Mỗi lần 2 vợ chồng cãi nhau, vợ lại gọi điện kể lể thút thít với tình cũ
Chẳng biết vợ tôi suy nghĩ thế nào mà mỗi lần cãi nhau hay buồn chuyện gì về chồng là lại gọi điện khóc lóc, than thở với người cũ cả đêm.
Tôi gặp vợ mình trong một lần đi dạo siêu thị cùng đứa cháu. Khi ấy, thằng bé ham chơi nên bỏ tôi chạy đi trước vào khu trò chơi. Tôi loay hoay tìm mãi thì thấy nó đang đứng bắn chơi trò chơi với một cô gái trẻ. Nhìn cô bé cười ngây thơ chỉ cho thằng nhỏ chơi mà tôi có ấn tượng rất tốt về em.
Sau đó, tôi mời em đi ăn kem. Ban đầu em không chịu đi nhưng cháu tôi nài nỉ nên em đành đi theo. Trong lúc ăn, chúng tôi nói chuyện nhiều hơn và không quên trao đổi só điện thoại để dễ liên lạc.
Những ngày sau đó, tôi chủ động liên lạc, rủ cô ấy đi chơi, đi ăn uống. Dù nhà tôi ở thành phố, nhà cô ấy ở quê, cách xa gần 30km nhưng chiều tối nào tôi cũng lên nhà đưa cô ấy đi chơi. Có thể nói, khoảng thời gian ấy là quãng hạnh phúc nhất của chúng tôi.
Sau gần 1 năm yêu nhau, chúng tôi chính thức nghĩ đến chuyện kết hôn (Ảnh minh họa)
Khi yêu nhau, cô ấy cũng mập mờ kể về chuyện tình cũ, nhưng tôi không mấy bận tâm. Tôi nghĩ, ai cũng có quá khứ, đào sâu thêm đau khổ. Sau gần 1 năm yêu nhau, chúng tôi chính thức nghĩ đến chuyện kết hôn.
Trong khi bàn bạc, chúng tôi cãi nhau to việc nên đãi khách ở nhà hay nhà hàng. Ai cũng có những lí do riêng của mình, mãi không thống nhất được, tôi bỏ ra ngoài hút điếu thuốc cho khuây khỏa. Không ngờ, khi quay lại phòng khách, tôi sốc nặng khi nghe em khóc lóc, kể lể với ai đó trong điện thoại. Rồi nghe em nói “Nếu là anh, anh sẽ chiều theo ý em đúng không?”. Tôi lờ mờ đoán ra, em đang nói chuyện với người yêu cũ. Thấy tôi, em vội vã tắt điện thoại rồi lau nước mắt. Tôi gặng hỏi thì em chỉ bảo là nói chuyệnn với 1 người bạn gái. Tôi bắt đầu nghi ngờ em từ đó.
Đêm tân hôn, khi chúng tôi đang hành sự thì em có cuộc gọi đến. Tôi đành dừng lại để em tiếp chuyện điện thoại. Đó là cuộc gọi từ tổng đài nhạc chờ, tò mò nên tôi bảo em mở to lên. Hóa ra người yêu cũ của em đã gửi tặng em một bài hát, lời lẽ đầy yêu thương và oán trách. Nhìn em nghe say sưa mà tôi như muốn điên lên. Hắn ta cũng lắm mưu thật, chọn ngay đêm người ta vui vẻ nhất để hành động.
Nghe xong rồi, em quay sang ôm tôi, nhưng tôi chẳng còn hứng thú nữa nên quay lưng ngủ. Em ấm ức giải thích người ta tặng thì em nghe chứ em có tặng cho người ta đâu. Tôi kệ em giải thích, rồi khóc lóc. Khi đó, tôi chỉ thấy bực bội, khó chịu. Nếu không sợ ra ngoài ngay đêm tân hôn bị người khác dị nghị, tôi đã đi ngay rồi.
Nhưng kể từ đó trở đi, mỗi lần cãi nhau, em lại mở to bài hát đó lên để chọc tức tôi. Nhiều khi nghĩ lại, thấy em trẻ con quá. Vợ chồng trẻ sống chung không tránh khỏi những va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống. Chúng tôi cãi nhau thường xuyên về những việc không đâu. Ví như em thích tôi tối nào cũng ở nhà với em. Nhưng tôi còn những mối quan hệ xã hội không thể bỏ. Mà đi đâu một chút là em nhăn nhó, gọi điện liên tục. Hay em muốn tôi chở em đi biển, đi chơi, nhưng tôi bị viêm xoang, đi ra đường nhiều, hít bụi đường là rất khó chịu…
Video đang HOT
Mỗi lần như thế, em lại bỏ vào phòng, đóng sập cửa lại rồi khóc lóc, bỏ ăn, chờ tôi an ủi. Quá mệt mỏi, có khi tôi kệ thì em ngang nhiên đi ra ngoài, gọi điện khóc lóc với người cũ.
Lần đầu tiên tôi bắt được tại trận là khi em đang nói xấu chồng với người đó. Tôi nhẹ nhàng núp vào chậu cây sau lưng em và nghe rất rõ. Mà hình như em tức quá nên nói cũng to. Khi tôi bước ra và bảo em đưa điện thoại, em đã rất hoảng sợ. Em tắt rồi chộp lấy xóa cuộc gọi đi. Nhưng chẳng may cho em khi người cũ của em lại gọi lại. Thành ra, tôi được nói chuyện trực tiếp với cậu ta.
Tôi yêu cầu cậu ta không được gọi làm phiền vợ tôi nữa. Nhưng cậu ta bảo rằng chính vợ tôi gọi than thở với cậu ta. Sau đó, tôi và vợ giận nhau cả tháng, em cũng làm mọi cách xin lỗi, hứa hẹn tôi mới cho qua.
Vậy mà mới thứ 2 tuần này, cô ấy lại tái phạm. Hôm ấy, tình cờ thấy em nói hỗn với mẹ tôi. Ttôi lên tiếng khuyên can thì cô ấy mắng luôn cả tôi. Nhìn cách vợ xa xả mắng chồng, tôi chịu không được mới tát cho em một cái để em bình tĩnh lại. Không ngờ, em nhào vào đánh lại tôi. Trận đó là trận cãi nhau to nhất từ hồi cưới nhau.
Thấy bố mẹ tôi can ngăn thì em đùng đùng bỏ về phòng, mở nhạc thật to để giễu tức mọi người. Đến bữa cơm, thấy chẳng ai kêu xuống ăn cơm, cô ấy mở cửa phòng, bật loa rồi nói chuyện với người cũ như thể trêu người tôi vậy. Thấy con dâu như vậy, ba mẹ tôi chỉ biết lắc đầu.
Quá tức trước cách hành xử của vợ, tôi lầm lũi về phòng bảo em tắt nhạc. Em chẳng nói chẳng rằng gì mà nhào đến cánh tủ, lấy vài bộ quần áo rồi nhét vào vali và bỏ đi. Khi xuống nhà, em cũng chẳng chào ai một tiếng.
Từ hôm đó đến nay, vợ tôi ở lì nhà ngoại. Tôi cũng cố tình chẳng sang nhà ngoại đón vợ hay xin lỗi vợ. Tôi cứ để vợ ở bên đó mà thoải mái điện thoại cho người cũ kể lể. Nhưng thú thật, giận thì giận nhưng tôi vẫn còn yêu vợ rất nhiều. Tôi phải làm sao để em nhận ra lỗi sai và tự quay về đây?
Theo Afamily
Điều phụ nữ không nên kể với người khác về chồng mình
Chồng bạn không thể tự thay dầu xe, anh ấy không giỏi sửa nhà? Bạn bè của bạn không cần phải biết điều này.
Có 10 chủ đề bạn không nên chia sẻ với người khác về chồng mình, hãy cẩn trọng vì những chia sẻ quá mức có thể làm hỏng cuộc hôn nhân của bạn:
1. Nỗi sợ hãi của chồng
"Phụ nữ thường không ngần ngại khi chia sẻ về nỗi sợ hãi của họ," Audrey Sherman, tiến sĩ, nhà phát triển kỹ năng tâm lý giáo dục nói. Tuy nhiên, tiết lộ rằng anh ấy sợ sấm sét hoặc chó dữ, có thể làm cho anh ấy trở nên yếu đuối trong mắt người khác. Quan trọng hơn, khi anh ấy đã tin tưởng mà chia sẻ những lo sợ của mình với bạn, tiết lộ những bí mật của anh ấy chứng tỏ bạn không phải là một người an toàn để tâm sự, tiến sĩ Sue Johnson, tác giả của cuốn Love Sense: The Revolutionary New Science of Romantic cho biết thêm. Trước khi bạn chia sẻ, hãy suy nghĩ xem anh ấy sẽ cảm thấy thế nào khi biết được chuyện này.
Ảnh: blog.vaughanfirm.com.
2. Đời sống tình dục của bạn - trừ khi đó là lời khen ngợi
Trao đổi những câu chuyện nhạy cảm là một phần trong những buổi trò chuyện của các cô gái. Bạn không nên chia sẻ về kích thước, vẻ ngoài hay hành động của anh ấy, tiến sĩ Elizabeth Lombardo, tiến sĩ, tác giả của cuốn A Happy You: Your Ultimate Prescription for Happiness nói. "Phụ nữ có xu hướng nhạy cảm về ngoại hình của họ", tiến sĩ Lombardo chỉ ra. Hãy tưởng tượng nếu chồng bạn kể với bạn bè của anh ấy rằng bạn thường mặc quần bóp dáng, và bạn đã già nua từ mấy năm trước rồi, bạn sẽ cảm thấy bị xúc phạm và bị phản bội, đúng không? Vì vậy, nếu muốn chia sẻ, hãy chỉ đưa ra một vài nhận định tích cực và ngắn gọn về chồng mình.
3. Thói quen khó chịu của chồng - với gia đình
Phê bình chồng, ngay cả về những chuyện nhỏ nhặt như để quên giầy ở ngoài, cũng có thể tạo ra căng thẳng. "Nói về những thiếu sót của chồng sẽ tạo cho người khác cái nhìn tiêu cực về chồng bạn", tiến sĩ Lombardo giải thích. Hãy nghĩ xem bạn có cần thiết phải kể những câu chuyện đó ra không. Đó có thể là một câu chuyện đùa. Bạn không nên tiết lộ những vấn đề nghiêm trọng mà chưa thảo luận trước với chàng.
4. Nói rằng anh ấy không phải người đàn ông lý tưởng hoặc thất bại trong công việc
Kể với bạn bè rằng chồng mình chưa thành công trong công việc là lợi bất cập hại. "Nền văn hóa của chúng ta thường mặc định rằng những người đàn ông có thể kiểm soát và cáng đáng mọi việc lớn", tiến sĩ Johnson nói. Việc tiết lộ rõ ràng điều đó có thể khiến chồng bạn trở nên hèn kém trong mắt người khác. Có ngoại lệ không? Đó là khi chồng nhờ bạn giúp đỡ tìm kiếm công việc mới. Trong trường hợp đó, những lời giới thiệu từ bạn bè có thể tạo nên sự khác biệt.
5. Sự vụng về của anh ấy
Chồng bạn không thể tự thay dầu xe, anh ấy không giỏi sửa nhà? Bạn bè của bạn không cần phải biết điều này. "Đàn ông bị đánh đồng nam tính với việc có thể sửa chữa mọi thứ", tiến sĩ Lombardo nói, bởi vì vai trò truyền thống của người đàn ông là cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho gia đình của họ. Mặc dù ý tưởng này có vẻ lỗi thời, đối với nhiều người đàn ông, thật khó có thể chia sẻ điều đó. Bạn muốn kể với người khác câu chuyện hài hước về chiếc bàn hỏng 3 chân nhà mình? Hãy trò chuyện với anh ấy trước hoặc để anh ấy tự nói ra.
6. Một thiếu sót lớn mà bạn chưa từng nói với anh ấy
Cho dù anh ấy không quan tâm, gần gũi với con cái, hay nóng nảy, không chịu thỏa hiệp, hãy nói với chồng bạn trước tiên chứ không phải là bạn bè của bạn. Nói về các vấn đề nghiêm trọng sau lưng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm của hai bạn. Theo tiến sĩ Johnson, không góp ý về những thiếu sót của nhau sẽ dẫn đến một mối quan hệ bí bách, đau khổ.
7. Những điều không hay mà chồng nói về bạn, gia đình và bạn bè của bạn
"Chia sẻ những nhận xét tiêu cực mà chồng đã nói sẽ làm cho bạn bè của bạn không muốn tới gần anh ấy", tiến sĩ Sherman nói, điều này làm mất thiện cảm của bạn bè với chồng bạn. Thậm chí, tiết lộ những điều này có thể kéo cả gia đình bạn vào để giải quyết vấn đề. Nếu chồng liên tục đưa ra những nhận định tiêu cực về một người nào đó hoặc người thân của bạn, hãy cho anh ấy cơ hội để hiểu ra và sửa chữa. Nếu anh ấy có những nhận xét chê bai thường xuyên, hãy mặc kệ. Hãy tập trung vào những điểm tốt của anh ấy, bạn sẽ hạnh phúc hơn.
8. Quan điểm chính trị hoặc tôn giáo của anh ấy
Bạn có thể cảm thấy thoải mái trong những cuộc tranh luận sôi nổi với bạn bè, còn những quan điểm của chồng bạn, hãy để anh ấy tự nói ra. Anh ấy có thể có lý do nghề nghiệp hoặc cá nhân để giữ cho những điều này cho riêng mình. Bài học quan trọng ở đây là giao tiếp: "Biết thông tin thật về nhau sẽ loại bỏ được sự phỏng đoán", tiến sĩ Sherman nói. Nếu bạn muốn đề cập đến quan điểm tín ngưỡng tôn giáo hoặc chính trị của chồng, hãy đề cập một cách đơn giản. Ví dụ, nếu bạn đang mời tham dự một lễ rửa tội mà chồng bạn không tham gia, chỉ nên nói rằng: "Chồng mình không theo Công giáo, nên anh ấy không muốn đi", và không đi vào chi tiết hơn, tiến sĩ Johnson nói.
9. Mối quan hệ căng thẳng của anh ấy với một thành viên gia đình
Đàn ông có thể chậm chạp khi giải quyết những vấn đề làm họ buồn lòng, đặc biệt là với người thân. "Đó là một cơ chế đối phó từ khi anh ấy còn là một đứa trẻ trai", tiến sĩ Lombardo nói. Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì anh ấy chưa giải quyết được vấn đề, tuy nhiên, nói ra khi anh ấy không ở đấy cũng không thể giải quyết được vấn đề. "Bởi vì đó là gia đình hoặc bạn bè của anh ấy, anh ấy sẽ tự chọn lựa và giải quyết vấn đề của riêng mình", tiến sĩ Lombardo nói. Bạn không thể hiểu được cách giải quyết của chàng, nhưng hãy cố gắng tôn trọng nó. "Hãy thật khôn ngoan bằng cách thể hiện sự cảm thông trong tình huống này", tiến sĩ Johnson nói.
10. Thời điểm khó khăn trong quá khứ của anh ấy
Phụ nữ dường như rất dễ dàng chia sẻ khó khăn và nhắc lại quá khứ. Tuy nhiên, "đàn ông không muốn nhắc lại quá khứ của mình", tiến sĩ Lombardo nói. Vì vậy, bạn không nên chia sẻ những khó khăn, thử thách mà anh ấy gặp phải. Nếu bạn tự hào về một thử thách anh ấy vượt qua hoặc nghĩ rằng một người bạn rất muốn nghe câu chuyện này, hãy khuyến khích chồng tự chia sẻ câu chuyện của mình. Anh ấy sẽ chia sẻ nếu biết rằng câu chuyện của mình có thể giúp đỡ một người nào đó.
Theo VNE
Mệt mỏi với mẹ chồng 'hai mặt' Những lúc chỉ có mẹ chồng và con dâu ở nhà thì bà nằm dài trong phòng riêng vừa ăn vặt vừa xem ti vi hoặc qua nhà hàng xóm buôn chuyện. Nhưng tầm 6h chiều khi bố chồng và chồng em sắp đi làm về bà cũng nhanh chân về nhà trước. Bà tranh thủ đụng vào cái này một tí cái...