Môi giới bất động sản có nguy cơ bỏ nghề khi thị trường trầm lắng
Từng ồ ạt bỏ nghề lao vào làm “ cò đất” với giấc mơ đổi đời, thế nhưng khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm, những môi giới bất động sản này đang phải chật vật tìm kế sinh nhai.
Ảnh minh họa.
Trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản chứng kiến những cơn sốt đất từ Bắc vào Nam. Người người nhà nhà đổ xô đi buôn đất và nghề môi giới bất động sản lên ngôi khi được cho là nghề “hái ra tiền”. Thực hư “hái” ra bao nhiêu thì không rõ nhưng người nọ đồn người kia khiến cho nhà nhà đổ xô đi làm môi giới. Không ít người mơ đến lương tháng vài trăm triệu đồng/tháng mà sẵn sàng bỏ nghề chính để đi làm “cò” đất.
Thế nhưng, đến khi cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm, những môi giới tay ngang gặp khó. Nhiều người đã phải gác lại giấc mơ đổi đời từ nghề môi giới đất chuyển sang những nghề khác để có đồng ra đồng vào nuôi sống bản thân và gia đình.
Anh Nguyễn Thanh Lam (Hà Nội) vốn là một nhân viên kế toán tại một công ty ở Hà Đông, Hà Nội với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng. Trong lúc đang chán cảnh làm văn phòng, anh được người bạn rủ chuyển sang làm môi giới bất động sản cho một sàn có tiếng tại Hà Nội. Bước vào nghề đúng lúc thị trường hưng phấn, thời gian đầu, đội môi giới của anh liên tục chốt được các lô đất nền ở Phú Xuyên. Vì thế, tổng thu nhập của anh có những tháng lên tới gần trăm triệu đồng.
Thế nhưng 3-4 tháng nay, thị trường dần giảm nhiệt. Khách mua không thấy đâu hoặc có thì cũng rất khó xuống tiền. Vì thế, mấy tháng nay, anh Lam không bán được lô nào trong khi vẫn phải bỏ tiền ra chạy quảng cáo, đăng tin.
“Tôi đang phải bóc lương khô mà sống. Với tình trạng thế này, không chắc là tôi còn trụ được với nghề. Nếu thị trường không khởi sắc thì tôi phải bỏ công việc này mà đi kiếm nghề khác”, anh Lam chia sẻ.
Video đang HOT
Không riêng gì anh Lam, hiện nay nhiều môi giới ở các tỉnh từng sốt đất cũng đã quay lại với nghề cũ hoặc tìm những công việc mới cho mình.
Cúng giống như anh Lam, chị Nguyễn Tuyết (Bắc Ninh) cũng đã bỏ nghề may để chuyên tâm đầu tư cộng với môi giới đất. Theo chia sẻ của chị Tuyết, đợt sốt đất vừa qua chị mua đi bán lại cũng lãi được một khoản kha khá cộng với khoản hoa hồng môi giới tính ra thu nhập mỗi tháng của chị Tuyết lên đến vài trăm triệu.
“Người ta hay nói vui, làm lụng cả năm không bằng tiền lời lô đất, câu này đúng với lúc thị trường sốt. Nhưng khi cơn sốt qua đi, nếu ai không nhanh chân rút thì khốn khổ. Lúc thị trường nóng, tôi mua đi bán lại chỉ sau đó dăm bữa nửa tháng lãi vài trăm triệu nhưng khi thị trường chững đăng bán mấy tháng mà không có ai hỏi mua.
Tiền của chôn hết vào đất, đất thì không bán được, may là tôi vẫn còn giữ lại một khoản phòng thân nên vẫn còn tiền chi tiêu. Giờ, tôi cũng không thể quay lại với nghề cắt may vì bỏ làm đã lâu. Tôi tính bỏ ra ít vốn đầu tư mở một quán nước nhỏ ngay tại nhà”, chị Tuyết chia sẻ.
Không thể phủ nhận, đất đai là một loại hình đầu tư sinh lời, thậm chí lời rất nhiều, để không cũng tăng giá trị. Bởi lý do này mà nhiều người đổ xô đi buôn đất, canh thời điểm để đầu tư, kiếm lời. Nhưng khi thị trường hạ nhiệt cũng là lúc không ít người rời bỏ thị trường.
Nhà đầu tư "quay xe" với nơi từng là "thủ phủ" phân lô, bán nền
Ồ ạt phân lô, bán nền tạo sức nóng cho thị trường bất động sản Hòa Lạc trong một thời gian dài, đến khi dừng phân lô, bán nền thị trường rơi vào trầm lắng, thanh khoản nhỏ giọt, nhà đầu tư "quay xe" tìm khu vực có tiềm năng hơn.
Nhà đầu tư quay xe
Anh Nguyễn Văn L. - môi giới đất nền tại khu vực Phú Xuyên, Hà Nội cho biết, hơn 2 tháng đổ lại đây, khách hàng của anh chủ yếu là các nhà đầu tư đã tìm hiểu, thậm chí đặt cọc mua đất nền tại Hòa Lạc nhưng đều rút khỏi nơi đó về khu vực anh bán tìm hiểu thị trường.
Anh L cho biết, nguyên nhân các nhà đầu tư "quay xe" với khu vực Hòa Lạc là do lệnh dừng phân lô, tách thửa hồi cuối tháng 3. Nhiều nhà đầu tư lo ngại sau lệnh này thị trường bất động sản Hòa Lạc sẽ trầm lắng. Do đó, họ nhanh chóng rút lui.
Thị trường bất động sản Hòa Lạc là một trong những thị trường giữ được sức nóng trong thời gian dài. Cơn sốt đất Hòa Lạc bắt đầu từ cuối năm 2018 kéo dài đến năm 2021.
Trong cơn sốt giai đoạn đó, giá đất tại Hòa Lạc trung bình tăng khoảng 40-50% so với thời điểm năm 2018. Còn những địa phương trọng tâm của thị trường Hòa Lạc như Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây đã tăng mạnh gấp đôi, gấp ba trong vòng hơn 2 năm.
Những năm trước đây, mặt bằng giá đất ở khu vực này còn thấp khoảng 3-6 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần sốt đất, giá đất nền khu vực này hiện đã được đẩy lên mức 15-25 triệu đồng/m2. Những vị trí đẹp, mặt tiền đường, giá bị đẩy lên 30-40 triệu đồng/m2.
Sự sôi động của thị trường Hòa Lạc chủ yếu đến từ phân khúc đất nền. Các sản phẩm được chào bán ra thị trường là những khu đất có diện tích lớn, được giới đầu cơ, đầu tư mua lại hoặc có sẵn từ trước, khi thấy thị trường có sóng liền phân lô bán nền. Đặc biệt, loại hình đất nông nghiệp, đất vườn, đất trồng cây lâu năm mang lại lợi nhuận lớn khi chuyển đổi thành công và phân lô ra bán.
Thị trường trầm lắng
Tuy nhiên, thời điểm đầu năm 2022, thị trường đất nền Hòa Lạc hạ nhiệt khi Sở TN&MT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Với một thị trường sôi nổi trong việc tách thửa, phân lô thì lệnh trên như một cú đấm khiến thị trường bất động sản Hòa Lạc lung lay. "Nhiều nhà đầu tư ngay lập tức rút lui tại thị trường này, họ tìm những khu vực khác tiềm năng hơn. Do đó, hoạt động kinh doanh bất động sản ở Hòa Lạc rơi vào trầm lắng, không còn những đoàn ô tô lũ lượt kéo về xem đất", một môi giới ở Hòa Lạc chia sẻ.
Mặc dù vậy, giá đất ở đây vẫn ở mức cao. Đơn cử, một mảnh đất diện tích 150m2 tại xã Phú Cát, Quốc Oai gần với trường đại học FPT được rao bán với giá 23 triệu đồng/m2.
Còn tại Thạch Thất gần khu Công nghệ cao Hòa Lạc có giá 19 triệu đồng/m2. Có thể thấy được, dù trầm lắng nhưng những vị trí đẹp, mặt tiền đường, giá chào bán cao.
Chỉ những mảnh đất trong dân có diện tích lớn từ 500-700m2, có một phần đất ở, chưa bị chuyển đổi và chưa phân lô, tách thửa có mức giá mềm, dao động từ 3-10 triệu đồng/m2.
Anh M. - một nhà đầu tư ở Hòa Lạc cho biết, hiện thanh khoản đang rất thấp. Nguyên nhân không chỉ đến từ việc dừng phân lô bán nền mà còn do giá đất không tương xứng với cơ sở hạ tầng. Trước giờ sốt do có rất nhiều thông tin tích cực như khu công nghệ cao, trường học, dự án... nhưng qua nhiều năm, các dự án đó vẫn làm trên giấy. Điều này khiến cho những nhà đầu tư đón đầu quy hoạch vỡ kỳ vọng.
Theo Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam TS Sử Ngọc Khương, cứ có thông tin quy hoạch là nghĩ đến đầu cơ đất. Nhưng nhà đầu tư cần lưu ý, quy hoạch cũng có thể thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào các điều chỉnh về kinh tế vi mô. Các công trình cơ sở hạ tầng giao thông cũng sẽ phụ thuộc vào những điều chỉnh này. Sau 5 - 10 năm, có thể quy hoạch lại được thay đổi, cập nhật, làm lại.
Ông cũng cho rằng nhà đầu tư cá nhân cần hết sức cẩn trọng để tránh dính "bẫy" của nhóm đầu cơ, môi giới. Các nhà đầu tư cần tham khảo thêm thông tin chính thức từ các cơ quan sở ngành địa phương về nguồn vốn, tiến độ... để có cái nhìn tổng quan về dự án. Do vậy các nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc cân nhắc đầu tư theo cơ sở hạ tầng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra lời khuyên: "Nhà đầu tư nên hết sức cẩn trọng trong việc tìm thị trường thời điểm này. Cần phải tìm hiểu kỹ để đánh giá chắc chắn là thị trường thật, đặc biệt địa phương thời gian qua giá bất động sản đã tăng cao, những địa phương có phong trào mua đất đai mà không chú trọng vào sản xuất, kinh doanh".
Môi giới bất động sản ( KỲ 3 ): Những lời hứa... gió bay Nhiều doanh nghiệp và nhân viên môi giới bất động sản đã "khóc ròng" khi bị "treo" không thời hạn hoa hồng hay lỡ "ký quỹ" vào các dự án. Trong câu chuyện của mình, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản trên đường 2/9 cho biết, năm 2018, công ty anh có tham gia phân phối một dự án ở...