẹ. Những khi ốm đau thì mấy đứa con gái sẽ lo hết.
Dạo này về quê, mình lại hay cho mẹ tiền, cho hàng tháng, bữa trước mẹ bảo “Lại cho nữa à, thích hầy!”.
Mình cười “Từ giờ tới cuối đời nha mẹ!”.
Mẹ phẩy tay cười “Thôi, được tháng nào hay tháng đó, biết đâu chuyện tương lai ra sao.”
Nhưng điều này mẹ đã sai rồi nhé. Những tài sản con đã cố gắng tiết kiệm được, đó chính là vì sợ hãi câu “tương lai không ai đoán được” mà mẹ vừa nói đấy. Tài sản đó con tiết kiệm là để đảm bảo rằng dù cho bất cứ loại tương lai nào có thể xảy ra thì bọn con vẫn lo được cho bố mẹ và cháu của bố mẹ. Đôi bàn tay vẫn còn ngay đây, bất cứ lúc nào con muốn, con đều có thể kiếm được bất cứ số tiền nào con cần và con biết RÕ rằng, tiền của con luôn ĐỦ để cho mẹ cho tới cuối đời.
Con không cho mẹ nhiều hơn bởi vì con biết dù có nhiều hơn bao nhiêu đi nữa, mẹ cũng sẽ không giảm bớt những việc đang làm mà nghỉ ngơi đâu. Cái ham làm, ham “kiếm thêm đồng nào hay đồng đó” đã ngấm sâu vào từng tế bào của mẹ mất rồi.
Mẹ đừng quá lo cho tuổi già của mình, bởi vì con không tiêu tiền vào những điều linh tinh phù phiếm, nên con luôn có ĐỦ cho những việc và người quan trọng. Và nếu như phải xếp thứ tự thì mẹ, con trai, chồng và chính bản thân con là 4 người đứng đầu danh sách.
Cho nên mẹ hãy an tâm nhé, lúc cần tiền cho việc quan trọng, chỉ cần nói với con một câu nhé mẹ của con!
Vì nếu không có mẹ, con đâu được may mắn sinh ra trên cõi đời này. Và dù đổi ngàn bạc vàng châu báu hay cả một hành tinh cho riêng mình, con cũng sẽ chỉ chọn mẹ mà thôi.
Yêu mẹ của con,
Nguyệt Nguất”.
Ảnh: FBNV
Năm hết Tết đến mà lương 3 cọc 3 đồng, đây là bí quyết để mang tiền về cho mẹ không thành áp lực
Đáng chú ý là bí quyết này không chỉ áp dụng ở mỗi chuyện mang tiền về cho mẹ mà còn có nhiều giá trị khác.
Vượt qua khuôn khổ một bài hát, Mang Tiền Về Cho Mẹ của Đen Vâu đang trở thành câu chuyện được nhiều người quan tâm hiện tại. Có người xúc động vì lyrics của Đen, có người mải tranh cãi nên mang tiền về cho mẹ hay đem đi đầu tư,...
Và cũng không ít người lại tìm cách để mang tiền về cho mẹ không trở thành nỗi lo mỗi dịp cuối năm, ngay cả khi lương chỉ 3 cọc 3 đồng. Đây chính là những chia sẻ của Sophie - chủ nhân Clever Girls, kênh YouTube về kiếm tiền, tiết kiệm và đầu tư.
Sophie nói về Sinking Fund
Sophie cho biết bí quyết của mình nằm ở Sinking Fund, hay còn gọi là "quỹ chìm". "Quỹ chìm là khoản tiền bạn tiết kiệm hàng tháng phục vụ cho một sự kiện/ khoản chi tiêu mà bạn dự đoán được trong tương lai" - Sophie nói.
Lấy ví dụ rõ ràng hơn, thời điểm cuối năm này, nhiều người có một khoản tiền gọi là mừng tuổi bố mẹ vào dịp Tết - đây là khoản dự đoán được vì năm nào cũng cần. Vậy thay vì đến cuối năm mới cuống cuồng lo chuyện mang tiền về cho mẹ thì hãy lập một quỹ chìm rồi chuẩn bị từ đầu năm đến cuối năm, để đảm bảo đến Tết sẽ có 1 khoản tiền.
Ngoài việc góp tiền để mang về cho mẹ dịp Tết, những ví dụ khác cho Sinking Fund có thể kể đến là muốn mua một món đồ nào đó đắt tiền như điện thoại, laptop, xe máy,... Sophie chia sẻ: "Trong năm 2022 bạn muốn mua một chiếc laptop mới, dự định vào tháng 7. Các bạn có thể bắt đầu để dành tiền hàng tháng để đến đó có thể đủ tiền mua chứ không phải tới tháng 7 biết có bao nhiêu tiền trong túi rồi lúc đó mới huy động mượn người này người kia hoặc xài thẻ tín dụng để mua chiếc laptop đó".
Một điều cần lưu ý ở đây là phân biệt giữa quỹ dự phòng khẩn cấp và Sinking Fund. Quỹ dự phòng khẩn cấp là dành tiền dùng trong trường hợp bất khả kháng, đột xuất như mất việc, đau ốm, tang quyến... Sinking Fund là dành tiền chi tiêu cho những khoản bạn biết là không thể tránh khỏi, có lên kế hoạch trước như mua sắm Tết, sang năm đi du lịch,... Đó là những kế hoạch bạn cần chuẩn bị trước trong thời gian dài để đảm bảo không bị áp lực về thời gian, tài chính.
Chủ nhân kênh Clever Girls cũng nói rõ hơn về những lợi ích của Sinking Fund như sau:
1. Giảm gánh nặng về tài chính vì mục tiêu được chia trong thời gian dài và khoản tiền cần có được chia nhỏ ra.
2. Đảm bảo mọi mục tiêu và kế hoạch được thực hiện. Ví dụ muốn đi du lịch thì các bạn đã chuẩn bị sẵn tiền chứ không phải đến lúc thì tài khoản không có tiền, không đi du lịch được.
3. Tối ưu hoá chi tiêu. Tức là bạn sẽ phải lấp đầy những Sinking Fund trước khi bạn chi tiêu hàng ngày.
4. Vẫn tận hưởng cuộc sống mà không bị ảnh hưởng đến mục tiêu tài chính dài hạn ví dụ như đầu tư hay tự do tài chính.
Các bước thực hiện cũng được Sophie hướng dẫn chi tiết:
Bước 1: List các mục tiêu/ việc làm cần một khoản tiền nhất định và mốc thời gian phải có.
Bước 2: Tính số tiền mỗi ngày phải tiết kiệm. Chia từng khoản tiền theo khoảng thời gian để biết mỗi ngày cần tiết kiệm bao nhiêu.
Bước 3: Sử dụng ứng dụng ngân hàng có tính năng tự động trích tiền từ tài khoản mỗi ngày và cài đặt để app tự làm việc. Lưu ý tách riêng từng mục tiêu để không bị lẫn lộn, đảm bảo các mục tiêu sẽ được hoàn thành.
Cách tính Sinking Fund tiêu Tết của Sophie
Với Sophie, đây là cách làm khoa học, tự động và chủ động, giúp cô cân bằng các vấn đề tài chính trong 2 năm vừa qua.
Ảnh: Kênh YouTube Clever Girls
"Đừng đem tiền về cho mẹ, vì tiền không sinh lời" - quan điểm gây tranh cãi gay gắt Cô nàng Leng Keng khẳng định đó là một việc không nên làm chút nào. Những ngày gần đây, bài hát thịnh hành của Đen Vâu: "Mang tiền về cho mẹ" đang gây sốt khắp các diễn đàn. Tuy nhiên mới đây, hot Tiktoker Leng Keng có hơn 410 nghìn lượt theo dõi đã tung clip hơn 2 phút để phản bác ý...