Mới: FSIS đề xuất công nhận Việt Nam đủ điều kiện XK cá tra vào Mỹ
Cục Kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) vừa đề xuất công nhận hệ thống quản lý ngành cá Việt Nam tương đương với Mỹ, nghĩa là Việt Nam tiếp tục đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào Mỹ.
Cụ thể, ngày 14.9 vừa qua, FSIS đã đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang (Federal Register) đăng bản Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường Hoa Kỳ.
Hiện tài liệu này đã được đăng tải công khai trên website của Văn phòng Đăng ký Liên bang Mỹ tại địa chỉ https://www.federalregister.gov/public-inspection/current
Các đề xuất này thông báo về việc, FSIS đưa ra quyết định công nhận hệ thống kiểm tra cá Siluriformes ở Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan tương đương với hệ thống của Hoa Kỳ. Đề xuất đã được đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi trong 30 ngày.
FSIS đề xuất công nhận hệ thống kiểm soát cá tra Việt Nam tương đương với Mỹ.
Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan hiện xuất khẩu sản phẩm cá họ Siluriformes sang Hoa Kỳ theo các điều khoản quy định từ tháng 12/2015, quy tắc cuối cùng của FSIS cũng thiết lập hệ thống kiểm tra bắt buộc đối với sản phẩm cá Siluriformes (80 FR 75590).
Cả ba quốc gia trên đã gửi đầy đủ tài liệu cho FSIS nhằm đánh giá và công nhận quá trình kiểm soát hệ thống chất lượng tương đương và đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes sang Mỹ. FSIS đã xem xét tài liệu, tiến hành kiểm tra thực địa tại các quốc gia này và đưa ra kết luận trong bản dự thảo: Khi được triển khai, hệ thống kiểm tra của ba quốc gia trên tương đương với hệ thống kiểm tra của Hoa Kỳ.
Nếu dự thảo đề xuất này là quyết định cuối cùng của Mỹ thì Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan sẽ đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes sang Hoa Kỳ. Toàn bộ quy tắc kèm theo bản đề xuất sẽ được đưa vào Quy tắc Liên bang Hoa Kỳ (CFR).
Video đang HOT
Trước đó, thực hiện Luật Nông nghiệp Mỹ 2014 (Farm Bill 2014), ngày 2.12.2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ ban hành Chương trình Thanh tra cá da trơn có hiệu lực từ ngày 1.3.2016, tuy nhiên cho thời gian chuyển tiếp là 18 tháng.
Theo đó, từ ngày 1.9.2017, nếu quốc gia nào chưa nộp hồ sơ đánh giá tương đương, sẽ không được phép xuất khẩu các sản phẩm cá da trơn vào Mỹ.
Điều này đồng nghĩa Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào Mỹ.
Tại Việt Nam, ngay sau khi Chương trình thanh tra cá da trơn được ban hành, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với FSIS để thực hiện các hoạt động hợp tác kỹ thuật.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương để triển khai hài hòa giữa hoạt động hợp tác kỹ thuật với vận động ngoại giao và đấu tranh pháp lý, nhằm đảm bảo duy trì xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ.
Để duy trì xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã đề nghị FSIS đánh giá tương đương, đồng thời nộp đầy đủ hồ sơ phục vụ cho việc đánh giá tương đương theo yêu cầu của FSIS vào ngày 23.8.2017. Sau khi xem xét, FSIS khẳng định về mặt hồ sơ, hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ.
Mới đây, từ ngày 14-25.5.2018, FSIS đã thực hiện việc thanh tra thực tế hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn tại Việt Nam đối với 2 cơ quan kiểm tra Trung ương, 1 phòng kiểm nghiệm, 8 cơ sở chế biến xuất khẩu và 2 cơ sở nuôi cá tra.
Việt Nam đã nộp đủ các giấy tờ, chứng từ liên quan để được FSIS xem xét tương đồng.
Sau chuyến thực tế này, FSIS đã gửi Dự thảo Báo cáo đánh giá hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam. Theo NAFIQAD, trong báo cáo này, FSIS ghi nhận hệ thống văn bản pháp lý cũng như hệ thống tổ chức thực thi pháp luật của Việt Nam trong kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ cơ bản phù hợp với các quy định của FSIS.
Không phát hiện sai lỗi nghiêm trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng trong hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam. Tuy nhiên, còn một số sai lỗi không đáng ngại và đã được các bên liên quan giải trình, khắc phục và ghi nhận.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do bị áp thuế chống bán phá cao trong thời gian qua cũng như bị giám sát bởi Chương trình Thanh tra cá da trơn, tuy nhiên tính chung từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn tăng trưởng tốt nhờ giá bán tăng cao.
Đến hết tháng 6.2018, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ đạt 196,8 triệu USD, chiếm 19,6% tổng xuất khẩu cá tra và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Danviet
Cá tra Việt Nam - kỳ vọng từ Đề án giống 3 cấp
Cá tra Việt Nam (CTVN) đang tồn tại nhiều bất cập mà nguyên nhân sâu xa là do... con giống. Vì vậy để CTVN phát triển đúng tầm vóc của mặt hàng cấp quốc gia, cần phải bắt đầu từ con giống theo mô hình cá giống 3 cấp".
Đó là phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị "Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp tổ chức tại An Giang vào ngày 21.8.2018.
Theo số liệu Bộ NNPTNT, các tháng đầu năm 2018 ngành hàng cá tra tiếp tục duy trì tăng trưởng cao. Không chỉ người sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra đều có lãi.. mà kim ngạch xuất khẩu cũng tăng. Tính đến ngày 30.7.2018 đạt 1.198 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, dự báo, ngành hàng CTVN đang đối mặt với khó khăn. Đó không chỉ là việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục (từ 3,87 - 7,74 USD/kg), mà còn tiếp tục giảm sút thị trường EU do tác động từ truyền thông bôi bẩn...
Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm CTVN chưa hợp lý khi sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh chiếm đến trên 92% và 8% còn lại cũng chỉ là các sản phẩm có hình thức khác hơn một ít so với phi lê... Tuy nhiên theo Bộ trưởng, quan trọng hơn là tới đây Việt Nam không còn "một mình một chợ", bởi nhiều quốc gia đang "vào cuộc".
Ngoài Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia... hiện còn có thêm Trung Quốc đã nuôi và thu hoạch cá tra ở Hải Nam với hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, giá thành thấp. Trong khi đó, một số ít doanh nghiệp Việt vì lợi ích trước mắt đã lạm dụng phụ gia để tăng trọng, tỉ lệ mạ băng sản phẩm quá cao để gian lận thương mại làm giảm chất lượng sản phẩm, giảm sút uy tín của sản phẩm CTVN trên thị trường quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Cty Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) - khẳng định, nguyên nhân cốt lõi nằm ở khâu con giống. "Con giống không đạt chất lượng, vừa đẩy chi phí điều trị, vừa đẩy giá thành cao mà còn để lại nhiều nỗi lo về dư lượng sản phẩm và môi trường..." - bà Khanh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng vấn đề chất lượng con giống chiếm vị trí quan trọng trong chăn nuôi thủy sản (nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ quản), và cũng như bà Khanh, Bộ trưởng tin tưởng, kỳ vọng và xem đề án Giống cá tra 3 cấp như "chiếc chìa khóa" của vấn đề. Cụ thể là quy chuẩn hóa 3 cấp sản suất cá tra giống thay cho cách làm loạn xạ hiện nay.
Trong đó quy định rõ, cấp 1 gồm viện, trường chịu trách nhiệm chọn tạo cung cấp đàn cá tra bố mẹ chất lượng. Cấp 2, gồm Trung tâm giống thủy sản của tỉnh, các doanh nghiệp, trại giống có năng lực, nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột và cấp 3 là đơn vị ương dưỡng giống cá tra từ bột lên hương và lên giống. "Vấn đề quan trọng ở đây chính là sự đoàn kết, tin tưởng nhau. Muốn đi xa, không thể đi một mình" - Bộ trưởng lưu ý.
LỤC TÙNG
Theo Laodong
Cá tra Việt Nam có thể "đứt đường" vào Mỹ? Có nguy cơ cá tra, cá basa Việt Nam bị ngừng nhập khẩu hoàn toàn vào thị trường Mỹ từ tháng 3.2018, do chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định mới phía Mỹ đặt ra. Ông Nguyễn Phú Hòa - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cảnh báo như vậy tại Diễn đàn Xuất khẩu 2017 "Nhận diện...