Mỗi lần tranh cãi với mẹ chồng, bà đều lăm lăm cầm điện thoại, tôi tưởng chẳng có gì hoá ra đằng sau là âm mưu thâm độc vô cùng
Tôi rất muốn mạnh mẽ đứng lên bảo vệ ý kiến của mình, nhưng mẹ chồng luôn dồn tôi vào bước đường cùng!
Sống bất đồng quan điểm với mẹ chồng quả thực rất khổ cho phận làm dâu. Tôi sinh năm 1992, mẹ chồng sinh năm 1967, tuy chỉ hơn kém nhau 25 tuổi nhưng cảm giác như tư tưởng của bà ấy thuộc về thế kỷ trước vậy!
Hồi mới quen chồng với tư cách bạn trai, bà ấy đã hay xét nét, soi mói tôi. Đến độ tôi phải tự hỏi rằng nếu với bạn gái nào của con trai bà cũng làm vậy thì chắc anh ấy ế suốt đời mất. Mọi người biết không, đến nhà lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào gương mặt tôi để soi nhan sắc, bữa nào mặt lên mụn một chút thì bị nói ngay là “máu xấu, ăn đồ linh tinh, không biết giữ gìn cho bản thân”. Hoặc ngày nào ăn mặc đẹp đẽ, váy quần xúng xính sẽ bị mỉa “chỉ biết ăn diện, con gái thời nay như thế lấy chồng vào rồi theo trai lạ lúc nào chẳng hay”.
Ban đầu tôi thực sự ngại, bởi lẽ ở nhà bố mẹ tôi chẳng bao giờ chê con gái như thế cả. Xin phép được nói qua thì gia đình tôi gia giáo, dạy con nghiêm khắc nhưng không phải theo kiểu chửi bới thậm tệ.
Nếu không phải vì tình yêu dành cho chồng quá lớn, có lẽ tôi cũng chẳng bước chân vào nhà anh rồi. Lạ thay, tôi càng yêu anh nhiều, tôi càng thấy khinh ghét mẹ chồng. Một người đàn ông xuất sắc như vậy tại sao lại có thể có một người mẹ không biết đúng sai phải trái mà suốt ngày chỉ muốn mình trên cơ?
Ảnh minh hoạ.
Chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà, bố chồng thì mất từ lâu nên tất nhiên mẹ chồng sẽ sống cùng với chúng tôi. Tính tới nay đã hơn 3 năm về làm dâu mà tôi cảm thấy bức bối, ngột ngạt lắm. Tôi chưa có con được cũng một phần là vì ức chế với mẹ chồng, mà khi phụ nữ đã khó chịu trong lòng sẽ chẳng muốn làm gì hết.
Hồi mới về làm dâu, có ức chế gì tôi cũng sẽ lẳng lặng bỏ qua, sau đó tâm sự với bố mẹ đẻ. Ba mẹ thương tôi và dỗ dành thôi thì cuối tuần về ăn cơm với họ một bữa để xóa nhòa mọi bực bội bên phía nhà chồng. Thành ra đúng là cuối tuần nào tôi cũng xin phép mẹ chồng về bên nhà ngoại ở tận 2 ngày trời. Đến tối Chủ nhật mới về nhà.
Video đang HOT
Chuyện này cũng có lợi, bởi lẽ trong tuần đi làm cả ngày, tối mới về nhà nên giảm thiểu thời gian tiếp xúc với mẹ chồng. Cuối tuần cũng chẳng phải giáp mặt bà ấy. Dù có bực bội đến đâu bà ta thật khó để hành tôi cho được.
Tuy nhiên, những dự tính của tôi không kéo dài được lâu. Mẹ chồng dường như đã phát giác ra được ý đồ con dâu nên đã gây sức ép ngược lại. Bà ấy kêu than tuổi già cô đơn, con cái cũng chẳng đoái hoài gì đến mình. Chồng tôi thì thương mẹ, anh đứng giữa cũng rất khổ sở nên cầu xin tôi đừng về nhà ngoại thường xuyên nữa mà ở bên chăm sóc cho mẹ anh. Như đã nói, tôi có thể hi sinh vì chồng mình, vậy nên tôi đồng ý.
Những tưởng mẹ chồng sẽ thay tính đổi nết, nào ngờ bà ấy vẫn luôn dành cho tôi một sự xét nét khủng khiếp. Đáng ngờ hơn, mỗi lần cãi nhau, mẹ chồng cứ lăm lăm tay cầm cái điện thoại mọi người ạ! Ban đầu tôi tưởng chẳng có việc gì cơ, mãi đến tận mới đây thì tôi hiểu vì sao bà ấy tay cứ cầm điện thoại.
Ảnh minh hoạ.
Thì ra, sau mỗi trận cãi vã tay đôi với con dâu, mẹ chồng sẽ lén gọi điện cho bố mẹ tôi để “thông báo tình hình”. Bà ta nỉ non rằng tôi là đứa con dâu mất dạy, không biết tôn ti trật tự trong nhà, hở một cái là đòi về với bố mẹ đẻ. Thậm chí còn dọa nếu tôi mà vẫn còn giữ tư tưởng đó thì sẽ “trả về”. Đồng thời, mẹ chồng còn không cho bố mẹ tôi tiết lộ với tôi về cuộc gọi điện ấy. Sở dĩ tôi biết hết chuyện này vì em trai tôi đã nghe lén tất cả và báo cáo cho tôi. Nó cũng dặn tôi không nên phơi bày mọi thứ, tránh ảnh hưởng tới thể diện của bố mẹ đẻ.
Ngặt nỗi, bố mẹ tôi lại tin lời mẹ chồng nói, nên nhất quyết nói với tôi rằng không được về nhà cuối tuần thường xuyên nữa. Dịp lễ, Tết có công chuyện gì thì mới bén mảng đến. Tôi nhớ như in lời bố mình quát “Lấy chồng rồi thì phải theo tục nhà chồng mà sống. Mày có bất mãn gì cũng được nhưng phải nghĩ cho thể diện của bố mẹ nữa, đừng để người ta đánh giá!”
Đấy, mẹ chồng giờ còn tìm cách chia rẽ tình cảm gia đình tôi… Mọi người thử xem tôi nên xử sự thế nào đây, chứ sống thêm vài năm nữa cùng bà ta chắc tôi không chịu nổi!
Tâm thư con dâu vụng gửi mẹ chồng
Hải và Vân gặp nhau lần đầu ở trường đại học. Vẻ đẹp tựa 'chim sa cá lặn' của Vân khiến Hải điêu đứng ngay từ giây phút đầu tiên.
Ảnh minh họa.
Biết Vân kiêu nên Hải chọn cách mưa dầm thấm lâu, mất 5 năm mới cưa đổ Vân.
Ngày cưới, khách khứa đông như đi trẩy hội, cả ngày mệt mỏi, khi gia đình hai họ về hết, nhà cửa cũng đã cơm nước xong xuôi, thấy bố mẹ chồng lên gác đi ngủ, Vân hồn nhiên gọi: "Hải ơi, vào ngủ luôn đi, tớ mệt lắm rồi".
Vừa gọi xong, mẹ chồng Vân không rõ thế nào hùng hổ bước vào phòng tân hôn, quát lớn: "Sao lại gọi chồng cái kiểu ấy? Sao lại xưng cậu tớ? Vào nhà này làm dâu phải có tôn ti trật tự trên dưới. Ở nhà bố mẹ cô không dạy được thì để tôi".
Vân xấu hổ, thanh minh do quen gọi nhau như thế từ hồi đi học, mẹ chồng mới dịu giọng: "Mẹ mắng thế thôi cho con rút kinh nghiệm. Con phải thay đổi, trong nhà mình không sao, người ngoài nghe thấy thế họ không chỉ đánh giá con mà còn đánh giá cả nhà mình".
Mặt Vân đỏ bừng, chỉ biết "dạ vâng" để nhanh chóng che giấu cảm xúc lúc đó. Vừa xấu hổ vì không bỏ được thói quen, vừa sợ bố mẹ chồng ấn tượng xấu về đứa con dâu vừa về nhà chồng như mình.
Vân là người dễ tiếp thu nhưng lại rất khó thay đổi những thói quen, đặc biệt là cách xưng hô. Khi chưa lấy Hải, cô thường gọi điện cho bố mẹ chồng và xưng bác cháu. Nhưng đến khi kết hôn rồi ở chung dưới một mái nhà, cứ đi làm về là Vân lại chào dõng dạc: "Cháu chào hai bác, cháu đi làm về rồi đây ạ".
Có hôm mẹ chồng tá hỏa chạy ra bịt miệng cô rồi nói vọng vào phòng khách: "Bác cứ ngồi chơi xơi nước nhá! Em chạy ra đây bảo cháu nó cái này rồi vào ngay".
Nhìn Vân, bà góp ý rất nhỏ nhẹ nhưng ánh mắt thì không hiền tí nào: "Con vừa gọi ai thế hả? Mẹ dặn bao nhiêu lần rồi? Con làm mẹ xấu hổ với bạn bè, hàng xóm. Liệu mà sửa cách xưng hô cho tử tế đi".
"Tai nạn" lần ấy khiến Vân xấu hổ, chỉ biết trả lời lí nhí: "Con xin lỗi, con lại quên mất. Bác... à quên, mẹ... mẹ vào nói chuyện tiếp đi ạ".
"Tội" của Vân kể từ sáng đến tối cũng chưa hết. Hồi còn ở với bố mẹ đẻ, nhà có người giúp việc nên cô chưa bao giờ vào bếp. Nhưng cô biết chiên trứng, chỉ là cô chưa từ bỏ được thói quen bỏ đường vào trứng cho ngọt nên dễ bị cháy khét khiến mọi người khó ăn.
Vân khoe với mẹ chồng: "Con cũng biết nấu mì gói và "luộc gạo" với điều kiện phải là nồi cơm điện xịn". Chưa tìm ra biện pháp "cải tạo" được cô con dâu "quý hóa", mẹ chồng đành tự làm hết việc nhà nếu không muốn ăn trứng cháy khét lẹt hoặc cơm sống.
Một lần, vợ chồng Vân đi làm về mệt, biết chắc ở nhà mẹ chồng không phần cơm nên Vân mua phở về ăn. Hải sai Vân đổ phở ra bát, anh đi thay đồ. Túi phở nóng quá, Vân làm đổ hết nước ra ngoài, trong túi chỉ còn vài miếng thịt bò và phở. Nhanh trí, Vân rót nước vào nồi làm nước dùng ăn đỡ... Ai dè, cô lại đổ nhầm nước trà. Lúc rót nước, cô thấy màu vàng kỳ kỳ nhưng kệ. Khi ăn mới phát hiện ra, Hải lỡ miệng la um sùm, thế là bố mẹ chồng cũng bị "dựng dậy" lúc nửa đêm.
Bữa đó, bao nhiêu bực tức dồn nén, bà trút hết lên Vân. Hải và bố chồng "dỗ" mãi, bà mới chịu quay lại phòng ngủ. Vân vừa mệt, vừa đói lại vừa bị mắng "đúng tội", cô không trách ai nhưng cũng òa lên khóc một bữa cho thỏa.
Khóc lóc chán chê, Vân quay sang hỏi Hải: "Tớ phải làm thế nào để mẹ hết giận hả cậu?". Hải nhìn Vân, thẳng thắn đề nghị: "Em chẳng chịu thay đổi chút nào thì làm sao khiến mẹ hết giận được. Trước hết em phải thay đổi bằng được cách xưng hô với anh, cẩn thận khi nói chuyện với bố mẹ, đừng quên em đã là một phần trong gia đình này.
Anh nghĩ cách duy nhất để mẹ hết giận là em hãy viết cho mẹ một bức thư, lời lẽ thật chân thành và tình cảm. Ngày trước anh cũng từng làm như vậy, mẹ vừa nhanh hết giận, mà bản thân mình cũng sẽ tiến bộ lên rất nhiều, em cứ thử xem".
Viết thư cho mẹ chồng, riêng phần liệt kê những lỗi sai của mình, Vân viết đến hơn 2 trang giấy. Cuối thư, cô bày tỏ: "Con về làm dâu nhà mình trong sự vụng về và luống cuống. Đứng trước bao ánh mắt săm soi của họ hàng, con chỉ muốn òa khóc vì thấy mình lạc lõng và nhỏ bé làm sao. Nhưng thật may mắn vì con đã có mẹ ở bên. Từ nay con sẽ chăm chú lắng nghe những lời chỉ bảo của mẹ. Hãy tha thứ cho con, mẹ nhé!".
Mẹ chồng bắt đóng 7 triệu mà bữa cơm toàn lạc với trứng, nàng dâu có màn "tiền trảm hậu tấu" khiến bà tiếc đứt ruột vì mất tiền vẫn phải giả bộ vui vẻ Sau nhiều lần bị mẹ chồng cho ăn cơm với trứng và lạc rang, nàng dâu liền nghĩ kế khiến bà chừa thói keo kiệt quá mức! Mai vốn là một cô gái xởi lởi và phóng khoáng. Tính cách của cô được mọi người yêu quý, trừ bà Lý, mẹ chồng cô. Khi yêu Tuấn, Mai nhiều lần được mách bảo rằng...